Rắc rối Điều lệ mẫu…

Thứ Ba 00:07 08-05-2007

Trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  

về một số ý kiến liên quan đến Điều lệ mẫu

 

 

Gần đây có một số ý kiến trên báo Đầu tư chứng khoán (ĐTCK) và của một số cá nhân liên quan đến Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 của Bộ Tài chính. Cụ thể Báo Đầu tư Chứng khoán số 31 ngày 16/04/2007 có bài “rắc rối Điều lệ mẫu cho công ty niêm yết” và Báo ĐTCK số 32 ngày 19/04/2007 có bài “Điều lệ mẫu, càng mổ xẻ càng …rối”. UBCKNN xin tổng hợp các ý kiến thắc mắc (in nghiêng) và có ý kiến như sau:

1.    Các ý kiến liên quan đến đối tượng áp dụng của Điều lệ mẫu

-        Về ý kiến Điều lệ mẫu là mô hình cứng nhắc và không phù hợp với mọi doanh nghiệp. Điều lệ mẫu không có quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị: Theo Điều 1 Quyết định 15/2007/QĐ-BTC quy định đối tượng áp dụng Điều lệ mẫu chỉ bao gồm các công ty niêm yết trên Sở GDCK/TTGDCK chứ không phải áp dụng chung cho các DN theo Luật Doanh nghiệp như các tác giả hiểu. Quan điểm khi xây dựng Điều lệ mẫu là chỉ quy định những nội dung “tối thiểu” chủ yếu liên quan đến quản trị công ty mà Điều lệ các công ty niêm yết phải đưa vào và không hàm ý cấm các công ty niêm yết đưa ra những quy định khác hay quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị. Như vậy, các công ty niêm yết hoàn toàn có thể quy định thêm những vấn đề khác, bao gồm vấn đề tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị trong công ty phù hợp với pháp luật và điều kiện cụ thể của từng công ty. Điều này đã được thể hiện ngay tại trang đầu Điều lệ mẫu và việc khuyến khích các công ty đưa thêm các điều khoản khác phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mình cũng đã được thể hiện tại Quy chế quản trị công ty ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC.

 

2.    Các vấn đề liên quan đến họp ĐHĐCĐ

-        Về ý kiến Điều 16.1 của Điều lệ mẫu quy định việc thông qua quyết định Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi hay hủy bỏ các quyền đặc biệt gắn liền với từng loại cổ phần chỉ được thông qua khi có sự nhất trí bằng văn bản của những người nắm giữ ít nhất 75% quyền biểu quyết của cổ phần đã phát hành loại đó là trái Luật DN (Báo ĐTCK số 32) với lập luận theo quy định của Luật DN Điều 104.3a và 104.3b. Theo quy định tại Điều 16.1 tại ĐLM “Các quyết định của ĐHĐCĐ (trong các trường hợp quy định tại Điều 14.2 liên quan đến vốn cổ phần của Công ty được chia thành các loại cổ phần khác nhau) về việc thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyền đặc biệt gắn liền với từng loại cổ phần sẽ chỉ được thông qua khi có sự nhất trí bằng văn bản của những người nắm giữ ít nhất 75% quyền biểu quyết của cổ phần đã phát hành loại đó” trích nguyên văn. Như vậy, đối tượng quy định của ĐLM ở đây là vấn đề “chia vốn cổ phần thành các loại cổ phần khác nhau và thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyền gắn liền với từng loại cổ phần”, đối tượng này Luật DN (Điều 104.3a và 104.3b) không đưa ra quy định cụ thể như tác giả bài viết đề cập, hơn nữa, trong quy định tại Điều 104.3b Luật DN khi quy định những vấn đề liên quan đến cổ phần và một số vấn đề khác quan trọng của công ty cũng quy định rất mở “nếu Điều lệ công ty không quy định khác..., tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.

Vấn đề “chia vốn cổ phần thành các loại cổ phần khác nhau và thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyền gắn liền với từng loại cổ phần” ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của cổ đông, do đó quy định chặt như trong ĐLM là hợp lý và phù hợp với quy tắc QTCT tốt được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm ngăn ngừa tình trạng “đa số có mặt biểu quyết” nhưng chưa chắc là “đa số quyền biểu quyết” có thể thay đổi quyền lợi của đa số, và quy định này không có điểm gì trái Luật DN;

-        Về ý kiến Điều lệ mẫu quy định việc triệu tập lại ĐHĐCĐ trong vòng 30 ngày là khó thực thi (Báo ĐTCK số 32): Việc quy định thời hạn 30 ngày phải triệu tập họp lại  này là theo Điều 102.2 Luật DN;

-        Về ý kiến Điều lệ mẫu “mở” thêm quyền cho chủ toạ ĐHĐCĐ-Điều 19.6  trong trường hợp hoãn ĐHĐCĐ, song Luật DN cũng quy định trường hợp chủ toạ ĐHĐCĐ dừng họp ĐHĐCĐ trái luật, thì ĐHĐCĐ bầu một người khác thay thế, và theo tác giả quyền của chủ toạ sẽ bị rơi vào tình thế bị phủ quyết trên (Báo ĐTCK số 31): trong Điều 19.7 tại ĐLM cũng có quy định tương tự quy định tại Luật DN là  trường hợp chủ toạ ĐHĐCĐ dừng họp ĐHĐCĐ trái luật, thì ĐHĐCĐ bầu một người khác thay thế. Ở đây chúng tôi thấy không có điểm gì là mâu thuẫn;

-        Về ý kiến Luật DN quy định, phiếu biểu quyết của người được uỷ quyền dự họp ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực khi công ty nhận được thông báo bằng văn bản về thay đổi uỷ quyền dự họp ĐHĐCĐ chậm nhất 24 giờ trước giờ khai mạc cuộc họp ĐHĐCĐ, thời gian Điều lệ mẫu đưa ra 48 giờ là sai Luật DN. Tương ứng với ý nói trên được quy định trong Điều 101.4 Luật DN và Điều 15.4 ĐLM. Luật DN đề cập vấn đề nói trên khi người uỷ quyền “trao giấy uỷ quyền” cho người đại diện, còn trong ĐLM, cũng vấn đề nói trên nhưng quy định thời hạn khác bởi đây là trường hợp thông qua luật sư của người uỷ quyền ký giấy chỉ định đại diện uỷ quyền.

 

3.    Các vấn đề liên quan đến HĐQT

-        Về ý kiến Luật DN quy định số lượng thành viên HĐQT 3-11 người, nhưng Điều lệ mẫu quy định số lượng này là 5-11 người (Báo ĐTCK số 32): Theo chúng tôi, do ĐLM chỉ áp dụng đối với các công ty niêm yết và điều kiện đối với công ty niêm yết thường cao hơn những doanh nghiệp “bình thường”, vì vậy, những quy định đưa ra trong ĐLM thường chặt chẽ hơn so với Luật DN (áp dụng cho nhiều đối tượng) và việc quy định này không trái Luật DN;

-        Về ý kiến Điều lệ mẫu không có quy định về thủ tục và cơ chế bầu thành viên HĐQT (Báo ĐTCK số 32): Điều lệ công ty chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của công ty, chứ không thể quy định được mọi vấn đề. Tuy nhiên, để đảm bảo các nguyên tắc quản trị công ty tốt, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu công ty niêm yết quy định cụ thể tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty (theo Điều 4.2b Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở GDCK/ TTGDCK ban hành kèm theo Quyết định 12/2007/QĐ-BTC);

-        Vấn đề bầu thành viên HĐQT theo nguyên tắc ‘bầu dồn phiếu’ theo quy định tại Luật DN là hoàn toàn mới không được diễn giải trong ĐLM (Báo ĐTCK số 32): Việc diễn giải hay hướng dẫn phương thức bầu dồn phiếu nên được thể hiện tại các văn bản hướng dẫn Luật DN chứ không nên đưa vào Điều lệ công ty. Mặt khác, tại Điều 9.5 Quy chế QTCT ban hành kèm theo Quyết định 12/BTC đã quy định công ty niêm yết có nghĩa vụ quy định và hướng dẫn cụ thể cho cổ đông việc bầu thành viên HĐQT theo phương thức dồn phiếu;

-        Về ý kiến ĐLM không có quy định về tiêu chuẩn Tổng Giám đốc/Giám đốc, thành viên HĐQT, thành viên BKS; Điều lệ mẫu không đề cập, đưa ra một mẫu đối với việc bầu Chủ tịch HĐQT: Theo chúng tôi vấn đề này nên để công ty quy định thì phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của mình. Vấn đề này đã được đề cập trong Quy chế nội bộ về quản trị công ty tại Điều 4.2b và Điều 13.3a Quy chế QTCT ban hành kèm theo Quyết định 12;

-        Về ý kiến việc Điều lệ mẫu quy định HĐQT có thể bổ nhiệm thành viên HĐQT mới và thành viên mới này phải được chấp thuận tại ĐHĐCĐ ngay tiếp sau đó (Điều 24.6) là trái với nguyên tắc nêu tại Luật DN (Báo ĐTCK số 31): Điều 24.6 trong ĐLM đề cập đến việc HĐQT có thể bổ nhiệm thành viên HĐQT, tuy nhiên đây không phải là bầu theo phương thức thông thường mà đây là “thành viên HĐQT mới thay thế chỗ trống phát sinh”, tức là việc bổ nhiệm khi có chỗ trống phát sinh (vì một lý do nào đấy, chẳng hạn thành viên HĐQT đó chết, mất tích, mất năng lực hành vi, phạm tội…) nhằm đảm bảo cho HĐQT luôn có đủ số thành viên cần thiết cho việc QTCT. Đây là vấn đề có thể phát sinh trong thực tế, Luật DN không đề cập đến trường hợp này, và trong thực tế sẽ không hợp lý khi cứ có một thành viên HĐQT nào đó có vấn đề là lại phải triệu tập ngay ĐHĐCĐ để bầu mới, hơn nữa ĐLM cũng quy định rằng thành viên mới này phải được bầu lại tại ĐHĐCĐ gần nhất. Ngoài ra, điều lệ công ty chỉ được thông qua khi có quyết định của ĐHĐCĐ, do đó ĐLM quy định như vậy là không trái Luật DN;

-        Về ý kiến Điều lệ mẫu quy định khi thực hiện quyết định bổ sung ngành nghề phải được HĐQT phê chuẩn là vi phạm Luật DN và Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh (Báo ĐTCK số 31):về vấn đề này chúng tôi không rõ tác giả trích xuất ở đâu. Trong ĐLM, cũng như quy định cụ thể tại Điều 25 ĐLM về trách nhiệm và quyền hạn của HĐQT không có đề cập đến vấn đề này;

-        Về ý kiến HĐQT không thể thông qua con dấu chính thức của doanh nghiệp được (Điều 49), bởi lẽ theo quy định tại Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu chỉ có Bộ Công an mới có thẩm quyền (Báo ĐTCK số 32): Theo Điều 49.1 tại ĐLM có quy định “Hội đồng quản trị sẽ quyết định thông qua con dấu chính thức của Công ty và con dấu được khắc theo quy định của luật pháp” trích nguyên văn, chúng tôi thấy không có điểm gì trái quy định pháp luật như tác giả hiểu.

Ngoài ra, còn một số ý kiến khác như Điều 24, Điều 27 ĐLM trái Luật DN; Điều 24.3, Điều 36.2 và Điều 37.4 đọc khó hiểu; các câu từ trong ĐLM đọc khó hiểu:

Điều 24, tác giả không nói rõ Khoản nào của Điều 24, nhưng theo chúng tôi hiểu có thể là Điều 24.6 về bổ nhiệm thành viên mới HĐQT thay thế chỗ trống phát sinh, điểm này chúng tôi đã giải thích ở trên.

Điều 27 về thành viên HĐQT thay thế: là điều khoản không bắt buộc thực hiện theo quy định của ĐLM, tác giả cũng không nói rõ là trái điểm gì. Theo chúng tôi quy định như vậy không có điểm gì là trái pháp luật.

Điều 24.3, Điều 36.2 và Điều 37.4 liên quan đến việc quy định cổ đông có quyền đề cử số lượng thành viên HĐQT, BKS tương ứng với mức vốn họ sở hữu, và hướng dẫn công ty quy định mức thù lao của BKS. Chúng tôi chưa rõ tác giả khó hiểu như thế nào, nhưng theo chúng tôi quy định như trong ĐLM là rất rõ ràng.

Về ý kiến cho rằng câu từ trong ĐLM khó hiểu: theo chúng tôi ĐLM là cơ sở để công ty niêm yết xây dựng Điều lệ công ty, vì vậy khi xây dựng ĐLM những nội dung cơ bản về tổ chức và hoạt động công ty, chúng tôi đều tiếp thu những nội dung đã được quy định trong Luật DN, chỉ những điểm liên quan đến quản trị công ty mà trong Luật DN chưa đề cập, thì chúng tôi mới đưa thêm vào. Bản thân Luật DN cũng như ĐLM đã thể hiện nhiều điểm mới về QTCT qua học tập kinh nghiệm quốc tế mà chưa có thực tiễn ở Việt Nam nên việc nhiều người đọc còn thấy khó hiểu là điều bình thường. Người đầu tư cần được trang bị kiến thức về pháp luật và kiến thức về quản trị doanh nghiệp thì mới hiểu được Điều lệ công ty và thực thi quyền hạn, trách nhiệm của mình.

Theo UBCKNN

 

Các văn bản liên quan