Dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường
Ngày đăng: 08:39 29-01-2016 | 2299 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Pháp lệnh số: .......... |
Hà Nội, ngày tháng năm 2015 |
PHÁP LỆNH
Quản lý thị trường
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường,
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Pháp lệnh này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, công chức của Quản lý thị trường; hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành và phối hợp của Quản lý thị trường; đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với Quản lý thị trường; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
1. Cơ quan, công chức Quản lý thị trường.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trong thương mại, công nghiệp nhằm mục đích sinh lợi.
2. Hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường là việc tiến hành xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Hoạt động kiểm soát của Quản lý thị trường là việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, thẩm tra, xác minh, trinh sát, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin hoặc biện pháp khác do cơ quan Quản lý thị trường áp dụng để phát hiện kịp thời các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường.
4. Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Quản lý thị trường là các phương tiện, thiết bị, dụng cụ được sử dụng để phát hiện, chụp lại, ghi nhận, đánh dấu vi phạm của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Hình ảnh, bản ghi, dấu vết hoặc kết quả khác ghi thu được bằng các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ này được coi là chứng cứ để lập biên bản và xem xét xử lý trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường
1. Nhà nước xây dựng Quản lý thị trường thành lực lượng chuyên trách có tổ chức thống nhất, chính quy, hiện đại, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị vững vàng.
2. Quản lý thị trường được đầu tư cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; công chức Quản lý thị trường được đảm bảo các chế độ, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Chính phủ thống nhất quản lý đối với tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường.
4. Hoạt động của Quản lý thị trường phải khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
5. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo quy định của pháp luật.
6. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các ngành, các cấp và tổ chức có liên quan khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đối với Quản lý thị trường:
a) Hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, không đúng phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật;
b) Cản trở lưu thông hàng hóa và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; có hành vi dọa nạt, mua chuộc, dụ dỗ, lừa dối hoặc tương tự đối với tổ chức, cá nhân đang được thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoặc xử lý vi phạm hành chính;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi trái pháp luật khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính để có hành vi tiêu cực nhằm mưu lợi cá nhân hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân đang được thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoặc xử lý vi phạm hành chính;
d) Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường;
đ) Bao che, dung túng hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; không kiểm tra, xử lý hoặc xử lý không đúng, không kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khi thi hành công vụ;
e) Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Thanh tra và các hành vi bị cấm khác trong hoạt động công vụ của Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật.
2. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:
a) Giả danh công chức Quản lý thị trường; làm giả trang phục, Thẻ kiểm tra, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, ấn chỉ của cơ quan Quản lý thị trường;
b) Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở công chức Quản lý thị trường thi hành công vụ; không chấp hành Quyết định kiểm tra hoặc Quyết định thanh tra chuyên ngành của cơ quan Quản lý thị trường;
c) Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc công chức Quản lý thị trường thực hiện hành vi trái với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường hoặc vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ;
d) Trả thù, đe dọa trả thù, cản trở người làm chứng, người tố giác, người tố cáo hoặc người thân của họ trong việc làm chứng, tố giác, tố cáo các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Chương II
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,
TỔ CHỨC VÀ CÔNG CHỨC CỦA QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Điều 6. Vị trí, chức năng của Quản lý thị trường
Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương có chức năng kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành và đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường
1. Tham mưu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường, về tổ chức, xây dựng lực lượng Quản lý thị trường, về tiêu chuẩn công chức và chính sách, chế độ, đảm bảo điều kiện hoạt động của Quản lý thị trường.
2. Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; tiếp nhận, xử lý các thông tin, tin báo, tố cáo về vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
3. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, chuyên đề kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường và tổ chức triển khai thực hiện.
4. Thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với tổ chức, cá nhân khi phát hiện có vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và theo kế hoạch được phê duyệt; xử lý vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường với tuyên truyền, vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo quy định của pháp luật.
6. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại hiện trường, địa điểm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, nơi cất giấu hàng hóa, tang vật và phương tiện sử dụng để thực hiện vi phạm pháp luật; tạm giữ phương tiện, tang vật, hàng hóa; thu thập tài liệu, vật chứng; lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.
7. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, cơ sở dữ liệu về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của Quản lý thị trường; báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường với cấp có thẩm quyền.
8. Sử dụng các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để trinh sát, phát hiện, thẩm tra, xác minh, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
9. Chủ trì, phối hợp hoặc yêu cầu các cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, vật chứng liên quan hoặc hỗ trợ người, phương tiện trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
10. Thực hiện hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Quản lý thị trường, gồm:
a) Đàm phán, ký, tổ chức thực hiện các thỏa thuận với tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động của Quản lý thị trường khi được cấp có thẩm quyền giao;
b) Tổ chức trao đổi thông tin, phối hợp nghiệp vụ trong hoạt động của Quản lý thị trường với các tổ chức quốc tế có liên quan;
c) Tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động của Quản lý thị trường theo các thỏa thuận với tổ chức quốc tế có liên quan.
11. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phương pháp quản lý hiện đại trong hoạt động của Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức Quản lý thị trường.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều 8. Tổ chức Quản lý thị trường
1. Quản lý thị trường được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương bao gồm cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương, cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan Quản lý thị trường cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
2. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường các cấp.
Điều 9. Công chức và ngạch công chức chuyên ngành Quản lý thị trường
1. Công chức Quản lý thị trường là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Quản lý thị trường; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Các ngạch công chức chuyên ngành Quản lý thị trường:
a) Kiểm soát viên cao cấp thị trường;
b) Kiểm soát viên chính thị trường;
c) Kiểm soát viên thị trường;
d) Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Pháp lệnh
Đăng nhập để theo dõi dự thảo
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.