Dự thảo Thông tư Quy định về công tác quản lý địa bàn của cơ quan Quản lý thị trường địa phương
Ngày đăng: 17:56 22-05-2009 | 1537 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Công Thương
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ CÔNG THƯƠNG ________ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
Số: /2008/TT-BCT |
Hà Nội, ngày tháng năm 2009 |
Dự thảo 3
THÔNG TƯ
Qui định về công tác quản lý địa bàn
của cơ quan Quản lý thị trường đị phương
________________
Căn cứ Nghị định số 189/20007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường, Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/CP;
Bộ Công Thương qui định về công tác quản lý địa bàn của cơ quan Quản lý thị trường địa phương như sau:
MỤC I
Qui định chung
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định đối tượng, nội dung, phương pháp quản lý địa bàn và trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường địa phương và Kiểm soát viên Quản lý thị trường trong công tác quản lý địa bàn được phân công.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan Quản lý thị trường các cấp, bao gồm: Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường và Kiểm soát viên thị trường được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý
1. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước, các cơ quan kiểm tra, kiểm soát và chính quyền địa phương để quản lý hoạt động công thương trên địa bàn.
2. Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi, không gây ách tắc, phiền hà cho các đối tượng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Phát hiện các dấu hiệu vi phạm và ngăn chặn, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật.
MỤC II
Qui định cụ thể
Điều 4. Đối tượng quản lý địa bàn
1. Các hộ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
2. Các loại hình doanh nghiệp theo qui định của Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã , Liên hiệp Hợp tác xã theo qui định của Luật Hợp tác xã;
3. Các địa điểm sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại.
4. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt nam;
5. Cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Các đối tượng nêu trên sau đây gọi tắt là đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại, dịch vụ.
Điều 5. Phạm vi quản lý địa bàn
Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động thương mại trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường.
Điều 6. Nội dung quản lý địa bàn
1. Theo dõi, tổng hợp số liệu và thường xuyên cập nhật thông tin của các đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn về tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh, mặt hàng, ngành hàng kinh doanh chủ yếu; phân loại các đối tượng này và việc chấp hành pháp luật, tình hình hoạt động thương mại của các đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn theo các tiêu chí quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những bất cập của cơ chế, chế độ, chính sách, pháp luật của nhà nước khi đi vào hoạt động thực tế để phản ánh, đề xuất những giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sản xuất, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.
3. Thông qua công tác quản lý địa bàn, kiểm soát viên thị trường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các đối tượng đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện các qui định của pháp luật vềủ sản xuất, hoạt động thương mại, dịch vụ.
4. Đề xuất những giải pháp phù hợp cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác quản lý thị trường.
5. Nắm bắt và phản ánh kịp thời diễn biến, tình hình thị trường, gía cả, phát hiện phương thức, thủ đoạn gian lận mới phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
6. Tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 7. Phương pháp quản lý địa bàn
1. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn được phân công để quản lý, phối hợp quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn.
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường phân công cho từng Kiểm soát viên theo dõi từng địa bàn cụ thể theo các nội dung trên.
3. Đội Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường xây dựng dữ liệu về các đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của từng đơn vị hành chính để quản lý trên máy vi tính hoặc lập sổ bộ theo các tiêu chí qui định tại Điều 8 Thông tư này.
4. Chủ động phối hợp với các cơ quan cấp phép, cấp Đăng ký kinh doanh, cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường và các cơ quan khác có liên quan trên địa bàn để tổng hợp danh sách các đối tượng có hoạt động thương mại trên địa bàn đã được cấp phép, trao đổi, cung cấp thông tin nhằm phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại.
5. Thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra, hướng dẫn các Kiểm soát viên thị trường, các Đội và Chi cục Quản lý thị trường, nắm được khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý địa bàn để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn.
6. Thường xuyên theo dõi, cập nhật những thay đổi, diễn biến của các hoạt động thương mại trên địa bàn quản lý.
7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn các đối tượng kinh doanh chấp hành qui đinh của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại.
8. Kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại theo chức năng, nhiệm vụ và xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường.
Điều 8. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý địa bàn
Chi cục Quản lý thị trường địa phương và các Đội Quản lý thị trường thiết lập cơ sở dữ liệu tổng hợp để quản lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và đối tượng có hoạt động thương mại trên địa bàn. Tổng hợp số liệu về tổng số các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và có hoạt động thương mại trên địa bàn; phân loại đối tượng và theo dõi việc chấp hành các qui định về sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của các đối tượng trên địa bàn được phân công quản lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý địa bàn theo các tiêu chí sau:
1. Tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của từng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động thương mại trên địa bàn.
2. Phân loại đối tượng sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại:
a) Phân loại đối tượng theo từng loại hình: cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, Văn phòng đại diện, Chi nhánh...
b) Phân loại đối tượng theo quy mô, ngành hàng, mặt hàng kinh doanh chủ yếu;
3. Việc chấp hành các qui định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và trong hoạt động thương mại (đã hoặc chưa bị lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng khác kiểm tra, xử lý (nếu biết).
MỤC III
Tổ chức thực hiện
Điều 9. Cục Quản lý thị trường
1. Xây dựng phần mềm về cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn, tập huấn, hướng dẫn các Chi cục Quản lý thị trường triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý địa bàn của các Chi cục Quản lý thị trường.
3. Tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, các văn bản hướng dẫn về tổ chức phối hợp giữa các cơ quan chức năng đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý địa bàn, phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các lĩnh vực khác theo thẩm quyền.
Điều 10. Chi cục Quản lý thị trường
1. Tổ chức, phân công và chỉ đạo các Đội thực hiện công tác quản lý địa bàn, nắm bắt và báo cáo kịp thời những diễn biến thị trường. Kiểm tra công tác quản lý địa bàn của các Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục.
2. Tổ chức phối hợp giữa các cơ quan ở cấp tỉnh trong công tác quản lý thị trường. Phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn các Đội Quản lý thị trường cập nhật dữ liệu, phân loại các đối tượng kinh doanh trên địa bàn phục vụ công tác quản lý địa bàn. Tổng hợp, theo dõi, nắm tình hình các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn phục vụ công tác chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của từng thời điểm. Thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Sở, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh và Cục Quản lý thị trường.
4. Thông qua công tác quản lý thị trường nghiên cứu, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường để pháp luật đi vào đời sống thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển.
5. Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền pháp luật qui định.
6. Xây dựng biên chế của Chi cục và của mỗi Đội Quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu công tác quản lý địa bàn theo tiêu chí số lượng đối tượng kinh doanh hoặc số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường trên địa bàn.
Điều 11. Đội Quản lý thị trường
1. Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc cung cấp thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền pháp luật qui định.
2. Phân công Kiểm soát viên quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, báo cáo đề xuất để Đội tiến hành kiểm tra hoặc phối hợp lực lượng kiểm tra.
3. Kiểm tra công tác quản lý địa bàn của các Tổ, các Kiểm soát viên thuộc Đội.
4. Cập nhật, tổng hợp số liệu, phân loại các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, theo dõi việc chấp hành pháp luật về kinh doanh thương mại của các đối tượng kinh doanh trên địa bàn được phân công.
5. Báo cáo thường xuyên những diễn biến về hoạt động thương mại trên địa bàn.
Điều 12. Kiểm soát viên thị trường
1. Thường xuyên bám sát địa bàn được phân công để nắm tình hình hoạt động thương mại của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn theo nội dung qui định tại Thông tư này.
2. Báo cáo kịp thời những diễn biến thị trường với Đội trưởng Đội Quản lý thị trường về tình hình địa bàn theo nội dung trên.
3. Đề xuất kiểm tra và tham gia kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn được phân công.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh cho Bộ Công Thương để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - VKSNDTC, TANDTC; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc BộCông Thương; - Website Chính phủ, Bộ Công Thương; - Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP; - Lưu: VT; QLTT (10). |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Cẩm Tú |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Công Thương
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.