Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm

Ngày đăng: 14:22 13-11-2012 | 3459 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm


Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2008  của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 11/2012/NĐ-CP) như sau:

Chương 1

CHUẨN BỊ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 1. Thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp quy định tại Điều 20 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP)[1]

Điều 20 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp, trừ các trường hợp sau đây:

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Bên nhận thế chấp gửi văn bản yêu cầu bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho tài sản giao lại tài sản thế chấp để xử lý với lý do việc mua bán, trao đổi, tặng cho không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Văn bản gửi cho bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho tài sản thế chấp phải xác định rõ tài sản thế chấp, thời hạn và địa điểm giao nhận tài sản thế chấp.

2. Trong trường hợp bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho giao tài sản thế chấp theo đúng yêu cầu của bên nhận thế chấp thì các bên lập biên bản bàn giao tài sản, có chữ ký, con dấu (nếu có) của các bên.

3. Trong trường hợp bên mua, bên trao đổi, bên được tặng cho không giao tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này hoặc khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 2. Hướng dẫn về yêu cầu hoàn trả tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ trong hợp đồng song vụ để xử lý quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP (Điều 21 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP sửa đổi)

Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP  quy định:

Trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Khi có một trong các căn cứ nêu tại Điều 56 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP nhưng tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự 2005, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ hoặc tự mình thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ để bên cầm giữ giao tài sản cho bên nhận thế chấp xử lý. Trường hợp bên nhận thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ thì có quyền yêu cầu bên thế chấp hoàn trả lại giá trị nghĩa vụ đã thực hiện và các chi phí hợp lý phát sinh (nếu có).

Khi yêu cầu bên cầm giữ giao lại tài sản để xử lý, bên nhận thế chấp có trách nhiệm xuất trình cho bên cầm giữ giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp để chứng minh tài sản đó đang được thế chấp.

2. Trường hợp bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bên cầm giữ có trách nhiệm giao lại tài sản mà mình đang cầm giữ theo thời hạn và địa điểm bên nhận thế chấp yêu cầu. Bên cầm giữ có nghĩa vụ đảm bảo hiện trạng của tài sản thế chấp mà mình đang cầm giữ theo thỏa thuận trong hợp đồng song vụ quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự 2005 hoặc theo thỏa thuận của các bên.

3. Trường hợp bên cầm giữ không giao tài sản để xử lý, thì bên nhận thế chấp có quyền thực hiện việc thu giữ tài sản thế chấp để xử lý theo thủ tục quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hướng dẫn về xác định tài sản thế chấp để xử lý trong trường hợp tài sản bảo đảm thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bị thay đổi về hiện trạng sau khi được bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư hoặc có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP (khoản 1, 2, 3 Điều 27 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP sửa đổi)

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Trong trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp mà tài sản đó thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu dẫn đến thay đổi so với mô tả trong hợp đồng thế chấp và giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên thế chấp hoặc người thứ ba có nghĩa vụ sau đây:

a) Thông báo bằng văn bản cho bên nhận thế chấp biết về việc có sự thay đổi về hiện trạng.

b) Thực hiện thủ tục xác nhận thay đổi về hiện trạng của tài sản thế chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp bên thế chấp hoặc người thứ ba không thực hiện việc xác nhận thay đổi hiện trạng của tài sản thế chấp do đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bên nhận thế chấp vẫn có quyền xử lý tài sản thế chấp và thực hiện đồng thời thủ tục xác nhận thay đổi với thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sau khi xử lý tài sản thế chấp.

3. Trường hợp tài sản thế chấp bị thu hồi thì số tiền bồi thường được bù trừ vào tài sản thế chấp và được giao cho bên nhận thế chấp. Thủ tục giao nhận tiền bồi thường được thực hiện như sau:

a) Khi nhận được thông báo chi trả tiền bồi thường của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, bên thế chấp có trách nhiệm thông báo lại cho bên nhận thế chấp về số tiền bồi thường, thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường.

b) Bên nhận thế chấp gửi thông báo bằng văn bản cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường về việc quyền sử dụng đất bị thu hồi đã được thế chấp cho bên nhận thế chấp, giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp và quyền nhận tiền bồi thường do việc thu hồi đất, kèm theo bản sao có chứng thực của hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp quyền sử dụng đất.  

c) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện chi trả tiền bồi thường bên nhận thế chấp tương ứng với giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp theo hợp đồng thế chấp đã ký với bên thế chấp. Số tiền bồi thường còn lại (nếu có) được trả cho bên thế chấp. Trường hợp Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện chi trả tiền bồi thường cho bên thế chấp, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoàn trả số tiền bồi thường tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Việc chi trả tiền bồi thường cho bên nhận thế chấp phải được lập thành văn bản có chữ ký của bên thế chấp, bên nhận thế chấp và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường.

d) Trường hợp bên thế chấp không nhận tiền bồi thường hoặc không ký vào biên bản giao nhận tiền bồi thường thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm chuyển khoản tiền bồi thường vào tài khoản riêng mở tại Ngân hàng. Bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thế chấp đã ký. Trường hợp Tòa án yêu cầu bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường chuyển số tiền bồi thường cho bên nhận thế chấp tương ứng với giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp. Số tiền còn lại (nếu có) sẽ được giao cho thế chấp.

Trường hợp có nhiều bên nhận thế chấp thì các bên nhận thế chấp được nhận số tiền bồi thường tương ứng với giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp. Thứ tự ưu tiên thanh toán số tiền bồi thường được xác định theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 4. Hướng dẫn về thực hiện quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ trả nợ chuyển giao các khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình hoặc cho người được uỷ quyền của bên nhận bảo đảm tại khoản 3 Điều 22 và khoản 1 Điều 66 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

- Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán cho bên nhận thế chấp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Yêu cầu bên nhận thế chấp cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ; nếu không cung cấp thông tin thì có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp.

- Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định:

Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu  người thứ ba là người có nghĩa vụ trả nợ chuyển giao các khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình hoặc cho người được uỷ quyền. Trong trường hợp người có nghĩa vụ trả nợ yêu cầu thì bên nhận bảo đảm phải chứng minh quyền được đòi nợ.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Khi thế chấp quyền đòi nợ, bên thế chấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ trả nợ biết về việc đã thế chấp quyền đòi nợ và trách nhiệm phải thanh toán cho chủ nợ mới là bên nhận thế chấp trong trường hợp quyền đòi nợ bị xử lý.

2. Trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ ít nhất 10 ngày, bên nhận thế chấp gửi hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ hoặc giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp và văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ cho bên có nghĩa vụ trả nợ.

3. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì bên nhận thế chấp có quyền thực hiện các biện pháp sau đây hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

a) Trường hợp khoản nợ là vật thì bên nhận thế chấp có quyền thu giữ để xử lý theo thủ tục quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Trường hợp khoản nợ là tiền thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả số tiền và lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 5. Hướng dẫn về thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc hỗ trợ người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP 

Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định:

1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm:

a) Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.

b) Không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

3. Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với người xử lý tài sản thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.

4. Bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường.

5. Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Nội dung dự kiến hướng dẫn

Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP được thực hiện như sau:

1. Trước ngày dự định thu giữ tài sản ít nhất 15 ngày, người xử lý tài sản gửi văn bản thông báo trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho người giữ tài sản bảo đảm về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do thu giữ, thời hạn, địa điểm bàn giao tài sản bảo đảm, biện pháp thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Người giữ tài sản bảo đảm có trách nhiệm giao tài sản bảo đảm, các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (nếu có) cho người xử lý tài sản trong thời hạn đã thông báo. Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là bên thứ ba, người xử lý tài sản thông báo cho bên bảo đảm phối hợp thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật buộc người giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm để xử lý.

2. Nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà người giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản và các giấy tờ, tài liệu chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, người xử lý tài sản có quyền tổ chức thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm. Người xử lý tài sản có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm hỗ trợ thu giữ tài sản. Thủ tục đề nghị thực hiện như sau:

a) Trước thời điểm dự định thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm ít nhất 10 ngày, người xử lý tài sản gửi văn bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản thông báo về việc thu giữ tài sản và đề nghị Ủy ban nhân dân hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm. Văn bản gửi Ủy ban nhân dân phải nêu rõ lý do xử lý, thời gian, địa điểm xử lý, tài sản dự định thu giữ và đề nghị Ủy ban nhân dân cử cán bộ chứng kiến việc thu giữ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm có trách nhiệm cử cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp chứng kiến việc thu giữ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự theo đề nghị của người xử lý tài sản bảo đảm.

Cán bộ được Ủy ban nhân dân cử đến phải có mặt tại địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm trong thời gian bên nhận bảo đảm tiến hành thu giữ và ký tên vào biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

3. Trong trường hợp bên bảo đảm chết hoặc vắng mặt không có lý do tại nơi cư trú vào thời điểm xử lý tài sản thì việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:

a) Nếu vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm chết, thì những người quản lý di sản quy định tại Điều 638 Bộ luật Dân sự 2005 có trách nhiệm giao tài sản bảo đảm trong thời hạn và tại địa điểm mà người xử lý tài sản yêu cầu trong Thông báo xử lý tài sản bảo đảm. Người xử lý tài sản có trách nhiệm xuất trình hợp đồng tín dụng có điều khoản bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm hoặc giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp để chứng minh việc di sản hoặc một phần di sản đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.  

Trường hợp người quản lý di sản không giao tài sản, người xử lý tài sản có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này.   

Người thừa kế hoặc đại diện người thừa kế của bên bảo đảm được tham gia vào quá trình xử lý tài sản bảo đảm[2] với tư cách người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Bên nhận bảo đảm được thanh toán giá trị nghĩa vụ được bảo đảm theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2005[3]. Trường hợp có nhiều chủ nợ, thì bên nhận bảo đảm được quyền ưu tiên thanh toán theo các nguyên tắc quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP.

b) Trường hợp bên bảo đảm hoặc đại diện của bên bảo đảm vắng mặt không có lý do vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm thì người xử lý tài sản được quyền thực hiện việc thu giữ tài sản vắng mặt trước sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm. Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm vắng mặt được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này.

4. Việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:

a) Trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất thì người xử lý tài sản yêu cầu chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc người giữ tài sản (sau đây gọi là người giữ tài sản) tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người xử lý tài sản. Trường hợp người giữ tài sản không tự nguyện di chuyển tài sản hoặc tài sản không thể di chuyển được thì người xử lý tài sản có quyền tháo dỡ tài sản và thuê gửi giữ tài sản. Chi phí thuê gửi giữ tài sản do bên bảo đảm thanh toán[4].

Người xử lý tài sản không được lợi dụng việc thu giữ tài sản bảo đảm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây thiệt hại cho bên bảo đảm.

Việc thu giữ tài sản phải được lập thành biên bản có chữ ký của người giữ tài sản bảo đảm và người xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp người giữ tài sản không ký vào biên bản hoặc thu giữ tài sản vắng mặt người giữ tài sản thì biên bản chỉ cần chữ ký của người xử lý tài sản và đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.

b) Trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở và các công trình xây dựng khác, người xử lý tài sản bảo đảm yêu cầu người giữ tài sản và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự nguyện di chuyển các tài sản trong nhà ở và công trình xây dựng khác không thuộc tài sản bảo đảm ra khỏi nhà. Nếu người giữ tài sản không tự nguyện di chuyển tài sản, người xử lý tài sản có quyền chuyển tài sản ra khỏi nhà để xử lý.

Trường hợp người giữ tài sản từ chối nhận tài sản, người xử lý tài sản phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá giữ tài sản và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản. Biên bản phải có chữ ký của người xử lý và đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.

c) Trường hợp tài sản bảo đảm là động sản, người xử lý tài sản yêu cầu người giữ tài sản tự nguyện giao tài sản cho mình để xử lý. Nếu người giữ tài sản không giao tài sản, người xử lý có quyền thực hiện việc thu giữ mà không cần có sự đồng ý của người giữ tài sản.

Chương 2

THỰC HIỆN VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 6: Hướng dẫn về thỏa thuận định giá tài sản bảo đảm trong trường hợp bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá quy định tại Điều 64a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (khoản 17 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP

Điều 64a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định:

2. Trong trường hợp các bên thỏa thuận về việc bán tài sản không thông qua phương thức bán đấu giá thì việc bán tài sản bảo đảm được thực hiện theo các quy định về bán tài sản trong Bộ luật Dân sự và quy định sau đây:

a) Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá bán tài sản bảo đảm;

b) Bên nhận bảo đảm phải thanh toán cho bên bảo đảm số tiền chênh lệch giữa giá bán tài sản bảo đảm với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

c) Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản bảo đảm”.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Việc định giá tài sản bảo đảm phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trước thời điểm định giá tài sản. 

Trường hợp các bên không thoả thuận được về giá bán tài sản, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày không thỏa thuận được, bên bảo đảm có quyền chỉ định tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để xác định giá bán tài sản. Sau thời hạn 10 ngày, nếu bên bảo đảm không chỉ định tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản, bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để định giá bán tài sản.  

Chi phí thuê tổ chức thẩm định giá tài sản được tính vào chi phí xử lý tài sản bảo đảm.

2. Trường hợp tài sản bảo đảm không bán được theo định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền hạ giá bán tài sản. Thủ tục hạ giá bán tài sản được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.  

Điều 7. Hướng dẫn về nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm quy định tại Điều 64b Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP

Điều 64b Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định về phương thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm như sau:

Trong trường hợp các bên thỏa thuận về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì việc nhận chính tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:

1. Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị của tài sản bảo đảm;

2. Trong trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

3. Bên nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ phải xuất trình văn bản chứng minh quyền được xử lý tài sản bảo đảm và kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

- Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định:

Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở thì tổ chức, cá nhân mua tài sản bảo đảm hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm phải thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Trường hợp bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản, trong đó bên bán là bên bảo đảm, bên mua là bên nhận bảo đảm và được công chứng, chứng thực hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật. Số tiền bên mua phải thanh toán cho bên bán theo hợp đồng mua bán được bù trừ vào số tiền vay và tiền lãi phát sinh từ hợp đồng tín dụng.

2. Trường hợp bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, nhưng không thuộc diện được mua, được nhận chuyển nhượng tài sản theo quy định của pháp luật, thì bên bảo đảm ủy quyền cho bên nhận bảo đảm thực hiện việc bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm hoặc thỏa thuận với bên nhận bảo đảm bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm thông qua phương thức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Thỏa thuận ủy quyền bán tài sản bảo đảm có thể lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản thỏa thuận về biện pháp bảo đảm. Khi có kết quả bán tài sản bảo đảm, sau khi trừ chi phí xử lý tài sản bảo đảm và các chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật, bên nhận bảo đảm được nhận số tiền bán được tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và phải trả cho bên bảo đảm số tiền còn lại (nếu có).

3. Trường hợp khoản nợ có bảo đảm được chuyển giao theo quy định của pháp luật về mua, bán nợ thì khi xử lý tài sản bảo đảm, người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản phải thuộc đối tượng có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản không thuộc đối tượng được quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó theo quy định của pháp luật thì không được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm mà chỉ được hưởng giá trị tài sản bảo đảm.

Điều 8. Hướng dẫn về phương thức nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ quy định tại Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

Bên nhận bảo đảm có quyền chuyển giao quyền thu hồi nợ hoặc uỷ quyền cho bên thứ ba xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp được bên nhận bảo đảm chuyển giao quyền thu hồi nợ, bên thứ ba có quyền thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ hoặc xử lý tài sản bảo đảm như bên nhận bảo đảm. Trường hợp được bên nhận bảo đảm ủy quyền xử lý tài sản, thì bên thứ ba được xử lý tài sản bảo đảm trong phạm vi được uỷ quyền.

Thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức này được thực hiện như sau:

1. Bên nhận bảo đảm phải thông báo cho bên thứ ba biết việc bên nhận bảo đảm được nhận các khoản tiền, tài sản từ người thứ ba, đồng thời yêu cầu bên thứ ba giao các khoản tiền, tài sản đó cho bên nhận bảo đảm. Việc giao các khoản tiền, tài sản cho bên nhận bảo đảm phải thực hiện theo đúng thời hạn, địa điểm được ấn định trong Thông báo xử lý tài sản bảo đảm.

Bên nhận bảo đảm lập biên bản nhận các khoản tiền, tài sản giữa bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm và bên thứ ba. Biên bản nhận các khoản tiền, tài sản phải ghi rõ việc bàn giao, tiếp nhận các khoản tiền, tài sản, việc định giá tài sản và thanh toán nợ từ việc xử lý tài sản.

2. Sau khi tài sản bảo đảm đã được xử lý để thu hồi nợ, các bên thực hiện xoá đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 9. Hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý quy định tại Điều 65 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

Điều 65 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định của  pháp luật. Riêng đối với tài sản bảo đảm có thế xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì người xử lý tài sản được bán theo giá thị trường mà không phải qua thủ tục bán đấu giá, đồng thời phải thông báo cho nên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có).

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Tài sản bảo đảm có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường là những loại tài sản có giá được niêm yết trên thị trường dành riêng cho loại tài sản đó ví dụ như: vàng, cà phê hạt, các loại cổ phiếu, gạo…

2. Trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là các loại tài sản nêu tại khoản 1 Điều này, bên nhận bảo đảm được định giá bán tài sản theo giá thị trường và thực hiện các thủ tục bán tài sản mà không cần có sự đồng ý của bên bảo đảm.

Trước ngày dự định bán tài sản ít nhất 7 ngày, bên nhận bảo đảm phải thông báo trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) về việc bán tài sản.

Bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền bán tài sản bảo đảm còn lại sau khi trừ giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí bán tài sản (nếu có). Thứ tự ưu tiên thanh toán số tiền bán tài sản giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm.

Chương 3

CHUYỂN QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN CHO

NGƯỜI MUA, NGƯỜI NHẬN TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 10. Hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật phải đăng ký sở hữu nhưng chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP (Điều 8 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP)

Theo quy định của khoản 4 Điều 1 Nghị định số 11, đối với tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, mà bên bảo đảm chưa đăng ký thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản khi đến hạn xử lý. Tuy nhiên, theo quy định của điểm a khoản 6 Điều 16 Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thi hành NĐ số 71, thì:

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã mua nhà ở thông qua sàn giao dịch bất động sản hoặc đã được phân chia nhà ở theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP mà bán lại nhà ở đó cho người khác thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP[5]. Đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản mà bán lại nhà ở đã mua cho tổ chức, cá nhân khác thì còn phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Nếu đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự (bên bán phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp, các bên phải lập hợp đồng mua bán nhà ở và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định);”

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Trong trường hợp tài sản hình thành trong tương lai bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ dân sự thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai của bên nhận bảo đảm và người mua tài sản và kết quả bán đấu giá (nếu có) để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận tài sản ngay khi có kết quả xử lý tài sản bảo đảm.

2. Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai và hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai được dùng thay thế giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy đăng ký lưu hành phương tiện để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, đăng ký lưu hành phương tiện[6].

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thế chấp đất nền và dự án xây dựng nhà ở, khi bán cho người mua dưới hình thức góp vốn đầu tư theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.[7]

Điều 11. Hướng dẫn về bán tài sản bảo đảm tại Điều 64a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (khoản 7 Điều 2 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP)

Điều 64a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định:

Trong trường hợp các bên thỏa thuận về việc bán tài sản không thông qua phương thức bán đấu giá thì việc bán tài sản bảo đảm được thực hiện theo các quy định về bán tài sản trong Bộ luật Dân sự và quy định sau đây:

a) Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá bán tài sản bảo đảm;

b) Bên nhận bảo đảm phải thanh toán cho bên bảo đảm số tiền chênh lệch giữa giá bán tài sản bảo đảm với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

c) Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản bảo đảm”.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả bán tài sản, chủ sở hữu và bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm có trách nhiệm chuyển hồ sơ về bán đấu giá tài sản và giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận chuyển nhượng.

Điều 12. Hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm không cần có văn bản ủy quyền của bên bảo đảm quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP

- Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định: Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Các bên có quyền thỏa thuận về việc bên bảo đảm ủy quyền cho bên nhận bảo đảm bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm hoặc tại thời điểm xử lý tài sản bảo đảm.

2. Trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản hoặc bên nhận bảo đảm được quyền định giá tài sản thì việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm phải theo giá thị trường tại thời điểm xử lý. Trong trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản hoặc bên nhận bảo đảm định giá thấp giá trị tài sản bảo đảm so với giá trị thực tế của tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tài sản bảo đảm không bán được theo giá do tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản và bên nhận bảo đảm đưa ra thì xử lý như sau:

a) Nếu tài sản bảo đảm được bán đấu giá thì việc hạ giá bán tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

b) Nếu tài sản bảo đảm không thuộc trường hợp nêu tại điểm a khoản 2 Điều này thì thủ tục hạ giá bán tài sản bảo đảm được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6, Chương 2 của Thông tư liên tịch này.

3. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bên bảo đảm ủy quyền cho bên nhận bảo đảm bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm thì Tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức bán đấu giá căn cứ vào thỏa thuận này để thực hiện thủ tục công chứng, bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, hợp đồng bảo đảm được dùng thay thế văn bản ủy quyền bán đấu giá tài sản của bên bảo đảm hoặc văn bản thể hiện sự đồng ý bán tài sản của bên bảo đảm. Nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì phải có văn bản ủy quyền bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm của bên bảo đảm cho bên nhận bảo đảm.

4. Khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm thực hiện chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản căn cứ vào hợp đồng bảo đảm, hợp đồng bán đấu giá tài sản thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc thực hiện việc chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm.[8]

 Điều 13. Hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm quy định tại Điều 8, Điều 64a, khoản 2 Điều 70 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định:

Trong trường hợp tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.

Nội dung dự kiến hướng dẫn:

1. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì bên nhận bảo đảm nộp 01 (một) bộ hồ sơ chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản bảo đảm.

2. Hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm:

a) Văn bản đề nghị chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người mua, người nhận chuyển nhượng, bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ;

b) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (01 bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật). Trường hợp không có hợp đồng chuyển nhượng thì hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được dùng thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng (01 bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật);

c) Giấy tờ về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP).

3. Hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất gồm:

a) Văn bản đề nghị chuyển quyền sử dụng đất của người nhận chuyển nhượng, bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ;

b) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (01 bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) Trường hợp không có hợp đồng chuyển nhượng thì hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được dùng thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng (01 bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật);

c) Giấy tờ về quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai).

4. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm:

a) Văn bản đề nghị chuyển quyền sở hữu của người mua, bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ;

b) Hợp đồng mua bán tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (01 bản sao có công chứng). Trường hợp không có hợp đồng mua bán thì hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất được dùng thay thế cho hợp đồng mua bán (01 bản sao có công chứng);

c) Giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP);

Trường hợp bên bảo đảm là chủ sở hữu tài sản không đồng thời là người sử dụng đất thì phải có văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện theo quy định của pháp luật.[9]

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.[10]

5. Trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện giao thông) thì bên bảo đảm hoặc người được bên bảo đảm ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ gồm[11]:

a) Văn bản đề nghị chuyển quyền sở hữu của người mua, bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ;

b) Hợp đồng mua bán tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (01 bản sao có chứng thực). Trường hợp không có hợp đồng mua bán thì hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp phương tiện giao thông hoặc hợp đồng thế chấp phương tiện giao thông được dùng thay thế cho hợp đồng mua bán (01 bản sao có chứng thực);

c) Giấy tờ về đăng ký phương tiện (Giấy chứng nhận đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa).

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký lưu hành phương tiện trong phạm vi thẩm quyền của mình thực hiện việc đăng ký phương tiện giao thông cho người mua tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

6. Trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác không thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, đăng ký lưu hành phương tiện thì bên nhận bảo đảm có quyền sở hữu tài sản bảo đảm sau thời điểm xử lý tài sản. Trong trường hợp này, hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản bảo đảm và biên bản xử lý tài sản bảo đảm (nếu có) là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

7. Trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thì khi tài sản hình thành, người mua tài sản hoặc bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nộp một (01) bộ hồ sơ như sau:

a) Văn bản đề nghị chuyển quyền sở hữu tài sản;[12]

b) Giấy tờ về tài sản hình thành trong tương lai (Giấy phép xây dựng nhà ở, công trình đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng; hóa đơn thuế giá trị gia tăng (nếu có));

c) Hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai hoặc hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (01 bản sao có chứng thực) ký kết giữa bên nhận bảo đảm và người mua tài sản. Trường hợp không có hợp đồng mua bán thì hợp đồng tín dụng có điều khoản về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai hoặc hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được dùng thay thế cho hợp đồng mua bán (01 bản sao có chứng thực).

Trường hợp tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của tổ chức kinh doanh bất động sản theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, thì ngoài giấy tờ nêu tại điểm a, b khoản này, trong hồ sơ phải có hợp đồng mua bán nhà ở do bên bảo đảm và tổ chức kinh doanh bất động sản ký kết và một trong các giấy tờ về dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán (quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư).

Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 4, khoản 5 Điều này trong phạm vi thẩm quyền của mình thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật.  

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …tháng…năm 2012.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

THỨ TRƯỞNG

KT. THỐNG ĐỐC

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

VIỆT NAM

PHÓ THỐNG ĐỐC

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Công báo;

- Các đơn vị thuộc Bộ TP, Bộ TN&MT; Ngân hàng NN Việt Nam;

- Cục Kiểm tra VBQPPL (để kiểm tra);

- Lưu: Bộ Tư pháp (VT, Cục ĐKQGGDBĐ), Bộ Tài nguyên và Môi trường (VT, TCQLĐĐ),

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (VT, Vụ Pháp chế).



[1]Việc thu hồi này áp dụng đối với cả trường hợp chưa đến hạn xử lý tài sản bảo đảm, chưa có căn cứ xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 56 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP

[2] Ví dụ như tham gia thỏa thuận định giá bán tài sản bảo đảm

[3] Điều 683 BLDS 2005 quy định: Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác.

[4] Chi phí này do bên bảo đảm chi trả vì việc thu giữ này là hệ quả của việc bất hợp tác (lỗi) của bên bảo đảm.

[5]- Điều 9 NĐ 71 quy đinh về huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó có điều khoản cho phép huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trường hợp này, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại NĐ này.

- Khoản 3 Điều 60 NĐ 71: Tổ chức, cá nhân có nhà ở do được phân chia hoặc đã mua thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà bán lại nhà ở đó cho người khác thì phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Chỉ được bán cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở sau khi đã có hợp đồng mua bán ký với chủ đầu tư. Như vậy, NĐ đã cho phép chưa có giấy chứng nhận cũng có thể lập hợp đồng (có quyền bán nhà ở).

[6]Khoản 2 Điều 70 NĐ 163 quy định: Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.

[7] Trường hợp chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn dưới hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, sau khi hoàn tất thủ tục giao nhà cho người mua, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

[8] Có ý kiến đề nghị: Cho phép tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản bảo đảm, được trực tiếp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình xử lý tài sản thế chấp được xem là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc sang tên cho người thứ ba (người mua tài sản)

[9]Theo hướng dẫn chung của TT 17 hướng dẫn NĐ 88 về Giấy chứng nhận QSD đất

[10] Khoản 2 Điều 23 Thông tư 17 quy định Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc sau đây:

a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã cấp giấy chứng nhận nhưng chưa có sơ đồ thửa đất hoặc trường hợp chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất;

b) Thực hiện thủ tục trình cấp Giấy chứng nhận và trao cho người được cấp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại xã, thị trấn; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.

[11]Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe quy định trách nhiệm đăng ký xe là của chủ xe.

[12] Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp tài sản hình thành trong tương lai bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ dân sự thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận tài sản ngay khi có kết quả xử lý tài sản bảo đảm.

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo Thông tư

Ngày nhập

13/11/2012

Đã xem

3459 lượt xem

Thuyết minh Dự thảo

Ngày nhập

13/11/2012

Đã xem

3459 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 2

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com