VCCI_Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Thứ Hai 14:54 05-04-2021

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan

Trả lời Công văn số 1017/TCHQ-PC của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP được đề xuất cơ bản hợp lý, vì thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) năm 2020. Bên cạnh những nội dung được đề xuất, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét các vấn đề sau tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới:

  1. Quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 128/2020/NĐ-CP về các hành vi vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
  • Về hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 128/2020/NĐ-CP và khoản 1 Điều 36 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu với khung phạt tiền khác nhau.

  • Về hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa theo hạn ngạch, giấy phép

Khoản 1 Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 38 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu nhưng không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu với các khung phạt tiền khác nhau.

  • Về hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Khoản 3 Điều 20 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền “40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện mà không đủ điều kiện để kinh doanh tạm nhập, tái xuất”.

Khoản 3 Điều 40 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định “phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện khi không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định”.

Như vậy, Nghị định 128/2020/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP đều quy định xử phạt đối với “hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện khi không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định” với hai khung xử phạt khác nhau. Điều này có thể tạo ra sự xung đột pháp luật khi áp dụng trên thực tế.

Xét bản chất, hành vi trên có tính chất là kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện kinh doanh, vì vậy quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP là phù hợp hơn. Đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

Tương tự, khoản 4 Điều 20 Nghị định 128/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 40 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép.

Tóm lại, giữa Nghị định 128/2020/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP đang có xung đột khi cùng quy định xử phạt về một hành vi vi phạm. Điều này có thể tạo ra sự lúng túng trong thực thi triển khai và tạo ra sự không công bằng cho các chủ thể vi phạm, đề nghị rà soát lại quy định tại hai Nghị định này để đảm bảo thống nhất trong quy định xử phạt về các hành vi vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu nêu trên.

  1. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 119/2017/NĐ-CP[1] thì “đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan thì áp dụng Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để xử phạt đối với các vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Có nghĩa, Nghị định 128/2020/NĐ-CP sẽ điều chỉnh các hành vi vi phạm của pháp luật về nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu chưa thông quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu chưa thông quan thì Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định như sau:

  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc (khoản 3 Điều 7);
  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8[2] của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên bản gốc (khoản 4 Điều 9).

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu, trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường có nhãn hàng hóa chưa thể hiện đầy đủ (hoặc ghi sai) các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa sẽ không bị coi là vi phạm. Thương nhân nhập khẩu sẽ phải có nhãn phụ gắn với hàng hóa và nhãn phụ phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Khoản 2 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam)”. Quy định này có thể đưa đến cách hiểu, nhãn của hàng hóa nhập khẩu trước khi thông quan, nhãn gốc ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị bỏ quy định tại Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩ, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa

[2] Điều 8. Ghi nhãn phụ

1.

2.

  1. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc

4.Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.