Trích ý kiến của Đại biểu Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:38 26-05-2009

Trước hết, tôi xin bày tỏ quan điểm đồng tình với những nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật vừa trình bày. Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo, tôi xin phép được góp ý vào 2 vấn đề sau đây.

Thứ nhất về tính thống nhất giữa dự án luật này với Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh về thủ tục giải quyết vụ án hành chính. Luật Bồi thường Nhà nước có liên quan đến các văn bản pháp luật khác, đặc biệt liên quan đến 2 văn bản pháp luật: Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Khoản 2 và Khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước có đề cập đến quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo và Khoản 1, Khoản 2 của Điều 15 Dự thảo luật về yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, đề cập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét kết luận hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên trong Dự thảo luật lại không xác định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào và có hàm ý là việc xác định cụ thể cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào đã được xác định bởi Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998. Tuỵ nhiên đối chiếu với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi vào năm 2004 và năm 2006 thì Khoản 8, Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 không đề cập đến khái niệm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà lại xác định người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Từ các Điều 19 đến Điều 29 Mục 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định thẩm quyền và giải quyết khiếu nại thuộc về cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước từ Chủ tịch xã cho đến Thủ tướng Chính phủ. Như vậy Luật khiếu nại, tố cáo đã cá thể hóa thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2006 quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo thủ tục tố tụng hành chính, vì vậy thuật ngữ "người giải quyết khiếu nại" theo Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 có nội hàm rộng hơn thuật ngữ là "cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại".

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa dự án luật này với Luật khiếu nại, tố cáo, tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại các điều, khoản liên quan đến quy định là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bằng thuật ngữ là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Thứ hai, tôi đề nghị bỏ đoạn "và thiệt hại xảy ra" trong Khoản 3, Điều 15, Mục 2 Dự án luật này vì lý do sau:

Một là tiêu đề của Điều 15 là yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy nội dung của điều luật này chỉ nên đề cập đến thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Thủ tục xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật hay không chứ chưa liên quan đến việc xác định là có thiệt hại xảy ra hay không. Việc xác định thiệt hại có xảy ra hay không sẽ được xác định ở giai đoạn sau của thủ tục giải quyết bồi thường.

Hai là Khoản 1, Điều 18 về xác minh thiệt hại có quy định như sau: "cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại xảy ra để làm căn cứ xác định mức bồi thường". Như vậy việc xác định mức bồi thường thiệt hại là do cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện chứ không phải do cơ quan giải quyết khiếu nại thực hiện và quy định này cũng phù hợp với Luật Khiếu nại, Tố cáo năm 1998. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan