VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP, Nghị định 125/2017/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định Luật Đo đạc và bản đồ
Kính gửi: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam,
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 3940/BTNMT-ĐĐBĐVN ngày 15/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ
Điều 41.3.đ Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ được cung cấp rộng rãi. Đây được xem là chính sách cởi mở, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn thông tin có giá trị này. Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục tiếp cận các thông tin này tại Điều 21 Nghị định 27/2019/NĐ-CP lại tương đối phức tạp. Theo đó, việc cung cấp thông tin được thực hiện theo từng lần riêng biệt với từng cá nhân, doanh nghiệp yêu cầu cụ thể. Quy định như vậy chưa thực sự phù hợp với định hướng về cung cấp rộng rãi như quy định tại Luật Đo đạc và Bản đồ. Đồng thời, quy định như vậy còn hạn chế khả năng khai thác, tận dụng nguồn thông tin có giá trị này trong các sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại. Do vậy để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 21 Nghị định 27/2019/NĐ-CP theo hướng quy định các dữ liệu tại Điều 41.3.đ Luật Đo đạc và Bản đồ là dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP, và được cung cấp rộng rãi (không hạn chế tiếp cận) trên mạng internet.
- Điều kiện nhân sự với tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ
Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 31 Nghị định 27/2019/NĐ-CP) bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phải có nhân viên kỹ thuật chính với 05 năm kinh nghiệm. Quy định này dường như chưa hợp lý và có thể là quá cao, do doanh nghiệp đã có người phụ trách kỹ thuật có 5 năm kinh nghiệm. Quy định làm gia tăng điều kiện kinh doanh so với quy định cũ, và do đó chưa phù hợp với định hướng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ yêu cầu sửa đổi. Nếu không, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Hồ sơ cấp phép đo đạc và bản đồ
Điều 1.7 Dự thảo (sửa đổi Điều 32.1 Nghị định 27/2019/NĐ-CP) quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức trong nước. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 32.1.c (đã được sửa đổi) quy định một trong các tài liệu là bản khai quá trình công tác của nhân sự theo Mẫu 06 Phụ lục IA, trong đó yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức mà nhân sự đó đã công tác. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý. Không có nguyên nhân hợp lý nào để nơi làm việc cũ ký xác nhận cho người lao động, tạo điều kiện người đó đi làm việc cho doanh nghiệp đối thủ hoặc thành lập doanh nghiệp cạnh tranh với mình. Hơn nữa, việc xác nhận kinh nghiệm nhân sự có thể được kiểm tra, đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm như Điều 1.8.b Dự thảo (sửa đổi Điều 33.3 Nghị định 27/2019/NĐ-CP) quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Mẫu 06 Phụ lục IA theo hướng cho phép nhân sự tự kê khai và chịu trách nhiệm.
Góp ý tương tự với Điều 1.14.a Dự thảo (sửa đổi Điều 46.1 Nghị định 27/2019/NĐ-CP)
Thứ hai, Điều 31.1.đ (đã được sửa đổi) quy định doanh nghiệp cần nộp hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu các phương tiện đo, thiết bị, phần mềm. Trên thực tế, để đảm bảo mục tiêu kinh doanh và giảm chi phí cũng như giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp không cần phải đầu tư mua tất cả các phương tiện, thiết bị, phần mềm được yêu cầu, thay vào đó, các doanh nghiệp có thể ký các hợp đồng thuê hoặc các dạng hợp đồng khác để có quyền sử dụng các công cụ trên. Do vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ cần nộp các tài liệu chứng minh quyền sử dụng các phương tiện đo, thiết bị, phần mềm trên.
- Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép
Điều 1.8.b Dự thảo (sửa đổi Điều 33.3.c Nghị định 27/2019/NĐ-CP) quy định việc thẩm định phải thành lập Tổ thẩm định, và thực hiện tại trụ sở doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này dường như không cần thiết và quá phức tạp. Các điều kiện kinh doanh với hoạt động đo đạc và bản đồ gồm: (i) các điều kiện về nhân sự; (ii) các điều kiện về thiết bị, phương tiện. Điều kiện (i) chỉ cần thực hiện kiểm tra hồ sơ và đối chiếu chéo với dữ liệu đóng bảo hiểm, do đó không cần kiểm tra thực tế. Điều kiện (ii), theo như được quy định tại Phụ lục III Dự thảo, chỉ yêu cầu thiết bị, phương tiện, phần mềm, không yêu cầu về cơ sở vật chất cố định như nhà xưởng, do đó cũng không cần kiểm tra thực tế. Theo kinh nghiệm của các thủ tục hành chính khác, quy trình thẩm định trong trường hợp như vậy tương đối đơn giản: cơ quan thẩm định xem xét tính phù hợp của hồ sơ trong một khoảng thời gian nhất định và tiến hành cấp phép nếu hồ sơ đầy đủ. Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng như trên.
- Cấp bổ sung hoạt động đo đạc và bản đồ
Điều 1.9 Dự thảo (sửa đổi Điều 34.1 Nghị định 27/2019/NĐ-CP) quy định về hồ sơ đề nghị cấp bổ sung hoạt động trong Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 34.1.b (đã sửa đổi) quy định doanh nghiệp cần nộp các tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh với hoạt động đề nghị bổ sung. Quy định này có phần chưa phù hợp, vì trong nhiều trường hợp, một số nội dung đã được doanh nghiệp đáp ứng do điều kiện của hoạt động đăng ký bổ sung trùng (một phần hoặc toàn phần) hoặc thấp hơn điều kiện của hoạt động mà doanh nghiệp đã được cấp phép.[1] Khi đó, việc yêu cầu doanh nghiệp chứng minh các điều kiện này là không cần thiết. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp cần nộp các tài liệu liên quan đến nội dung đề nghị bổ sung, trừ những điều kiện đã đáp ứng theo nội dung của hoạt động đã được cấp phép.
Thứ hai, Điều 34.1.c (đã sửa đổi) quy định doanh nghiệp cần nộp bản gốc giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Quy định này là không cần thiết vì cơ quan thẩm định đã có tài liệu này do cùng là cơ quan cấp phép với nội dung trước. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Chẳng hạn, doanh nghiệp được cấp phép đo đạc, thành lập hải đồ có yêu cầu về nhân sự cao nhất (số lượng nhân sự tối thiểu là 6, với tối thiểu 3 đại học), do vậy, đáp ứng được yêu cầu về nhân sự của tất cả các hoạt động đo đạc bản đồ khác.