VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 3013/BNN-PCTT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Đối tượng được hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP)
- Đối tượng được hỗ trợ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định 02/2017/NĐ-CP) thì phạm vi điều chỉnh của Dự thảo là “hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh”. Như vậy đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tại, dịch bệnh.
Khoản 3 Điều 1 Dự thảo xác định “Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp” là một trong những đối tượng được hỗ trợ. Quy định này đưa đến cách hiểu doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh sẽ được hỗ trợ. Điều này dường như chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo.
Mặt khác, ngoài đối tượng là doanh nghiệp còn có hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng là chủ thể kinh doanh có thể bị thiệt hại bởi dịch bệnh, thiên tai. Việc Dự thảo chỉ quy định “doanh nghiệp” có thể bỏ sót các đối tượng này.
Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo xác định chính xác, bao quát đối tượng và thống nhất trong quy định.
- Điều kiện hỗ trợ
Khoản 2 Điều 4 (sửa đổi) quy định “trường hợp đặc biệt, chưa đủ điều kiện công bố dịch thì thời gian xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện …”. Khái niệm “trường hợp đặc biệt” là chưa đủ rõ ràng (như thế nào được cho là trường hợp đặc biệt?). Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này.
- Thủ tục hỗ trợ
Khoản 3 Điều 4 (sửa đổi) quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ phù hợp đặc thù của địa phương”. Đề nghị cân nhắc lại quy định này, vì đây là một dạng thủ tục hành chính, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Ủy ban nhân dân không có thẩm quyền quy định về thủ tục hành chính.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 4 (sửa đổi) đồng thời không bỏ mà sửa đổi quy định Điều 6 Nghị định 02/2017/NĐ-CP (nếu quy định này chưa phù hợp với thực tế).
- Mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất (khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 02/2017/NĐ-CP)
So với Nghị định 02/2017/NĐ-CP, Dự thảo đã điều chỉnh về các mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây trồng lâm nghiệp, nuôi thủy, hải sản, sản xuất muối tuy nhiên đối với nuôi gia súc, gia cầm thì mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Không rõ, tại sao đối với hoạt động sản xuất này lại không điều chỉnh về mức hỗ trợ, trong khi tại Tờ trình đã phản ánh bất cập về mức hỗ trợ tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình vấn đề trên và cân nhắc tăng mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.