Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan – TP Hà Nội

Thứ Ba 10:04 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật các tổ chức tín dụng tôi xin có một số ý kiến như sau:

Một, về phạm vi điều chỉnh Điều 1, tôi đề nghị phạm vi điều chỉnh cần phải mở rộng cho tất cả các đối tượng có hoạt động liên quan đến hoạt động của ngân hàng, ví dụ như một số tổ chức không phải là tổ chức tín dụng như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm rồi các tiệm vàng đang thực hiện hoạt động thu đổi ngoại tệ, đồng thời tôi đề nghị bổ sung quy định về ngân hàng 100% vốn nước ngoài vì chúng ta đang ở thời kỳ hội nhập thì chắc chắn hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng sẽ hình thành. Đồng thời cần điều tiết việc mở rộng chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc mở rộng hoạt động tín dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam sang nước khác, đặc biệt là trong xu thế hội nhập như lúc này.

Vấn đề thứ hai, về tỷ lệ sở hữu cổ phần, Điều 55 theo dự thảo thì tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa mà cổ đông cá nhân tham gia không quá 5%, cổ đông là tổ chức không quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, như vậy là quá thấp. Theo tôi nghĩ chúng ta nên giữ ít nhất như quy định của Luật hiện hành là cổ đông là cá nhân tối đa không quá 10% và cổ đông là tổ chức thì tối đa không quá 20% nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, tôi đề nghị đối với cổ đông là tổ chức thì chúng ta cân nhắc là không quá 30%. Nếu như vậy chúng ta mới có thể huy động được vốn từ các tổ chức, các ngân hàng, có thể từ những ngân hàng hay tổ chức tín dụng của nước ngoài.

Vấn đề thứ ba, về quy định cấm ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng khác trong Khoản 6, Điều 103. Tôi thấy việc cấm trên là không phù hợp, tôi đề nghị xem lại và cho phép các ngân hàng, các tổ chức tín dụng được phép góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ nhau về vốn, về kinh nghiệm quản trị cũng như sức mạnh khác. Tuy nhiên cần quy định tỷ lệ tối đa được phép mua, đầu tư trên phần vốn chủ sở hữu của ngân hàng, của tổ chức tín dụng đó, theo tôi có thể là không quá 15%.

Vấn đề thứ tư, về trường hợp không được cấp tín dụng tại Điều 126, về trường hợp hạn chế cho vay đối với cá nhân là lãnh đạo trong ngân hàng là không cần thiết, nếu như vậy sẽ tạo sự bất bình đẳng, bất công bằng giữa công dân với nhau. Tôi đề nghị không nên hạn chế hay cấm việc tiếp cận các hình thức tín dụng và để hạn chế phần tiêu cực tôi đề nghị có thể bổ sung quy định để tránh lạm dụng chức vụ trục lợi hoặc làm méo mó hoạt động tín dụng của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng đó.

Thứ năm, là giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan. Giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Khoản 1, Điều 128 dự thảo quy định là dưới 15% vốn tự có của ngân hàng, của chi nhánh, tôi đề nghị nâng mức này cao hơn để có thể phát huy được năng lực của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tôi đề nghị 20% vốn được cấp của chi nhánh cộng với vốn vay từ ngân hàng chính quốc, bởi vì nếu như ngân hàng nước ngoài họ thành lập ở đây và họ có thể tăng hạn mức cho vay lên thì điều đó tốt hơn cho kinh tế của nước ta.

Sáu, cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay để đầu tư chứng khoán. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến là nên cho vay để đầu tư chứng khoán ngắn hạn và không ưu tiên đầu tư chứng khoán dài hạn. Về vấn đề này quan điểm của tôi ngược lại, tôi đề nghị cần thiết nên cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay để đầu tư chứng khoán dài hạn. Bởi vì đầu tư chứng khoán dài hạn là một hình thức đầu tư và theo nguyên bản của thị trường chứng khoán đó là một kênh huy động vốn trong thị trường vốn mà có khả năng thanh khoản cao.

Còn vấn đề đầu tư ngắn hạn lướt sóng như hiện nay là việc sau này kích thích để cho thị trường chứng khoán phát triển. Nhưng nếu chúng ta tập trung nhiều quá đến thị trường chứng khoán theo kiểu ngắn hạn lướt sóng thì đó là thiên về đầu cơ. Cho nên tôi đề nghị chúng ta quan tâm đến đầu tư dài hạn nhiều hơn, đó cũng là một hình thức coi như đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp. tôi đề nghị nên có những cơ chế, chính sách phù hợp để cho các chi nhánh cũng như ngân hàng nước ngoài tăng cường cho vay đầu tư chứng khoán dài hạn.

Vấn đề thứ bảy, vấn đề về nhân sự. Tôi đồng tình với đại biểu Trừng ở Thành phố Hồ Chí Minh tôi xin phép không nhắc lại.

Vấn đề thứ tám là vấn đề quy định các điều kiện để thành lập ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần phải có những quy định cụ thể hơn. Bởi vì trong dự thảo luật tôi thấy rất nhiều chỗ còn chung chung và trong thực tế vừa qua chúng ta đã cho phép thành lập quá nhiều ngân hàng và quá nhiều tổ chức tín dụng. Cho nên có nhiều ngân hàng không đủ lực và gây nên một sự phức tạp trong việc điều phối giữa các ngân hàng cũng như nhân sự giữa các ngân hàng, giữa các tổ chức tín dụng. Tôi đề nghị đưa vào trong dự thảo luật những quy định thật cụ thể để hạn chế bớt việc thành lập ngân hàng và các tổ chức tín dụng không cần thiết, đồng thời cần xác định và phân loại các quĩ để đưa vào điều tiết trong luật, không nên để phát sinh nhiều loại quĩ quá như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan