Báo cáo “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Ngoài các website và sàn giao dịch TMĐT thì hoạt động giao dịch, mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua phương tiện là mạng xã hội hiện cũng đang thu hút số lượng rất lớn các cá nhân, doanh nghiệp. Xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian trở lại đây.
Về mặt pháp lý, các khuôn khổ cho hoạt động TMĐT, hoạt động của mạng xã hội đã được xây dựng chủ yếu từ năm 2013. Tuy nhiên, do các quy định này được xây dựng trong giai đoạn đầu của TMĐT, rất nhiều vấn đề chưa được đề cập hoặc được quy định rất chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Hơn nữa, do thực tiễn hoạt động TMĐT trên internet phát triển quá nhanh nên nhiều quy định đã trở nên lạc hậu. Chính vì vậy, pháp luật về quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử đang được rà soát và dự kiến sửa đổi trong thời gian tới.
Báo cáo này được xây dựng bởi các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động có yếu tố TMĐT thông qua công cụ mạng xã hội tại Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là rà soát quy định pháp luật và phỏng vấn sâu các đối tượng có liên quan.
Nghiên cứu cho thấy hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội khá đặc thù và không hoàn toàn giống với bất kỳ một hình thức TMĐT nào, bao gồm cả sàn thương mại điện tử. Một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn TMĐT là cho đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch thương mại. Trong khi đó các sàn TMĐT có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch TMĐT được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng. Một số mạng xã hội có bổ sung chức năng hỗ trợ hoạt động có yếu tố TMĐT (như Marketplace của Facebook hay Shop của Zalo) nhưng chức năng này mới chỉ dừng lại ở khâu giới thiệu sản phẩm và cung cấp thông tin, chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Thực tiễn này đòi hỏi pháp luật về TMĐT cũng cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động TMĐT phát triển. Việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi.
Chúng tôi hy vọng báo cáo này cung cấp một bức tranh tổng thể về hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội và những kiến nghị chính sách phù hợp cho việc quản lý những hoạt động này
Toàn văn Báo cáo:
Bản tiếng Việt: Báo cáo Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý
Bản tiếng Anh: Social Commerce in Vietnam: A Legal Review