Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực GTVT

Ngày đăng: 11:20 24-10-2011 | 1957 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Giao thông vận tải

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 trong lĩnh vực giao thông vận tải

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định  biện pháp  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải được quy định tại  Chương IV Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động  đầu tư, xây dựng công trình giao thông và  kinh doanh vận tải.

Chương II

BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 3. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông

1.  Công tác quy hoạch.

a)  Chiến lược phát triển GTVT, quy hoạch phát triển GTVT chuyên ngành,  Quy hoạch tổng thể GTVT vùng, tỉnh, thành phố: cần  Ưu tiên phát triển vận tải công cộng;  phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn, hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt, đường thủy,  phương tiện vận tải cỡ lớn ....); Đặc biệt quan tâm khả năng kết nối các phương thức vận tải, tổ chức vận tải đa phương thức nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

b)  Quy hoạch chi tiết mạng lưới GTVT: Ưu tiên lựa chọn hướng tuyến có cự ly ngắn, lợi dụng dòng chảy, hạn chế độ dốc;  Lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật  hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, nâng cao tốc độ vận tải và hiệu quả sử dụng năng lượng.

2. Đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông:

a)  Chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông cần đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng:  Ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; hạn chế khối lượng đào đắp, nạo vét; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nhằm giảm khối lượng vận chuyển.

b)   Đơn vị tổ chức thi công có trách nhiệm: Áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu trong dự án đã được phê duyệt; Sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; Xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công.

c)   Đơn vị nhận bàn giao khai thác, sử dụng công trình giao thông có trách nhiệm: Bảo đảm tình trạng kỹ thuật công trình giao thông (duy tu bảo trì đường bộ, đường sắt; duy tu, nạo vét các luồng tuyến đường thủy), nâng cao tốc độ vận hành phương tiện nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu trong khai thác vận tải.

Điều 4. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải

1. Tổ chức vận tải

a)  Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định khi đăng ký lập tuyến, mở tuyến mới cần có phương án tối ưu luồng tuyến vận tải (cự ly vận chuyển; nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, hệ số lợi dụng quãng đường; phương án tổ chức vận tải) để làm căn cứ xem xét, công bố tuyến vận tải hành khách mới theo quy định.

b)   Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải ứng dụng  các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách: Giảm hệ số chạy không tải; khai thác tối ưu năng lực của phương tiện, thiết bị vận tải; sử dụng phương tiện, thiết bị vận tải tiết kiệm nhiên liệu.

       2. Đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải

      Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có trách nhiệm:

a)   Xây dựng và thực hiện định mức tiêu thụ nhiên liệu  tại doanh nghiệp; hàng năm có cập nhật, hoàn thiện định mức nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  theo quy định của pháp luật.

b)   Xây dựng và thực hiện định mức bảo dưỡng kỹ thuật tại doanh nghiệp nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sử dụng của phương tiện, thiết bị vận tải.

c)    Tuân thủ niên hạn sử dụng của phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định hiện hành.

Điều 5. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Cơ quản quản lý nhà nước về giao thông vận tải có trách nhiệm:

  1. Điều tiết vận tải: 

a) Tổ chức chỉ dẫn, phân luồng giao thông nhằm hạn chế ùn tắc, giảm cư ly vận tải; bảo đảm an toàn, thuận tiện và tiết kiệm nhiên liệu trong vận tải hàng hóa và hành khách.

b) Đối với các khu vực đô thị: Ưu tiên thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc; phát triển và nâng cao hiệu quả các tuyến vận tải công cộng; Tùy theo điều kiện từng khu vực đô thị, thúc đẩy phát triển giao thông phi cơ giới  (tuyến phố đi bộ; tuyến đường dành riêng cho xe đạp....)

  c) Thực hiện các biện pháp điều tiết nhu cầu vận tải giữa các phương thức vận tải, trên các hành lang vận tải mật độ cao; hạn chế phương tiện có năng lực thông qua thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu; thúc đẩy phát triển vận tải hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt và đường thủy...).

2.  Tổ chức vận tải hợp lý .

a)  Tổ chức kết nối các phương thức vận tải (Đường bộ, đường sắt, đường thủy và Hàng không); tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải có thể kết hợp hài hòa các phương thức vận tải đối với luồng hàng, luồng hành khách lớn nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành vận tải.

b)  Trong quản lý vận tải khách theo tuyến cố định: Hạn chế việc trùng lặp tuyến hoặc bố trí thừa gây lãng phí phương tiện trên các tuyến vận tải. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải hiệp thương tổ chức vận tải, bố trí phương tiện hợp lý bảo đảm an toàn, thuận tiện, tránh lãng phí năng lực vận tải.

c)    Tại các khu vực đô thị: Đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng; thực thi các biện pháp phát triển vận tải công cộng theo quy định.

3.  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nhiên liệu mới trong Giao thông vận tải

          a) Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong giao thông vận tải.

          b) Kết hợp các nguồn lực tổ chức nghiên cứu, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng thay thế xăng, dầu trong hoạt động vận tải của từng chuyên ngành.

Điều 6. Chế độ báo cáo, thống kê sử dụng năng lượng

1.  Các doanh nghiệp vận tải trọng điểm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP có trách nhiệm bố trí cán bộ quản lý năng lượng, Xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng 5 năm và hàng năm và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

2.  Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tại địa phương cập nhật danh sách cơ vận tải trọng điểm thuộc địa phương quản lý theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP và có báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 01/02 hàng năm.

3.  Các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ có trách nhiệm rà soát lập danh sách cơ sở trọng điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 21/2011/NĐ-CP; Tổng hợp kế hoạch, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng của các đơn vị trực thuộc  theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP và gửi về Bộ GTVT trước ngày 01/02 hàng năm.

 Điều 7. Thực hiện quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện vận tải nhằm quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

1.  Phương tiện giao thông vận tải sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu khi đưa vào lưu hành phải đáp ứng tiêu chuẩn về suất tiêu hao nhiên liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2.   Sở GTVT căn cứ điều kiện về hạ tầng, phương tiện của địa phương xây dựng, trình UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương ban hành định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt thuộc địa bàn quản lý để làm căn cứ xác định chi phí khái thác tuyến và tính toán trợ giá (nếu có) cho các doanh nghiệp vận tải.

3.  Các doanh nghiệp vận tải phải đưa chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu cho 1000 đơn vị sản phẩm vận tải (T.Km; HK.Km) vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật vận hành phương tiện của doanh nghiệp; Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm chỉ tiêu này tại doanh nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam

a)  Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn suất tiêu hao nhiên liệu  đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải phù hợp với từng thời kỳ theo quy định tại  Điểm a, Khoản 4, Điều 33 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ

b)  Tổ chức kiểm tra phương tiện GTVT theo quy chuẩn về suất tiêu thụ nhiên liệu đã ban hành trong kiểm tra chứng nhận kiểu phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.

c)  Thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Kiểm tra việc tuân thủ quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2.  Tổng cục,  Cục quản lý chuyên ngành:

a)  Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức kiểm tra giám sát các đơn vị trong  phạm vi  quản lý; hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải  kết quả thực hiện các quy định quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thuộc phạm vi quản lý.

3. Sở Giao thông vận tải

a)  Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải, quản lý phương tiện vận tải theo phân cấp.

b)  Hàng năm có cập nhật, hoàn thiện hệ thống định mức tiêu thụ nhiên liệu trong vận tải bằng xe buýt trên địa bàn để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng;  Báo cáo  Bộ GTVT về biện pháp  kết quả thực hiện các quy định quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải tại địa phương.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực GTVT

Ngày nhập

24/10/2011

Đã xem

1957 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Giao thông vận tải

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com