Dự thảo Thông tư quy định về quản lý các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường ngành Công Thương
Ngày đăng: 22:12 24-04-2011 | 1507 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: /2011/TT-BCT Dự thảo 2
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60 /2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Ngân sách Nhà nước;
Bộ Công Thương quy định quản lý các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định công tác quản lý các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường ngành Công Thương, bao gồm: xây dựng kế hoạch; tổ chức thực hiện; nghiệm thu kết quả và thanh quyết toán tài chính.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý và thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường có sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Công Thương quản lý.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kế hoạch bảo vệ môi trường: là tập hợp các nhiệm vụ, dự án có mục tiêu, nội dung rõ ràng nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề cụ thể có liên quan đến môi trường ngành công thương trong một khoảng thời gian xác định.
2. Nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường: bao gồm các chương trình, dự án và hoạt động khác của Bộ có liên quan đến công tác môi trường (sau đây được gọi chung là Nhiệm vụ môi trường).
3. Cơ quan quản lý nhiệm vụ môi trường là Bộ Công Thương.
4. Cơ quan chủ trì thực hiện (sau đây gọi tắt là cơ quan chủ trì) là pháp nhân có đủ điều kiện, năng lực được Bộ Công Thương giao hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ môi trường.
5. Hồ sơ nhiệm vụ môi trường: gồm các tài liệu như đề cương, thuyết minh đề tài, dự án, dự toán, hợp đồng và các tài liệu khác được lập theo mẫu quy định.
Điều 3. Nội dung chi
Các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch bảo vệ môi trường của Nhà nước, của ngành và phải phù hợp với các nội dung sau:
1. Xây dựng dự án, điều tra khảo sát, phân tích đánh giá tình hình ô nhiễm, thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, mua bản quyền công nghệ xử lý chất thải (nếu có), kiểm tra, nghiệm thu dự án đối với các dự án, đề án về bảo vệ môi trường do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
2. Xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ngành Bộ Công Thương (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin);
3. Xây dựng các quy định, chính sách bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đáp ứng các yêu cầu quản lý của ngành Công Thương.
4. Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với các quá trình sản xuất, phát thải đặc thù trong các lĩnh vực công nghiệp.
5. Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường cho các sản phẩm hàng hóa, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
6. Xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất thải, quản lý môi trường của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý.
7. Xây dựng các mô hình quản lý môi trường (theo tiêu chuẩn ISO 14001) cho các doanh nghiệp, dán nhãn xanh môi trường cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
8. Xây dựng hướng dẫn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho các ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương quản lý.
9. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường của các ngành do Bộ Công Thương quản lý.
10. Xây dựng báo cáo đánh giá tình hình tác động môi trường ngành, báo cáo môi trường chuyên đề định kỳ và đột xuất.
11. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
12. Hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ngành công thương.
13. Tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật, các quy định quốc tế về bảo vệ môi trường cho cán bộ công chức ngành công thương.
14. Chi khen thưởng về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích góp phần bảo vệ môi trường ngành được cấp có thẩm quyền quyết định.
15. Hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định; vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường (nếu có).
16. Hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường ngành cho các Sở Công Thương theo các dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
17. Các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
...
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.