LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA
Ngày đăng: 14:02 31-01-2012 | 1737 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA
Căn cứ Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/QH10;
Quốc hội ban hành Luật Dự trữ quốc gia.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu của dự trữ quốc gia
Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về:
1. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; ứng phó với các tình huống biến đổi khí hậu;
2. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội;
3. Tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô;
4. Bảo đảm an sinh xã hội;
5. Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của Nhà nước.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành dự trữ quốc gia.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng dự trữ quốc gia.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nguồn lực dự trữ quốc gia là nguồn lực vật chất được đưa vào dự trữ do nhà nước quản lý. Nguồn lực dự trữ quốc gia bao gồm: các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền.
2. Hoạt động dự trữ quốc gia là xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và điều hành dự trữ quốc gia.
3. Hàng dự trữ quốc gia là những vật tư, hàng hóa trong Danh mục dự trữ quốc gia.
4. Dự trữ quốc gia bằng tiền là khoản tiền được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho dự trữ quốc gia.
5. Điều hành dự trữ quốc gia là các hoạt động về quản lý nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ và sử dụng dự trữ quốc gia.
6. Bộ, ngành quản lý dự trữ quốc gia là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp thực hiện các hoạt động dự trữ quốc gia theo phân công của Chính phủ.
7. Đơn vị dự trữ quốc gia là tổ chức thuộc Bộ, ngành quản lý dự trữ quốc gia được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
8. Bình ổn thị trường là việc Nhà nước áp dụng biện pháp mua, bán - nhập, xuất dự trữ quốc gia để điều hòa cung - cầu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia
1. Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ quốc gia phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
2. Nhà nước xây dựng, bố trí tổng mức dự trữ quốc gia đủ mạnh, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng ngân sách và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
3. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia.
4. Nhà nước có chính sách tài chính, chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù hoạt động của dự trữ quốc gia.
5. Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia.
6. Nhà nước có chính sách để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động dự trữ lương thực và những vật tư, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đáp ứng kịp thời các tình huống cấp bách xảy ra tại địa phương.
Điều 6. Nguồn hình thành dự trữ quốc gia
1. Ngân sách nhà nước cấp;
2. Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
3. Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nguyên tắc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia
1. Dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu trong mọi tình huống.
2. Dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; dự trữ quốc gia sau khi xuất sử dụng phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.
Điều 8. Tổ chức dự trữ quốc gia
1. Việc tổ chức dự trữ quốc gia phải bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất vào một đầu mối của Nhà nước, có phân công cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Chính phủ.
2. Hệ thống tổ chức dự trữ quốc gia được bố trí ở trung ương và các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước để kịp thời đáp ứng yêu cầu trong các trường hợp cấp bách, bao gồm cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị dự trữ quốc gia thuộc Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
3. Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm cơ quan ở trung ương và các đơn vị ở địa phương theo khu vực.
Điều 9. Cán bộ, công chức dự trữ quốc gia
Cán bộ, công chức dự trữ quốc gia được tuyển dụng, sử dụng, quản lý về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, cơ chế tuyển dụng, chế độ phục vụ và đãi ngộ đối với công chức phù hợp với hoạt động đặc thù của dự trữ quốc gia.
Điều 10. Nội dung quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia.
2. Quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển dự trữ quốc gia.
3. Quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia; quyết định mức tăng chi dự trữ quốc gia và phân bổ vốn dự trữ quốc gia hàng năm; quyết định xuất sử dụng dự trữ quốc gia.
4. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học quản lý và kỹ thuật - công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dự trữ quốc gia.
6. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ quốc gia.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm pháp luật về dự trữ quốc gia.
8. Hợp tác quốc tế về dự trữ quốc gia.
9. Đánh giá, tổng kết thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia.
Điều 11. Trách nhiệm quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
Điều 12. Các hành vi bị cấm
1. Đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, cán bộ, công chức thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia:
a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực dự trữ quốc gia;
b) Ban hành các văn bản trong lĩnh vực dự trữ quốc gia không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước về dự trữ quốc gia;
d) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia:
a) Nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia không đúng thẩm quyền, không đúng chủng loại;
b) Lợi dụng việc nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia; tự ý thay đổi giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia để trục lợi;
c) Sử dụng hàng dự trữ quốc gia để cầm cố, thế chấp, kinh doanh;
d) Thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về kế toán trong lĩnh vực dự trữ quốc gia;
đ) Làm trái các quy định về quản lý dự trữ quốc gia gây hư hỏng, mất mát tài sản thuộc dự trữ quốc gia;
e) Lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện thuê bảo quản, bảo vệ dự trữ quốc gia;
g) Tiết lộ bí mật nhà nước về dự trữ quốc gia;
h) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
3. Đối với tổ chức, cá nhân
a) Cản trở hoạt động dự trữ quốc gia;
b) Xâm phạm, phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho tàng, hàng hóa dự trữ quốc gia;
c) Sử dụng hàng dự trữ quốc gia sai mục đích;
d) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Luật
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.