LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC
Ngày đăng: 02:27 17-10-2012 | 1812 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
DỰ THẢO (12/8/2012)
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11.
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực như sau:
1. Bổ sung khoản 17 và khoản 18 Điều 3 như sau:
“17. Giá bán buôn điện là giá bán điện của đơn vị điện lực này bán cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
18. Giá bán lẻ điện là giá bán điện của đơn vị điện lực bán cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng.
2. Bổ sung khoản 1a sau khoản 1, sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 4 như sau:
“1a. Quan tâm phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực.
4. Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện. Áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.”
3. Sửa đổi khoản 1 và khoản 3 Điều 8 như sau:
“1. Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh. Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện bao gồm cả các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến các quy hoạch khác có liên quan.
3. Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo.”.
4. Bổ sung Điều 8a sau Điều 8 như sau:
“Điều 8a. Nội dung quy hoạch phát triển điện lực
1. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bao gồm những nội dung chính sau đây:
a) Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn quy hoạch và hệ thống năng lượng Việt Nam;
b) Dự báo nhu cầu điện;
c) Đánh giá các nguồn năng lượng sơ cấp, khả năng khai thác, khả năng xuất nhập khẩu năng lượng; dự báo giá nhiên liệu cho sản xuất điện;
d) Chương trình phát triển điện lực quốc gia bao gồm các chương trình chi tiết cho phát triển nguồn điện, phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, phát triển điện nông thôn, phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các nội dung khác liên quan;
đ) Bảo vệ môi trường sinh thái, phòng tránh thiên tai trong quy hoạch phát triển điện lực;
e) Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư cho chương trình phát triển điện lực quốc gia; phân tích kinh tế - tài chính chương trình phát triển điện lực quốc gia;
g) Giải pháp, cơ chế chính sách, đảm bảo thực hiện chương trình phát triển điện lực quốc gia giai đoạn quy hoạch.
2. Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh gồm những nội dung chính sau đây:
a) Quy hoạch, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn quy hoạch;
b) Dự báo nhu cầu điện chi tiết cho các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong giai đoạn quy hoạch;
c) Đánh giá tiềm năng phát triển các nguồn điện tại địa phương; khả năng trao đổi điện năng với các khu vực lân cận; đánh giá tình hình cung cấp điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (nếu có);
d) Chương trình phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho các giai đoạn lập quy hoạch; thiết kế sơ đồ phát triển lưới điện chi tiết cho các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc;
đ) Bảo vệ môi trường sinh thái trong quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh;
e) Tổng hợp khối lượng xây dựng và vốn đầu tư cho phương án quy hoạch phát triển điện được chọn; phân tích kinh tế - tài chính phương án được chọn;
g) Giải pháp, cơ chế chính sách, đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh trong giai đoạn quy hoạch.
5. Sửa đổi tên, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 như sau:
“Điều 9. Lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; quy định cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định quy hoạch phát triển điện lực và hướng dẫn lập kế hoạch triển khai thực hiện.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã được phê duyệt.”
6. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Các dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.
7. Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 16 như sau:
“đ) Tổ chức kiểm toán năng lượng điện theo định kỳ và thực hiện các giải pháp điều chỉnh sau khi có kết luận kiểm toán theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.”
8. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 18 như sau:
“1. Thị trường điện lực được hình thành và phát triển theo các cấp độ sau đây:
a) Thị trường phát điện cạnh tranh;
b) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
c) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định các điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; quy định lộ trình phát triển thị trường điện lực, rà soát và điều chỉnh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.”
9. Sửa đổi khoản 2 Điều 24 như sau:
“2. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật đo lường.”
10. Sửa đổi Điều 25 như sau
“Điều 25. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện
1. Chỉ những tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã đăng ký hoặc được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường mới được phép kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện.
2. Bên bán điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của pháp luật về đo lường.
3. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm độc lập. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
4. Chi phí cho việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo quy định tại khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên mua điện phải trả chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
b) Trường hợp tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên bán điện phải trả chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
5. Trường hợp tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm độc lập xác định chỉ số đo đếm của thiết bị đo đếm điện vượt quá số lượng điện sử dụng thực tế thì bên bán điện phải hoàn trả khoản tiền thu thừa cho bên mua điện.
11. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 28 như sau:
“c) Không làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện trong nước, lợi ích kinh tế của Nhà nước và an ninh năng lượng quốc gia.”
12. Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 và sửa đổi khoản 3 Điều 29 như sau:
“1a. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
3. Thực hiện cơ cấu biểu giá điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt cho các hộ dân thuộc diện chính sách xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.”
13. Bổ sung khoản 6 Điều 30 như sau:
“6. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực”.
14. Sửa đổi Điều 31 như sau:
“Điều 31. Giá điện và các loại phí
1. Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Việc điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện; giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập; trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính.
3. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
4. Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch trên thị trường điện lực công bố phù hợp với quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 21 Luật Điện lực.
5. Phí điều tiết hoạt động điện lực là khoản tiền đơn vị điện lực thanh toán từ chi phí sản xuất của đơn vị cho cơ quan điều tiết điện lực để bù đắp chi phí công tác điều tiết các hoạt động điện lực. Phí điều tiết hoạt động điện lực được thu hàng năm, được xác định trên quy mô phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh mua bán điện năng của đơn vị điện lực.
Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí điều tiết hoạt động điện lực.
6. Hóa đơn bán lẻ điện phải thể hiện các thành phần cấu thành giá. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thành phần cấu thành giá cần thể hiện trong hoá đơn bán lẻ điện và lộ trình áp dụng.”
15. Sửa đổi khoản 1, khoản 4, bổ sung khoản 5 Điều 32 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực.
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực.”
16. Sửa đổi khoản 2 Điều 62 như sau:
“2. Giá bán điện ở khu vực chưa nối lưới điện quốc gia mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế khi bán điện theo mức giá quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Điện lực do đơn vị điện lực xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực; Thủ tướng Chính phủ quy định việc hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt của các hộ gia đình.”.
17. Bổ sung các điểm m, n khoản 1 Điều 66 như sau:
“m) Kiểm tra các hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng mua bán buôn điện có thời hạn theo quy định của Chính phủ;
n) Kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện lực theo quy định của pháp luật.”
18. Sửa đổi Điều 67 như sau:
“Điều 67. Thanh tra chuyên ngành điện lực
Chức năng, nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.”.
Điều 2.
1. Sửa đổi một số thuật ngữ như sau:
a) Thay thế cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực địa phương” tại khoản 2 Điều 10 thành cụm từ “quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh”;
b) Thay thế cụm từ “tiết kiệm năng lượng” tại khoản 3 Điều 13 thành cụm từ “sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”;
c) Thay thế cụm từ “phí dịch vụ phụ trợ” tại điểm h khoản 1 Điều 21 thành cụm từ “giá dịch vụ phụ trợ”;
d) Thay thế cụm từ “phí truyền tải điện” tại điểm b khoản 1 Điều 40, điểm g khoản 1 Điều 66 thành cụm từ “giá truyền tải điện”;
đ) Thay thế cụm từ “phí phân phối điện” tại điểm b khoản 1 Điều 41, điểm g khoản 1 Điều 66 thành cụm từ “giá phân phối điện”;
g) Thay thế cụm từ “giá bán lẻ điện” tại tên điều Điều 62 thành cụm từ “giá bán điện”;
h) Thay thế cụm từ “quy phạm” tại điểm đ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 39, điểm d khoản 1 Điều 40, điểm đ khoản 1 Điều 41, điểm b khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 45 thành cụm từ “quy chuẩn”;
i) Thay thế cụm từ “Bộ Công nghiệp” tại khoản 7 Điều 3; khoản 4 Điều 10; khoản 5 Điều 11; khoản 3 Điều 13; điểm đ khoản 1 Điều 16; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 1 Điều 34; khoản 1và khoản 2 Điều 38; khoản 1 và khoản 2 Điều 56; khoản 5 Điều 59; khoản 3 Điều 61; khoản 4 Điều 64; khoản 2 và khoản 3 Điều 65; khoản 2 Điều 66 thành cụm từ “Bộ Công Thương”.
2. Bãi bỏ cụm từ “xây dựng biểu giá bán lẻ điện” tại điểm đ khoản 1 Điều 66.
3. Bãi bỏ khoản 4 Điều 29, điểm c khoản 1 Điều 43, điểm c khoản 1 Điều 44, điểm e khoản 1 Điều 66 Luật Điện lực.
4. Bổ sung cụm từ “nhưng không trái với các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi giữa các bên” vào cuối câu tại khoản 1 Điều 24, điểm i khoản 2 Điều 39, điểm e khoản 2 Điều 40, điểm c khoản 2 Điều 41.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực từ ngày tháng năm 2013.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ thông qua ngày ... tháng … năm 2012.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.