Sổ tay hướng sử dụng: “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư”

Thứ Tư 15:00 16-11-2022

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam. FDI mang đến dòng vốn, cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong hơn 30 năm qua kể từ khi Việt Nam mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, FDI đã góp phần đáng kể thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất nội địa, tạo ra việc làm gia tăng giá trị, có hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, tri thức và kỹ năng quản lý tại quốc gia nhận đầu tư, đồng thời có thể kết nối doanh nghiệp địa phương với các chuỗi giá trị toàn cầu. Sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài cũng thúc đẩy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh tại nước sở tại.

Mặc dù lợi ích của dòng vốn FDI trên nhiều phương diện là không thể phủ nhận song nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng quan ngại, bao gồm các tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững quốc gia. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), sau 3 thập kỷ thu hút đầu tư FDI, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô hạn chế, chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng của khu vực FDI.1 Tỷ lệ các dự án FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng còn thấp, các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn lại càng ít. Phần lớn dự án FDI tại Việt Nam có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, một số dự án thâm dụng lao động và tài nguyên. Hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ từ khu vực FDI sang các khu vực khác còn hạn chế; tỷ lệ nội địa hóa còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, một số dự án FDI có thể gây ra tác động tiêu cực về mặt xã hội. Có thể kể đến thực tế và nguy cơ vi phạm cam kết tuyển dụng và pháp luật lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khoảng 70% tranh chấp, khiếu kiện lao động xảy ra trong khu vực FDI. Đình công thường phát sinh từ những bất đồng về lợi ích và quyền lợi của người lao động. Vấn đề quyền cơ bản của người lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI cũng là khía cạnh đáng chú ý song đôi khi chưa được quan tâm đúng mức. Quyền cơ bản mới được hiểu theo nghĩa điều kiện lao động, chưa được nhận thức đầy đủ dưới các khía cạnh khác bao gồm không bị phân biệt đối xử, không bị quấy rối, bình đẳng giới và được bảo vệ (đối với các nhóm dễ bị tổn thương). Mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, lồng ghép bộ Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Quyền con người (UNGP) vào chính sách nội bộ doanh nghiệp, song UNGP vẫn là một ý tưởng tương đối mới với hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các thực hành đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động, việc lồng ghép các tiêu chí này vào khung khổ chính sách đầu tư FDI là cần thiết….

Sổ tay hướng sử dụng: “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư”

The handbook: “Foreign investment screening instrument”