Góp ý của Ths.Ls Phan Thông Anh – GĐ Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Thứ Ba 15:01 04-03-2008


MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý CHO
DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP VÀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
---------------------------
Ths.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Trưởng Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư Pháp tại TPHCM
 

Thành tựu của Việt Nam sau nhiều năm đổi mới được đánh giá khá cao là sự thu hút đầu tư của thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài vào Việt Nam, sự thành công đó xuất phát một phần từ chính sách thuế của Việt Nam, nhà nước đã cân đối được tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước trong khu vực để quy định thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước như tại thời điểm năm 2003 khi Việt Nam quy định thuế thu nhập doanh nghiệp mức thuế suất 28% thì hầu hết các nước trong khu vực đều có mức thuế khá cao: Malaysia (32%), Thái Lan (30%), Philippines (35%) Indonesia (30%)... vì vậy mức thuế 28% bảo đảm được tính cạnh tranh.Song song đó, việc quy định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng và các mặt hàng, nhóm dịch vụ chịu thuế cũng tương đối phù hợp với các nước trong khu vực.

Sự phát triển kinh tế của hiện nay khi các nước tham gia các tổ chức kinh tế trong khu vực và thế giới đã làm phát sinh những thay đổi lớn vế tài chính, đã có những cam kết để ưu đãi đối xử lẫn nhau nên việc thay đổi chính sách thuế theo chiều hướng giảm tất cả các loại thuế suất hiện nay như Singapore  đã giảm thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Trung Quốc cũng đã giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 33% xuống còn 25%......đang đặt ra cho Việt Nam một thách thức mới là cần phải điều chỉnh chính sách thuế sao cho phù hợp với xu thế khu vực và có thể đảm bảo được tính cạnh tranh tiếp tục thu hút được các nguồn đầu tư.

Đối với việc sửa đổi bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng lần này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những mục tiêu đã đặt ra đối với việc sửa đổi bổ sung cả hai luật thuế; nhất trí về cơ bản nội dung của hai dự thảo luật và chúng tôi xin có một số góp ý bổ sung như sau :
 
1)-Đối với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp :

1.1-Về đối tượng nộp thuế :

Điều 2 khoản 1 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định

1. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam; 

Mục a quy định Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là khá đầy đủ nhưng khoản 2 khi liệt kê lại không đầy đủ như các tổ chức và doanh nghiệp không được thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hợp tác xã như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm thì có phải là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?

Để đảm bảo được sự logic của một điều luật theo chúng tôi khoản 2 cần bổ sung thêm cụm từ và các luật khác như sau :

2. Doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế bao gồm : Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tưvà các luật khác; các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã; ..............
 
1.2-Về xác định thu nhập chịu thuế :

Điều 8 của Dự thảo Luật quy định:Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng”.

Về quy định này thì còn tranh cải khá nhiều có quan điểm đồng tinh có quan điểm chưa đồng tình, quan điểm chưa đồng tình thì cho rằng đây cũng là một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nên được tính chung và tính thu nhập chịu thuế nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì dự thảo quy định như thế là hợp lý bởi vì hoạt động chuyển nhượng bất động sản có tính riêng biệt nó không giống như các lĩnh vực ngành nghề khác,bất động sản là hoạt động có tính chất đặc thù và do tính phức tạp của các chi phí cần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên cần phải hạch toán riêng để tính thuế thu nhập doanh nghiệp riêng, vấn đề cần bàn và xem lại là thuế suất bao nhiêu cho phù hợp ?
 
1.3-Sự mâu thuẩn giữa các quy định trong các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Điều 10 khoản 1 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định

Doanh nghiệp được trừ tất cả các khoản chi, trừ các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Các khoản chi hợp pháp, có đủ hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định;

b) Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Nhưng ngay trong điều 10 khoản 2 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan về: trích lập dự phòng; tiền trang phục; tiền ăn giữa ca; Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý và giá thực tế xuất kho; các khoản chi trả cho người lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật lao động; Phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ vượt quá 10% tổng số chi phí được trừ . . .

Sự mâu thuẩn ở chổ khoản 1 thì quy định là các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đến khoản 2 thì các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế theo một tỷ lệ nhất định.

Để đảm bảo được sự logic của một điều luật theo chúng tôi khoản 1 cần quy định lại như sau :

« b) Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các định mức quy định của pháp luật. »
 
1.4-Các khoản tài trợ ủng hộ nhân đạo, hoạt động từ thiện xã hội nên trừ hay không cho trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Điều 10 khoản 2 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chiu thuế quy định : n) Các khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật

Điều đó được hiểu dự thảo luật chỉ cho phép chi và trừ khi xác định thu nhập chiu thuế đối với khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật về những khoản tài trợ cho các nội dung khác như xây dựng nhà tình nghĩa; tình thương; các chương trình mổ mắt đục thủy tinh thể; tặng xe lăn; các chương trình cho các em tàn tật hoặc bị nhiểm chất độc da cam. . . thì không được cho trừ khi xác định thu nhập chiu thuế.

Với cách quy định như vậy theo chúng tôi sẽ hạn chế và không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và cũng có quan điểm cho rằng một số doanh nghiệp hoạt động từ thiện nhằm muốn xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp làm công tác từ thiện xã hội. Nếu tiếp cận về bản chất chi phí thì chi phí xây dựng thương hiệu cũng nằm trong khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khoản chi này là hợp pháp, tuy không có hóa đơn nhưng có chứng từ của các tổ chức từ thiện tiếp nhận là thỏa mãn quy định khoản 1 điều 10 về các điều kiện để cho trừ.

Do đó theo chúng tôi cần quy định mở ra cho các doanh nghiệp được phép hạch toán và trừ các khoản đóng góp từ thiện xã hội khi xác định thu nhập chịu thuế vì theo chúng tôi bản chất hoạt động từ thiện xã hội chăm lo cho những đối tượng khó khăn là nhiệm vụ của nhà nước thay vì nhà nước phải thực hiện thì doanh nghiệp sẽ thực hiện chăm lo cho cộng đồng, nếu quy định cho chi, cho khấu trừ thì nhà nước chỉ tham gia thực hiện hoạt động từ thiện xã hội chăm lo cho cộng đồng theo tỷ lệ 25 % hoặc 28 % mà cho khấu trừ ; phần còn lại 72 % đến 75 % là phần lợi nhuận của doanh nghiệp cùng với nhà nước tham gia hoạt động từ thiện xã hội chăm lo cho cộng đồng.Việc cho chi, cho khấu trừ khoản hoạt động từ thiện xã hội khi xác định thu nhập chiu thuế của doanh nghiệp chỉ có lợi cho nhà nước và cộng đồng là chính, đối với doanh nghiệp chỉ nhận được sự khích lệ của nhà nước để doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, cùng với nhà nước chăm lo cho cộng đồng trong thời điểm nhà nước chưa có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện nghĩa vụ chăm lo cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân.
 
1.5-Tỷ lệ chi phí bị khống chế không quá 10 %

Điều 10 khoản 2 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chiu thuế quy định : m) Phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ vượt quá 10% tổng số chi phí được trừ không bao gồm các khoản chi thuộc diện khống chế nêu trên.

Quy định trên được hiểu là tổng các chi phí nêu trên không được vượt quá 10 %, phần vượt 10 % không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.Theo chúng tôi về tỷ lệ này phải cần xem lại vì tỷ lệ không chế nêu trên không còn phù hợp với nền kinh tế mở của Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, tiếp thị , khuyến mại để xây dựng thương hiệu nên khoản chi phí này rất lớn, nếu hạn chế là không công bằng cho các doanh nghiệp vì đây là chi phí thực tế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.Theo chúng tôi tỷ lệ này cần quy định lại là không được vượt 20% trong tổng số doanh thu.
 
1.6-Quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Điều 10 khoản 2 của dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chiu thuế quy định : d) Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan về: ……… tiền trang phục; tiền ăn giữa ca; i) ………..; các khoản chi trả cho người lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật lao động. Quy định trên được hiểu là hạn chế sự trả cao hơn tiền trang phục (hiện nay là 1.000.000 đồng) tiền ăn giữa ca (hiện nay không quá mức lương cơ bản = 540.000 đồng) hoặc trả thêm tiền lương hoặc các chế độ chính sách khác của người sử dụng lao động đối với người lao động. Khi hai bên ký kết lao động người sử dụng lao động chưa dự kiến được kết quả kinh doanh nên chưa dám ký kết trả cao hơn hoặc trả thêm cho người lao động.
Theo chúng tôi nội dung này cần phải sửa đổi theo hướng nếu người sử dụng lao động dám chi cho người lao động bao nhiêu là cơ quan thuế nên chấp nhận bấy nhiêu và cho trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, có như thế mới đảm bảo quyền lợi của người lao động hiện nay và từng bước tạo điều kiện cho người sử dụng lao động chăm lo đời sống người lao động ngày càng tốt hơn vì chúng ta không thể bắt người sử dụng lao động vừa trả thêm cho người lao động phần thu nhập của mình lại vừa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần họ đã trả thêm cho người lao động.  

 2)-Đối với Luật thuế giá trị gia tăng :

            Chúng tôi đồng thuận rất cao với dự thảo về những vấn đề chung; về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; mức thuế suất và điều kiện hoàn thuế nhưng chúng tôi xin góp ý bổ sung về điều kiện khấu trừ như sau:

Theo dự thảo điều 9 khoản 2 điểm b quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

b) Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp.

Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng.

Theo chúng tôi vấn đề này cần phải xem xét lại vì theo lộ trình của Chính phủ quy định thực hiện lộ trình về hạn chế dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng thì đến năm 2010 Chính phủ mua sắm phải thanh toán qua ngân hàng và đến năm 2020 thì nhà nước chỉ vận động các doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng.

Chúng tôi cũng nhận thức được rằng thanh toán qua ngân hàng là một hành vi văn minh trong kinh doanh, thuận tiện cho những giao dịch lớn, hạn chế tối đa được những rủi ro trộm cướp dẫn đến mất mát tài sản của các doanh nghiệp. Đặc biệt việc thanh toán qua ngân hàng sẽ góp phần cho nhà nước quản lý tài chính tiền tệ ngày càng tốt .Nó cũng là điều kiện cơ sở để cho nhà nước tổ chức hoạt động chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn. Nhưng việc này theo chúng tôi cần phải có một lộ trình và thời gian nhất định không thể thực hiện ngay vào thời điểm ngày 01/01/2009 khi luật thuế GTGT sửa đồi bổ sung có hiệu lực vì đối với những dịch vụ hàng hóa được cung cấp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay hầu hết là thanh toán tiền mặt. Do đó theo chúng tôi cần sửa đổi dự thảo theo một trong hai phương án như sau:

Phương án 1: Tạm thời không quy định nội dung thanh toán qua ngân hàng trong dự thảo luật giá gia tăng lần này mà sẽ sửa lại trong lần sau.

Phương án 2: Nếu vẫn giữ nguyên nội dung trên cần quy định luôn trong dự thảo Luật giá trị thấp là bao nhiêu tiền (theo chúng tôi mức thấp nhất là không dưới 5.000.000 đồng) không cần thiết Chính phủ phải quy định nội dung này mà nên quy định luôn để luật có thể áp dụng được ngay không chờ các văn bản hướng dẫn./.
 

Các văn bản liên quan