Góp ý của Phòng tuyên truyền hỗ trợ – Cục thuế TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba 14:58 04-03-2008


Kính gởi : Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam           
 
Về ý kiến tham gia góp ý 2 Dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN  tại buổi hội thảo ngày 03/032008/
 

  I/ Đối với Dự án sửa đổi Luật Thuế TNDN :
 
1/Điều 3. Thu nhập chịu thuế : Dự thảo quy định :

“Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác, kể cả thu nhập thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài.”

Tại Điều 8. Xác định thu nhập tính thuế : dự thảo cũng có xác định thu nhập chịu thuế :

Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ (-) các khoản chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, cộng (+) thu nhập khác nhận được từ các nguồn, kể cả thu nhập thu được ở nước ngoài.”

 Hình như trong dự thảo Luật Thuế TNDN đã xác định thu nhập chịu thuế 2 lần tại Điều 3 và Điều 8, đề nghị chỉ xác định tại Điều 3 và bỏ tại Điều. Do đó, cụ thể Điều 3 được sửa đổi như sau : 
 
Điều 3.Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác, kể cả thu nhập thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài.

Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ bằng doanh thu trừ (-) các khoản chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ

Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản; thu nhập về lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; hoàn nhập các khoản dự phòng; thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý xoá sổ nay đòi được; thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ; các khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót mới phát hiện ra và các khoản thu nhập khác; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài. ”

Và Điều 8 được sửa đổi lại như sau :

Điều 8. Xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế trong kỳ được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.

Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ (-) các khoản chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, cộng (+) thu nhập khác nhận được từ các nguồn, kể cả thu nhập thu được ở nước ngoài.

Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập tính  chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng.

Chính phủ quy định cụ thể phương pháp xác định thu nhập chịu thuế.

2/  Điều 8. xác định thu nhập tính thuế : trong dự thảo có quy định đề nghị xác định riêng thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng .

Nhưng theo dự thảo của Luật Thuế TNDN đã bỏ thu thuế TNDN bổ sung theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, theo đó hoạt động kinh doanh bất động cũng được áp dụng mức thuế suất phổ thông 25% như các hoạt động kinh doanh khác, do đó đề nghị không cần thiết phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế riêng , đề có thể bù trừ thu nhập với các hoạt động kinh doanh khác , từ đó xác định doanh nghiệp thực tế có lợi nhuận mời phải nộp thuế, không để có trường hợp toàn doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế , nhưng vẫn phải nộp thuế TNDN.

3/ Điều 9. Doanh thu : Đề nghị bổ sung tiêu chí thời điểm xác định doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế . Cụ thể Điều 9 được bổ sung thêm là :

“ Điều 9 . Doanh thu

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng; trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ.

Thời điểm để xác định doanh thu tính thu nhập chịu thuế là thời điểm hàng hóa, dịch vụ đã được tiêu thụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”

4/ Điều 10. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế :

- Đề nghị gộp tiết k vào tiết e : vị cùng là chi phí trả lãi tiền vay không được tính vào chi phí được trừ , cụ thể :

“ e) Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay; Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu ”

- Tiết l : “ l. Số thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ ; số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc tạm nộp”

Đề nghị bổ sung thêm số thuế GTGT nộp theo phương pháp khấu trừ, số thuế TNDN bị “ truy thu “. Cụ thể sửa lại thành : 
“ l. Số thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ ; số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, tạm nộp hoặc bị truy thu;”

5/ Điều 14 – Thuế suất ưu đãi và Điều 15 – Miễn thuế, giảm thuế : dự thảo quy định :

- Áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo cho doanh nghiệp mới thành lập thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao .

- Áp dụng thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm, miễn 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo cho doanh nghiệp mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Khu công nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập

Luật Thuế quy định  ưu đãi thuế TNDN cho doanh nghiệp mới thành lập thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, … ; doanh nghiệp mới thành lập hoạt động tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn kinh tế xã hội khó khăn . Đề nghị có thể nên quy định Chính phủ quy định cụ thể danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi và danh mục địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn kinh tế xã hội khó khăn cho 2 Điều 14 và Điều 15 Để có căn cứ thực hiện và kịp thời điều chỉnh trong từng thời kỳ khi nền kinh tế có sự chuyển biến thay đổi.

6/ Điều 17 – Miễn thuế, giảm thuế cho các trường hợp khác :

Đề nghị bỏ điểm 1 : Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư góp vốn bằng bằng sáng chế , bí quyết kỹ thuật , quy trình công nghệ , dịch vụ kỹ thuật

Điểm này trước đây Luật Thuế TNDN cũ có quy định , nhưng thực tế nhà đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhận được thu nhập được chia sau khi nộp thuế, thì hiện nay không phải nộp thuế TNDN, kể cả thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, do đó quy định tại điểm này là thừa, đề nghị bỏ .

II/ Đối với dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT :

1/ Điều 2 . Đối tượng chịu thuế : dự thảo quy định

“Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của Luật này.”

Đề nghị bổ sung thêm ở khâu  nhập khẩu , cụ thể Điều 2 sửa đổi là :

 “Hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của Luật này.”

Vì hiện nay hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu cũng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT , do đó đề nghị bổ sung cho đủ căn cứ pháp lý .

2/ Điểm 20 Điều 4 . Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT : dự thảo quy định

“21. Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ;  phần mềm máy tính;”

Đề nghị bổ sung thêm dịch vụ phần mềm, vì hiện nay dịch vụ phần mềm vẫn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT , cụ thể sửa đổi thành :

“21. Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ; sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm máy tính;”

3/ Điểm 2 Điều 7 . Mức thuế suất 5% đối với hàng hóa, dịch vụ : Dự thảo quy định :

- Tiết i : “i) Bình bơm thuốc trừ sâu; mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế;lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;”
 Đề nghị bỏ “dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá” vì trên thực tế rất khó xác định như thế nào là dây giềng và sợi dùng để đan lưới đánh cá . Cụ thể sửa lại là :

i) Bình bơm thuốc trừ sâu; mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế;lưới đánh cá;”

4/ Điểm 1 Điều 8 . Phương pháp khấu trừ thuế : Dự thảo quy định

Đoạn : “Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.”

Vì nếu quy định như trên , thì trường hợp doanh nghiệp áp dụng giá tính thuế không đúng hoặc áp dụng thuế suất không đúng quy định , thì vẫn được xác định đó là số thuế GTGT đầu ra vì đây là tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng . Do đó, đề nghị sửa lại như cũ, cụ thể như sau :

“Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng .”

5/ Điểm 1 , Điều 9. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào : Dự thảo quy định :

- Tiết a điểm 1 : “a) Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ toàn bộ;”

  Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “ Giá trị gia tăng” như tiết b điểm 1 Điều này, cụ thể như sau :

a) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ toàn bộ;”

6/ Điểm 2 , Điều 9. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào : Dự thảo quy định :

Tiết c : “ c) Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, b nêu trên phải có tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, hợp đồng bán hàng hoá, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên nước ngoài, hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ và thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng.

Việc thanh toán tiền bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước cũng được coi là đã thanh toán qua ngân hàng.”

Đối với dịch vụ xuất khẩu thì không thể đòi hỏi có tờ khai hải quan xác nhận dịch vụ xuất khẩu và trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì điều kiện về hợp đồng là hợp đồng uỷ thác xuất khẩu . Do đó, đề nghị sửa lại như sau :

c) Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, b nêu trên phải cung cấp thêm hồ sơ, thủ tục sau  :

- Hợp đồng bán hàng hoá, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ  cho ký với bên nước ngoài . Trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì phải có hợp đồng uỷ thác xuất khẩu

- Hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ và thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng.

- Tờ khai hải quan xác nhận hàng hoá thực xuất khẩu của cơ quan Hải quan (dịch vụ xuất khẩu không cần phải có tờ khai hải quan)

- Thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng

Việc thanh toán tiền bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước cũng được coi là đã thanh toán qua ngân hàng.”

7/ Điều 11.Hóa đơn, chứng từ .

Điểm 1.2 dự thảo quy định :

“ 1.2- Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng sử dụng hóa đơn bán hàng ”

Đề nghị sửa lại là :

“1.2- Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng sử dụng hóa đơn bán hàng ”

Để tránh trường hợp các doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý, ngoại tệ nộp theo phương pháp tính trực tiếp hiện nay chỉ đang sử dụng duy nhất 1 loại hóa đơn GTGT.
Trên đây là ý kiến tham gia góp ý dự thảo 2 luật thuế GTGT, thuế TNDN bản ngày 20/02/2008 của Bộ Tài Chính trình Chính phủ .
 
Người tham gia :
 
Trần Thị Lệ Nga – Đỗ Quốc Tuấn ( Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ - Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh)
  

Các văn bản liên quan