VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi

Thứ Tư 15:51 26-02-2020

Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 476/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

    I. Về trình tự, thủ tục kê khai giá cước

Dự thảo đang thiết kế trình tự, thủ tục kê khai giá cước theo hướng:

  • Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá cước kê khai, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) phải gửi văn bản kê khai giá cước tới Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh hạch toán độc lập;
  • Sở Giao thông vận tải tiếp nhận văn bản kê khai giá và xem xét văn bản có đầy đủ nội dung hay không;
  • Nếu nội dung văn bản đầy đủ, Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành rà soát văn bản kê khai giá và quyết định:
  • Không yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các nội dung trong văn bản kê khai. Trường hợp này, doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo mức giá kê khai;
  • Yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các nội dung tại văn bản kê khai chưa đáp ứng yêu cầu, lý do điều chỉnh giá cước chưa rõ ràng. Trường hợp này, doanh nghiệp phải giải trình theo quy trình tiếp nhận văn bản kê khai giá;
  • Yêu cầu doanh nghiệp không được áp dụng mức giá đăng ký khi phần giải trình lý do điều chỉnh giá cước không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá cước. Trường hợp này, doanh nghiệp phải thực hiện lại nghĩa vụ đăng ký giá cước.

Theo quy trình trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét các yếu tố cấu thành giá cước, quyết định xem việc đăng ký giá cước, tăng hoặc giảm giá cước có hợp lý không và không cho phép doanh nghiệp thực hiện mức giá mà doanh nghiệp đề xuất nếu không thấy hợp lý. Đây là biện pháp quản lý can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về giá cũng như các văn bản khác có liên quan, cụ thể:

  • Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Giá thì “kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá”. Quy định này được hiểu, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo về mức giá hàng hóa, dịch vụ (mà không cần phải kê khai các yếu tố cấu thành giá cước) khi định giá, điều chỉnh giá. Việc Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp kê khai mức giá, trong đó phải kê khai chi tiết về các khoản mục chi phí cấu thành giá cước, giải trình lý do điều chỉnh giá cước[1] (tương tự như hoạt động “đăng ký giá”) là chưa phản ánh đúng bản chất của thủ tục “kê khai giá” theo quy định của Luật Giá;
  • Theo quy định trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ rà soát các nội dung tại văn bản kê khai giá về “các khoản mục chi phí cấu thành giá cước”, “lý do điều chỉnh giá cước”, “kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá cước”[2] và doanh nghiệp sẽ phải thực hiện giải trình, thực hiện đăng ký lại giá cước nếu các “lý do điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá cước”[3]. Hoạt động này tương tự như hoạt động kiểm tra yếu tố hình thành giá quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Giá, Điều 13 Nghị định 177/2013/NĐ-CP[4]. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi không thuộc nhóm dịch vụ thực hiện bình ổn giá; Nhà nước định giá – những loại dịch vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá trong một số trường hợp nhất định;
  • Khoản 1 Điều 11 Luật Giá quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền “tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”. Dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc Dự thảo quy định cơ quan nhà nước xem xét các yếu tố hình thành giá, không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá nếu không thấy hợp lý là một trong những hình thức can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp và chưa phù hợp với Luật Giá.

Tóm lại, trình tự, thủ tục kê khai giá đang được thiết kế tại Dự thảo chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động này theo quy định của pháp luật về giá. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi thủ tục hành chính này theo hướng: doanh nghiệp gửi thông báo về mức giá khi định giá hoặc điều chỉnh giá và cơ quan nhà nước không xem xét các yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp trong thủ tục này.

    II. Một số góp ý đối với các quy định cụ thể tại Dự thảo

Các ý kiến này nhìn dưới góc độ tính minh bạch, hợp lý của các quy định tại Dự thảo, không có ý nghĩa phủ nhận ý kiến tại Mục I trong văn bản này.

  1. Cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá cước

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá cước với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phải gửi cho Sở Giao thông vận tải đầu tuyến còn lại 01 bản phô tô văn bản đã hoàn thành thủ tục kê khai giá cước của địa phương nơi thực hiện kê khai giá có dấu công văn đến theo quy định. Quy định này là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Việc yêu cầu gửi văn bản photo về văn bản kê khai giá cước tới Sở Giao thông vận tải đầu tuyến còn lại suy đoán nhằm mục đích cơ quan quản lý nhà nước muốn nhận biết thông tin về việc chấp hành quy định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được thông tin này, giữa các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải gửi văn bản thông báo.

Để giảm thiểu thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận văn bản kê khai giá gửi thông tin về việc doanh nghiệp đã kê khai giá tới các Sở Giao thông vận tải ở trên tuyến.

  1. Thời điểm kê khai, kê khai lại giá cước
  • Trường hợp kê khai điều chỉnh giảm giá cước: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Dự thảo thì thời điểm doanh nghiệp được áp dụng mức giá cước kê khai giảm là “từ ngày thực hiện kê khai giảm”. Tuy nhiên, khoản 10 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP[5] quy định “trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giá giảm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, tức là thời điểm áp dụng mức giá giảm là trước hoặc cùng thời điểm gửi văn bản kê khai giá. Như vậy, quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp về thời điểm doanh nghiệp được áp dụng mức giá giảm, vì “ngày thực hiện kê khai giảm” có thể hiểu là ngày hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước tiếp nhập văn bản kê khai nhưng không có yêu cầu giải trình hoặc hơn 21 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản kê khai nếu có yêu cầu giải trình, thậm chí là không biết ngày nào nếu doanh nghiệp phải giải trình nhiều lần.

Để thống nhất với Nghị định 149/2016/NĐ-CP đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời điểm doanh nghiệp được áp dụng mức giá giảm theo hướng được áp dụng ngay và chỉ cần gửi thông báo về mức giảm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Kê khai và kê khai lại giá cước

Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về việc doanh nghiệp thực hiện kê khai giá cước với Sở Giao thông vận tải ít nhất 05 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá cước kê khai. Quy định này được hiểu áp dụng cho tất cả các trường hợp điều chỉnh giá cước (trên hoặc dưới 10% so với mức kê khai liền kề trước đó).

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định: nếu tăng hoặc giảm giá cước trên 10%  so với mức giá cước đã kê khai liền kề thì phải thực hiện kê khai lại giá cước, còn tăng hoặc giảm giá cước dưới 10% thì chỉ cần gửi thông báo về mức giá cước mới. Quy định này được hiểu, tùy theo tỷ lệ tăng hoặc giảm giá cước để xác định thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện: kê khai giá hay gửi thông báo về mức giá.

Như vậy, giữa quy định tại hai khoản 1 và 2 đã có sự chồng lấn, mâu thuẫn về thủ tục phải thực hiện khi tăng hoặc giảm giá cước dưới 10% (kê khai giá theo khoản 1 hay gửi thông báo theo khoản 2?). Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghi Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 5 về các thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện khi tăng hoặc giảm giá cước.

  1. Về kê khai giá đối với vận tải bằng xe buýt

Theo phản ánh của doanh nghiệp thì hiện này đang có dịch vụ vận chuyển bằng xe buýt có trợ giá. Đối với dịch vụ này thì giá cước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ấn định, doanh nghiệp không được tự định giá. Vì vậy, yêu cầu các đối tượng này phải kê khai giá là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ đối tượng này ra khỏi đối tượng phải thực hiện thủ tục phải kê khai giá.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Khoản 1 Điều 8 Dự thảo

[2] Khoản 1 Điều 8 Dự thảo

[3] Khoản 2 Điều 8 Dự thảo

[4] Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá

[5] Nghị định 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013