VCCI_Góp ý Đề xuất bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Kính gửi: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 829/BVHTTDL-VHCS ngày 01/03/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
I. Minh bạch hoá hoạt động quảng cáo
Quảng cáo là một hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến và hợp pháp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số hình thức quảng cáo hiện nay có thể khiến người tiêu dùng khó phân biệt giữa nội dung quảng cáo và nội dung thông thường. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Luật Quảng cáo 2012 vẫn còn bỏ ngỏ, và Dự thảo mới đã bắt đầu bổ sung một số nội dung này. Phần này đề cập đến các chế định liên quan để minh bạch hóa hoạt động quảng cáo.
1. Khái niệm kinh doanh dịch vụ quảng cáo chưa bao trùm các mối quan hệ trên thực tế
Điều 2.6 Luật Quảng cáo 2012 định nghĩa “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo”.
Như vậy, Luật đang coi là có hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo nếu có mối quan hệ bằng hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo. Cách định nghĩa này, vừa chưa phù hợp vì không có quy định nào xác định như thế nào được coi là hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo, vừa quá hẹp và không bao trùm hết thực tế đời sống. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể thực hiện tài trợ hoặc chi trả một lợi ích vật chất khác (sử dụng sản phẩm có giá trị lớn miễn phí, voucher mua sắm…) – được sử dụng trong nhiều loại hình quảng cáo như báo chí, thông qua người có tầm ảnh hưởng. Nếu định nghĩa hoạt động kinh doanh quảng cáo không mang tính bao trùm các mối quan hệ có thể diễn ra trong thực tế, các quy định minh bạch hoá sẽ khó phát huy tác dụng khi các bên dễ dàng có thể tìm ra cách lách luật.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng người cung cấp dịch vụ quảng cáo khi thực hiện các hoạt động quảng cáo và nhận được lợi ích từ người quảng cáo gồm lợi ích tài chính (được trả tiền để quảng cáo, được sử dụng sản phẩm/dịch vụ miễn phí hay có giảm giá), các lợi ích vật chất khác hoặc có mối quan hệ với người quảng cáo gồm quan hệ lao động (là người lao động của người quảng cáo)[1], quan hệ gia đình (là người có quan hệ gia đình với người quảng cáo)[2].
2. Định vị vai trò của cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội
Điều 1.8 Dự thảo (sửa đổi Điều 2.8 Luật Quảng cáo 2012) đang xác định người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Quy định này cần cân nhắc lại vì một số lý do sau đây:
(1) Không phù hợp với thực tế hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Hoạt động quảng cáo của cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo có thể chia làm hai loại:
– Trường hợp 1: nội dung quảng cáo sản phẩm do người quảng cáo soạn thảo, đặt hàng; các cá nhân hoạt động quảng cáo thực hiện việc chuyển tải (chẳng hạn: chụp ảnh cùng sản phẩm). Khi đó, các cá nhân này không kiểm soát nội dung quảng cáo, và do đó hoạt động tương tự như người chuyển tải sản phẩm theo Luật Quảng cáo 2012.
Cũng vì thế, trong trường hợp này, các cá nhân này cũng không thể và không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tại Điều 15a Dự thảo.
– Trường hợp 2: nội dung quảng cáo sản phẩm do các cá nhân này tự sản xuất (ví dụ, sản xuất video có nội dung giới thiệu sản phẩm). Khi đó, các cá nhân này có khả năng kiểm soát nội dung quảng cáo. Trường hợp này, các cá nhân này hoạt động tương tự như người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, và là đối tượng phù hợp để áp dụng các nghĩa vụ pháp lý tại Điều 15a Dự thảo.
(2) Việc xếp cá nhân thực hiện quảng cáo trên mạng chung nhóm với người chuyển tải quảng cáo “truyền thống” (người mặc, treo, gắn, dán, vẽ… quảng cáo lên người) là không hợp lý, tạo ra các nghĩa vụ pháp lý không tương xứng. Cùng với việc bổ sung vào Điều 2.8 Luật, Dự thảo còn bổ sung Điều 15a về trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo. Các trách nhiệm này không phù hợp với người chuyển tải sản phẩm “truyền thống” (người thể hiện quảng cáo thông qua mặc, treo, gắn, dán, vẽ…) vì những người này không có đủ khả năng và điều kiện kiểm tra các tài liệu quảng cáo hay chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo được.
Từ các phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Thay vào đó:
– Bổ sung quy định về người thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, theo đó phân thành hai nhóm như trên. Tuỳ thuộc vào đặc điểm hoạt động quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng sẽ chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng;
– Ngoài những nghĩa vụ chung, bổ sung quy định riêng về trách nhiệm của cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội (như phân tích ở Mục 3 dưới đây);
– Nghĩa vụ của người chuyển tải quảng cáo vẫn sẽ thực hiện theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012.
3. Trách nhiệm của cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng
Như đã phân tích ở trên, quy định tại Điều 15a Dự thảo được suy đoán nhằm bổ sung trách nhiệm cho cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng. Mục này sẽ phân tích về sự phù hợp, tính khả thi của các nghĩa vụ này.
Điều 15a.4 Dự thảo quy định các cá nhân này phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm. Quy định này cần được xem xét lại vì:
– Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
– Cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng. Họ sử dụng tài liệu, thông tin mà doanh nghiệp cung cấp để tạo ra các sản phẩm quảng cáo và chuyển tải đến người tiêu dùng. Các cá nhân này không có đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp (trừ một số trường hợp hãn hữu có thể thực hiện qua thử nghiệm đơn lẻ, như thử nghiệm trực tiếp trên da của một người)
Ví dụ: một sản phẩm ô được quảng cáo có tính năng ngăn tia UV. Doanh nghiệp mới là chủ thể có trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm có khả năng này. Các KOC không thể có năng lực, chi phí để thực hiện các bài kiểm nghiệm tính năng này trước khi nhận quảng cáo được.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng có tình trạng KOL, KOC quảng cáo không đúng về tính năng, công dụng sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, chẳng hạn như quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng nói như có tác dụng chữa khỏi bệnh. Việc quy định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân này là cần thiết, nhưng cần phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo. Như đã trình bày ở trên, các cá nhân này là người chịu trách nhiệm chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng. Họ phải phụ thuộc vào thông điệp chính (key messages), thông tin, tài liệu mà nhãn hàng cung cấp. Các cá nhân này chỉ phụ trách và thực hiện công việc sáng tạo về cách thức chuyển tải thông điệp đến công chúng. Vì vậy, trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, trách nhiệm của các bên nên được quy định phân hóa như sau: (1) các nhãn hàng sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm) và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho KOL, KOC; (2) các cá nhân này có trách nhiệm phải đảm bảo sự phù hợp với các nội dung đã được doanh nghiệp cung cấp.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi trách nhiệm của người hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội theo hướng chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo không chính xác theo tài liệu, thông tin người quảng cáo cung cấp, hoặc không đầy đủ theo các tài liệu này đến mức gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm cho người tiếp nhận quảng cáo.
4. Minh bạch hoá hoạt động quảng cáo
(1) Minh bạch hóa hoạt động quảng cáo của báo chí
Hiện nay, có hiện tượng các doanh nghiệp đặt các bài viết có tính chất giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của doanh nghiệp trên các báo. Các bài viết này được thể hiện dưới dạng các tin bài độc lập, chẳng hạn doanh nghiệp A nhận được giải thưởng X; hoặc bài viết về một vấn đề sức khoẻ rồi giới thiệu về một sản phẩm sức khoẻ. Đây cũng là một hình thức quảng cáo bình thường, tương tự như các hình thức quảng cáo khác theo Luật Quảng cáo. Vấn đề là các quảng cáo dạng này tồn tại dưới dạng tin báo chí, không tách biệt với các tin bài khác, dẫn đến tình trạng người đọc khó phân biệt đâu là quảng cáo, đâu là tin bài thông thường. Luật Báo chí và Luật Quảng cáo hiện tại chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc công khai các nội dung này là nội dung được quảng cáo. Do vậy, để đảm bảo minh bạch hoá thông tin, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cơ quan báo chí phải có dấu hiệu phân biệt tin bài thông thường và tin bài được tài trợ để quảng cáo.
(2) Minh bạch hóa hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội
Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội thông qua người có tầm ảnh hưởng hiện nay ngày càng phổ biến, và đang trở thành một loại hình quảng cáo ưa chuộng của các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. Điều 1.21 Dự thảo (bổ sung Điều 36a Luật Quảng cáo 2012) đã bước đầu quy định trách nhiệm công khai đang thực hiện hoạt động quảng cáo với người tiêu dùng. Để minh bạch hóa hoàn toàn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định sau (hoặc có thể cân nhắc giao cho văn bản quy định chi tiết):
– Trách nhiệm công khai: thông báo công khai về việc thực hiện quảng cáo với người tiêu dùng khi có mối quan hệ với người quảng cáo như quan hệ tài chính, quan hệ lao động, quan hệ gia đình (tương tự như góp ý ở Mục 1 trên);
– Cách thức thực hiện thông báo: ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận, chẳng hạn như tránh để thông tin ở phần xem thêm (see more) hoặc dẫn người xem đến một trang khác thông qua một đường liên kết (link);
– Thời điểm thông báo: trước hoặc tại thời điểm quảng cáo tiếp cận người dùng;
– Không được quảng cáo về sản phẩm yêu cầu bằng chứng khoa học (ví dụ: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung) trong khi người quảng cáo không có bằng chứng;
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi các quy định sau:
Một, Điều 36a.2 Dự thảo yêu cầu phải có xác nhận của doanh nghiệp vào nội dung quảng cáo. Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo tính chính xác của nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, quy định này là chưa phù hợp với một số hình thức quảng cáo mới như livestream trên mạng xã hội và hình thức quảng cáo trực tiếp khác có sự tương tác trực tiếp do các nội dung này sẽ cần sự ứng biến tùy tình hình. Ngoài ra, quy định này tương đối khó thực hiện trong thực tế do không rõ hình thức xác nhận như thế nào thì được coi là hợp lệ?
Cách quy định này cũng chưa thực sự hợp lý vì không phân hóa trách nhiệm giữa chủ thể liên quan (như đã trình bày ở Mục 3). Cách thiết kế như vậy kéo các chủ thể phải tham gia vào tất cả các giai đoạn, trong khi đến lúc có vi phạm, cần xử lý thì khó có thể tách bạch trách nhiệm của từng bên để có biện pháp xử lý phù hợp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này (và sử dụng cơ chế phân hóa trách nhiệm như trên).
Hai, Điều 36a.3 Dự thảo yêu cầu người có tầm ảnh hưởng khi nêu cảm nhận phải có bằng chứng về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Quy định này là chưa rõ ràng vì không có hướng dẫn cụ thể về bằng chứng. Chẳng hạn, thế nào được coi là bằng chứng? Cần lưu trữ tài liệu nào thì được coi là bằng chứng (chẳng hạn: cảm nhận đã dùng sản phẩm 30 ngày thì có cần phải quay lại việc sử dụng mỗi ngày không)? Các tài liệu nào phải đáp ứng các yếu tố nào để được coi là bằng chứng (có hiển thị thời gian rõ ràng, được quay bằng thiết bị chuyên dụng hay phải lưu trữ trong thời gian bao lâu…)? Nhìn chung, quy định liên quan bằng chứng là rất phức tạp, và thường chỉ được sử dụng trong hoạt động tố tụng. Quy định này có thể gây khó khăn trong quá trình thực thi.
Có thể suy đoán, cơ quan soạn thảo muốn ngăn chặn tình trạng người nổi tiếng quảng cáo gian dối, như nói là có dùng sản phẩm, nhưng thực tế không có sử dụng. Đây là vấn đề nhức nhối và cần thiết phải có quy định xử lý. Từ góc độ thị trường, điều quan trọng là đảm bảo minh bạch hóa, công khai hết các thông tin với người tiếp nhận quảng cáo. Trong trường hợp này, quy định nên đi theo hướng yêu cầu người có tầm ảnh hưởng cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ (có dùng hay không, ai là người sử dụng, và với tần suất như thế nào…). Việc cung cấp thông tin phải được gắn với nội dung quảng cáo (như ghi ở phần caption hoặc đính kèm đường link chứa tài liệu cung cấp thông tin). Quy định như vậy sẽ đảm bảo các KOL, KOC có trách nhiệm với các lời nói và nội dung quảng cáo của mình, và từ đó hạn chế tình trạng như trên. Thậm chí, họ sẽ tự cân nhắc lưu lại một số tư liệu để chứng minh cho phát ngôn của mình (trong trường hợp cơ quan quản lý hoặc tòa án có yêu cầu).
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng người có tầm ảnh hưởng, khi nêu cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng, và phải được gắn với nội dung quảng cáo.
Ba, Điều 36a.2 Dự thảo yêu cầu KOL, KOC phải ký hợp đồng doanh nghiệp. Như đã phân tích ở trên (phần đầu Mục 4.2), có rất nhiều các mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến tính trung thực của nội dung sáng tạo (content) mà KOL, KOC phải công khai. Luật chỉ cần yêu cầu KOL, KOC phải công khai content nào là quảng cáo, mà không cần yêu cầu về mặt hình thức như vậy (phải có hợp đồng).
II. Các quy định chưa phù hợp, chưa thuận lợi cho hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp
Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu đặt ra các giới hạn với các hoạt động quảng cáo. Các giới hạn này được cho là nhằm kiểm soát các nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mỹ quan đô thị. Trải qua 12 năm triển khai, nhiều quy định chưa hợp lý, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp quảng cáo và doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
1. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Luật Quảng cáo 2012 quy định quy hoạch quảng cáo ngoài trời, theo đó, các loại hình màn hình quảng cáo chuyên ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương. Các quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện nay xác định cụ thể vị trí, địa điểm và cách thức thể hiện (kiểu dáng, chất liệu, số lượng). Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện quy hoạch ngoài trời hiện nay gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vì:
Một là, quy hoạch quảng cáo ngoài trời không sát thực tế, luôn có nguy cơ lỗi thời. Trong nền kinh tế thị trường, việc xác định một vị trí có tiềm năng thương mại hay không thuộc về doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng nhìn ra các vị trí mang lại lợi nhuận cho họ. Còn các cán bộ nhà nước làm công tác quản lý, khó có thể xác định vị trí nào phù hợp. Do vậy, quy hoạch quảng cáo luôn có khả năng không xác định đúng các vị trí phù hợp, dẫn đến tình trạng vị trí được quy hoạch thì doanh nghiệp không cần, còn vị trí vàng lại không có trong quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.
Hơn nữa, quy hoạch quảng cáo rất dễ bị lỗi thời do nhiều vị trí được quy hoạch nhưng đã bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi các công trình giao thông, xây dựng hoặc quy hoạch ngành khác nên không triển khai bảng quảng cáo trên các vị trí đã được quy hoạch
Hai là, quy hoạch quảng cáo là không cần thiết. Luật Quảng cáo 2012 quy định các công cụ quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời như sau: (1) Quy hoạch quảng cáo ngoài trời; (2) Giấy phép xây dựng ; (3) Thông báo sản phẩm quảng cáo. Trong đó, công cụ 2 quản lý về mặt vật lý – chất lượng của công trình xây dựng, và công cụ 3 quản lý về mặt nội dung – nội dung của sản phẩm quảng cáo. Công cụ 2 và 3 đã tương đối toàn diện để quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Có thể suy đoán rằng, quy hoạch nhằm quản lý về mặt cảnh quan, mỹ quan đô thị, tránh tình trạng quá nhiều bảng quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị. Tuy vậy, hiện nay, Luật Kiến trúc 2019 đã quy định về hoạt động quản lý cảnh quan thông qua quy chế quản lý kiến trúc, trong đó có thể bao gồm cả hoạt động treo biển quảng cáo.
Ba là, quy hoạch quảng cáo ngoài trời gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Do quy hoạch không phù hợp với thực tế, các doanh nghiệp phải xin bổ sung vào quy hoạch mới có thể triển khai thi công bảng quảng cáo. Việc xin bổ sung quy hoạch mất rất nhiều thời gian, đặc biệt khi so sánh tương quan với một công trình nhỏ như vậy.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
2. Thẩm định sản phẩm quảng cáo
Luật Quảng cáo 2012 đã quy định về hoạt động thẩm định quảng cáo, theo đó đây là hoạt động xem xét tính phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định pháp luật. Thẩm quyền thực hiện thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hiện nay, số lượng sản phẩm quảng cáo hàng năm là cực kỳ lớn. Đi theo đó là nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao. Theo phản ánh của doanh nghiệp, Hội đồng thẩm định của Bộ, với nhân lực mỏng, hiện khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo được yêu cầu, thậm chí trong nhiều trường hợp chỉ thực hiện với những trường hợp thật sự nhạy cảm. Điều này đã để lại một “khoảng trống nhu cầu” thẩm định của các doanh nghiệp.
Thực ra, đây không chỉ là vấn đề riêng của ngành quảng cáo, mà cũng diễn ra ở một số ngành văn hóa khác, chẳng hạn như lĩnh vực điện ảnh. Theo kinh nghiệm từ lĩnh vực này, Điều 21 Luật Điện ảnh đã đưa ra giải pháp xử lý theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định này, một mặt, vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan nhà nước (đặc biệt trước số lượng khổng lồ phim được phân phối trên nền tảng internet), vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo, theo đó:
– Giao cho Hiệp hội Quảng cáo hoặc các Hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo. Hội đồng thẩm định của hiệp hội phải đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật;
– Kết luận thẩm định của Hội đồng thẩm định của Hiệp hội có giá trị sử dụng toàn quốc;
– Các chủ thể khác có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp cho rằng sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo. Kết luận thẩm định của Bộ là kết luận cuối cùng và có giá trị sử dụng trên toàn quốc.
3. Mối quan hệ giữa Luật Quảng cáo và Quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời
Hiện nay, bên cạnh Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, các địa phương cũng ban hành các Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều nội dung trong các Quy chế này mang tính quy phạm (bắt buộc áp dụng), đưa ra các hạn chế hoặc cấm hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, trong khi Luật Quảng cáo 2012 không có giới hạn như vậy, chẳng hạn:
– Giới hạn số lượng biển hiệu được đặt: Luật Quảng cáo không giới hạn số lượng biển quảng cáo được đặt, nhưng một số Quy chế như của tỉnh Hoà Bình[3], thành phố Hà Nội[4]… lại giới hạn chỉ 1 biển hiệu;
– Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bằng băng rôn: Luật Quảng cáo cho phép quảng cáo trên băng rôn nhưng Quy chế của thành phố Hà Nội chỉ quy định cho phép băng rôn quảng cáo cho một số mục đích nhất định. Thực tế, các doanh nghiệp phản ánh rằng địa phương không tiếp nhận hồ sơ thông báo quảng cáo sản phẩm, dịch vụ hoặc chương trình khuyến mại bằng băng rôn;
Các nội dung này trong Quy chế là không phù hợp với Luật Quảng cáo 2012, vi phạm quy định cấm vì ban hành văn bản trái văn bản pháp luật cấp trên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Về bản chất, Luật Quảng cáo là văn bản đặt ra các hạn chế với hoạt động quảng cáo, nên việc đưa ra một tầng hạn chế ở cấp địa phương là không cần thiết. Việc này cũng tạo ra sự không thống nhất, phân mảnh trong thực thi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo toàn quốc.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định giới hạn các nội dung trong Quy chế quản lý văn hoá của địa phương.
4. Quảng cáo bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu
Quảng cáo bằng bảng quảng cáo trong nhà
Điều 29 Luật Quảng cáo 2012 quy định sản phẩm quảng cáo trên biển quảng cáo phải thực hiện thông báo. Theo phản ánh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương không chấp nhận hồ sơ thông báo với biển quảng cáo trong nhà, với quan điểm rằng địa phương không quản lý những nội dung quảng cáo trong nhà dân. Hơn nữa, các biển quảng cáo trong nhà cũng không có mức độ tác động lớn như các biển quảng cáo ngoài trời do chỉ tiếp xúc với một lượng người nhất định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng áp dụng với biển quảng cáo ngoài trời và khu vực công cộng (tức không áp dụng với quảng cáo trong nhà).
Quảng cáo tại nơi kinh doanh
Điều 27.2 Luật Quảng cáo 2012 quy định các sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo phải ghi rõ tên, địa chỉ người thực hiện. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý trong trường hợp người thực hiện chính là người quảng cáo, và nơi treo băng-rôn chính tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo. Lý do là vì doanh nghiệp quảng cáo cho chính mình, và thực hiện tại chính nơi kinh doanh. Khi đó, việc yêu cầu gắn thông tin (tên, địa chỉ) là không cần thiết, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thiết kế băng rôn, bảng quảng cáo. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ theo hướng doanh nghiệp không phải ghi tên, địa chỉ người thực hiện trong trường hợp bảng quảng cáo, băng-rôn được treo tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo.
Tương tự, quy định về thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo tại Điều 27.4 Luật Quảng cáo 2012 không phù hợp với các băng-rôn, biển quảng cáo treo tại nơi kinh doanh của doanh nghiệp. Nơi kinh doanh là địa điểm doanh nghiệp thường xuyên thực hiện hoạt động kinh doanh, cũng là nơi thường xuyên và dễ dàng thực hiện quảng cáo của doanh nghiệp. Đây là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, và không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Việc này cũng không gây mất mỹ quan đô thị do việc quảng cáo được thực hiện ngay trước nơi kinh doanh – “bộ mặt” của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp sẽ tự có trách nhiệm dọn dẹp khi cần thiết để bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ theo hướng không giới hạn thời hạn treo với băng-rôn, biển quảng cáo treo tại nơi kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo
Điều 1.15 Dự thảo (sửa đổi Điều 27.4 Luật Quảng cáo 2012) giao quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo trên địa bàn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp vì các lý do sau:
(1) Quy định như Dự thảo dẫn đến tình trạng mỗi địa phương ban hành một thời hạn khác nhau. Việc này gây khó khăn trong doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động quảng cáo trên nhiều tỉnh, thành hoặc toàn quốc. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều công sức kiểm soát từng khoảng thời gian rất khác nhau ở các tỉnh, thành khác nhau, đồng thời làm nhiều thủ tục tại nhiều thời điểm khác nhau, từ đó tăng khối lượng công việc không cần thiết cho doanh nghiệp;
(2) Quy định giới hạn thời hạn treo bảng quảng cáo là không hợp lý. Bảng quảng cáo thường cố định và có thời gian sử dụng dài hơn băng rôn nhiều, có thể tới vài năm. Trong trường hợp bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng thì vị trí đó còn được cấp phép chuyên dùng để quảng cáo. Quy định này sẽ gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian không cần thiết của doanh nghiệp, khi bảng quảng cáo còn mới nhưng phải dỡ xuống, và thực hiện lại thủ tục thông báo.
(3) Quy định giới hạn thời hạn cố định với băng rôn (15 ngày như hiện hành hoặc theo quy định từng địa phương như Dự thảo). Có thể suy đoán rằng quy định thời hạn với mục đích là đảm bảo mỹ quan đô thị khi doanh nghiệp phải có trách nhiệm dọn dẹp gọn gàng sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp. Các chương trình xúc tiến thương mại có thời hạn khác nhau, tuỳ nhu cầu và mục đích chiến lược tiếp thị. Quy định một thời hạn cố định (với mọi băng-rôn quảng cáo) là không hợp lý, khó khăn cho hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, đồng thời gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục thông báo sau mỗi 15 ngày.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo:
(1) Bỏ quy định giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành treo băng rôn, bảng quảng cáo
(2) Bỏ quy định giới hạn thời gian treo với bảng quảng cáo
(3) Sửa đổi quy định về thời hạn treo băng rôn theo hướng mở, căn cứ vào chương trình xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, cụ thể
– Doanh nghiệp cung cấp thông tin về thời gian tiến hành hoạt động quảng cáo trong thông báo sản phẩm quảng cáo (Điều 29 Luật Quảng cáo);
– Doanh nghiệp có trách nhiệm gỡ bỏ băng rôn, gỡ, xoá nội dung quảng cáo trên biển quảng cáo trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chương trình quảng cáo đã nêu
(4) Bổ sung quy định không áp dụng thời hạn treo với trường hợp băng rôn, bảng quảng cáo, biển hiệu tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của người quảng cáo.
Quảng cáo bằng biển hiệu
Điều 34.4 Luật Quảng cáo 2012 quy định về kích thước biển hiệu. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không thể phù hợp cho mọi trường hợp, chẳng hạn vùng đô thị khác ngoại ô, vùng trung tâm khác vùng sâu vùng xa. Kích thước bảng hiệu nên tuỳ thuộc vào điều kiện mật độ dân cư và toà nhà tại vị trí đặt bảng quảng cáo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không quy định cứng trong Luật, mà cho phép quy định trong văn bản cấp thấp hơn (như quy chuẩn kỹ thuật phương tiện quảng cáo ngoài trời) hoặc cho phép UBND tỉnh quy định.
Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật Quảng cáo 2012 chưa có định nghĩa về biển hiệu và biển quảng cáo. Điều này dẫn đến tình huống một số địa phương coi biển hiệu là biển quảng cáo và quản lý như biển quảng cáo (phải thông báo và bị giới hạn về thời gian treo). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung định nghĩa phân biệt hai loại hình này.
5. Quảng cáo trên phương tiện giao thông
Điều 32.2 Luật Quảng cáo 2012 giới hạn diện tích quảng cáo mỗi mặt của phương tiện giao thông dưới 50%. Quy định này được suy đoán là nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tầm nhìn của người ngồi trong xe. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp vì hiện nay, biển quảng cáo gắn trên phương tiện giao thông không làm che chắn tầm nhìn của người ngồi trong xe, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ này.
6. Quảng cáo trên cột, trụ điện, cột tín hiệu giao thông
Điều 8 Luật Quảng cáo cấm hoạt động quảng cáo trên cột, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp do hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã cho phép thực hiện quảng cáo trên các cột, trụ và cây xanh này (với các quy định cụ thể để đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cấm các hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột, trụ điện, tín hiệu giao thông và cây xanh công cộng trái với quy chế quảng cáo của địa phương.
7. Hành vi quảng cáo bị cấm
Điều 8.10 Luật Quảng cáo 2012 quy định hành vi bị cấm là quảng cáo bằng phương pháp so sánh trực tiếp sản phẩm, dịch vụ của mình với của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, quy định không thống nhất với pháp luật cạnh tranh. Theo Điều 45.5.b Luật Cạnh tranh, hành vi so sánh sản phẩm, dịch vụ chỉ bị cấm khi không chứng minh được nội dung. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp vẫn được thực hiện hành vi này, miễn là tuân thủ quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này cho thống nhất với Luật Cạnh tranh 2018.
8. Đoàn người quảng cáo
Điều 1.20 Dự thảo (sửa đổi Điều 36.1.c Luật Quảng cáo 2012) quy định thêm một số tài liệu, giấy tờ vào hồ sơ thông báo đoàn người quảng cáo. Các quy định này còn chưa rõ ràng. Cụ thể: bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức hoạt động quảng cáo là văn bản gì? makét quảng cáo trong trường hợp này cụ thể là gì? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung này.
9. Thông báo nội dung quảng cáo với màn hình chuyên quảng cáo
Điều 1.16.b Dự thảo (sửa đổi Điều 28.2a Luật Quảng cáo 2012) bổ sung thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo. Quy định này cần được xem xét ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, quy định này chưa thực sự cần thiết vì:
– Pháp luật quảng cáo đã có đủ các cơ chế kiểm soát: Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể trách nhiệm kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của các chủ thể, bao gồm doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp phát hành quảng cáo. Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa đặc biệt (như thuốc), pháp luật cũng có cơ chế riêng kiểm soát các quảng cáo này.
– Loại hình này có nguy cơ thấp hơn các loại hình quảng cáo khác: (1) Các màn hình chuyên quảng cáo có thông tin doanh nghiệp vận hành rõ ràng, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo; (2) Các màn hình quảng cáo không kết nối internet nên gần như không có nguy cơ bị tấn công; (3) Loại hình quảng cáo này thực hiện công khai diện rộng, do đó, có thể dễ dàng kiểm soát, xử lý nếu cần thiết, mà không cần phải thực hiện tiền kiểm.
– Thực tế, loại hình này đã phát triển nhiều trong những năm qua, và theo phản ánh của doanh nghiệp, chưa có vấn đề phức tạp gì xảy ra.
Thứ hai, quy định này chưa phù hợp. Màn hình chuyên quảng cáo có tính chất đặc thù khi chủ yếu quảng cáo sự kiện, mang tính thời vụ và ngắn ngày, có tính linh hoạt cao. Nếu phải thực hiện thủ tục thông báo như Dự thảo sẽ làm mất đi tính chủ động, linh hoạt của loại hình quảng cáo này, không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và ngành quảng cáo.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Góp ý tương tự, đề nghị bỏ quy định thông báo sản phẩm quảng cáo với các bảng pano quảng cáo ngoài trời.
10. Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá đặc biệt
Điều 1.9 Dự thảo (bổ sung Điều 19a vào Luật Quảng cáo 2012) quy định về các quy định nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung sau:
– Nội dung quảng cáo mỹ phẩm (Điều 19a.1.a, c Dự thảo): bổ sung quy định cho phép không cần nêu “tính năng, công dụng của sản phẩm” nếu tên mỹ phẩm đã thể hiện nội dung này;
– Bỏ quy định yêu cầu hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt phải có giấy chứng nhận được phép lưu hành tại Việt Nam (Điều 20.3a Dự thảo): hàng hoá đặc biệt đã được quản lý theo pháp luật chuyên ngành, có thể bằng giấy chứng nhận lưu hành hoặc các loại giấy phép khác (giấy tiếp nhận đăng ký, giấy xác nhận công bố, bản tự công bố…). Do vậy, quy định tại Dự thảo là không phù hợp, tăng thêm một loại giấy tờ (mà không tồn tại theo pháp luật chuyên ngành). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Việc quản lý hoạt động quảng cáo với hàng hoá, dịch vụ đặc biệt sẽ được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Quan hệ lao động có thể căn cứ theo Điều 3.1 Luật Lao động 2019
[2] Quan hệ gia đình có thể căn cứ theo Điều 4.22 Luật Doanh nghiệp 2020
[3] Quyết định 11/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình, sửa đổi bởi Quyết định 37/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời
[4] Quyết định 24/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời