Nghịch lý thuế thu nhập cá nhân

Thứ Hai 15:29 24-01-2011
Thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng vẫn phải tính thuế thu nhập như người thu nhập cao, bị khấu trừ 10%, quy định tạm nộp 10% thuế với các khoản thu nhập trên 500.000 đồng vô tình tạo ra nghịch lý này.

Cùng với đó, những rắc rối trong việc hoàn thuế đã khiến không ít người nản lòng với ý định lấy lại tiền thuế đã tạm nộp.
 
Muốn lấy lại tiền phải đủ “kiên nhẫn”

Hoàng Ngân, sinh viên năm 4, khoa tiếng Anh, Đại học Hà Nội có công việc làm thêm thường xuyên là cộng tác viết cho một số tờ báo. Mỗi bài báo được nhuận bút trên 500.000 đồng cô đều bị khấu trừ 10% tiền thuế. Đến giờ, cô vẫn giữ toàn bộ số chứng từ khấu trừ thuế đã nộp trong năm vừa rồi. Tổng cộng đến hơn 2 triệu đồng. Cô cũng biết mình thuộc diện được hoàn toàn bộ số thuế này, vì tổng thu nhập trong năm qua của cô tính ra chỉ hơn 20 triệu đồng (tương đương hơn 1,5 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên cô không có ý định đi xin hoàn thuế vì "sợ thủ tục". Ngân nói: "Hồi mới có thông báo về việc làm mã số thuế cá nhân, em đã chạy đôn chạy đáo đi làm. Nhưng sau khi tìm đến 3-4 địa chỉ cơ quan thuế, em cũng chỉ nhận được một tờ khai với đủ thứ thông tin "không biết điền gì vào" nên đành ngậm ngùi chào thua. Giờ đi làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại tiền em không biết còn rắc rối thế nào?".

Thu nhập cao cũng có thể được hoàn thuế

Vì thuế thu nhập cá nhân có biểu thuế luỹ tiến từng phần, mức thấp nhất là 5%, do đó có nhiều trường hợp, cá nhân có thu nhập ở mức chịu thuế nhưng vẫn được hoàn thuế do mức thuế suất áp với họ thấp hơn mức thuế đã tạm tính là 10%. Hiện nay, mức thuế suất khấu trừ tạm tính là 10%, tương được với bậc 3 trong "Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công". Mức này áp dụng cho người có thu nhập chịu thuế từ 72 triệu đồng đến 108 triệu đồng/năm.

Theo quy định, những người không có hợp đồng lao động giống trường hợp của Ngân như: sinh viên làm thêm, cộng tác viên viết báo, nhân viên tiếp thị, công nhân xây dựng... với mỗi khoản thu nhập trên 500.000 đồng sẽ phải tạm nộp thuế 10%. Chẳng hạn, nếu một nhân viên tiếp thị có khoản thu nhập 1 triệu đồng thì chỉ nhận được thực tế 900.000 đồng vì phải trừ 100.000 đồng (tương đương 10% thu nhập) tiền thuế thu nhập tạm nộp. Đến cuối năm quyết toán, nếu chứng minh được thu nhập của mình chưa đến mức chịu thuế sẽ được hoàn lại 100.000 đồng tạm nộp trên. Dù chưa rõ họ có thu nhập đến mức chịu thuế hay không, nhưng để tránh thất thu thuế, Bộ Tài chính đã quy định việc khấu trừ tạm này. Đến hết năm, nếu thấy chưa đến ngưỡng phải nộp thuế, tức là có thu nhập dưới 48 triệu đồng/năm với người độc thân, họ sẽ phải đến cơ quan thuế để đề nghị xin hoàn thuế đã nộp và lấy lại số tiền thuế đã tạm nộp.

Nghịch lý thuế thu nhập cá nhân, Giá cả thị trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế, thu nhập cao, nghịch lý
Cấp mã số thuế

Tuy nhiên, thực tế không ít lao động thời vụ còn nuôi thêm con trẻ, mẹ già... Với mỗi người thuộc diện này, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định người nộp thuế còn được giảm trừ thêm 19,2 triệu đồng/năm với mỗi người phụ thuộc (tương đương 1,6 triệu đồng/tháng). Chẳng hạn, nếu một người lao động thời vụ, nuôi thêm một con nhỏ và mẹ già thì thu nhập một năm của họ phải trên 86,4 triệu đồng họ mới phải nộp thuế (86,4 triệu đồng này gồm: 48 triệu đồng giảm trừ cho bản thân người nộp và 38,4 triệu đồng giảm trừ cho hai người phụ thuộc).

Do đó, đến cuối năm quyết toán, không ít người thuộc diện được hoàn lại toàn bộ tiền thuế đã nộp như trường hợp của Ngân như trên. Đành rằng, số thuế này theo quy định chỉ là tạm thu, sẽ được hoàn lại nếu người nộp thuế chứng minh được mình thu nhập dưới mức chịu thuế. Nhưng liệu họ có đủ "kiên nhẫn" để lấy lại số tiền thuế đã tạm nộp hay không thì lại là chuyện khác (!?).

Khấu trừ tạm, mất tiền thật
 
Để lấy được tiền hoàn thuế, người nộp thuế sẽ phải trải qua một “ma trận” thủ tục, giấy tờ mà nếu kê khai ra đây sẽ có thể khiến không ít người "chóng mặt" mà bỏ cuộc. Để hoàn thuế thu nhập cá nhân cho những người có nhiều nguồn thu nhập khác nhau phải cần đến 18 chữ ký của các phòng chức năng của cơ quan thuế. Nhưng theo ông Đào Văn Hạnh, Trưởng phòng thuế Thu nhập cá nhân, Cục thuế Hà Nội giải thích, 18 chữ ký này chỉ là quy trình nội bộ của cơ quan thuế. Người nộp thuế chỉ cần nộp đủ hồ sơ xin hoàn thuế, nếu được hoàn thuế thì nhận lệnh hoàn trả và ra kho bạc lĩnh tiền.

Để được hoàn thuế, thì người nộp thuế phải có chứng từ khấu trừ thuế. Mỗi khi phát sinh khoản khấu trừ thuế, thì người bị khấu trừ cần đề nghị cơ quan chi trả thu nhập, xuất hồ sơ chứng từ khấu trừ thuế.

Số điện thoại Bộ phận hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về quyết toán thuế TNCN, của Cục thuế Hà Nội: (04) 35 123 404, (04) 35 123 405 hoặc gọi tổng đài: (04) 35 123 636 sau đó gọi các số máy lẻ: 3119, 3121, 3123.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng thừa nhận, người nộp thuế có thể gặp rắc rối với việc kê khai thiếu, kê khai sai. Nên thực tế có hồ sơ sẽ phải làm đi làm làm lại nhiều lần. PV đã trực tiếp đến bộ phận một cửa của Cục thuế Hà Nội tại G23A Thành Công làm thủ tục hoàn thuế.

Sau một hồi giải thích của cán bộ, phóng viên đã phải vui vẻ rút giấy ra ghi 6 gạch đầu dòng để ghi thành phần, hồ sơ phải nộp để được hoàn thuế. Hiện nay, cơ quan thuế vẫn làm việc theo nguyên tắc người nộp thuế phải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với các khoản thu nhập kê khai của mình. Người được hoàn thuế sẽ làm hồ sơ hoàn thuế, nộp tại bộ phận một cửa của Cục thuế hoặc Chi cục thuế nơi đăng ký giảm trừ gia cảnh. Cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để làm cơ sở đánh giá hoàn thuế. Nhưng nếu cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện kê khai sai, thiếu thì người nộp thuế có thể bị phạt.

Theo ghi nhận, tại các Cục thuế Hà Nội và TP HCM, không ít hồ sơ đề nghị hoàn thuế chỉ có thu nhập ở mức 2-3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn bị khấu trừ thuế. Thực ra để đơn giản hoá thủ tục, tránh phiền hà cho việc khấu trừ rồi lại hoàn thuế, Bộ Tài chính có quy định, nếu cá nhân ước lượng thu nhập trong năm chưa đến mức phải nộp thuế thì chỉ cần làm giấy cam kết, hàng tháng khi trả thu nhập, cơ quan chi trả không khấu trừ thuế. Tuy nhiên, thực tế các đơn vị chi trả thường sợ người lao động khai man thu nhập, khi cơ quan thuế phát hiện truy thu, nên các đơn vị thường làm cách "chắc ăn" là tạm khấu trừ thuế cho tất cả khoản thu nhập trên 500.000 đồng của người lao động. Như vậy, thực tế cơ quan thuế không bao giờ chịu thiệt, vì họ đã sớm nắm "đằng chuôi". Còn người nộp thuế, nếu không biết hoặc không đủ "chịu khó" đi làm thủ tục hoàn thuế thì họ sẽ phải vui vẻ chấp nhận khoản tiền đã tạm khấu trừ, bị mất thật.

Theo GĐ & XH

Các văn bản liên quan