Dự thảo văn bản Hướng dẫn Công văn số 229/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các Dự án cấp bách
Ngày đăng: 16:21 05-03-2009 | 1083 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ Số: /BKH-QLĐT V/v hướng dẫn lập danh mục dự án cần chỉ định thầu Dự thảo 1 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng năm 2009 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; - ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước |
Ngày 16 tháng 02 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 229/TTg-KTN về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách (xin gửi đính kèm). Theo đó, tại khoản 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được giao nhiệm vụ hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương về tiêu chí, nội dung xem xét việc đề nghị chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng.
Để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu; khoản 7 và khoản 8 Điều 40 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và khoản 2 văn bản số 229/TTg-KTN ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT ban hành hướng dẫn về việc lập danh mục dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng cần chỉ định thầu như sau:
I. Điều kiện áp dụng:
1. Danh mục dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng cần chỉ định thầu của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước theo quy định tại khoản 2 văn bản số 229/TTg-KTN bao gồm các dự án có đủ các điều kiện sau đây:
a) Dự án có ít nhất một (01) gói thầu đáp ứng một trong các tiêu chí đề nghị chỉ định thầu quy định tại Mục II Hướng dẫn này và có giá đề nghị/đơn vị tính không được cao hơn giá gói thầu tương tự đã thực hiện trước đó (thuộc Bộ, ngành, địa phương liên quan);
b) Tổng giá trị các gói thầu được chỉ định thầu trong danh mục dự án không vượt quá 20% tổng vốn Nhà nước cho xây dựng cơ bản trong năm kế hoạch của Bộ, ngành và địa phương (trừ các gói thầu được phép chỉ định thầu theo quy định tại các điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu và các khoản từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 40 Nghị định 58/2008/NĐ-CP)
2. Các dự án sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản hướng dẫn này:
a) Dự án đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế;
b) Dự án có thời gian từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành từ ba (03) năm trở lên;
c) Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố hoặc địa bàn lân cận đã có công trình tương tự được tổ chức đấu thầu và có từ ba (03) nhà thầu trở lên mua HSMT.
II. Tiêu chí đối với gói thầu cấp bách đề nghị chỉ định thầu:
1. Gói thầu giải phóng mặt bằng, di dời các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình dân sinh phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục đã có đầy đủ điều kiện (về thủ tục đầu tư, về vốn, dự toán được duyệt, ngoài ra đối với gói thầu xây lắp phải có thiết kế kỹ thuật được duyệt) để khởi công và hoàn thành đến hết Quý I năm 2010;
2. Gói thầu nếu không triển khai ngay sẽ đe dọa và gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng dân cư trên địa bàn (VD: gói thầu mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác dập dịch…);
3. Gói thầu nếu không thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các gói thầu tiếp theo trong dự án;
4. Gói thầu cấp bách nhằm phát huy hiệu quả của các công trình hiện hữu;
5. Các gói thầu thuộc dự án sản xuất nguyên liệu, vật liệu để thay thế vật tư thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho các dự án an ninh, an toàn năng lượng.
III. Hồ sơ trình thẩm định danh mục dự án đề nghị chỉ định thầu:
Khi trình Thủ tướng Chính phủ danh mục dự án đề nghị chỉ định thầu, các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đồng thời gửi Bộ KH&ĐT để có ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 2 văn bản số 229/TTg-KTN ngày 16 tháng 02 năm 2009. Hồ sơ gửi Bộ KH&ĐT để thẩm định bao gồm những nội dung sau:
1. Tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng đề nghị chỉ định thầu của Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, trong đó phải làm rõ các nội dung sau:
- Tính cấp thiết, tính ưu tiên phải thực hiện của gói thầu đề nghị chỉ định thầu so với các gói thầu khác;
- Tiến độ thực hiện các gói thầu đề nghị chỉ định thầu ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích kinh tế - xã hội của địa phương (trong đó cần đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội khi thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu so với việc đấu thầu rộng rãi);
- Việc thu xếp bố trí nguồn vốn cho gói thầu được áp dụng chỉ định thầu và việc đảm bảo cân đối vốn cho các gói thầu khác;
- Năng lực, kinh nghiệm và số lượng các nhà thầu trong việc bảo đảm yêu cầu để thực hiện gói thầu.
2. Văn bản pháp lý có liên quan chứng minh tính cấp bách của các dự án đề nghị chỉ định thầu bao gồm: Quyết định phê duyệt dự án, Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán…;
3. Văn bản giải trình, bổ sung tài liệu (nếu có);
4. Văn bản khác có liên quan.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Đăng tải danh mục dự án được chỉ định thầu:
Sau khi có Quyết định phê duyệt danh mục dự án đề nghị chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước phải gửi thông tin đến Báo Đấu thầu để đăng tải theo đúng quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu, Điều 7 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP và văn bản số 4073/BKH-QLĐT ngày 05/6/2008 của Bộ KH&ĐT.
2. Báo cáo tình hình chỉ định thầu:
Định kỳ ba (03) tháng, sáu (06) tháng và một (01) năm, các Bộ, ngành và địa phương phải gửi báo cáo (theo mẫu đính kèm) về tình hình chỉ định thầu theo danh mục dự án đề nghị chỉ định thầu đã được phê duyệt đến Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Kiểm tra việc chỉ định thầu:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các lý do đề nghị chỉ định thầu và phải đảm bảo thời gian từ khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu đến khi ký hợp đồng không được dài hơn thời gian cần thiết để tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu;
b) Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm kiểm tra các dự án thuộc danh mục dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ định thầu để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
V. Hiệu lực thi hành:
1. Văn bản hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký và được xem xét, điều chỉnh sau Quý I năm 2010.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phản ánh ý kiến về Bộ KH&ĐT để kịp thời xem xét, chỉnh lý./.
Nơi nhận: - Như trên; - Các Sở KH&ĐT; - Các đơn vị trực thuộc Bộ; - Lưu: VT, Cục QLĐT. |
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Loại tài liệu Văn bản hướng dẫn
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.