Chế tài thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại

Thứ Hai 14:15 22-05-2006
Chế tài thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại

Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Thương mại (dự thảo 8) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh – tháng 12/2004

Về chế tài trong thương mại, đánh giá chung của các đại biểu tại hội thảo là đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra như việc bảo vệ được quyền lợi của bên bị vi phạm trong hợp đồng, tăng cường trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng và phù hợp với thực tiễn thương mại. Bên cạnh tinh thần chung này, xung quanh phần chế tài trong thương mại cũng tồn tại một số vấn đề tranh luận, đáng chú ý có mấy điểm như sau:

Đối với vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản, một số ý kiến cho rằng việc đưa ra hai loại vi phạm như Dự thảo Luật là đã từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế tuy nhiên trong điều kiện và truyền thống pháp lý của Việt Nam hiện nay thì việc xác định đâu là vi phạm cơ bản, vi phạm không cơ bản có thể chưa đảm bảo tính khả thi.

Đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm, một số đại biểu cho rằng nên quy định theo hướng chỉ được áp dụng một trong hai hình thức chế tài này đối với cùng một vi phạm.

Đối với điều kiện áp dụng chế tài phạt vi phạm, một số đại biểu đề nghị việc phạt vi phạm không cần căn cứ trên thoả thuận của các bên trong hợp đồng, nghĩa là chế tài phạt vi phạm được coi là một chế tài mang tính đương nhiên, các bên được áp dụng chế tài này trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng mà không cần sự thoả thuận trước trước.

Đối với hai loại chế tài mới là chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng và chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, một số ý kiến cho rằng đây không phải là các loại chế tài mới mà thực ra đã nằm trong nội hàm của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng xét về bản chất hai biện pháp này không phải là chế tài mà đây là quyền của một bên trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng.

Đối với việc phân biệt các chế tài, đề nghị quy định để phân biệt rõ điều kiên áp dụng, hậu quả pháp lý của các loại chế tài như chế tài như huỷ hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Đối với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đề nghị bổ sung yếu tố lỗi là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đối với một số đề nghị bổ sung các quy định vào phần chế tài, (1) bổ sung các chế tài mới như chế tài phong toả tài khoản, cầm giữ, câu thúc, câu lưu tài khoản để bắt buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại; (2) bổ sung hành vi thực hiện không đầy đủ hợp đồng vào các khái niệm các hành vi vi phạm hợp đồng; (3) bổ sung các trường hợp theo đó các bên mất quyền áp dụng các chế tài như đình chỉ thực hiện hợp đồng, huỷ hợp đồng, tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Về giải quyết tranh chấp trong thương mại, nội dung này vẫn còn có nhiều ý kiến thể hiện các quan điểm khác nhau, đáng chú ý có một số điểm như sau:

Vấn đề quy định khiếu nại là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại, một số ý kiến đề nghị quy định như Dự thảo là hạn chế quyền chính đáng của thương nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại. Bên bị vi phạm hoàn toàn đưa tranh chấp ra giải quyết theo tố tụng trọng tài hoặc toà án mà không nhất thiết phải tiến hành thủ tục khiếu nại đối với bên vi phạm.

Vấn đề thời hiệu khởi kiện, quy định thời hiệu khởi kiện 2 năm là không thống nhất với các văn bản pháp luật khác như Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Vấn đề cần quy định cụ thể các thời điểm phát sinh quyền khiếu nại để làm cơ sở xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp cụ thể, vấn đề này được Luật sư, Tiến sỹ luật học Phan Trung Hoài (đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị cụ thể như sau:

- Nếu hợp đồng (kinh tế, thương mại) đang có hiệu lực: Thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày phát hiện việc vi phạm.

- Nếu hợp đồng (kinh tế, thương mại) đã hết hiệu lực mà các bên không có thoả thuận nào khác và phát sinh tranh chấp: Thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày tiếp theo của ngày hợp đồng kinh tế hết hiệu lực.

- Nếu trước ngày hoặc vào ngày cuối cùng hợp đồng (kinh tế, thương mại) còn hiệu lực, các bên có thoả thuận mới quy định về thời hạn thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng, mà hết thời hạn đó, một trong các bên không thực hiện làm phát sinh tranh chấp: Thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày tiếp theo của ngày hết thời hạn thực hiện thoả thuận đó.

- Đối với tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu, thì thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày đương sự phát hiện có vi phạm trong việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu dẫn đến tranh chấp.

Các văn bản liên quan