Trích ý kiến của Đại biểu Quách Cao Yềm – Kon Tum về dự thảo Luật bồi thường Nhà nước

Thứ Ba 13:39 26-05-2009
Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cơ bản thống nhất dự thảo đã được chỉnh lý trình ra thảo luận lần này về cả tên gọi, nội dung và bố cục. Tôi xin tham gia một số ý kiến vào 2 nội dung mà chủ tọa kỳ họp có gợi ý:
Trước hết về phạm vi điều chỉnh của luật trong Điều 1 có lẽ nhiều đại biểu trước đây cũng tương đối thống nhất. Tuy nhiên trong phạm vi trách nhiệm bồi thường ở hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trước đây cũng còn nhiều ý kiến, nhưng kỳ này tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình cũng rất rõ, đề cập đến 11 trường hợp có thể được bồi thường và có một điều, khoản quét để mở ra.
Điều 13 tôi thấy cũng phù hợp với Điều 26, 27, tức là phạm vi bồi thường trong lĩnh vực hình sự. Thực ra trong lĩnh vực hình sự lâu nay ít, nhưng ở đây đã có giới hạn, tức là chúng ta chỉ xem xét trong trường hợp oan, không nói đến sai. Bây giờ quản lý hành chính Nhà nước tôi nghĩ thực hiện Hiến pháp và theo một nguyên tắc là phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ công chức, tức là tính khả thi. Tôi cho rằng tiếp thu như vậy thì Điều 13 tôi rất nhất trí, rất cụ thể, dễ áp dụng. Như vậy nó đồng nhất với các phạm vi ở phía sau. Về phạm vi điều chỉnh tôi xin tham gia như vậy, cũng bày tỏ nhất trí cao với cách tiếp thu, chỉnh lý.
Thứ hai, về cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý tôi xem trong dự thảo lần này về giải trình, tiếp thu các lý lẽ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rất rõ, rất cụ thể. Nhưng tôi thấy trong thiết kế ở điều luật này thấy nó cũng chưa được ổn lắm. Theo Điều 11 tôi cảm nhận được là giao, phân công cho 3 cơ quan: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đấy là 3 cơ quan, nhưng nếu theo quy định của tổ chức bộ máy, tức là một cơ quan hành pháp và 2 cơ quan tư pháp. Bây giờ trong luật này tôi thấy không có nhiệm vụ quản lý nhà nước, chúng ta tránh cái gọi là quản lý nhà nước và đề ra ở đây là quản lý về công tác bồi thường, tôi thấy thế này. Khi phát sinh các quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trách nhiệm bồi thường nó liên quan đến hoạt động quản lý mà trong này dùng ngân sách Nhà nước để chi trả, để bồi thường, còn việc sau này người làm sai mà hoàn trả thì đấy là một phần sau này thôi. Tôi cho rằng ngân sách hiện nay cơ quan trực tiếp quản lý lập dự toán, thực hiện dự toán là Chính phủ, Quốc hội là cơ quan quyết định, thế còn tòa án và Viện kiểm sát là lập dự toán qua Chính phủ để trình lên Quốc hội thôi. Ở đây có nhiệm vụ quản lý ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, trong nhiệm vụ quản lý nhà nước có chuyện anh phải tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi luật, một số các hoạt động quản lý như vậy, còn hướng dẫn, ban hành văn bản tất nhiên cả toàn án, Viện kiểm sát, Chính phủ, các bộ đều có. Cho nên ở đây theo tôi thì chúng ta tránh nhưng mà trong thiết kế nó cũng không ổn, thực ra Mục b của Điểm 1 Điều 11 cũng nói Chính phủ quản lý Nhà nước thôi, tức là phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, nếu đã phân Chính phủ không quản lý tố tụng thì cũng không làm nhiệm vụ này làm gì. Cho nên ở đây Điều 11 Khoản 1 về phần Chính phủ có trách nhiệm tôi đề nghị thêm khoản thống nhất quản lý nhà nước về bồi thường. Khoản 2 mới chỉ đạo quản lý hoạt động bồi thường trong hành chính và thi hành án, tôi thấy như thế về mặt thiết kế chứ ở đây có một nguyên tắc tổ chức tức tòa án và Chính phủ đều Quốc hội lập ra cho nên về bình diện nào đấy ngang quyền nhau nên trình tự báo cáo có vẻ khó, có vẻ vi phạm nguyên tắc đấy. Nhưng thật ra khi nhà nước ta đã quy định đưa vào luật, giao cho một cơ quan thì tôi thấy cơ quan đó phải làm và cơ quan khác phải có trách nhiệm sau này thông tin báo cáo thế nào đó để cho nó thống nhất thì tôi thấy chỗ này thiết kế chưa ổn. Tôi đề nghị cũng nên giao cho Chính phủ, còn tất nhiên Chính phủ giao cho một cơ quan nào đó như Bộ Tư pháp và không nhất thiết một nhiệm vụ phát sinh ra phải có hệ thống bộ máy. Trong khi Quốc hội Khóa XII thành lập bộ máy Chính phủ mới có nêu nguyên tắc là một việc, một anh quản lý thì ở đây ta cũng không cần phải bộ máy mà giao thêm nhiệm vụ cho một anh nào đó làm việc này thì cũng không trái gì với cải cách hành chính mà lâu nay chúng ta cứ nghĩ có việc thì đẻ ra cơ quan. Tôi xin tham gia điểm lớn thứ hai như vậy.
Điểm cuối cùng ở Điều 53 cái này là cụ thể tôi thấy trong lập dự toán thì hàng năm căn cứ vào bồi thường năm trước. Tôi đề nghị nên bỏ cách hiểu năm trước đi, ví dụ năm đầu tiên ta lập thì căn cứ vào đâu. Cho nên, theo tôi hàng năm cơ quan tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bồi thường cùng cấp để lập dự toán, như vậy là đủ. Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan