Một số quy định của Luật chứng khoán cần được sửa đổi, bổ sung

Thứ Sáu 16:13 09-07-2010

Một số quy định của Luật chứng khoán cần được sửa đổi, bổ sung


Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01.2007. Được biết Luật chứng khoán sẽ được sửa đổi, bổ sung và dự kiến thông qua vào năm 2011. Qua gần ba năm thực hiện Luật Chứng khoán cho thấy, Luật đã tạo môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán thuận lợi tạo sân chơi bình đẳng cho mọi chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã bộ lộ một số nội dung bất cập như sau:

1. Điều kiện niêm yết tại sàn HNX và hose

Tại sao điều kiện niêm yết tại sàn Hose khác với HNX?

Theo quy định của pháp luật về chứng khoán, điều kiện niêm yết của các doanh nghiệp tại hai sàn HNX và HOSE cũng có sự phần biệt, đặc biệt là về vốn điều lệ. Doanh nghiệp muốn niêm yết giao dịch cổ phiếu tại sàn HOSE thì phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên. Đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ tối thiểu là 10 tỷ đồng tương đương 1 triệu cổ phiếu có thể được niêm yết tại sàn HNX. Khoảng cách quá xa so với điều kiện về vốn điều lệ là 80 tỷ đồng của sàn HOSE đã dẫn đến tình trạng tính thanh khoản của các công ty niêm yết trên sàn HNX không được đánh giá cao.Cổ phiếu trên sàn HOSE như STB (Sacombank) có ngày khối lượng giao dịch khoảng 6 triệu cổ phiếu, bằng tổng số cổ phiếu lưu hành của Công ty cổ phần thủy điện Nậm Mu(HJS) có vốn điều lệ 60 tỷ đồng trên sàn HNX, chưa kể có ngày đã giao dịch hơn một chục triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trên sàn HNX vẫn có nhiều blue – chip không thua kém gì sàn HOSE. Dẫn đầu về vốn là Ngân hàng cổ phần Thương mại ACB, tiếp đến là Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG). Tỏng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí VIệt Nam (PVX). Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp khác như: BVS, KLS,HPC,NTP, SHB…các mã này có tính thanh khoản khá cao và có khối lượng giao dịch cũng khá lớn đã từng giao dịch hàng triệu cổ phiếu ngày và đặc biệt là khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các mã này không kém gì so với các mã blue – chip tại sàn HOSE.

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước doanh nghiệp niêm yết tại HOSE có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng không có kế hoạch tăng vốn thì phải đăng ký kế hoạch và chuyển sang niêm yết tại HNX. Khi trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Bằng, Chủ tịch ủy ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường của cả nước, liên kết khu vực, dẫn dắt thị trường chung nên cần phải tập hợp những doanh nghiệp chất lượng cao”.

Với quan niệm sàn HNX là sàn “loại hai” đã dấn đến tình trạng một số doanh nghiệp chuyển sàn sang HOSE trước đây như: Nhiệt điện Phả lại (PPC). Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Thủy điện Thác Bà (TBC)…sắp tới có thể là Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn trung thành với sàn HNX. Trước tiên cũng là tính thanh khoản, ngoài ra sàn HNX dễ mua, dễ bán. Sàn HNX cũng còn có sự ưa thích của một số cổ phiếu đối với các nhà đầu tư như họ hàng nhà Tổng Công ty Sông Đà được niêm yết khoản 25 công ty con như S12, S55, SD2, SD3,…SDA, SDT, SDH…Tuy quá trình giao dịch cho thấy như một quy luật, cá mã này cùng tăng và cùng giảm, khi tăng thì tăng như vũ bão. Vì vậy các nhà đầu tư đồn nhau cứ tìm Tổng Công ty Sông Đà mà mua thế nào cũng tăng giá. Với quan điểm đó, Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) cũng đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư. SDH với giá chào sàn 50.000đ/CP vào ngày 19/10/2009 sao 14 phiên đã tăng 82,4% với giá 91.200đ/CP. Tổng Công ty Vinaconex cũng đã có hơn 10 công ty đã được niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán như VC1, CC2. Không giống như Tổng công ty Sông Đà, các công ty Vinaconex còn có “anh trưởng” là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG) thường được giao dịch hàng triệu cổ phiếu. Chính vì vậy, nhà đầu tư cứ nhìn vào “anh cả” mà mua các mã khác trong cùng một “dòng họ”.

Sàn giao dịch chứng khoán là nơi đề các nhà đầu tư gặp nhau và mua bán chứng khoán. Mỗi sàn giao dịch chứng khoán có một số quy định, lợi thế khác nhau dành cho các đối tượng nhất định. Vì vậy, không thể nói sàn nào tốt hơn sàn nào. Đối với nhà đầu tư thì sàn nào có thể mang lại lợi nhuận nhanh và cao thì sàn đó là sàn giao dịch tốt.

Vì vậy, có nên phân biệt vốn điều lệ giữa hai sàn HNX và HOSE hay không, hay nên niêm yết cổ phiếu của các loại doanh nghiệp có vốn điều lệ khác nhau trên cả hai sàn để tạo nên động lực giao dịch chứng khoán mạnh hơn. Vấn đề này nên chăng cần phải cân nhắc thêm khi sửa đổi Luật Chứng khoán.

2. Biên độ giữa hai sàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Biên độ giao dịch của các mã chứng khoán giữa hai sàn kể từ ngày giao dịch cho đến nay có sự chênh lệch khác nhau. Trước khi điều chỉnh thu hẹp biên độ sàn Hà Nội là 10%, sàn thành phố Hồ Chí Minh là 7%, đến nay sàn Hà Nội là 7%, sàn thành phố Hồ Chí Minh là 5%. Việc chênh lệch biên độ giữa hai sàn không đảm bảo tính công bằng, bình đẵng giữa các mã cổ phiếu. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp có mã chứng khoán được niêm yết trên sàn HOSE có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng. Vậy có nhất thiết phải phân biệt biên độ giao dịch chung cho các mã chứng khoán giữa hai sàn. Trên cùng một đất nước, không nên đặt hai chế độ pháp lý khác nhau để áp dụng trong hoạt động kinh doanh cho một lĩnh vực. Quy định như vậy là trái với nguyên tắc xây dựng pháp luật: Bảo đảm tính bình đẳng, công bằng.

3. Về khối lượng được phép giao dịch tài sản HNX và HOSE

Quy định về khối lượng giao dịch trên hai sàn cũng khá khác nhau cụ thể:

-         Sàn HNX được phếp giao dịch số lượng tối thiểu là 100 cổ phiếu/lần cho một mã cổ phiếu, không hạn chế về số lượng cổ phiếu tối đa cho một lệnh giao dịch.

-         Sàn HOSE được phép giao dịch tối thiểu là 10 cổ phiếu/lần cho một mã cổ phiếu, tối đa là 19.990 cổ phiếu một mã cố phiếu cho một lần đặt lệnh

Quy định trên cho thấy, không bảo đảm tính công bằng giữa hai sàn. Riêng sàn HNX quy định mức giao dịch tối thiểu là 100 cổ phiếu cũng gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi cho các nhà đầu tư về việc bán cổ phiếu lẻ trong trường hợp được chia cổ phiếu thưởng. Ví dụ: Cổ đông hiện hữu có 100 cổ phiếu mã A nào đó và sẽ được chia 30 cổ phiếu thưởng, đối với sàn HOSE thì trường hợp này nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán khi cổ phiếu thưởng về, nhưng đối với sàn HNX thì nhà đầu tư không thể tự bán được. Nếu nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh thì công ty chứng khoán đó sẽ ấn định một ngày mua cổ phiếu lẻ và chỉ mua với giá sàn, trong khi đó, cổ phiếu A trong ngày đó lại được khớp giá trần trên thị trường. Do vậy, nhà đầu tư sẽ bị mất một khoản tiền khá lớn. Trong trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán không có hoạt động tự doanh, thì các nhà đầu tư phải thông qua công ty chứng khoán đó để tìm những người có số chứng khoán lẻ để ghép với nhau cho đủ 100 cổ phiếu và tìm cơ hội giá cổ phiếu lên để cùng bán. Tuy nhiên, việc lắp ghép này cũng gặp khó khăn vì những người có cổ phiếu được lắp ghép. Ví dụ như: khi cổ phiếu lên hoặc xuống có người thích bán, nhưng lại có người không thích bán muốn để cổ phiếu lên cao hơn nữa mới bán, dẫn đến tình trạng người cần tiền muốn bán cổ phiếu của mình lại không được bán.

Vậy khi sửa Luật Chứng khoán vấn đề này nên quy định lại. Nên cho phép sàn HNX cũng được giao dịch tối thiếu là 10 cổ phiếu để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mua bán cổ phiếu được dễ dàng và không bị thiệt thòi khi bán.

4. Xử lý hiện tượng đẩy giá, gìm giá cổ phiếu có tổ chức

Việc thị trường lên xuống là lẽ tất yếu, là quy luật của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thời gian qua cho thấy đã xuất hiện hiện tượng đẩy giá hoặc gìm giá cổ hiếu trên thị trường chứng khoán. Hiện tượng đó đã xảy ra như: Thị trường chứng khoán lên vù vù, các tin về kinh tế ở trong nước cũng như thế giới có nhiều tin tốt, nhưng một số cá nhân, tổ chức chứng khoán đã đưa tin thị trường sẽ giảm, không có khả năng tăng. Những thông tin này rất ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đặc biệt các nhà đầu tư nhỏ lẻ. vì vậy, đã dẫn đến tình trạng nhà đầu tư hoang mang bán hết hàng hóa bất chấp khi giá các mã cổ phiếu đang giá sàn. Hiện tượng này các nhà đầu tư biết rất rõ và đã có nhiều phản ứng trên diễn đàn thị trường chứng khoán. Hiện tượng này các cơ quan có thẩm quyền đều biết, nhưng trong thời gian qua vẫn không có biện pháp xử lý những người đưa tin thiếu lành mạnh về thị trường, cho nên hiện tượng này vẫn lặp đi lặp lại. Chế tài còn quá yếu.

5. Vấn đề mở tài khoản

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản tại một công ty chứng khoán. Thực tế cho thấy, quy định này bất cập, vẫn không thể tránh được hiện tượng nhà đầu tư mua bán một mã chứng khoán trong phiên. Do bất cập cho nên nhà đầu tư đã lách luật bằng hình thức lấy tên của những người khác để mở tài khoản ngay trong cùng một công ty hoặc công ty khác để giao dịch trong ngày. Vấn đề này đã được tranh cãi khá nhiều. Vậy nên chăng khi sửa luật, thì vẫn đề này cũng cũng nên sửa đổi cho phép nhà đầu tư được mua, bán một mã chứng khoán trong phiên hoặc được mở hai tài khoản tại hai công ty khác nhau để giao dịch.

6. Về chế độ báo cáo, lưu trữ, công bố thông tin

Tại khoản 2 Điều 104 của Luật chứng khoán và Khoản 3 Điều 43 của Quyết định  số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán quy định: “Trong thời hạn hai mươi bốn giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán để các tổ chức này công bố thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Luật này:

a)      Có quyết định khởi tố đối với thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng;

b)      Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua hợp đồng sáp nhập với một công ty khác

c)      Công ty bị tổn thất từ mười phần trăm giá trị tài sản trở lên;

d)      Công ty có sự thay đổi về thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc; công ty bổ nhiệm hay miễn nhiệm người điều hành quỹ đầu tư chứng khoán;

e)      Công ty có những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Quy định trên khó khả thi, thực tế cho thấy, một số công ty chứng khoán đã vi phạm quy định này vì trong thời gian 24 giờ họ không thể báo cáo kịp một số nội dung nêu trên. Đặc biệt hiện nay, có một số công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty này đều có thành viên Hội đồng quản trị ở nước ngoài, việc họp Hội đồng quản trị không chỉ gặp khó khăn mà các Nghị quyết của Hội động quản trị buộc phải làm thành hai bản hai thứ tiếng khác nhau, do vậy buộc phải dịch sang tiếng việt. Dịch thuật lại bị mất thời gian. Theo quy định tại khoản 8 Điều 112 của Luật Doanh nghiệp: “Thành viên không trực tiếp dự họp có quyền biểu quyết thông qua bằng văn bản. Phiếu biểu quyết phải đựng trong phong bì kín và phải được chuyển đến Chủ tịch Hội đồng quản trị chậm nhất một giờ trước giờ khai mạc. Tuy Luật Doanh nghiệp quy định như vậy, nhưng thực tế rất khó có thể phong bì chuyển đến trước một giờ khai mạc được vì một phần do ý chỉ chủ quan của con người, một phần do điều kiện khách quan cho nên ý kiến của các thành viên Hội đồng quản trị không thể đến đúng thời gian theo Luật định.

Vậy không phải chỉ sửa đổi Luật Chứng khoán, mà cần phải sửa đổi các văn bản pháp luật khác có liên quan và nên cho phép kéo dài thêm thời gian báo cáo đối với một số trường hợp như: Công ty thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc.

7. Phí đăng ký hoạt động của các công ty chứng khoán

Ngày 01/7/2009 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2009 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định này mức thu phí và lệ phí quá cao. Ví dụ: Lệ phí cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán về tự doanh là 60 triệu đồng, bảo lãnh phát hành là 100 triệu đồng, một số các hoạt động khác là từ 20 triệu đồng hoặc hơn. Việc thu cao như vậy đã gây một số khó khăn cho các công ty chứng khoán, đặc biệt đối với các công ty chứng khoán còn non trẻ.

Trên đây là một số vấn đề bức xúc của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong khi thực hiện pháp luật. Đề nghị các nhà lập pháp nên đi sâu đi sát thêm vào tình hình thực tế, để khi xây dựng pháp luật đáp ứng được yêu cầu và pháp luật đi vào cuộc sống hơn.


Nguyễn Thị Mai - Theo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tháng 4 năm 2010

 

 

Các văn bản liên quan