VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 9/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

Thứ Ba 17:43 03-10-2017

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 11767/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 9/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến như sau:

  1. Về mức phí

So với Thông tư 202, Dự thảo đã giảm mức phí “đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm” từ 70.000 đồng xuống 30.000 đồng (giảm 40.000 đồng – giảm 57% so với mức phí ban đầu); “cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm” từ 30.000 đồng xuống 25.000 đồng (giảm 5.000 đồng – giảm hơn 16%) (Điều 1Dự thảo sửa đổi điểm c, điểm đ mục 1 Điều 4 Thông tư 202).

Việc giảm mức phí thẩm định này đã thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo tinh thần của Nghị quyết 75/NQ-CP.

Để đảm bảo mức phí mới này thực sự phù hợp với thực tế, VCCI đang tiến hành lấy ý kiến cụ thể từ các doanh nghiệp. VCCI sẽ có ý kiến về mức phí này khi nhận được phản hồi từ doanh nghiệp, nếu có.

  1. Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm

Theo quy định tại mục 3 Điều 4 Thông tư 202 thì mức phí “cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm” được xác định dựa trên thời điểm đăng ký sử dụng của năm (trước hay từ ngày 01/7 hàng năm) với cách tính “khách hàng/năm”.

Tính phí dựa trên thời gian sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm theo năm đăng ký (năm lịch) dường như chưa hợp lý, cụ thể:

  • Thời gian sử dụng dữ liệu của người sử dụng (chủ yếu là các văn phòng công chứng nhà đất, tài sản lớn) căn cứ vào năm thực tế (thời gian sử dụng thực tế) chứ không căn cứ vào năm lịch;
  • Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm là tập hợp các thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ tại cơ quan đăng ký, cơ sở dữ liệu này vì vậy sẽ thay đổi thường xuyên (phụ thuộc vào các giao dịch có liên quan đến tài sản bảo đảm phải đăng ký) chứ không phải chỉ cập nhật một năm/nửa năm một lần (theo năm lịch)

Do đó, việc Thông tư 202 xác định phí dựa trên năm đăng ký (và là năm lịch) vừa không rõ mục tiêu (tại sao lại xác định theo năm đăng ký? Thời gian trong năm có ảnh hưởng gì đến việc khai thác dữ liệu hay không?) vừa tạo sự phức tạp và thiếu công bằng trong tính phí của các đối tượng sử dụng (ví dụ, đối tượng đăng ký vào ngày 01/01 sẽ có 12 tháng được sử dụng dữ liệu và trả mức phí 300.000 đồng. Nếu đối tượng đăng ký vào tháng 12 thì sẽ có khoảng 1 tháng được sử dụng dữ liệu, nhưng phải trả mức phí 150.000 đồng – gấp 12,5 lần mức phí mà đối tượng đăng ký ngày 01/01 khi cùng sử dụng cơ sở dữ liệu trong 01 tháng).

Để đảm bảo tính công bằng và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Dự thảo quy định điều chỉnh quy định về “phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bao đảm” theo hướng áp chung một mức phí theo năm tròn kể từ ngày đăng ký, việc nộp phí cho khoảng thời gian nào sẽ tùy theo lựa chọn của chủ thể đăng ký (ví dụ họ có nhu cầu sử dụng dữ liệu trong 03 năm thì họ có thể nộp phí luôn cho 03 năm, và mã sử dụng của họ sẽ có hiệu lực trong 03 năm tròn kể từ ngày đăng ký (không quan trong ngày đó là ngày nào trong năm).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 9/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.