Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19”
Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 càn quét khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu, gây ra rất nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này. Sang năm 2021, hoạt động kinh tế đã bị suy giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt được áp dụng trên phạm vi rộng, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm 2020 và 2021 chỉ đạt tương ứng 2,91% và 2,58%1 , mức thấp nhất kể từ khi đổi mới đến nay. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, việc duy trì tốc độ tăng trưởng dương là một thành công lớn của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trước tình hình chung đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng phải gánh chịu rất nhiều tác động và tổn thất từ đại dịch COVID-19. Trên toàn cầu, các nữ doanh nhân điều hành nhiều doanh nghiệp nhỏ nhất, dễ bị tổn thương nhất, trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do bị đóng cửa bởi đại dịch. Phụ nữ còn gặp phải nhiều khó khăn hơn do yêu cầu xuất phát từ gia đình tăng lên, như việc chăm sóc trẻ em, người già, do trường học bị gián đoạn, các cơ sở y tế ưu tiên chống dịch…
Trong bối cảnh thế giới vẫn còn một chặng đường dài để đạt được bình đẳng giới thực sự, khoảng cách tiến tới bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế con rất xa, thì COVID-19 dường như đã đào sâu thêm khoảng cách đó. “25 năm kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua, tiến trình hướng tới quyền bình đẳng và quyền bình đẳng cho phụ nữ vẫn còn khó nắm bắt. Không có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới và cuộc khủng hoảng COVID-19 có nguy cơ làm xói mòn những thành tựu khiêm tốn đã đạt được. Thập kỷ Hành động nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và nỗ lực phục hồi tốt hơn sau đại dịch mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, hôm nay và ngày mai” – Tổng thư kÝ Liên hợp quốc António Guterres đưa ra nhận định tổng quan trong Báo cáo của Liên hợp Quốc “The World’s Women: Trends and Statistics” 2020.
Thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ. Trong khuôn khổ Chương trình Aus4Reform, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19” cũng nhằm hướng tới mục tiêu nói trên.
Báo cáo này cố gắng phân tích số liệu từ cuộc điều tra doanh nghiệp lớp nhất Việt Nam do VCCI thực hiện trong năm 2020 và 2021 để nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, tìm hiểu đánh giá của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, từ đó có một số kiến nghị để thúc đẩy các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phục hồi và phát huy khả năng, sức mạnh của mình.
Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm. Trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế và xóa bỏ khoảng cách giới trong thế giới việc làm là yếu tố cốt lõi để đạt được thành công của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp Quốc3 , cũng là để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân đã dành thời gian để cung cấp thông tin cho chúng tôi. Trân trọng cảm ơn bà Ngô Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), bà Phạm Thu Hiền – chuyên gia về giới và các chuyên gia đã có những góp Ý, bình luận quÝ báu cho bản báo cáo này.
Những nhận định và kiến nghị trong báo cáo là quan điểm của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo này. Kết quả này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chương trình Aus4Reform hay Viện Nghiên cứu Quản lÝ kinh tế Trung ương.