Góp ý của Ths Nguyễn Thị Thủy – Trưởng bộ môn Luật Tài chính Ngân hàng – ĐH Luật TP HCM

Thứ Ba 14:55 04-03-2008


GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT THUẾ GTGT VÀ THUẾ TNDN.

Ths. Nguyễn Thị Thủy-Trưởng bộ môn luật Tài chính-Ngân hàng ĐHLuật Tp. HCM

1- Sự cần thiết phải ban hành luật thuế GTGT sửa đổi và Luật thuế TNDN sửa đổi.

Luật thuế GTGT và thuế TNDN đều được ban hành năm 1997. Đây là hai sắc thuế tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và có sự ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất hàng hóa nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đối tượng chịu thuế GTGT là hầu hết các hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam nên chủ thể chịu sự điều tiết của sắc thuế này rất rộng. Đối với thuế TNDN là sắc thế thu vào thu nhập có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh nên sự ảnh hưởng của nó đến các chủ thể kinh doanh, đến nền kinh tế là rất lớn. Chính vì lẽ đó mà yêu cầu được đặt ra là, nội dung điều chỉnh của hai sắc thuế này phải phù hợp với sự vận động của nền kinh tế thì mới đảm bảo được một trong những vai trò cơ bản của hệ thống thuế là công cụ để kích thích nền kinh tế phát triển.

Thuế GTGT có hiệu lực vào ngày 1/1/1999 đã phát huy được những vai trò cơ bản mà Nhà nước đề ra khi quyết định thay thế nó cho thuế doanh thu. Qua quá trình thực hiện, thuế GTGT đã được sửa đổi nhiều lần để đảm bảo tính hiệu quả. Lần sửa đổi gần đây nhất là năm 2005. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, vì thuế GTGT là loại thuế gián thu, thu vào hành vi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy, để có một sắc thuế GTGT hoàn chỉnh trong một thời gian ngắn thực hiện là điều khó khăn. Qua nhiều lần sửa đổi, cần thiết cũng phải có sự tổng hợp các nội dung điều chỉnh của thuế GTGT vào một văn bản thống nhất. Hiện nay, để nghiên cứu về thuế GTGT người đọc phải đối chiếu giữa luật gốc và các luật sửa đổi gây khó khăn cho sự nắm bắt về mặt nội dung. Để thuế GTGT phát huy được vai trò của mình, vừa là công cụ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa là công cụ để kích thích nền kinh tế phát triển, vừa là công cụ đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh thì Nhà nước phải có cơ chế điều chỉnh, sửa đổi những nội dung đã lỗi thời, gây bất cập cho quá trình áp dụng của thuế GTGT. Đồng thời, cũng đã đến lúc, Nhà nước phải tập hợp những nội dung của thuế GTGT đã ban hành và sửa đổi vào một văn bản thống nhất để tạo thuận tiện cho người đọc nắm bắt được dễ dàng.

Đối với thuế TNDN, mặc dù năm 2004, Quốc hội đã ban hành luật thuế TNDN thay cho Luật năm 1997, tuy nhiên hiện nay, khi luật thuế thu nhập cá nhân được ban hành thì việc phải sửa đổi luật thuế TNDN hiện hành là vô cùng cần thiết. Cụ thể, theo quy định của luật thuế TNDN hiện hành thì đối tượng chịu thuế TNDN là các khoản thu nhập có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi Quốc hội ban hành luật thuế TNCN thì một số khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân đã chuyển sang đối tuợng chịu thuế TNCN. Theo nguyên tắc xây dựng hệ thống thuế thì một khoản thu nhập không được đồng thời là đối tượng chịu thuế của hai sắc thuế. Hơn nữa, khi chúng ta ban hành Luật thuế TNDN năm 2004, lúc đó các nước trong khu vực đang áp dụng mức thuế TNDN cao, nay các nước đã tiến hành giảm thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư, nếu chúng ta không có chính sách giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư nước ngoài làm mất đi một nguồn lợi nhuận đáng kể cho nền kinh tế đất nước.

Vì những lý do trên đây mà việc sửa đổi hai luật thuế GTGT và TNDN là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Luật quản lý thuế vừa mới ban hành. Hơn nữa, rõ ràng, qua quá trình áp dụng cho thấy, có nhiều nội dung của hai luật thuế hiện hành không còn phù hợp với cơ chế điều tiết của nền kinh tế, không khuyến khích được đầu tư nước ngoài. Để phát huy vai trò là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh và kích thích phát triển sản xuất kinh doanh hành hóa, dịch vụ, Luật thuế GTGT và Thuế TNDN phải được sửa đổi theo hướng phù hợp với sự vận động của nền kinh tế, tạo sự thuận tiện, đơn giản trong quá trình áp dụng, đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hoạt động quản lý thuế.

2- Những góp ý về nội dung sửa đổi.

a- Đối với thuế GTGT.

Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với ý kiến của Ban soạn thảo là phải bổ sung “các dịch vụ tài chính phái sinh” vào diện không chịu thuế GTGT tại khoản 7, điều 4. Trên thực tế, sự vận hành của thị trường tài chính chắc chắn sẽ tạo nên các dịch vụ tài chính phái sinh như quyền chọn mua, chọn bán, hợp đồng tương lai…thực chất đây cũng là hoạt động đầu tư tài chính, là kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế, vì vậy, các hoạt động này cũng nằm trong diện khuyến khích và nên đưa vào diện không chịu thuế GTGT.
Thứ hai, chúng tôi ủng hộ nội dung sửa đổi “bổ sung quy định hàng hóa, dịch vụ mua vào để được khấu trừ thuế đầu vào thì phải thanh toán qua ngân hàng”. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc quản lý thuế đồng thời có thể ngăn chặn hành vi mua hóa đơn để khấu trừ thuế và hoàn thuế khống làm thất thu cho ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, quy định này không những giúp cho hoạt động quản lý thuế GTGT nói riêng và hệ thống thuế nói chung được thuận tiện, chặt chẽ mà còn tạo thuận lợi cho ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán. Về quy định những trừơng hợp đặc biệt không phải có điều kiện này và mức tiền tối thiểu mà các chủ thể kinh doanh buộc phải thanh toán qua ngân hàng nên để Chính phủ quy định.

Về nội dung bổ sung quy định thuế đầu vào của tài sản dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, theo chúng tôi là hợp lý. Sở dĩ, chúng tôi đồng ý với nội dung sửa đổi này vì việc phân định trong một tài sản cố định, phần nào dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT là rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu cơ quan Thuế không có cơ sở phân định rõ ràng sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, tạo nên cơ chế xin cho. Hơn nữa, khi mua tài sản cố định, chủ thể kinh doanh đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh lâu dài, vì vậy, cũng nên khuyến khích các chủ thể này đầu tư vào tài sản cố định bằng việc hoàn lại toàn bộ thuế GTGT đầu vào đã nộp khi mua tài sản cố định.

Thứ ba, về mức thuế suất, theo chúng tôi không nên quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất vì như vậy sẽ không đảm bảo được vai trò của thếu GTGT là góp phần định hướng tiêu dùng. Hiện này, mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của chúng ta rất ít, vì vậy, nếu chúng ta quy định một mức thuế suất thuế GTGT sẽ mang tính cào bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, với điều kiện nền kinh tế của chúng ta vẫn còn chưa phát triển, nên cần thiết phải quy định các mức thuế suất khác nhau cho những hàng hóa, dịch vụ khác nhau để thể hiện chính sách định hướng tiêu dùng trong dân cư. Theo chúng tôi, quy định ba mức thuế suất như Luật hiện hành và dự thảo là phù hợp.

Thứ tư, chúng tôi xin kiến nghị một nội dung mới không thấy đề cập trong dự thảo đó là, hiện nay thuế GTGT được tính dựa vào hai phương pháp là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Theo quy định của Luật hiện hành, các cá nhân kinh doanh không bắt buộc phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế mà họ được quyền lựa chọn nộp thuế theo một trong hai phương pháp trên. Đối với phương pháp tính tính trực tiếp trên GTGT, cách tính GTGT chia làm ba trường hợp:

- Nếu đối tượng nộp thuế đã sử dụng đầy đủ chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước, có hóa đơn mua vào và hóa đơn bán ra thì GTGT được xác định bằng cách lấy giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ đi giá thanh toán của háng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng.

- Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện bán hàng hóa, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo chế độ, xác định được đúng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không có đủ hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ thì giá trị gia tăng được xác định bằng doanh thu nhân (x) với tỷ lệ (%) giá trị giá tăng tính trên doanh thu.

- Đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hóa đơn mua, bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thếu căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng cá nhân kinh doanh để ấn định mức doanh thu tính thuế; giá trị gia tăng đựơc xác định bằng doanh thu ấn định nhân (x) với tỷ lệ giá trị gia tăng tính trên doanh thu. Trường hợp này thực chất là áp dụng chế độ thuế khoán.

Tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu làm căn cứ xác định giá trị gia tăng do cơ quan thuế quy định phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh.

Như vậy, trong cùng một sắc thuế mà có đến hai phương pháp tính thuế khác nhau là không đảm bảo sự thống nhất, không đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, với phương pháp trực tiếp thì cơ sở để tính GTGT dựa vào tỷ lệ GTGT trên doanh thu mà tỷ lệ này lại do cơ quan thuế xác định bằng phương pháp tính bình quân GTGT từ các đối tượng nộp thuế kinh doanh trong cùng ngành nghề. Quy định này theo chúng tôi là chưa thật sự hợp lý, bởi vì, dù là cùng một ngành nghề kinh doanh nhưng nếu ở các khu vực khác nhau thì giá trị gia tăng cũng khác nhau. Chính vì vậy, các xác định GTGT dựa vào tỷ lệ GTGT trên doanh thu là không đảm bảo tính công bằng.

Để đảm bảo sự thống nhất trong tính thuế GTGT, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, chúng tôi xin kiến nghị: chỉ áp dụng một phương pháp tính thuế GTGT đó là phương pháp khấu trừ thuế. Đối với các cá nhân kinh doanh đã sử dụng chế độ hóa đơn, chứng từ do Nhà nước quy định thì chuyển sang nộp thuế GTGT. Còn những cá nhân kinh doanh còn lại chưa thể hoặc không thể sử dụng chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước thì áp dụng thuế doanh thu khoán. Theo chúng tôi, đối tượng này phải rất hạn chế và chỉ áp dụng cho hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng.

b- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ nhất, chúng tôi nhất trí việc điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Luật quản lý thuế và Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2009. Cụ thể, các nội dung về quản lý thuế không cần phải đưa vào luật thuế TNDN nữa để đảm bảo thống nhất với luật Quản lý thuế và tránh tình trạng cùng một nội dung quy định được đề cập tại nhiều văn bản khác nhau. Về đối tượng nộp thuế TNDN phải chuyển đối tượng là các cá nhân kinh doanh sang chịu sự điều chỉnh của Luật thuế TNCN vì vậy, đối tượng chịu thuế TNDN phải loại bỏ chủ thể này.

Thứ hai, về thuế suất thuế TNDN chúng tôi đồng ý với quan điểm giảm mức thuế suất xuống còn 25%. Theo chúng tôi, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước chúng ta không nên đánh thuế quá cao mà điều cơ bản là phải quản lý thuế tốt, tránh tình trạng thất thu thuế. Muốn vậy, mức thuế suất điều tiết phải phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, với sự điều chỉnh giảm xuống của thuế TNDN sẽ đảm bảo mức động viên từ thu nhập của doanh nghiệp ngang bằng với các nước trong khu vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ ba, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất nên bỏ. Trên thực tế, việc xác định và tính thuế TNDN bổ sung đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất rất phức tạp, khó tính và cũng khó áp dụng. Hơn nữa, khi sự điều tiết về thuế quá cao sẽ tạo hiện tượng đối tượng nộp thuế tìm mọi cách để trốn thuế làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.

 Liên quan đến quy định này, chúng tôi cũng xin kiến nghị, quy định về thuế TNDN từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nên liệt kê rõ những trường hợp nào phải nộp thuế TNDN để đảm bảo thống nhất trong quá trình áp dụng bởi vì nó còn liên quan đến thuế TNCN sau này. Đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân, khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế TNCN phải có quy định rõ ràng.

Thứ tư, quy định về chế độ miễn, giảm thuế TNDN theo pháp luật hiện hành là quá phức tạp, không thuận tiện và thiếu minh bạch nên vừa gây khó khăn cho quá trình áp dụng, vừa tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực trong công tác miễn giảm thuế. Để vừa tạo sự đơn giản trong việc áp dụng cũng như đảm bảo chính sách ưu đãi của Nhà nước, quy định về chế độ miễn giảm thuế TNDN nên đơn giản và chỉ nên ưu đãi cho những ngành nghề, khu vực cần thiết phải khuyến khích. Hiện nay, Luật thuế TNDN quy định rất nhiều trường hợp miễn giảm, theo chúng tôi chỉ cần quy định 3 trường hợp đó là ưu đãi cho ngành nghề, ưu đãi cho khu vực và ưu đãi cho trường hợp sử dụng người lao động. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, nếu không thuộc diện ưu đãi, khuyến khích đầu tư không nên có chế độ miễn thuế mà chỉ nên giảm thuế.

Thứ năm, về thời điểm có hiệu lực của Luật thuế TNDN theo chúng tôi lấy mốc thời gian là ngày 1/1/2009 để đồng bộ với Luật thuế TNCN và phù hợp với năm tài chính chịu thuế của các doanh nghiệp.

Tp.HCM ngày 28/02/2008
 

Các văn bản liên quan