Dự thảo Luật Dân quân tự vệ 2009 (sửa đổi)

Thứ Sáu 11:51 29-12-2017

Kính gửi: Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng

Trả lời Công văn số 13335/BQP-TM của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Dân quân tự vệ 2009 (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, có một số ý kiến về lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp như sau:

     Điều 19 của Luật Dân quân tự vệ quy định các doanh nghiệp phải có lực lượng tự vệ được thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp chưa có tổ chức tự vệ thì người lao động trong độ tuổi phải được cử về địa phương để tham gia dân quân tự vệ. Đây là quy định có thể tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay tại Việt Nam có đến hơn 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 97% trong số đó là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

     Tờ trình của cơ quan soạn thảo thừa nhận việc tổ chức lực lượng tự vệ tại các doanh nghiệp và việc cử người lao động của doanh nghiệp về địa phương để tham gia dân quân tự vệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không khả thi, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

     Việc yêu cầu người lao động tham gia lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp có thể gây trùng lặp, chồng chéo, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, thậm chí không thể thực hiện được, cụ thể như sau:

     Thứ nhất, mỗi cá nhân đáp ứng điều kiện về độ tuổi đều có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại nơi cư trú. Việc yêu cầu tham gia thêm lực lượng tự vệ tại nơi làm việc có thể gây ra sự trùng lặp, chồng chéo.

     Thứ hai, hiện chưa có quy định chi phí hoạt động của lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp hay người lao động chịu? Thời gian tham gia sẽ được tính vào thời giờ làm việc và được trả lương hay không?

  • Nếu yêu cầu các doanh nghiệp chịu chi phí này thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm. Các chi phí này không chỉ làm giảm lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm của nền kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt nam đã phải đóng thuế, phí và lệ phí cho Nhà nước và nguồn tài chính này đã được sử dụng để chi tiêu cho hoạt động quốc phòng.
  • Nếu các chi phí và thời gian này do người lao động chịu, tức là nằm ngoài hợp đồng lao động thì theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, chủ sử dụng lao động (doanh nghiệp) lại không có quyền yêu cầu người lao động tham gia lực lượng tự vệ.

     Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định việc tổ chức lực lượng tự vệ tại các doanh nghiệp chỉ mang tính tự nguyện, nhà nước khuyến khích mà không bắt buộc. Nếu người lao động đã tham gia lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp thì được miễn nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại nơi cư trú (trừ trường hợp tự nguyện tham gia cả hai). Nếu người lao động chưa tham gia lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp thì người đó có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại nơi cư trú.

Trong trường hợp có tổ chức lực lượng dự bị tại doanh nghiệp thì cũng cần có các quy định cụ thể một số vấn đề sau:

            Thứ nhất, về điều kiện tổ chức tự vệ cần có quy định chỉ tổ chức lực lượng tự vệ khi có đủ từ 09 người lao động trở lên đề nghị/đồng ý tổ chức. Nói cách khác, việc tổ chức lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp sẽ do người lao động tự quyết định và phải đáp ứng số lượng một tiểu đội.

            Thứ hai, về chi phí, thời gian hoạt động của lực lượng tự vệ cần có quy định chi phí hoạt động của lực lượng tự vệ được lấy từ nguồn chế độ, chính sách của Nhà nước, thời gian tham gia lực lượng tự vệ không tính vào thời giờ làm việc của người lao động.

     Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từ phản ánh của doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật Dân quân tự vệ năm 2009 (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

     Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.