Góp ý của VCCI

Thứ Sáu 09:00 30-11-2007

PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

................................................
Số:                    /PTM-PC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2007

 
Kính gửi:      BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG           
V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định chống thư rác
 

Phúc đáp Công văn số 513/BTTTT-VP ngày 01 tháng 10 năm 2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định chống thư rác (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   NHẬN XÉT CHUNG

Ban soạn thảo cần đảm bảo các nguyên tắc sau khi xây dựng dự thảo:

(i)                          Các quy định trong Dự thảo phải thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tránh chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy định này.

(ii)                       Các quy định trong Dự thảo cần đảm bảo tính rõ ràng, dễ hiểu và khả thi.

II.                MỘT SỐ GÓP Ý CỤ THỂ

1.      Tên của Nghị định

Tên của Nghị định nên được đổi thành “Nghị định về quảng cáo bằng thông điệp điện tử” vì nội dung chính của Nghị định là nhằm điều chỉnh việc gửi thông điệp điện tử quảng cáo (thư điện tử hoặc tin nhắn điện tử).

2.      Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nội dung chính của Nghị định này (thể hiện trong các điều khoản của Nghị định) là điều chỉnh việc gửi thông điệp điện tử quảng cáo của các tổ chức, cá nhân và các nội dung khác có liên quan. Do đó, điều này nên được quy định lại là: “Nghị định này quy định về việc gửi thư điện tử quảng cáo và các vấn đề có liên quan”.

 
3.      Điều 2. Đối tượng áp dụng

Phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ của Nghị định này, khi ghi nhận rằng “trên lãnh thổ Việt Nam” là không thể áp dụng vì Internet vốn là phương tiện không biên giới. Việc xác định như thế nào là trao đổi thư điện tử và tin nhắn trên lãnh thổ Việt Nam là rất khó có thể xác định. Ví dụ, một công ty của Trung Quốc thuê máy chủ đặt tại Việt Nam và sử dụng máy chủ này để gửi thư điện tử mà pháp luật Việt Nam cho là thư rác cho các cá nhân và tổ chức của Canada thì sẽ áp dụng nguyên tắc lãnh thổ nêu trên thế nào nếu như pháp luật của Canada không coi các thư điện tử đó là thư rác và nếu có thì luật nước nào sẽ áp dụng. Luật Việt Nam sẽ không thể áp dụng vào trường hợp này vì dù hành vi gửi thư này tuy được diễn ra “trên lãnh thổ Việt Nam” nhưng thực sự lại không hề ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích của các cá nhân hoặc tổ chức mà luật Việt Nam bảo vệ. Vì vậy, nguyên tắc áp dụng trong Điều này cần phải được quy định lại cho phù hợp với tính chất không biên giới của Internet.

4.      Điều 3. Giải thích từ ngữ

-         Khoản 1 Điều 3 quy định “Thư điện tử là thông điệp dữ liệu được gửi đến một hoặc nhiều địa chỉ thư điện tử qua cơ sở hạ tầng thông tin”. Nên quy định ngắn gọn lại như sau: “Thư điện tử là thông điệp được gửi tới địa chỉ thư điện tử.” Việc thêm vào cụm từ qua cơ sở hạ tầng thông tin là không cần thiết vì nếu không có hạ tầng thông tin thì không thể gửi thư điện tử tới địa chỉ thư điện tử.

-         Khoản 2 Điều 3 quy định “Địa chỉ thư điện tử là địa chỉ điện tử bao gồm tên truy nhập của người sử dụng kết hợp với tên miền của máy chủ thư điện tử”. Địa chỉ thư điện tử nên được định nghĩa lại cho chính xác với nội hàm của nó. “Địa chỉ thư điện tử có nghĩa là điểm đến, thường được thể hiện bằng một chuỗi các ký tự, bao gồm một tên người dùng kết hợp với tên miền Internet, từ đó thư điện tử có thể được gửi hoặc truyền đi”.

-         Khoản 4 Điều 3 quy định “Địa chỉ điện tử là địa chỉ mà người sử dụng có thể nhận hoặc gửi thông điệp dữ liệu trên cơ sở hạ tầng thông tin”. Nên gộp khoản 3 và 4 lại để quy định như sau cho phù hợp với thực tế và chính xác với bản chất của tin nhắn: “Tin nhắn điện tử là thông điệp được gửi tới điện thoại , máy nhắn tin hoặc thiết bị khác có chức năng tương tự”

-         Khoản 5 Điều 3 quy định “Thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Thư rác bao gồm thư điện tử rác và tin nhắn rác”. Thư điện tử hoặc tin nhắn điện tử chỉ có thể được coi là thư rác nếu như rơi vào hai điều kiện sau:

a)      Người nhận không mong muốn nhận hoặc không có nghĩa vụ phải nhận

b)     Nội dung và cá nhân người nhận không có mối liên hệ gì với nhau vì thư điện tử hoặc tin nhắn điện tử được gửi đi cùng một lúc cho nhiều người nhận.

Do đó, nếu định nghĩa như khoản 5 hiện tại, vô hình trung, chúng ta coi cả thư điện tử được gửi một cách ngay tình và có mục đích tốt là thư rác hoặc tin nhắn rác. Ví dụ: Một công ty A gửi thư điện tử đến thể hiện mong muốn được hợp tác với công ty B trong lĩnh vực mà công ty B đang kinh doanh. Công ty B không muốn hợp tác với bất kỳ công ty nào vào thời điểm nhận thư điện tử đó. Do bên B không mong muốn và không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Thư điện tử của bên A gửi bị coi là thư rác?

-         Khoản 9 Điều 3 quy định “Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình”. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ của mình không có nghĩa là người quảng cáo vì nếu họ có nhu cầu nhưng chưa thực hiện việc quảng cáo thì không thể coi là người quảng cáo. Họ chỉ bị coi là người quảng cáo khi tự mình hoặc thuê tổ chức quảng cáo thực hiện việc quảng cáo. Do đó, cần phải định nghĩa lại khái niệm này như sau: “Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ của mình bằng việc tự quảng cáo hoặc thuê nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo”.
 
5.      Khoản 1 Điều 27. Nguyên tắc xử phạt

-         Thứ nhất, “người có thẩm quyền xử phạt” được quy định trong các Điều 29, 30 và 31 của Dự thảo chứ không phải tại các điều 35, 36 và 37. Đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại cho phù hợp.

-         Thứ hai, nội dung câu thứ 2 trong mục 1 chưa rõ ràng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn.

6.      Điều 34. Các hành vi vi phạm về thư rác

-         Nhằm đảm bảo tính lô gích, đề nghị Ban soạn thảo đưa điều này lên trên nội dung “Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo” vì chỉ khi có hành vi phạt vi phạm mới có hành vi khiếu nại, tố cáo.

-         Theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, cơ quan, người có thẩm quyền còn được áp dụng các biện pháp khắc phục (Chương II, Pháp lệnh). Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung Điều 34, Dự thảo chỉ áp dụng duy nhất một biện pháp là phạt tiền. Nếu chỉ áp dụng duy nhất một hình thức phạt tiền, tính hợp lý và hiệu quả của quy định sẽ bị hạn chế đi nhiều. Bên cạnh đó,  Điều 34 nếu chỉ quy định về một hình thức xử phạt thì sẽ mâu thuẫn với Điều 29 Dự thảo, theo đó Điều 29 đã quy định rõ thẩm quyền và các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của Dự thảo.

-         Mức xử phạt tối thiểu và mức xử phạt tối đa trong Điều 34 Dự thảo có chênh lệnh khá lớn (trừ khoản 8). Tuy nhiên, Ban soạn thảo lại không đưa ra được tiêu chí và phương thức đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính và mức phạt tiền tương ứng. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và điều chỉnh lại cho hợp lý hơn.

7.      Về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

-         Chống thư rác là một lĩnh vực chuyên ngành, việc phát hiện, lập biên bản và xử lý cần có những hình thức và biện pháp đặc biệt. Do đó, ngoài những nguyên tắc, thủ tục chung quy định trong pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì Ban soạn thảo cần đưa ra những quy định cụ thể để áp dụng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa đưa ra được điều khoản cụ thể nào quy định về trình tự phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào quy định này để đảm bảo tính hợp lý và khả thi của Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định chống thư rác. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Bộ Tư pháp
-         VPCP
-         Lưu VT, PC


KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


 
 

Các văn bản liên quan