Trích ý kiến của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:40 26-05-2009

Tôi cơ bản nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt dự thảo lần này so với dự thảo ban đầu thì có thể nói là các đồng chí đã tiếp thu một cách hết sức nghiêm túc, hết sức cơ bản, cho nên tôi chỉ phát biểu một số ý kiến xung quanh vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý và quan tâm đến một số vấn đề bồi thường cụ thể:

Một là trách nhiệm quản lý về công tác bồi thường, theo tôi thấy không cần thiết phải phát sinh ra một cơ quan quản lý về bồi thường. Bởi vì trong lĩnh vực hành chính một ngày cả nước có thể phạt hàng nghìn quyết định hành chính nhưng không có một cơ quan nào quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, vẫn cứ được. Còn việc này chỉ phát sinh khi có yêu cầu bồi thường thì cơ quan nào bồi thường mà thương lượng không thành thì kiện ra tòa án, không nhất thiết phải thành lập một cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường.

Thứ hai là phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước, theo quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hành chính do người thi hành công vụ gây ra, nếu chúng ta chỉ quy định 11 hành vi thì rõ ràng sẽ bất bình đẳng, vì có thể có những hành vi khác mà chúng ta chưa lường trước được và như vậy thì có thể có sai nhưng không phải bồi thường. Tôi đồng ý với phương án thứ hai là quy định những hành vi khác, tức là có một điều mở để sau này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể giải thích thêm những hành vi nào sẽ tiếp tục phải bồi thường, ghi như thế tôi cho rằng chặt chẽ hơn.

Về vấn đề bồi thường cụ thể, chúng tôi thấy trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự và phạm vi bồi thường chỉ giới hạn trong việc làm oan như Nghị quyết 388 và bổ sung thêm hành vi thu giữ, kê biên tài sản. Bởi vì chúng tôi thấy nếu sai trong lĩnh vực hình sự thì rất khó, hiện nay có những loại tội phạm 3 cơ quan tiến hành tố tụng họp bàn mãi mà vẫn không thống nhất được, cho nên vấn đề bảo sai để bồi thường là rất khó. Tôi thống nhất như Nghị quyết 388 quy định những hành vi chỉ làm oan trong hình sự và bổ sung thêm những hành vi thu giữ, kê biên tài sản, nếu người ta bị oan mà bị thất thoát thì phải bồi thường. Trước đây trong Nghị quyết 388 không quy định việc này cho nên có những trường hợp họ bị oan nhưng những tài sản bị thất thoát không được bồi thường.

Trong Điều 26 về phạm vi bồi thường, trong đó Điểm 2, Điểm 3 đều có nói hành vi không cấu thành tội phạm. Điều 27 cũng có nói về không cấu thành tội phạm. Điều 31 cũng nói bồi thường hành vi không cấu thành tội phạm. Tôi chỉ nêu 3 ví dụ về hành vi không cấu thành tội phạm nếu chúng ta quy định phải bồi thường thì rất gay.

Thứ nhất là một người tâm thần, nhưng khi họ giết 2 mạng người thì cơ quan tiến hành tố tụng phải bắt giam đã, họ đang tiến hành giết người mà, nhưng làm sao biết họ tâm thần. Cho nên khi chúng ta bắt, điều tra, rồi mới trưng cầu giám định mới biết người đó tâm thần. Khi người đó tâm thần thì hành vi của họ không cấu thành tội phạm. Không cấu thành tội phạm trong trường hợp này bắt buộc họ đi chữa bệnhn. Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại phải bồi thường cho họ thì tôi cho rằng bất bình đẳng. Bởi vì cơ quan làm một việc làm hết sức nhân văn, ngăn chặn hành vi phạm tội, công an ngăn chặn hành vi phạm tội mà lại bắt phải bồi thường bởi vì giám định hành vi của họ không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì rõ ràng phải đình chỉ không cấu thành tội phạm.

Thứ hai về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tôi thấy có trường hợp, ví dụ 1 người không biết bao nhiêu tuổi, khoảng 13-14 tuổi mà họ phạm tội giết người, nhưng không xác định được ngày, tháng, năm sinh, cuối cùng phải đưa đi giám định, cơ quan công an phải đưa đi giám định xương. Giám định xương bao giờ giám định người ta cũng xác định chênh lệch nhau 6 tháng. Ví dụ họ kết luận là 13 tuổi 9 tháng thì đương nhiên người đó không chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vì Bộ luật Hình sự chúng ta quy định 14 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Nếu họ kết luận là 14 tuổi 3 tháng thì họ lại đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, mà nguyên tắc chính sách hình sự chỉ áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Cho nên phải áp dụng 13 tuổi 9 tháng thì rõ ràng hành vi họ không cấu thành tội phạm, trường hợp này phải đưa vào trường giáo dưỡng của công an 2 năm, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thì không ổn.

Trường hợp thứ ba, một người phạm tội họ ăn cắp một chiếc xe đạp, theo lời khai của người bị hại họ mua là 750 nghìn, nhưng khi bắt rồi mà họ không có nhân thân nên phải giữ lại, khi trưng cầu giám định về tài sản thì họ giám định chỉ có 490 nghìn thôi. Rõ ràng họ có hành vi phạm tội, nhưng theo quy định của luật hình sự cũ là 500 nghìn, còn dự thảo mới là 2 triệu mà giám định khoảng 1,9 triệu hoặc 490 nghìn thì họ không cấu thành tội phạm mà cũng phải bồi thường thì tôi cho rằng phải xem lại chỗ này, không nên quy định trong trường hợp này phải bồi thường.

Điều 31, về trách nhiệm bồi thường của Viện Kiểm sát thì trong đó Điểm 9 quy định là tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng Viện Kiểm sát không điều tra. Tôi cho rằng quy định như thế này không đúng với Bộ luật tố tụng hình sự và không đúng với Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, bởi Viện Kiểm sát không có chức năng điều tra mà trách nhiệm điều tra thuộc cơ quan công an. Nếu khi hủy án phúc thẩm, hủy án sơ thẩm thì Viện Kiểm sát có trách nhiệm trả hồ sơ cho công an, nếu quy định như thế này thì Viện Kiểm sát phải điều tra lại là sai, Viện Kiểm sát không có chức năng điều tra mà Viện Kiểm sát chỉ trả lại hồ sơ cho công an. Cho nên chỗ này quy định Viện Kiểm sát không điều tra lại phải bồi thường thì tôi cho rằng không đúng, không chuẩn. Tôi cho rằng phải sửa lại chỗ này như sau "Nếu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại, nhưng Viện Kiểm sát không trả lại hồ sơ cho công an mà giữ lại để hết thời hiệu điều tra không điều tra lại thì Viện Kiểm sát phải bồi thường. Còn nếu Viện Kiểm sát đã trả lại công an điều tra rồi thì thôi"

Thứ hai là có thể Viện Kiểm sát vẫn phải bồi thường là không có quyết định cuối cùng khi tòa phúc thẩm hủy án thì đáng lẽ không đủ căn cứ buộc tội thì anh phải đình chỉ và trong trường hợp này đình chỉ thì tòa án phải bồi thường bởi vì tòa án đã tuyên bố có tội thì tòa phúc thẩm xử, cho nên quy định Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng Viện kiểm sát không điều tra lại, rõ ràng quy định như thế này không chặt chẽ. Tôi đề nghị sửa lại là Viện kiểm sát phải trả lại cơ quan điều tra nếu mà quá trình điều tra mà không chứng minh được tội phạm và đình chỉ thì tòa án phải bồi thường. Qua Dự thảo luật chúng tôi tham gia phát biểu một số ý kiến như vậy, xin hết, cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan