Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Quân – Quảng Nam

Thứ Ba 10:08 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội

Hôm trước ở tổ tôi đã có góp ý kiến vào một số vấn đề chung, vào phạm vi điều chỉnh, cũng như một số nội dung khác của dự thảo luật. Hôm nay tôi xin phát biểu về một vấn đề, đó là vấn đề tín dụng hợp tác xã cũng như vấn đề các tổ chức tín dụng hợp tác xã. Tôi có cảm tưởng rằng dự thảo luật quan tâm chủ yếu đến tín dụng thương mại, các ngân hàng và các tổ chức có hoạt động ngân hàng mang tính thương mại lấy kinh doanh ngân hàng với mục tiêu lợi nhuận là chính. Nội dung có thể nói có liên quan đến tín dụng thương mại, tín dụng hợp tác xã cũng như các tổ chức tín dụng hợp tác xã thì trong dự thảo này rất nhiều vấn đề, ở đây tôi xin có đề cập một số ý như thế này.

Như các quí vị đều biết cả nước ta có hàng chục triệu hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể tiểu chủ, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và riêng khu vực hợp tác xã cho đến ngày 30/6 năm nay có khoảng 18.425 hợp tác xã trên 340.000 của hợp tác xã với trên 2,5 triệu xã viên, hộ xã viên trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Và các cuộc điều tra mà kể cả những cuộc điều tra liên minh hợp tác xã mà chúng tôi tiến hành đều cho thấy bà con nhân dân những người sản xuất nhỏ trong các lĩnh vực ngành nghề các tổ hợp tác, hợp tác xã đều rất cần vốn để giải quyết các vấn đề về sản xuất đời sống của mình. Nhưng hầu như đều không được đáp ứng hoặc là được đáp ứng rất hạn chế, và cả những chương trình tín dụng có mục đích. Ví dụ như những chương trình kích cầu của Nhà nước chúng ta vừa qua thì cũng rất khó đến tay những đối tượng này, tín dụng của các ngân hàng thương mại thì chỉ đáp ứng một phần rất hạn chế nếu không muốn nói là rất nhỏ những nhu cầu vay vốn của những đối tượng đó. Và cũng không thể trách các ngân hàng thương mại, theo chúng tôi là chúng ta cũng không thể trách các ngân hàng thương mại được. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại tư nhân, vì mục đích chính của các tổ chức này là mục tiêu lợi nhuận và họ không thể thay vì cho vay những khoản vay lớn hàng tỷ, hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ với độ rủi ro thấp, chi phí nhân lực và quản lý thấp để đi làm chính sách bằng hàng trăm, hàng nghìn, hoặc hàng vạn các khoản vay nhỏ lẻ chi phí và độ rủi ro cao.
Vì vậy tín dụng cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ các tổ hợp tác, hợp tác xã như thực tế cho thấy ở các nước khác cũng vậy, kinh nghiệm các nước cũng vậy là phải thông qua tín dụng chính sách và tín dụng hợp tác xã. Tín dụng chính sách là ngay ở chúng ta cũng như các nước có thể nói là cũng rất hạn chế. Chúng ta có ngân hàng chính sách, nhưng mà cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tín dụng, một phần các nhu cầu tín dụng mà cần phải ưu đãi ở người dân thôi. Và tín dụng hợp tác xã như là hình thức tín dụng tự trợ giúp và tương trợ lẫn nhau của người dân, thực tế của các nước cho thấy rất rõ là con đường quan trọng và ở nhiều lĩnh vực, xin báo cáo với Quốc hội là gần như là cách thức cơ bản để giải quyết nhu cầu sản xuất nhỏ của những người sản xuất nhỏ, người dân.

Tôi nói chẳng hạn như nhu cầu tín dụng về nông nghiệp ở Pháp hay là ở Nhật, ở Hàn Quốc thì cái này gần như tuyệt đại bộ phận, nhu cầu tín dụng này của nông dân là do các ngân hàng, hợp tác xã tín dụng nông nghiệp. Vì vậy tôi đề nghị trong dự thảo phải quan tâm một cách thích đáng đến tín dụng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng hợp tác xã. Đây là ý thứ nhất.

Ý thứ hai, về nội dung trong dự thảo, về nội dung hoạt động và mô hình tổ chức tín dụng dưới hình thức hợp tác xã thì trong dự thảo nêu lên có hai mô hình, tên gọi của các nước thì cũng khác nhau, các tổ chức tín dụng hợp tác xã thì có thể là quỹ tín dụng nhân dân, có thể là hợp tác xã tín dụng, có thể là ngân hàng hợp tác xã và có nhiều tên khác. Trong dự thảo của chúng ta có 2 mô hình, hai tên một là quỹ tín dụng nhân dân, hai là ngân hàng hợp tác xã. Quy định chung như vậy thì tôi thấy rằng cũng phù hợp với tình hình thực tế, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động thì ở phạm vi địa phương và địa bàn có thể hẹp hơn còn ngân hàng hợp tác xã co quy mô lớn hơn và hoạt động rộng hơn. Quy định này cũng tạo điều kiện để hình thành mô hình hợp tác xã tín dụng của chúng ta ngày càng đa dạng hơn, phù hợp hơn đến xu thế phát triển chung và quan trọng hơn là để tạo điều kiện cho người dân, các xã viên, các hộ xã viên cũng như khu vực hợp tác xã tự đáp ứng ngày càng tốt hơn tính yêu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống thiết thân của mình. Nhưng khi đi vào các quy định cụ thể thì báo cáo với Quốc hội chúng tôi lại thấy rằng không phải là như vậy nếu không muốn nói là ngược lại. Hết sức là bó trong các hoạt động cũng như hạn chế tối đa về mặt tổ chức của các quỹ tín dụng nhân dân cũng như ngân hàng hợp tác xã.

Về mặt hoạt động, ví dụ chẳng hạn như quỹ tín dụng nhân dân chỉ được nhận tiền gửi và cho vay bằng tiền Việt Nam, cho vay thành viên là chính, cung ứng dịch vụ chuyển tiền thực hiện thu hộ, chi hộ cho thành viên, nhận ủy thác đại lý một số lĩnh vực có liên quan đến các hoạt động ngân hàng kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản. Địa giới thì cũng hạn chế còn hầu hết tất cả hoạt động ngân hàng và dịch vụ ngân hàng thông dụng khác thì quỹ tín dụng nhân dân cũng không được triển khai. Trong khi đó hoạt động chủ yếu của ngân hàng tác xã, trong quy định cũng nêu rất rõ hoạt động chủ yếu của ngân hàng tác xã chỉ là điều hoà vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên của mình, là các tín dụng nhân dân. Ở các nước tôi thấy cạnh tín dụng hợp tác xã mang tính chất là tín dụng tự trợ giúp, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên, tất cả hợp tác xã tín dụng ở đây kể cả ngân hàng hợp tác xã đều được thực hiện tín dụng thương mại, các hoạt động ngân hàng khác như các ngân hàng thương mại khác, ở người nước ngoài họ còn khuyến khích việc này, thậm chí còn có những ưu đãi về thuế để lại phần này cho tổ chức tín dụng hợp tác xã tăng cường vốn quỹ, để làm thế nào hoạt động tốt hơn phục vụ cho các thành viên.

Vì vậy tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này, tạo điều kiện để làm thế nào cho các tổ chức tín dụng hợp tác xã hoạt động bình đẳng nếu không được hơn thì cũng phải bình đẳng như các tổ chức, các loại hình tổ chức tín dụng khác, trong đó đặc biệt là ngân hàng hợp tác xã, đây là về hoạt động.

Thứ hai, về tổ chức, theo tất cả các điều quy định trong dự thảo thì mô hình tổ chức tín dụng hợp tác xã của Việt Nam sẽ như sau, trong này có phân biệt ra nhiều loại hình, nhiều nội dung. Hai loại hình như vậy và có các quỹ tín dụng nhân dân và có các ngân hàng hợp tác xã. Nhưng trong dự thảo, tất cả các quy định trong dự thảo tôi không nhắc lại vì nó nằm ở nhiều chương và nhiều điều khác nhau. Nhưng thực hiện theo đúng quy định này thì mô hình tín dụng hợp tác xã của Việt Nam sẽ như thế nào, tức là tất cả các xã viên, hộ xã viên hợp tác xã và các thể nhân cũng như pháp nhân khác chỉ được tham gia vào các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và sau đó tất cả các Quỹ tín dụng nhân dân này tham gia vào Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương này hiện nay sẽ được tổ chức lại thành ngân hàng hợp tác xã, như thế chỉ có 1 ngân hàng hợp tác xã. Thực chất của quy định ở trong này là như vậy.

Tôi đề nghị chỗ này phải nghiên cứu kỹ và tại sao lại như vậy? Như chúng tôi báo cáo ở trên hiện nay có hàng chục ngàn hợp tác xã, hàng trăm ngàn các tổ hợp tác, hàng triệu thành viên như vậy. Tại sao chúng ta 10, 15 cá nhân, thể nhân, vài chục các công ty, các cá nhân có đóng góp tiền lại với nhau để thành lập một ngân hàng thương mại? Tại sao hàng trăm, hàng nghìn các hợp tác xã, các tổ hợp tác không thể thành lập một ngân hàng hợp tác xã của mình để phục vụ cho nhu cầu của mình và phục vụ các nhu cầu khác, tín dụng của các đối tượng khác? Tôi nghĩ hoàn toàn có thể, luật chúng ta không cấm, kể cả Luật hợp tác xã. Hơn thế có lần tôi đã phát biểu Hiến pháp quy định lựa chọn con đường kinh doanh, lựa chọn hình thức kinh doanh, cái đó không được phép cấm, vậy tại sao lại cấm? Mà kinh nghiệm cho thấy ở tất cả các nước đều thế cả. Ví dụ, ở Pháp, các đồng chí ở đây nếu làm trong lĩnh vực ngân hàng đều biết Agricole là một tổ chức tín dụng có thể nói lớn nhất nước Pháp, tài sản vốn quỹ của nó khoảng 1.500-1.600 tỷ EUR. Đây là một tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở Pháp có khoảng 6-7 tổ chức ngân hàng hợp tác xã như vậy. Ở Malayxia cũng có khoảng 2-3 ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực hợp tác xã khác nhau, các nước khác cũng vậy. Tại sao chúng ta chỉ có một ngân hàng hợp tác xã mà lại quy định như này. Tại sao các hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác chỉ có thể tham gia vào các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các đồng chí biết quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phạm vi hoạt động của nó rất hạn chế, nội dung hoạt động của nó cũng có điều kiện, các thứ khác hoạt động của nó cũng rất hạn chế, quỹ nó khác, cách thiết kế như vậy về mặt tổ chức, trong này cũng nêu đầy đủ hết cả nhưng trên thực tế tất cả các quy định nó hạn chế thì có lẽ không thể làm, không thể phát triển mô hình hợp tác xã, ngân hàng hợp tác xã được. Thế mà bây giờ hiện nay chúng tôi đang điều tra nhu cầu và rất nhiều hợp tác xã, vừa rồi tổ chức một hội nghị là 300 hợp tác xã mạnh toàn quốc, các hợp tác xã đó rất mong muốn thành lập ngân hàng hợp tác xã chứ không phải ngân hàng thương mại để phục vụ nhu cầu tín dụng của mình, liệu điều đó có được không hay dứt khoát phải được tham gia vào các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở rồi sau đó tham gia vào ngân hàng hợp tác xã là quỹ tín dụng nhân dân trung ương được tổ chức lại. Cho nên về mặt tổ chức tôi xin đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ về vấn đề này.

Một vấn đề nữa tôi xin phát biểu thêm một chút ở chỗ này, thực ra chỗ này tôi cũng xin báo cáo với các đồng chí là: vừa rồi chúng tôi cũng có một văn bản gửi cho Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nhưng có đồng chí giải đáp với tôi như sau: việc này lo các quỹ tín dụng nhân dân hoặc các ngân hàng hợp tác xã do trình độ yếu, người không có và đây là lĩnh vực đặc biệt phải hạn chế hoặc phải có từng bước tạo điều kiện sau này mình mở rộng dần ra. Theo tôi cách đặt vấn đề đó cũng không nên như vậy, các đồng chí đều biết Sacombank hiện nay là một trong những ngân hàng có thể nói tư nhân hàng đầu của Việt Nam, ngân hàng thương mại nhưng đó là thoát thai từ hợp tác xã và còn một số ngân hàng khác hiện nay các đồng chí đều biết là từ các hợp tác xã tín dụng mà ra. Về mặt luật pháp chúng ta khép lại, về mặt khuyến khích chính sách mình không khuyến khích đặc biệt luật pháp mình khép lại thì người ta đi cửa khác. Cũng con người đó, cũng điều kiện như thế, cũng những anh em đó, tại sao họ lại xây dựng được những ngân hàng thương mại như thế mà tại sao họ lại không thể làm một ngân hàng hợp tác xã.

Tôi thấy về mặt luật pháp chúng ta phải tạo điều kiện trước, phải mở ra. Có thể có điều hôm nay mình chưa làm được nhưng mình phải mở ra, tạo điều kiện khuyến khích về mặt chính sách, tâm lý xã hội để bà con làm, các cơ sở sản xuất nhỏ, các tổ hợp tác xã vươn lên. Nếu ngay từ văn bản pháp luật tức là những cái quan trọng nhất mà chúng ta khép lại thì làm sao bà con làm được, phải bình đẳng.

Tôi tha thiết đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan rất mong các đồng chí tiếp thu ý kiến này và tạo điều kiện cho tín dụng hợp tác xã nói chung và các tổ chức tín dụng hợp tác xã được phát triển, đáp ứng được nhu cầu của bà con, của các hợp tác xã, tổ hợp tác của những người sản xuất nhỏ. Xin hết.

Các văn bản liên quan