Bản tổng hợp ý kiến doanh nghiệp của VCCI

Thứ Hai 14:29 22-05-2006
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được công văn số 7827/TC-CST xin ý kiến Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 23-TC/TCT ngày 09/5/1997 về lệ phí sở hữu công nghiệp. Sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến như sau:

Phần lớn nhất trí với dự thảo Thông tư, ngoài ra còn có một số ý kiến như sau:

I. VỀ HÌNH THỨC

Nội dung Thông tư quy định về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, tại Dự thảo Thông tư, Phần III quy định về "Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí Sở hữu công nghiệp", cần tách riêng Mục này thành hai phần "Tổ chức thu, nộp phí, lệ phí Sở hữu công nghiệp" và "Tổ chức quản lý và sử dụng phí, lệ phí Sở hữu công nghiệp" vì đây là hai phạm trù có quan hệ tách biệt nhau, đối tượng cũng khác nhau, mục đích điều chỉnh cũng khác nhau (trong việc thu và nộp phí, lệ phí liên quan đến cả cơ quan thu phí và đối tượng nộp phí, xét theo tiến trình bảo hộ sở hữu công nghiệp thì nó nằm trong quy trình nộp đơn xin bảo hộ - khi nộp đơn cơ quan thụ lý sẽ thu phí và người nộp đơn sẽ nộp phí, còn vịêc quản lý và sử dụng phí và lệ phí hoàn toàn tách biệt khỏi quy trình này, nó liên quan trực tiếp đến hoạt động mang tính chất nội bộ của cơ quan thu phí, lệ phí).

II. VỀ NỘI DUNG

Thứ nhất: Như đã đề nghị về mặt hình thức, nên tách hai phần "Tổ chức thu, nộp phí và lệ phí Sở hữu công nghiệp" và "Tổ chức quản lý và sử dụng phí, lệ phí Sở hữu công nghiệp" thay như gộp vào một mục như hiện nay, đồng thời, cũng tại Dự thảo, điểm d, mục 2, Phần III quy dịnh "cơ quan thu phí, lệ phí được mở tài khoản "tạm giữ tiền phí, lệ phí" tại Kho bạc nhà nước nơi thu, nộp để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí thu được. Hàng ngày, lập bảng kê, tạm gửi số tiền phí, lệ phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp" được xếp vào Mục 2, Thủ tục thu, nộp phí, lệ phí là không hợp lý, do đó nên chuyển điểm này vào Phần Quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Thứ hai: Điểm d tại dự thảo thông tư quy định về sử dụng phí, lệ phí và quy định rõ các khoản chi. Về vấn đề này đã có thông tư số 50/2003/TT-BTC ngày 22 tháng 5 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp có thu xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ quy định (vì đối tượng điều chỉnh ở đây cũng là một đơn vị sự nghiệp có thu) do vậy, để đồng nhất và tránh chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống văn bản, đề nghị nên dẫn chiếu các quy định tại thông tư này để điều chỉnh.

Thứ ba: Về “Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp”
Mục 1.1 quy định lệ phí nộp đơn nhãn hiệu hàng hoá đến 4 sản phẩm và/ hoặc dịch vụ, nếu có trên 4 sản phẩm/dịch vụ phải nộp thêm khoản lệ phí tuy nhiên trong mục 3.3 chỉ quy định lệ phí gia hạn văn bằng bảo hộ đăng ký đến 4 sản phẩm/dịch vụ. Nếu có trên 4 sản phẩm/dịch vụ thì có phải nộp thêm lệ phí gia hạn không. Nếu có thì phải nộp thêm bao nhiêu.

Mục 4.3 theo chúng tôi không nên thu khoản lệ phí công bố Quyết định cấp văn bằng bảo hộ vì trên thực tế người yêu cầu bảo hộ chỉ đựơc cấp văn bằng bảo hộ chứ không được cấp Quyết định.

Mục 8.1 kiến nghị thu phí tra cứu đối với nhãn hiệu hàng hoá cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ chứ không cho mỗi sản phẩm /dịch vụ như trong dự thảo. Khả năng bảo hộ của nhãn hiệu đang được thẩm định (xét nghiệm) theo nhóm/nhóm liên quan chứ không theo từng sản phẩm/dịch vụ cụ thể.

Thứ tư: Tại Đoạn 2, Khoản 2, Mục II của Dự thảo Thông tư, cụm từ trong ngoặc đơn: (trừ các khoản dịch vụ theo quy định của Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế mà không quy định tại Thông tư này) nên giữ nguyên như Thông tư cũ (số 23 TC/TCT) sửa thành: (trừ các khoản dịch vụ cụ thể khác, chưa quy định tại Thông tư này). Bởi vì: Việc dẫn chiếu quá cụ thể tới Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế sẽ khó xử lý hoặc lại phải tiến hành sửa đổi Thông tư này khi mà Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đang được xem xét sửa đổi toàn diện).

Trên đây là một số ý kiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp gửi tới quý Cơ quan để nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo.

Các văn bản liên quan