VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông
Kính gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 4552/BTTTT-VP ngày 7/9/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Thời gian chốt số liệu
Điều 7 Dự thảo quy định về thời gian chốt số liệu báo cáo (khoảng thời gian lấy số liệu của báo cáo), theo đó, mốc thời gian được chọn là vào giữa tháng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều số liệu, báo cáo thường được tổng hợp theo lịch dương, từ ngày đầu tiên của kỳ báo cáo (tháng, quý, năm) đến ngày cuối cùng của kỳ. Cách tổng hợp này cũng thường trùng với hoạt động quản lý kế hoạch kinh doanh thông thường của doanh nghiệp. Chẳng hạn như kết quả sản xuất – kinh doanh, doanh thu, kết quả nộp ngân sách nhà nước, các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh… Quy định như Dự thảo có thể khiến các doanh nghiệp phải tốn thời gian và công sức tổng hợp số liệu (theo mốc thời gian khác). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh thời gian chốt số liệu theo hướng mốc thời gian là ngày đầu tháng báo cáo đến ngày cuối kỳ báo cáo.
- Thời hạn gửi báo cáo
Điều 8 Dự thảo quy định thời hạn gửi báo cáo là ngày 17 của tháng cuối kỳ báo cáo, tức là chỉ 3 ngày sau ngày lấy số liệu. Cân nhắc đến số lượng báo cáo và số lượng chỉ tiêu báo cáo tương đối nhiều, quy định như Dự thảo có thể gây áp lực cho các doanh nghiệp trong việc tổng hợp báo cáo, chưa kể đến trường hợp nếu ngày 15-16 rơi vào thứ bảy và chủ nhật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh thời hạn gửi báo cáo theo hướng kéo dài thời gian và trong thời gian làm việc, chẳng hạn: 5 ngày làm việc.
- Phương thức gửi chế độ báo cáo định kỳ
Điều 10 Dự thảo quy định phương thức gửi chế độ báo cáo định kỳ, theo đó đưa ra nhiều phương án về phương thức gửi chế độ báo cáo định kỳ. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số góp ý sau:
Thứ nhất, về số lượng phương thức, quy định tại Dự thảo nên cho phép song song nhiều hình thức gửi báo cáo để đa dạng hóa sự lựa chọn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn phương thức nào phù hợp với doanh nghiệp nhất. Cách quy định như vậy đồng thời cũng không tạo thêm gánh nặng tuân thủ quy định báo cáo cho doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1.
Thứ hai, về phương thức gửi qua hệ thống phần mềm của Bộ, quy định tại Dự thảo nên rõ ràng về tính pháp lý và khả năng giảm chi phí của hình thức này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp điền số liệu trên hệ thống phần mềm thì có cần gửi thêm qua hình thức nào hay không? Theo kinh nghiệm từ lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp không cần gửi thêm hình thức nào khác ngoài việc điền trên hệ thống phần mềm. Về khả năng giảm chi phí, việc điền qua hệ thống không nên yêu cầu ký số do sẽ tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Việc đối chiếu thông tin có thể được thực hiện bằng nhiều cách, chẳng hạn, phần mềm cho người điền được xem lại một lần trước khi ấn nộp, hoặc hệ thống sẽ gửi email bản sao báo cáo qua email đăng ký của doanh nghiệp (có thể có email của các lãnh đạo doanh nghiệp), và doanh nghiệp chịu trách nhiệm rà soát, đối chiếu, sửa chữa sai sót (nếu có) trong thời hạn nhất định (qua thời hạn này thì coi như doanh nghiệp xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu đã điền). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các nội dung trên.
- Công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ
Điều 11 Dự thảo quy định về việc công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ. Quy định này rất cần thiết để doanh nghiệp có thể tiện theo dõi và thực hiện báo cáo. Tuy vậy, quy định này chưa rõ ở điểm hình thức của Danh mục, cụ thể: Danh mục này sẽ tổng hợp tất cả các báo cáo định kỳ hay sẽ được hiển thị dưới dạng cập nhật riêng rẽ các báo cáo định kỳ mới (thành một bài đăng độc lập)? Việc duy trì Danh mục dưới dạng danh sách đầy đủ, liên tục sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, thực hiện, đặc biệt với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Ngoài ra, Danh mục này cũng cần được sắp xếp theo chủ thể có trách nhiệm thực hiện để tiện tra cứu hơn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ các nội dung trên.
- Bảo mật thông tin
Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo rất nhiều các chỉ tiêu hoạt động sản xuất – kinh doanh, vốn là thông tin không được tiết lộ của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về bảo mật thông tin và phân quyền khai thác biểu mẫu, có thể tham khảo quy định về chế độ báo cáo thống kê của tổ chức tín dụng (lĩnh vực ngân hàng) như sau:
- Các số liệu, tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước được quản lý, sử dụng, truyền tin theo quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước;
- Các đơn vị thu thập, nhận báo cáo được quyền khai thác thông tin, dữ liệu từ các báo cáo nhận được;
- Các đơn vị khác thuộc Bộ có nhu cầu khai thác thông tin, dữ liệu của đơn vị khác phải được Bộ trưởng phê duyệt và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích;
- Các đơn vị ngoài Bộ được sử dụng thông tin, dữ liệu theo một quy trình chấp thuận nhất định hoặc không được sử dụng;
- Một số nội dung khác
Biểu mẫu báo cáo
Một số biểu mẫu của Phụ lục 2 (chẳng hạn: mẫu 11, mẫu 22) quy định 2 cơ quan nhận báo cáo. Trong trường hợp sử dụng phương thức điện tử, doanh nghiệp sẽ điền và gửi thông tin như thế nào? Để tránh trùng lặp trách nhiệm báo cáo, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cơ chế chia sẻ thông tin, phân quyền truy cập cho các bên liên quan.
Thông tin chỉ tiêu tổng hợp
Phụ lục I Dự thảo quy định hệ thống chỉ tiêu báo cáo phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nội dung tại Phụ lục I dường như có sự trùng lặp với Thông tư 03/2022/TT-BTTTT. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý, trong trường hợp cần thiết thì dẫn chiếu để tránh sự trùng lặp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.