Tính thuế và truy thu thuế các lô hàng xuất nguyên liệu để gia công các lô nguyên liệu xuất gia công đã nhập khẩu thành phẩm theo Công văn số 10346/TCHQ-TXNK
Công ty TNHH thương mại Hồng Á và Công ty TNHH kim loại Việt Phong thực hiện thủ tục hải quan với loại hình đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài (đặt các doanh nghiệp nước ngoài gia công hàng hóa). Nguyên liệu đặt gia công là các phế liệu, phế phẩm kim loại (chì, nhôm, thép không gỉ, kẽm, đồng) được thu gom từ quá trình sản xuất của các ngành công nghiệp (gọi chung là phế liệu kim loại) từ các nhà máy sản xuất trong nước rồi xuất đi nước ngoài gia công thành các nguyên liệu tinh (chì tinh luyện, nhôm thỏi, đồng thỏi, thép cuộn không gỉ,…) phục vụ cho ngành sản xuất trong nước.
Theo trình bày từ hai Công ty, ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đặt gia công ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Khoản 6 Điều 16 của Luật số 107/2016/QH13 quy định: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần giá trị của nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm gia công”.
Tuy nhiên, ngày 01/9/2016, để hướng dẫn thi hành Luật số 107/2016/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên và hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thi không được miễn thuế xuất khẩu”
Nhận thấy quy định như vậy của Nghị định 134/2016/NĐ-CP còn chưa phù hợp với Luật 107/2016/QH13, để linh hoạt trong xử lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã không thu thuế xuất khẩu đối với các lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng đặt nước ngoài gia công phế liệu của doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết nếu không nhập khẩu sản phẩm đã gia công theo hợp đồng thì sẽ bị truy thu thuế xuất khẩu và xử phạt vi phạm hành chính. Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đồng thời gửi nhiều văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan để xin ý kiến chỉ đạo.
Tuy nhiên, mặc dù có các ý kiến của doanh nghiệp và đề xuất của Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan không chấp thuận, ngược lại đã ban hành Công văn số 10346/TCHQ-TXNK ngày 02/11/2016 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện việc tính thuế và truy thu thuế đối với tất cả các lô hàng xuất nguyên liệu để gia công, kể cả các lô nguyên liệu xuất gia công và đã nhập khẩu thành phẩm trước đây, xác định ngày nộp thuế là ngày đăng ký tờ khai. Theo hướng dẫn của Công văn này, các doanh nghiệp đã xuất nguyên liệu để gia công và nhập khẩu thành phẩm phải chịu phạt.
Công ty TNHH thương mại Hồng Á, Công ty TNHH kim loại Việt Phong không đồng ý với Công văn số 10346/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan, do theo các công ty, văn bản này trái với quy định của Luật số 107/2016/QH13 của Quốc hội. Hai công ty được biết, ngày 07/11/2016, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn số 3054/HQHCM-TXNK báo cáo Tổng cục Hải quan và đề nghị xử lý vẫn đề liên quan phù hợp với quy định của Luật, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hiện nay, hàng hóa của Công ty TNHH thương mại Hồng Á, Công ty TNHH kim loại Việt Phong đang phải lưu kho, lưu bãi tại cảng với nhiều chi phí do không có tiền nộp thuế, không được làm thủ tục hải quan để thông quan giải phóng hàng hóa. Hai công ty phải bồi hoàn hợp đồng cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có nguyên liệu sản xuất theo kế hoạch buộc phải mua nguyên liệu từ các nguồn khác chịu mức giá cao nên không bán được hàng hóa…
Trong tình hình các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng hóa của nước ngoài do lệ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu thương mại, xuất nguyên liệu để gia công và nhập khẩu nguyên liệu thành phẩm là cố gắng của các công ty trong nước nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào có giá thành tốt cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Nếu phải đóng thuế xuất khẩu nguyên liệu gia công thì giá sản phẩm gia công nhập khẩu sẽ rất cao và không thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp nước ngoài. Doanh nghiệp sẽ buộc phải ngưng hoạt động xuất nguyên liệu đi gia công tại nước ngoài và cuối cùng sẽ phải nhập khẩu thương mại toàn bộ sản phẩm. Như vậy nguồn nguyên liệu trong nước không được tận dụng, nguồn ngoại tệ sẽ chảy ra nước ngoài để dành cho nhập khẩu, lao động bị cắt giảm. Để không xảy ra trường hợp đó, Công ty TNHH thương mại Hồng Á, Công ty TNHH kim loại Việt Phong kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét, chấm dứt quy định theo Công văn số 10346/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan, để không ảnh hưởng nghiêm trọng thêm tới doanh nghiệp làm ăn chân chính.