Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Sửa những bất cập trong xử lý kỷ luật lao động

Thứ Ba 10:54 29-12-2009

Những quy định về hình thức kỷ luật lao động và người bào chữa trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) đã tạo hành lang pháp lý, góp phần tích cực vào việc đảm bảo trật tự sản xuất kinh doanh, kỷ luật lao động trong DN và quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được xem xét, sửa đổi tại dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này.

Bất cập trong áp dụng hình thức kỷ luật sa thải

Trong các hình thức kỷ luật lao động được quy định trong BLLĐ, đáng chú ý là sa thải, bởi đây là hình thức kỷ luật nặng nhất. Nếu bị xử lý theo hình thức này, NLĐ sẽ mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bản thân và gia đình. Vì vậy, cần có quy định thật cụ thể, chi tiết và chặt chẽ.

Tại Điều 85 BLLĐ đã quy định một số trường hợp cụ thể được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, gồm: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh; NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; NLĐ tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm..

Chính quy định cụ thể này đã tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc áp dụng và NLĐ khi bị kỷ luật sa thải cũng thấy thoả mãn, tránh được những tranh chấp dẫn đến khiếu nại, khởi kiện không đáng có.

Tuy nhiên, Điều 85 BLLĐ cũng quy định "có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của DN". Vậy hành vi khác theo quy định này là hành vi nào? Mức thiệt hại bao nhiêu là nghiêm trọng? Đây là vấn đề còn có những ý kiến, những quan điểm khác nhau.

Thực tế, có DN không biết cụ thể hoá nội dung này trong nội quy lao động như thế nào, đành ghi lại nguyên văn và áp dụng tuỳ tiện, thậm chí sử dụng nó như một công cụ để giải quyết mâu thuẫn nội bộ làm cho quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ càng thêm phức tạp. Có DN lại quy định trong nội quy lao động một số hành vi như: Tố cáo sai sự thật... (có đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định). Khi áp dụng để sa thải, NLĐ không đồng tình, khởi kiện ra toà.

Quan điểm giải quyết của các toà án cũng khác nhau. Có toà án cho rằng, NLĐ có hành vi tố cáo sai sự thật đã vi phạm nội quy lao động, NSDLĐ xử lý kỷ luật sa thải là đúng, bác đơn khởi kiện của NLĐ. Có toà án cho rằng, tố cáo không thuộc quan hệ lao động, không phải là hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Từ đó, chấp nhận khởi kiện của NLĐ, buộc NSDLĐ phải nhận lại NLĐ vào làm việc.

Quy định về mức thiệt hại được coi là nghiêm trọng trong nội quy lao động của các DN cũng khác nhau như: Có DN quy định năm triệu đồng, có DN quy định mười triệu đồng. Chính vì vậy, cùng một mức thiệt hại, nhưng ở DN khác nhau thì chịu hình thức kỷ luật khác nhau, thiếu tính thống nhất.

Điều 143 dự thảo BLLĐ (sửa đổi), tuy có bổ sung hành vi đánh bạc, hành hung gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi DN, tiết lộ bí mật sở hữu trí tuệ của DN, nhưng vẫn chưa cụ thể hoá về "có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của DN". Như vậy, dự thảo vẫn chưa khắc phục được những bất cập, vướng mắc nêu trên.

Quyền của bào chữa viên nhân dân: Thiếu cơ chế thực hiện

Cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, BLLĐ quy định quyền nhờ bào chữa của NLĐ, trong đó có bào chữa viên nhân dân (khoản 2 Điều 87). Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này cũng tiếp tục kế thừa (khoản 3 Điều 140).

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản pháp quy nào quy định cụ thể, chi tiết về chế định bào chữa viên nhân dân. Điều kiện, tiêu chuẩn để làm người bào chữa viên nhân dân, thẩm quyền công nhận bào chữa viên nhân dân, quyền và nghĩa vụ của bào chữa viên nhân dân, cách thức tổ chức, quản lý và cử tham gia bào chữa, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa như thế nào chưa được làm rõ. Vì vậy, hầu như chưa có sự tham gia của bào chữa viên nhân dân tại các phiên toà.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Luật Luật sư 2006, đội ngũ luật sư chuyên nghiệp ngày càng phát triển, nên chăng cần xem xét lại theo hướng bỏ chế định bào chữa viên nhân dân là người bào chữa trong BLLĐ khi sửa đổi lần này, thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (đảm bảo quyền bào chữa của đương sự quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 không có bào chữa viên nhân dân).

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét những vấn đề bất cập, vướng mắc về xử lý kỷ luật lao động nêu trên trong quá trình hoàn thiện dự thảo BLLĐ (sửa đổi) để trình Quốc hội.

Nguồn: Báo Điện tử Lao động

Các văn bản liên quan