Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:55 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc - Thành phố Hồ Chí Minh
bổ sung:

Tôi còn một vài ý nhỏ nữa xin phát biểu bổ sung.

Tôi xin nhấn mạnh một ý rằng trong việc dùng hoá chất độc hại, đại bộ phận người ta cố ý chứ không phải là vô ý, vì nó mang lại những lợi ích rất lớn, trong trường hợp đó người ta chấp nhận cái đó. Tôi nhớ rằng một lần truyền hình có đưa hình tượng một doanh nhân trẻ xây dựng một xí nghiệp mới chế biến cá basa và làm ô nhiễm một đoạn sông dài. Khi người ta chất vấn anh này thì anh trả lời rằng nhưng tôi tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, ở đây nó trở lại vấn đề tôi muốn nói đó là chấp nhận đến đâu và cho phép đến đâu thì chúng ta nhiều khi không tính đến cái này. Vì vậy cứ để dung dượng những trường hợp như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải biết cố ý này không phải ngẫu nhiên mà vì nó mang lại lợi ích rất lớn, nhưng chúng ta cho phép đến đâu thì chưa rõ.

Tôi thấy một vấn đề nữa liên quan đến việc dùng chất độc, hàn the chẳng hạn, hàn the là một loại hoá chất dùng rất truyền thống ở Việt Nam, làm bánh đúc mà không có hàn the thì người dân không chấp nhận được, bánh đúc phải cứng ăn nó mới ngon, ăn sồn sột. Tôi đồng ý với anh Vũ Tuyên Hoàng trong trường hợp này cho phép đến đâu, cái này không đi vào cụ thể tôi thấy làm khó dân rất nhiều. Tiếp nữa, tôi muốn trở lại vấn đề tôi cho gọi là luật khung hoặc thiếu cụ thể, tôi xin nêu một vài dẫn chứng để đồng chí Hải, Bộ trưởng thấy rõ. Chúng ta nhiều khi quy định tưởng như rất đầy đủ, nhưng quy định cho có. Tôi xin nêu một dẫn chứng trực tiếp, Điều 58 nói rằng Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện sự quản lý Nhà nước, câu đó rất đúng, rất đầy đủ, nhưng trong phạm vi, quyền hạn của mình là cái gì, chẳng hạn Nhà máy Lâm Thao thì xã biết, huyện biết, tỉnh biết nhưng trách nhiệm của ai. Chúng ta không đi vào cụ thể, cứ nói trong phạm vi, quyền hạn của mình, nhưng cụ thể là cái gì thì không rõ. Hoặc chúng ta có quy định rất chung chung, Điều 26, 29, 40 tôi thấy có những chỗ này cần phải chú ý. Điều 26 có nói giấy phép bị thu hồi a, b, c đến Điểm đ nói các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Có 2 vấn đề đặt ra, trong quy định pháp luật thì pháp luật này ai đặt ra? Ai có quyền đặt ra điều kiện để thu hồi. Vì vấn đề này có thể cấp xã họ muốn thu hồi, họ gây khó dễ và họ muốn thu hồi, cấp huyện cũng có thể, cấp tỉnh cũng có thể, cấp Bộ cũng có thể, vậy ai có quyền ban hành quy định này? Không thể nói các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đó là Điều 26. Điều 20 các anh nói rất rõ nhưng cũng rất trừu tượng. Điều này quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoá chất, chúng ta quy định 1, 2, 3, 4, 5 rồi đến 6: các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cũng là theo quy định của pháp luật, nhưng ai có quyền quy định nghĩa vụ này? Vì quy định nghĩa vụ cho một doanh nghiệp, một cá nhân đó là vấn đề luật định, không phải ai muốn quy định cũng được. Cách quy định như thế này rất trừu tượng, dễ tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng rằng chính tôi quy định và tôi bắt anh phải thi hành thì sao? Hoặc Điều 40 có một tình tiết như sau: các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 15a, chẳng hạn đơn đề nghị phê duyệt theo mẫu quy định, ai quy định mẫu này? Cũng là vấn đề tưởng như rất rõ rồi, nhưng cụ thể đặt vấn đề, tôi nêu câu hỏi ai quy định thì chịu. Cho nên luật mà không quy định cho rõ chủ thể sẽ tạo ra kẽ hở cho những người gây khó dễ cho dân hoặc cũng là một kẽ hở để người dân lợi dụng rằng việc đó anh có quyền quy định hay không và người ta phủ nhận nó. Cho nên làm thế nào để cho luật được thi hành, tôi nhắc lại ý nếu chúng ta ban hành luật theo từng vấn đề cụ thể và tránh những quy định thường thế này, thì mỗi luật được ban hành nó sẽ trở thành một cuốn sách gối đầu giường, một văn bản gối đầu giường cho người dân, có khi đêm người ta trằn trọc suy nghĩ à có vấn đề này, vấn đề kia, người ta giật mình mở cuốn này ra xem có quy định gì, giúp cho người dân rất dễ đi vào pháp luật. Xin hết.

Các văn bản liên quan