VCCI_Tổng hợp vướng mắc và đề xuất sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP về hải quan

Thứ Ba 11:28 26-05-2020

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời Công văn số 2365/TCHQ-GSQL ngày 11/04/2020 của Tổng cục Hải quan về việc đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:

  1. Người khai hải quan

Điều 4.14 của Luật Hải quan quy định người khai hải quan bao gồm: “chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan.”. Như vậy, theo Điều này, bất kể người nào (gồm cả cá nhân và pháp nhân), trong bất kỳ trường hợp nào, nếu được chủ hàng hoá, chủ phương tiện uỷ quyền thực hiện thủ tục hải quan thì đều có thể là người khai hải quan.

Trong khi đó, Điều 5 của Nghị định 08 chỉ cho phép ủy quyền khai hải quan giới hạn trong các trường hợp đặc biệt về hàng hóa (hàng hoá là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyển đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hoá nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế) hoặc các chủ thể nhất định (người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hoá, trung chuyển hàng hoá, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế).

Như vậy Điều 5 của Nghị định 08 dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan. Không rõ vì sao cơ quan soạn thảo lại cần phải giới hạn các trường hợp như vậy. Nếu không có lý do phù hợp, đề nghị Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi quy định sao cho phù hợp với Luật Hải quan.

  1. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Điều 7.3 của Nghị định 08 quy định người khai hải quan không phải xuất trình bản giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh là họ vẫn phải nộp các bản giấy dù đã nộp bản điện tử trên Cổng một cửa. Một phần nguyên nhân là do các văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính được thiết kế dành cho hồ sơ giấy, chứ không tính đến việc thực hiện trực tuyến.

Do đó, đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ ngành có liên quan rà soát và đưa ra danh mục các thủ tục phải nộp hồ sơ giấy, nếu không có trong danh mục này thì không phải nộp bản giấy khi đã nộp bản điện tử.

  1. Địa điểm làm thủ tục hải quan xuất khẩu xăng dầu

Điều 11.1 Thông tư 69/2016/TT-BTC[1] quy định địa điểm làm thủ tục hải quan đối với xuất khẩu xăng dầu, hóa chất, khí là Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định này gây nhiều bất cập cho công tác giám sát hải quan đối với việc bơm xăng dầu, hóa chất, khí từ bồn, bể vào phương tiện (Điều 4.2.b.2 Thông tư 69/2016/TT-BTC). Một số trường hợp, khoảng cách giữa kho chứa (nơi cần giám sát) và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất rất lớn, thậm chí hàng trăm kilomet khiến cho việc thực hiện giám sát của cả cơ quan chức năng, các doanh nghiệp xăng dầu, hóa chất, khí và các đơn vị khác (như đơn vị cung cấp dịch vụ giám định) không thuận tiện và gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, Điều 11.2 Thông tư 69/2016/TT-BTC lại cho phép các doanh nghiệp xăng dầu, hóa chất, khí được làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí. Trong khi thủ tục hải quan với hàng tái xuất không có khác biệt đáng kể với thủ tục xuất khẩu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng địa điểm làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất như vậy là phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Từ những lý do trên, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu sửa đổi quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu theo hướng cho phép doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí.

  1. Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên với đại lý hải quan

Điều 10.4.d Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu (để áp dụng chế độ ưu tiên) với đại lý thủ tục hải quan là số tờ khai làm thủ tục hải quan trong năm đạt 20.000 tờ/ năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định số lượng như vậy là quá lớn đối với các đại lý hải quan. Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan tổng kết lại việc cấp chế độ ưu tiên cho đại lý hải quan trong 05 năm triển khai vừa qua, từ đó cân nhắc sự phù hợp của số lượng tờ khai trong quy định trên.

  1. Trường hợp doanh nghiệp chủ động đề nghị dừng áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên

Điều 11.4 Nghị định 08 quy định doanh nghiệp bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên thì trong 02 năm tiếp theo không được công nhận doanh nghiệp ưu tiên. Quy định này áp dụng cho tất cả các trường hợp đình chỉ chế độ áp dụng ưu tiên, kể cả trường hợp đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên do doanh nghiệp chủ động đề nghị vì lý do riêng của doanh nghiệp.

Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý vì trường hợp doanh nghiệp chủ động xin ngừng áp dụng chế độ ưu tiên không phải do doanh nghiệp có hành vi vi phạm (như các trường hợp đình chỉ khác), nên không cần thiết phải áp dụng hình thức chế tài là không được công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong 2 năm tiếp theo. Đề nghị Tổng cục Hải quan điều chỉnh quy định này cho phù hợp.

  1. Khai hải quan với hàng hóa nhập khẩu có nhiều hợp đồng, đơn hàng

Điều 25.7.a Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định điều kiện để hàng hóa nhập khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng được khai trên một tờ khai hải quan là có cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, giao hàng một lần, có một vận đơn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc yêu cầu hàng hóa phải có cùng phương thức thanh toán mới được gộp tờ khai hải quan là chưa hợp lý, bởi:

  • Thứ nhất, việc hàng hóa nhập khẩu cùng hay khác phương thức thanh toán không ảnh hưởng đến quá trình thông quan, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
  • Thứ hai, Thông tư 39/2018/TT-BTC đã cho phép người khai hải quan được phép gộp tờ khai của hàng hóa trả tiền và hàng hóa không phải trả tiền[2].

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép doanh nghiệp được gộp tờ khai với hàng hóa không cùng phương thức thanh toán (tức là bỏ quy định về “cùng phương thức thanh toán”).

  1. Phí làm thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập

Điều 5.3 Thông tư 274/2016/TT-BTC quy định hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập chỉ thu phí một lần khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hệ thống quản lý của cơ quan hải quan chưa tự động xoá nợ với trường hợp doanh nghiệp đã nộp phí hải quan cho một lần làm thủ tục như trên, khiến nhiều doanh nghiệp bị hệ thống báo nợ phí hải quan.

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống quản lý thu phí hải quan để phân biệt được trường hợp doanh nghiệp đã nộp phí hải quan một lần cho hàng hoá tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để không bị báo nợ như hiện nay.

  1. Đánh giá tuân thủ

Điều 14.1.c của Nghị định 08 quy định việc đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan được dựa trên việc hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan.

Quy định này chưa rõ ràng và có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, nếu doanh nghiệp từ chối thực hiện một yêu cầu của cơ quan hải quan vì cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật thì có được coi là không hợp tác hay không? Nếu doanh nghiệp khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định của của cơ quan hải quan mà doanh nghiệp cho là trái pháp luật thì có bị coi là không hợp tác hay không?

Do đó, đề nghị bổ sung quy định theo hướng, nếu doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan hải quan và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính của mình thì chưa bị đánh giá giảm mức độ tuân thủ cho đến khi có kết quả trả lời khiếu nại, tố cáo, hoặc bản án hành chính của toà án.

  1. Các trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ

Điều 35.1 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ bao gồm: (i) hàng hóa theo hợp đồng gia công; (ii) hàng hóa theo hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp ở khu phi thuế quan; (iii) hàng hóa theo hợp đồng mua bán với nước ngoài và được chỉ định giao, nhận cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này lại bỏ sót trường hợp hàng hóa được tặng cho, khuyến mại, hàng mẫu không thanh toán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp nước ngoài… Các trường hợp này doanh nghiệp không có hợp đồng mua bán, hợp đồng gia công như các trường hợp được quy định trên.

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu bổ sung các trường hợp trên vào các trường hợp được xuất nhập khẩu tại chỗ.

  1. Thủ tục thông báo cơ sở sản xuất để gia công sản xuất hàng xuất khẩu

Điều 36.1 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan hải quan trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Một trong các nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu được tính vào trường hợp phải thông báo để kiểm tra trước khi làm thủ tục nhập khẩu được quy định tại Điều 54 Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 1.34 Thông tư 39/2018/TT-BTC) là máy móc, thiết bị nhập khẩu do bên đặt gia công cho bên nhận gia công thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công.

Tuy nhiên, quy định này lại chưa phù hợp với các quy định về kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Theo Điều 38 và Điều 39.1 Nghị định 08/2015 (sửa đổi bởi điều 1.17 Nghị định 59/2018/NĐ-CP), để đáp ứng các điều kiện về miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phải được cơ quan kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, năng lực gia công, sản xuất. Một trong các nội dung kiểm tra là quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị, số lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở gia công, sản xuất. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được số máy móc, thiết bị hiện có đáp ứng yêu cầu sản xuất của hợp đồng gia công sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế. Như vậy, quy định này đặt doanh nghiệp vào tình thế “con gà, quả trứng” do máy móc, thiết bị mà đối tác cho mượn vẫn chưa được nhập khẩu nhưng lại phải chứng minh năng lực sản xuất dựa trên số thiết bị, máy móc đó.

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu, sửa đổi quy định trên theo hướng trường hợp máy móc, thiết bị để gia công, sản xuất hàng thuộc diện sẽ được bên đặt gia công cho bên nhận gia công thuê mượn thì việc kiểm tra năng lực sản xuất sẽ căn cứ vào giấy tờ chứng minh (ví dụ thoả thuận cho mượn máy móc) chứ không kiểm tra thực tế tại Điều 1.34 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

  1. Thời gian tái nhập để tái chế

Điều 47.5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định thời gian tái nhập để tái chế do doanh nghiệp đăng ký nhưng không quá 275 ngày. Quy định này được phù hợp với quy định trước đây về thời hạn nộp thuế (275 ngày) với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Nghị định 149/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất nhập khẩu 2005.

Tuy nhiên, Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016 đã sửa đổi quy định này và đưa hàng hoá tái nhập để tái chế vào diện miễn thuế (Điều 16.9.c). Để được miễn thuế, doanh nghiệp phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản của cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 13.4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Như vậy, kể cả trường hợp doanh nghiệp có trì hoãn thời gian tái xuất hàng hóa, cơ quan hải quan vẫn có sự đảm bảo số tiền thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh thời hạn 275 ngày là chưa phù hợp với nhiều lô hàng tái nhập để tái chế có tính chất phức tạp và/hoặc số lượng lớn, khiến doanh nghiệp phải chịu nộp thuế nhập khẩu.

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan cân nhắc sửa đổi theo hướng không hạn chế thời gian tái xuất với hàng hóa tái nhập để tái chế (bỏ quy định “không quá 275 ngày”), doanh nghiệp có thể tùy ý lựa chọn thời gian tái xuất để đăng ký với cơ quan hải quan.

  1. Hình thức xử lý với hàng tái chế không tái xuất được
  • Hình thức xử lý với hàng gia công tái chế không tái xuất được

Điều 47.7b Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định nếu sản phẩm không phải hàng gia công tái chế không tái xuất được thì hình thức xử lý là chuyển tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy.

Trên thực tế, việc xử lý hàng gia công như thế nào phải phụ thuộc vào thỏa thuận gia công (ví dụ bên gia công yêu cầu hàng hóa có thể tiêu thụ nội địa với các điều kiện xyz nào đó hoặc phải chuyển đổi theo cách thức nhất định). Ngoài ra, pháp luật nội địa có thể có các quy định nhất định liên quan tới việc lưu thông các loại hàng hóa nhất định (ví dụ với hàng cấm lưu thông, hàng lưu thông có điều kiện…).

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 47.7a theo hướng cho phép doanh nghiệp lựa chọn phương thức xử lý phù hợp với thỏa thuận với bên đặt gia công và quy định của pháp luật liên quan.

  • Hình thức xử lý với hàng tái chế không tái xuất được mà không phải hàng gia công

Điều 47.7b Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định nếu sản phẩm không phải hàng gia công tái chế không tái xuất được thì hình thức xử lý duy nhất là chuyển tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, quy định này là chưa phù hợp do đã hạn chế quyền định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, ngoài hình thức trên, với tính chất là hàng hóa thuộc sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp, hàng hóa này có thể được doanh nghiệp xử lý theo bất kỳ hình thức hợp pháp nào (ví dụ bán cho đối tác nước ngoài, tặng cho, tiêu hủy…).

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 47.7 theo hướng cho phép doanh nghiệp được tùy ý lựa chọn phương thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

  1. Thủ tục thông báo khi thực hiện các dịch vụ trong kho ngoại quan

Điều 87.2 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chủ hàng hoặc chủ kho ngoại quan phải có văn bản thông báo trước khi thực hiện các dịch vụ gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa và lấy mẫu hàng hóa trong kho ngoại quan. Theo đó, thủ tục được thiết kế như sau: doanh nghiệp nộp thông báo đến Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan, và được cán bộ Hải quan xác nhận được nộp thông báo.

Mặc dù đã được thiết kế đơn giản, nhưng do nhu cầu về các dịch vụ trong kho ngoại quan luôn lớn và phát sinh thường xuyên, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo cho Chi cục Hải quan sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục.

Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan cân nhắc giải pháp cho phép doanh nghiệp nộp thông báo qua thư điện tử hoặc phần mềm điện tử.

  1. Đối tượng được phép thuê kho ngoại quan

Điều 84.1 quy định đối tượng được phép thuê kho ngoại quan là tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế. Quy định này được hiểu là chỉ các tổ chức, cá nhân kinh doanh mới được thuê kho ngoại quan.

Thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu là quyền đương nhiên của các cá nhân, tổ chức Việt Nam, trừ trường hợp bị cấm theo quy định riêng (ví dụ có bản án của toà án cấm thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu). Vậy không rõ vì sao quy định này lại hạn chế các cá nhân, tổ chức Việt Nam không kinh doanh được thuê kho ngoại quan.

Do đó, đề nghị Tổng cục hải quan làm rõ hơn lý do về giới hạn này. Trường hợp không có lý do cần thiết, đề nghị mở rộng các đối tượng được thuê kho ngoại quan gồm tất cả các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

  1. Tiêu huỷ hàng hoá trong kho ngoại quan

Điều 86.4 quy định việc tiêu huỷ hàng hoá bị hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng trong kho ngoại quan phải có sự đồng ý của chủ hàng. Trên thực tế phát sinh trường hợp chủ hàng bỏ trốn hoặc bỏ mặc hàng hoá. Nếu theo quy định này thì sẽ gây khó khăn và chi phí cho các kho ngoại quan. Đề nghị Tổng cục hải quan bổ sung quy định xử lý trường hợp này.

  1. Thủ tục kiểm tra sau thông quan

Điều 98.4 quy định về thủ tục kiểm tra sau thông quan: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra ký biên bản kiểm tra. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ký biên bản, người khai hải quan hoàn thành việc giải trình (nếu có).

Quy định này không rõ về việc cơ quan hải quan có thông báo biên bản kiểm tra cho người khai hải quan hay không. Do đó, đề nghị Tổng cục hải quan bổ sung quy định về việc thông báo biên bản kiểm tra cho người khai hải quan và cho phép người khai hải quan giải trình.

Thêm vào đó, không rõ vì lý do gì mà trưởng đoàn kiểm tra không thể ký biên bản ngay khi kết thúc kiểm tra mà phải chờ thêm 5 ngày làm việc. Nếu không có lý do rõ ràng thì đề nghị sửa đổi theo hướng trưởng đoàn ký biên bản ngay sau khi kết thúc kiểm tra.

  1. Về sự tương thích với các cam kết CPTPP, EVFTA

Rà soát sơ bộ cho thấy một số quy định sau của Nghị định 08 có thể không tương thích với một số cam kết CPTPP, EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, ví dụ:

  • Điều 5: Quy định về người khai hải quan đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam có thể chưa tương thích với cam kết về đại lý hải quan của EVFTA
  • Điều 24: Quy định về các trường hợp được phép xin xác định trước, hủy xác định trước có thể chưa tương thích với cam kết về xác định trước của CPTPP và EVFTA
  • Điều 32: Quy định phân biệt giữa giải phóng hàng và thông quan hàng hóa có thể chưa tương thích với cam kết về giải phóng hàng của CPTPP

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

[1] Điều 11 Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định chi tiết điều Điều 4.1 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi điều 2.1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) về địa điểm làm thủ tục hải quan với xăng dầu.

[2] Mục 1.43 Phụ lục 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC hướng dẫn “Trường hợp thanh toán các hình thức khác hoặc kết hợp nhiều hình thức thì nhập mã “KC” đồng thời nhập phương thức thanh toán thực tế vào ô “Chi tiết khai trị giá”.