Hoạt động logistic

Thứ Hai 12:03 22-05-2006
Hoạt động logistic

Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Thương mại (dự thảo 8) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh – tháng 12/2004

Thuật ngữ logistics được sử dụng trong Dự thảo và các nội dung liên quan đến dịch vụ này tiếp tục là nội dung được sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh dịch vụ logistics.

Về thuật ngữ Logistic, nhiều ý kiến của ủng hộ việc sử dụng thuật ngữ này để phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Võ Nhật Thăng, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics cho rằng:

"Logistics không phải là một dịch vụ đơn lẻ (do đó thuật ngữ này bao giờ cũng ở dạng số nhiều: LOGISTICS, dù là danh từ hay tính từ, không bao giờ người ta viết LOGISTIC). Logistics luôn luôn là một chuỗi các dịch vụ về giao nhận hàng hoá như: làm các thủ tục giấy tờ, tổ chức vận tải, bao bì đóng gói ghi nhãn hiệu, lưu kho lưu bãi, phân phát hàng hoá (nguyên liệu hoặc thành phẩm) đi các địa chỉ khác nhau, chuẩn bị cho hàng hoá luôn luôn sẵn sàng ở trạng thái có yêu cầu của khách hàng là đi ngay được (inventory level). Chính vì vậy nói tới Logistics bao giờ người ta cũng nói tới một chuỗi hệ thống dịch vụ (Logistics System Chain). Với hệ thống chuỗi dịch vụ này người cung cấp dịch vụ Logistics (Logistics Service Provider) sẽ giúp khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí của đầu vào trong các khâu dịch chuyển, lưu kho, lưu bãi và phân phát hàng hoá (nguyên liệu, bán thành phẩm (trang 2-4 sách giáo khoa Logistics Management của ESCAP xuất bản năm 2000).
Từ sự phân tích nói trên chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng dịch vụ Logistics chính là sự phát triển ở giai đoạn cao của các khâu dịch vụ giao nhận kho vận trên cơ sở tận dụng các ưu điểm của công nghệ tin học để điều phối hàng hoá từ khâu tiền sản xuất tới tận tay người tiêu dùng cuối cùng qua các công đoạn: dịch chuyển, lưu kho và phân phát hàng hoá. Trong quá trình lưu chuyển hàng hoá đồng thời cũng có sự lưu chuyển của các giòng thông tin về dịch vụ Logistics. Cũng vì vậy ngày nay nhiều Công ty giao nhận kho vận và nhiều hiệp hội giao nhận kho vận ở các nước đã đổi tên thành Công ty cung cấp dịch vụ Logistics và Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Logistics."


Ngoài ra, Ông còn lưu ý rằng trên thế giới một số nước không nói tiếng Anh như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp …cũng không phiên âm thuật ngữ này sang ngôn ngữ của các nước đó, do đó Ông Võ Nhật Thăng đề nghị việc sử dụng thuật ngữ "Logistic" trong Dự thảo Luật là hợp lý.

Liên quan đến nội dung của Dự thảo về hoạt động logistic, có một số ý kiến gồm: (1) khi thương nhân xin cấp phép đầu tư trong lĩnh vực logistic, cần quy định trong Dự thảo Luật nghĩa vụ liệt kê các công đoạn mà thương nhân này thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đăng ký kinh doanh vì thực tế khi thương nhân nước ngoài vào đăng ký kinh doanh với ngành nghề là logistic thì các cơ quan đăng ký kinh doanh không biết xử lý như thế nào. (2) đề nghị bổ sung việc thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà khách hàng yêu cầu. (3) điểm b khoản 1 Điều 176 nên quy định theo hướng thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chỉ được thực hiện sai các yêu cầu, chỉ dẫn của khách hàng trong trường hợp được khách hàng đồng ý. (4) Nên thay chữ "thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics" bằng chữ "thương nhân cung ứng dịch vụ logistics" cho phù hợp hơn.

Các văn bản liên quan