Góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Không nên điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế

Thứ Ba 09:10 03-07-2007

Điểm mới trong Dự luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)  được dư luận hoan nghênh là có giảm trừ gia cảnh, bao gồm: 1. Giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế và 2. Giảm trừ cho những người phụ thuộc người nộp thuế.

 

Trong thuế TNCN hiện hành (Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao),  phần giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế gọi là “khởi điểm chịu thuế”. Thuế chỉ thu đối với những người có thu nhập cao hơn mức đó, cũng có nghĩa là những người có thu nhập dưới mức đó không phải nộp. Quy định khởi điểm chịu thuế có tác dụng thu hẹp diện người nộp thuế, giảm khối lượng công tác hành thu, giảm chi phí thu thuế cho Nhà nước và cũng bớt việc cho dân. Hãy hình dung công việc của cơ quan thuế và của mọi công dân liên quan tới thuế TNCN sẽ như thế nào, nếu thu thuế từ đồng thu nhập đầu tiên như có ý kiến đã đề nghị. Hàng chục triệu người mỗi tháng sẽ phải kê khai và nộp thuế, kể cả khi thất nghiệp không có thu nhập, còn cơ quan thuế thì phải tiếp nhận và xử lý một khối lượng khổng lồ các bản kê khai thuế để thu. Rồi lại còn quyết toán nộp thiếu nộp thừa nữa. Bao nhiêu người nộp thuế có thể tự quyết toán?

 

Về mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế, các tác giả dự luật đưa ra ba mức : 3 triệu, 4 triệu và 5 triệu đồng để nhân dân dễ bề lựa chọn, nhưng lại không giải trình cơ sở của những con số đó để dân có hướng lựa chọn (!). Khởi điểm chịu thuế TNCN hiện hành là 5 triệu. Vì sao phải điều chỉnh xuống? Cần tăng thu ngân sách chăng? Và vì sao cần tăng thu? Câu trả lời sẽ không có sức thuyết phục nếu chỉ nói cần tăng thu ngân sách chung chung, mà phải cụ thể hơn, thí dụ để bù cho số giảm thuế nhập khẩu nhằm thực hiện cam kết gia nhập WTO hay AFTA hoặc đáp ứng một nhu cầu tăng chi nào đó. Nếu có nhu cầu tăng thu cụ thể như thế thì việc mở rộng hơn nữa đối tượng nộp thuế, trong đó giảm khởi điểm chịu thuế cũng là một cách, và tăng thuế suất là việc phải làm. Tuy nhiên các quan chức cao cấp ngành tài chính và thuế, khi giải thích về Dự luật Thuế TNCN, không thấy ai nhấn mạnh yêu cầu tăng thu, mà chỉ nhấn mạnh mặt bảo đảm công bằng, thậm chí còn đề cập tới vấn đề khoan sức dân. Phải chăng có thể coi đó là định hướng để bàn về các vấn đề cụ thể trong chính sách thuế TNCN giai đoạn hiện nay, khi nước ta dự kiến đến năm 2010 mới thoát khỏi cảnh nghèo, nghĩa là mới sắp sửa được  đứng vào cuối hàng các nước không còn nghèo ! Một thực tế vô cùng quan trọng nhưng dường như ít thấy đề cập khi bàn về thuế TNCN.

 

Như nhiều lĩnh vực khác, thuế cũng có tăng trưởng tự nhiên và tăng trưởng cơ học. Tăng trưởng tự nhiên là tăng nhờ tăng trưởng kinh tế. Chính sách thuế không thay đổi mà thuế vẫn tăng do nhiều người trước không thuộc diện nộp thuế, nay thu nhập tăng lên do trình độ chuyên môn được nâng cao hơn, nhờ tăng lương tối thiểu...  nên trở thành người nộp thuế. Còn những người đã nộp thuế trước đây thì số thuế phải nộp cũng nhiều hơn do thu nhập chịu thuế đã lớn hơn. Còn tăng trưởng cơ học là do điều chỉnh chính sách thuế, thí dụ mở rộng hơn đối tượng chịu thuế, tăng thuế suất... Mỗi khi cần điều chỉnh chính sách, cần giải trình cho dân biết  lý do. Căn cứ vào Dự luật Thuế TNCN, có thể thấy khá rõ ý tưởng tăng thu qua điều chỉnh chính sách, dù rằng mục tiêu tài chính của thuế TNCN sắp ban hành không được nhấn mạnh.

 

Có lẽ không thừa nếu nhắc lại ở đây mấy đặc điểm của nước ta còn ảnh hưởng khá mạnh đến thuế TNCN hiện nay: 1. Dân  còn nghèo, tuy có dễ chịu hơn 20 năm trước, nhưng chưa thể nói là hết nghèo. 2. Vẫn còn lạ lẫm với thuế TNCN. Mấy ai cảm thấy vui và tự hào khi được nộp thuế này? 3. Bộ máy thuế hiện nay chủ yếu quản lý thuế các doanh nghiệp mà đã quá tải. Dễ gì một vài năm nữa đã đủ sức đảm trách tốt thuế TNCN liên quan tới hàng triệu người dân với trình độ dân trí hiện tại, chứ không phải làm việc với các nhân viên kế toán doanh nghiệp. 4) Khu vực kinh doanh nhỏ và hành nghề tự do còn rộng, kinh tế tiền mặt, mua bán trao tay còn phổ biến, những điều kiện ghi nhận  và kiểm soát thu nhập cá nhân còn hạn chế. Tính tới những đặc điểm này, thuế TNCN chỉ có thể áp dụng trong một diện tương đối hẹp, thủ tục lại phải rất đơn giản, mức thu tương đối nhẹ.

 

Trở lại với khởi điểm chịu thuế đang bàn. Chiều hướng đa số có vẻ thuận với con số 5 triệu đồng quen thuộc, vì nếu giảm xuống 3 triệu hay 4 triệu thì đâu còn tinh thần khoan sức dân. Cũng có người tính toán kỹ hơn: phải chăng giảm khởi điểm chịu thuế là để bù cho khoản giảm trừ đối với những người phụ thuộc ? Kiểu tính toán này quá chi ly khi bàn về chính sách thuế. Tuy nhiên cũng đã có ý kiến cho rằng mức 5 triệu đồng còn là thấp, nếu tính rằng đời sống người dân không chỉ có ăn, mặc, mà còn nhà ở, còn học hành, chữa bệnh, nghỉ ngơi giải trí và trăm thứ quan hệ xã hội (hiếu hỷ, giỗ, Tết, thăm hỏi ốm  đau, tương trợ, từ thiện...). Cần phải nói rằng mức khởi điểm 5 triệu đồng bắt đầu áp dụng từ năm 2004. Nếu đến năm 2009 vẫn áp dụng mức đó thì giá trị thực tế của khoản tiền này đã giảm nhiều dưới tác động của sự trượt giá. Cụ thể, giả định mức trượt giá là 6%/năm, nếu dùng công thức tính hiện giá để quy đổi giá trị dòng tiền, thì 5 triệu đồng vào năm 2009 chỉ có giá trị hơn 3,7 triệu năm 2004. Vậy khởi điểm chịu thuế dù có giữ nguyên là 5 triệu đồng thì thực tế cũng đã giảm xuống dưới 4 triệu rồi.  Vậy mà còn có ý kiến muốn giảm hơn nữa.     

 

Phải chăng hạ khởi điểm chịu thuế xuống 3 hay 4 triệu đồng nhằm tăng thu? Nếu tình hình tài chính nước ta đòi hỏi cần làm như thế thì phải nói rõ và chắc chắn rằng dân sẽ đồng tình.

 

Lê Văn Tứ - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 27-6-2007

 

Các văn bản liên quan