Theo dõi (0)

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp

Ngày đăng: 23:36 23-10-2011 | 2935 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp


CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 2 như sau:

“d) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả viên chức được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước có hiệu lực thi hành mà không phải thực hiện giao kết hợp đồng làm việc.”

2. Bổ sung khoản 3 Điều 2 như sau:

“3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ mười bốn ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật thì thời gian này người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 4 như sau:

“c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; phân bổ số lượng vị trí việc làm cho các đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, giao dự toán kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và thanh quyết toán theo quy định.”

4. Bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 4 như sau:

“2a. Bộ Nội vụ quyết định số lượng vị trí việc làm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và thông báo cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để phân bổ cho các đơn vị thực hiện.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 như sau:

“4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp trong phạm vi địa phương, bao gồm:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn;

b) Theo dõi, thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

c) Kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền;

d) Giao số lượng vị trí việc làm cho cơ quan lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở số lượng vị trí việc làm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phân bổ; hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.”

6. Bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:

“5. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

a) Chỉ đạo việc tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn;

b) Theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

c) Kiến nghị với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền. ”

7. Bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 8 như sau:

“7. Nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Quyết định hưởng trợ cấp một lần, quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hưởng trợ cấp một lần; trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

8. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

"Điều 10. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội

1. Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện thủ tục, trình tự tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; thông báo với cơ quan lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

2. Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Thực hiện đúng quy định về việc lập hồ sơ để người lao động đóng và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

4. Bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và của người sử dụng lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị.

5. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp.

6. Cung cấp các văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định này cho người lao động để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

7. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.”

9. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 14 như sau:

“3. Chuyển kinh phí cho cơ quan lao động để thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quy định về chuyển kinh phí, thanh toán, quyết toán giữa cơ quan lao động với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 15 như sau:

“1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động  hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó.

2. Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3  Điều 17 như sau:

“2. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

"Điều 19. Bảo hiểm y tế theo Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội

1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

2. Tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua cơ quan lao động khi nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp."

13. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau:

Điều 34. Việc đăng ký thất nghiệp và thông báo về tìm việc làm với cơ quan lao động

1. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.

2. Hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm; tham gia các khoá bồi dưỡng kỹ năng, định hướng nghề nghiệp do cơ quan lao động tổ chức.”

14. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 37 như sau:

"2. Bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Người lao động phải xuất trình Sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:

Điều 38. Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật Bảo hiểm xã hội

1. Trong thời hạn 15 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, người lao động phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này cho cơ quan lao động nơi người lao động đăng ký thất nghiệp hoặc cơ quan lao động nơi chuyển đến để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Cơ quan lao động có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 20 ngày, tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ quan lao động thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi trả chi phí hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề; chi trả chi phí tư vấn, giới thiệu việc làm và thanh quyết toán với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.

5. Cơ quan lao động thực hiện việc tiếp nhận thẻ Bảo hiểm y tế từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và giao cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành               

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng     năm 2011.   

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp

Ngày nhập

23/10/2011

Đã xem

2935 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com