VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định thi hành Luật Giá về thẩm định giá
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn 12578/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vì tính chất chuyên sâu của quy định, thời gian qua đã tiến hành tham vấn rộng rãi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này, có một số ý kiến như sau:
- Quan điểm chung
Việc Bộ Tài chính ban hành Khung giá tại Thông tư 44/2017/TT-BTC và các địa phương ban hành Bảng giá tính thuế là nhằm cụ thể hoá Điều 6.2 của Luật Thuế tài nguyên 2009. Điều luật này được đặt ra nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp kê khai giá bán tài nguyên trên hoá đơn thấp hơn giá trị giao dịch thực tế nhằm giảm nghĩa vụ nộp thuế. Đây chỉ là giải pháp tình thế khi cơ quan thuế chưa có được công cụ và dữ liệu để giám sát giá tính thuế. Về lâu dài, cần áp dụng triệt để nguyên tắc giá tính thuế phải là giá bán tài nguyên theo đúng quy định tại Điều 6.1 của Luật Thuế tài nguyên. Còn việc doanh nghiệp kê khai giảm giá trên hoá đơn thì phải được xử lý thông qua công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế chứ không nên sử dụng phương pháp ban hành Khung giá, Bảng giá như hiện nay.
Trong giai đoạn vẫn phải duy trì biện pháp Nhà nước ban hành Khung giá tính thuế thì Khung giá này cần được xây dựng theo hướng như sau:
- Về danh mục phân loại khoáng sản thì nên quy định thật sự chi tiết, phân càng nhiều loại càng sát với thị trường.
- Về mức giá thì nên quy định rộng để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn có thể điều chỉnh Bảng giá cho phù hợp, tránh việc phải thường xuyên điều chỉnh Khung giá.
- Giá tính thuế tài nguyên của sản phẩm công nghiệp
Điều 5.4 của Thông tư 44 quy định giá tính thuế đối với tài nguyên đã chế biến thành sản phẩm công nghiệp được trừ đi chi phí chế biến nhưng phải bảo đảm nằm trong Khung giá tính thuế tài nguyên. Chính sách cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được trừ chi phí chế biến khi tính thuế tài nguyên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho công đoạn chế biến khoáng sản. Nếu yêu cầu các doanh nghiệp chế biến khoáng sản cũng phải nộp thuế tương tự, thậm chí cao hơn những doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô thì sẽ không khuyến khích được hoạt động này. Kết quả là, nền kinh tế sẽ có xu hướng chuyển dịch hoạt động chế biến khoáng sản ra nước ngoài để giảm nghĩa vụ thuế tài nguyên. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảocho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được trừ các chi phí chế biến khi xác định giá tính thuế tài nguyên.
- Khung giá đối với một số loại khoáng sản cụ thể
VCCI nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp kiến nghị về việc mức giá đối với một số loại khoáng sản cụ thể cao hơn so với giá trị giao dịch mà doanh nghiệp ghi nhận trên thị trường. Cụ thể:
- Quặng nikel có hàm lượng Ni<0,5%:Dự thảo đưa khung giá từ 0 đồng đến 268.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 0,5 ≤Ni <0,75%:Dự thảo đưa khung giá từ 0 đồng đến 671.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 000 đồng đến 280.434 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 0,75 ≤Ni <1%:Dự thảo đưa khung giá từ 1.006.000 đồng đến 1.341.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 280.434 đồng đến 775.236 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 1 ≤Ni <1,25%:Dự thảo đưa khung giá từ 1.341.000 đồng đến 1.677.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 775.236 đồng đến 1.240.932 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 1,25 ≤Ni <1,5%:Dự thảo đưa khung giá từ 1.677.000 đồng đến 2.012.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 1.240.932 đồng đến 1.418.340 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 1,5 ≤Ni <1,75%:Dự thảo đưa khung giá từ 2.012.000 đồng đến 2.347.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 1.418.340 đồng đến 1.977.175 đồng
- Quặng nikel có hàm lượng 1,75 ≤Ni <2%:Dự thảo đưa khung giá từ 2.347.000 đồng đến 2.683.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 1.977.175 đồng đến 2.433.077 đồng
- Quặng wolfram có hàm lượng 0,1%<WO3 ≤0,3%: Dự thảo đưa khung giá từ 1.295.000 đồng đến 1.850.000 đồng, trong khi giá giao dịch từ 258.000 đồng đến 323.000 đồng
- Quặng Manhetit có hàm lượng 40%≤Fe<50%:Dự thảo đưa khung giá từ 450.000 đồng đến 700.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng
- Quặng Manhetit có hàm lượng 50%≤Fe<60%:Dự thảo đưa khung giá từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
- Quặng Manhetit có hàm lượng 60%≤Fe:Dự thảo đưa khung giá từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 700.000 đồng đến 1.200.000 đồng
- Đá vôi sản xuất xi măng:Dự thảo đưa khung giá từ 84.000 đồng đến 150.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 55.000 đồng đến 150.000 đồng
- Đá hỗn hợp sau nổ mìn, đá xô bồ:Dự thảo đưa khung giá từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 55.000 đồng đến 100.000 đồng
- Đá hoa trắng sản xuất bột carbonat:Dự thảo đưa khung giá từ 140.000 đồng đến 400.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng
- Cát đen dùng trong xây dựng:Dự thảo đưa khung giá từ 56.000 đồng đến 200.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng
- Cát vàng dùng trong xây dựng:Dự thảo đưa khung giá từ 105.000 đồng đến 350.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 100.000 đồng đến 350.000 đồng
- Cát vàng sản xuất công nghiệp:Dự thảo đưa khung giá từ 105.000 đồng đến 150.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng
- Các loại cuội, sỏi, sạn khác:Dự thảo đưa khung giá từ 100.000 đồng đến 240.000 đồng. Mức này hợp lý đối với sỏi 1×2 và sỏi 2×4 dùng để sản xuất bê tông. Tuy nhiên, trên thị trường còn có sỏi, cuội dùng làm nguyên liệu sản xuất cát nhân tạochỉ giao dịch ở mức từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng
- Cao lanh chưa rây:Dự thảo đưa khung giá từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 63.000 đồng đến 300.000 đồng
- Quặng Felspat làm
- nguyên liệu gốm sứ:Dự thảo đưa khung giá từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng, trong khi giá trị giao dịch từ 107.000 đồng đến 350.000 đồng
Đề nghị cơ quan soạn thảocân nhắc, điều chỉnh giá tính thuế các loại khoáng sản trên cho phù hợp với giá giao dịch trên thị trường.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.