Nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn về Dự thảo Luật Khoáng sản

Thứ Tư 11:07 07-07-2010

Nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn về Dự thảo Luật Khoáng sản


Nhiều doanh nghiệp (DN) khoáng sản tại Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Khoáng sản với quy định về khung thời gian khai thác quá ngắn và mức thuế tài nguyên cao, có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, cũng như dòng đầu tư nước ngoài vào ngành.

Theo Dự thảo Luật Khoáng sản (dự kiến có hiệu lực ngày 1/7/2011), Quốc hội quy định thời hạn của một giấy phép thăm dò khoáng sản tối đa không quá 48 tháng, được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng.

Cách đây không lâu, khi phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam về Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi tại Hà Nội, ông Bill Howell, Giám đốc khai thác Công ty Triple Plate Junction cho rằng, thời hạn tối đa 6 năm của giấy phép thăm dò và 2 năm xin cấp giấy phép khai thác là quá ngắn và không thực tế.

“Bản dự thảo hiện tại của Luật Khoáng sản Việt Nam cho phép 4-8 năm kể từ khi bắt đầu thăm dò đến quyết định khai thác mỏ và nộp hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác. Khung thời gian này không thực tế và không hiện thực và sẽ không cho phép bất kỳ một mỏ lớn nào có thể đi đến sản xuất,” ông Howell nói và nhận xét rằng, Dự thảo Luật Khoáng sản dường như không khuyến khích việc thăm dò các mỏ có trữ lượng lớn với hàm lượng thấp, có lợi nhuận lớn có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam và phát triển kinh tế cộng đồng tại các vùng khó khăn của đất nước, trong khi lại khuyến khích tập trung vào các mục tiêu mỏ nhỏ có hàm lượng cao, bỏ qua phần quặng có hàm lượng thấp, sẽ dẫn tới làm tổn thất và lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị có thể thu hồi của quốc gia.

Đại diện Nhóm Công tác khoáng sản của Diễn đàn DN Việt Nam, ông Rob Guest cho rằng, thuế tài nguyên tại Việt Nam thuộc mức cao nhất trên thế giới (5-30%) và việc quy định khung thuế suất với phạm vi rộng sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện khai thác. “Ban soạn thảo Luật Khoáng sản cần trả lời câu hỏi về mục tiêu đặt ra khi ban hành Luật. Nếu mục tiêu là phát triển ngành khai thác và tìm ra các mỏ mới, thì Luật phải khuyến khích điều này. Các nhà đầu tư mong muốn nhận được những chính sách khuyến khích”, ông Stevan Dudka, Trưởng đại diện Công ty khai thác Arpechilago (trụ sở tại London, Anh) nói.

Ông Terry Bates, Giám đốc điều hành Công ty Khai thác khoáng sản Meritus cho biết, hiện mức thuế xuất khẩu tinh quặng là rất cao với lập luận là để khuyến khích chế biến sâu. Theo ông, mỏ quy mô nhỏ và vừa không thể cung cấp đủ tinh quặng cho một nhà máy tinh luyện, việc phát triển chế biến sâu phải có các điều kiện phát triển phù hợp, như có đủ nguồn nguyên liệu và phát hiện nhiều nguồn trữ lượng lớn. “Thay vì ban hành các mức thuế cao, việc khuyến khích chế biến sâu có thể thông qua các chính sách thuế ưu đãi và điều kiện phát triển khác”, ông Bates khuyến nghị.

Trả lời các ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, ông Phạm Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, về thời hạn thăm dò tối đa 6 năm có thể đủ cho các mỏ nhỏ, nhưng không đủ cho các mỏ lớn, Ban soạn thảo cũng đã nhận ra và sẽ nghiên cứu khả năng tăng thời gian tối đa hoặc cấp mới giấy phép thăm dò khoáng sản.

“Chính phủ chủ trương ban hành Luật mới nhằm khuyến khích đầu tư và tăng cường quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật mới chỉ khuyến khích các nhà đầu tư thực sự có năng lực khai thác nguồn tài nguyên. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và phân tích kỹ trước khi Luật được thông qua vào cuối năm nay”, ông Sơn kết luận.

Nguyễn Trang

ĐẦU TƯ ngày 02/6/2010

 

Các văn bản liên quan