VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 8170/BNN-BVTV ngày 2/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Chỉ tiêu hàm lượng lân hữu hiệu với phân superphosphat đơn
Bảng 2 Phụ lục 1 Dự thảo quy định hàm lượng lân hữu hiệu (P2O5 hữu hiệu) với phân superphosphat đơn đạt từ 16% trở lên. Tuy nhiên, quy định này có thể sẽ chưa hợp lý với thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong nước thời gian tới. Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, hàm lượng P2O5 trong quặng Apatit ở Viêt Nam đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn vừa qua, và sẽ chỉ có thể đáp ứng giới hạn dưới 30%. Đây là nguồn quặng Việt Nam duy nhất đang cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân. Khi đó, hàm lượng P2O5 hữu hiệu trong sản phẩm phân superphosphat đơn sẽ chỉ có thể đạt 15%. Mức chỉ tiêu như Dự thảo có thể tạo ra các tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, với thực tế chất lượng nguyên liệu đầu vào và công nghệ, thiêt bị sản xuất hiện có. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc lại tỷ lệ hàm lượng P2O5 hữu hiệu, có thể cân nhắc P2O5 hữu hiệu ≥ 15%, P2O5 trong nước ≥ 8,5%.
Góp ý tương tự như trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại tỷ lệ P2O5 hữu hiệu trong phân lân-trung lượng tại Bảng 6 và tỷ lệ P2O5 hữu hiệu trong phân lân-hữu cơ tại Bảng 16 Phụ lục 1.
- Mức sai lệch so với chỉ tiêu chất lượng của hàm lượng kali hữu hiệu
Bảng 5 Phụ lục 1 quy định mức sai lệch so với mức đăng ký được chấp nhận về chỉ tiêu chất lượng của hàm lượng kali hữu hiệu (K2O hh ) là 93%, trong khi mức sai lệch của các hàm lượng khác là 90%. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy là chưa phù hợp. Các sản phẩm phân hỗn hợp NPK, NK, PK đều được sản xuất theo phương pháp phối trộn, định lượng các nguyên liệu rắn dạng bột mịn chứa Nts, P2O5 hh, K2O hh bằng cân định lượng có sai số cân như nhau, nên mức sai lệch của các hàm lượng này nên được coi giống nhau. Hơn nữa, sai số định lượng nguyên liệu rắn cao hơn định lượng nguyên liệu lỏng, nên để ở mức 90% sẽ phù hợp hơn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh mức sai lệch của K2O hh là 90%.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.