Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Ngày đăng: 19:57 24-02-2011 | 2115 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Tòa án nhân dân tối cao
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BỘ TƯ PHÁP ___________________ Số: /2011/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ______________________________________________________________ Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
_______________________
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính như sau:
CHƯƠNG 1
XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước về thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại Tòa án có trách nhiệm bồi thường.
Điều 2. Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử
Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và cố ý ban hành bản án, quyết định trái pháp luật, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án là quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc bản án, quyÕt ®Þnh cña Tßa ¸n cã hiÖu lùc ph¸p luËt.
Điều 3. Các trường hợp bồi thường
1. Thẩm phán, Hội đồng xét xử tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) mà bị hủy bỏ theo thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 125 BLTTDS;
2. Thẩm phán, Hội đồng xét xử tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 102 BLTTDS khi không có đủ các điều kiện do BLTTDS quy định mà bị hủy bỏ theo thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 125 BLTTDS;
3. Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu mà bị hủy bỏ theo thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 125 BLTTDS;
4. Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà bị hủy bỏ theo thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 125 BLTTDS;
5. Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật mà bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do quyết định, bản án bị hủy rõ ràng là trái pháp luật hoặc do cố ý làm sai lệch hồ sơ;
6. Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định, bản án phúc thẩm mà bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do quyết định, bản án bị hủy rõ ràng là trái pháp luật hoặc do cố ý làm sai lệch hồ sơ;
7. Hội đồng xét xử ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do quyết định bị hủy rõ ràng là trái pháp luật hoặc do cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Điều 4. Tòa án có trách nhiệm bồi thường
1. Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch này;
2. Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư liên tịch này;
3. Tòa án có thẩm quyền đã ra bản án, quyết định phúc thẩm theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Thông tư liên tịch này;
4. Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Thông tư liên tịch này;
5. Trường hợp Tòa án có trách nhiệm bồi thường được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể thì Tòa án kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Tòa án này có trách nhiệm bồi thường; trường hợp không có Tòa án kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Tòa án đã bị giải thể thì Tòa án đã ra quyết định giải thể có trách nhiệm bồi thường.
Điều 5. Thẩm quyền giải quyết vụ án bồi thường
1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) là Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật TNBTCNN.
2. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật TNBTCNN chính là Tòa án có trách nhiệm bồi thường thì thẩm quyền giải quyết vụ án bồi thường là Tòa án nhân dân cấp trên.
Điều 6. Thời hiệu yêu cầu bồi thường
1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 125 BLTTDS.
2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm kể từ ngày bản án, quyết định tuyên bố Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử phạm tội ra bản án, quyết định trái pháp luật và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án có hiệu lực pháp luật.
CHƯƠNG 2
XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI BỒI THƯỜNG
Điều 7. Thiệt hại thực tế
1. Thiệt hại thực tế là những thiệt hại về vật chất do tài sản bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, bao gồm:
a) Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 45 Luật TNBTCNN;
b) Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 46 của Luật TNBTCNN.
2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật TNBTCNN.
Điều 8. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo Điều 45 của Luật TNBTCNN. Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất thì thiệt hại được bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 45 của Luật và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Thời gian tính lãi đối với các khoản tiền quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật TNBTCNN được tính từ ngày tiền được nộp vào ngân sách nhà nước; bị tịch thu; thi hành án; được đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền đến ngày ban hành quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án.
Điều 9. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức
Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức quy định tại Điều 46 của Luật TNBTCNN được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.
2. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân
Thu nhập thực tế của cá nhân quy định tại Điều 46 của Luật TNBTCNN được xác định như sau:
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
CHƯƠNG 3
THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG TẠI TÒA ÁN
Điều 10. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hoạt đông tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gây ra
1. Khi tổ chức, cá nhân cho rằng mình bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử được quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này gây ra và muốn được Nhà nước bồi thường thì phải thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường phải xác định rõ hành vi của Thẩm phán, Hội đồng xét xử là trái pháp luật và thuộc các trường hợp quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này hay không.
Điều 11. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:
a) Văn bản yêu cầu bồi thường theo Mẫu số 01a hoặc 01b ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
b) Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án hoặc bản án, quyÕt ®Þnh cña Tßa ¸n cã hiÖu lùc ph¸p luËt xác định hành vi trái pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và cố ý ban hành bản án, quyết định trái pháp luật và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch này;
c) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Điều 12. Gửi đơn và thụ lý đơn yêu cầu bồi thường
1. Hình thức gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Tòa án có trách nhiệm giải quyết bồi thường như sau:
a) Trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tại Tòa án có trách nhiệm bồi thường;
b) Gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Tòa án có trách nhiệm bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông.
2. Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung.
Đối với những văn bản xác định hành vi trái pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cố ý ban hành bản án, quyết định trái pháp luật và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án mà người yêu cầu bồi thường không có khả năng cung cấp thì Tòa án có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì Tòa án đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp Tòa án nhận văn bản yêu cầu cho rằng vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường để được xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN (sau đây gọi chung là Nghị định số 16/2010/NĐ-CP).
Điều 13. Tổ chức việc giải quyết bồi thường
Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (sau đây gọi là người đại diện) theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
Điều 14. Xác minh thiệt hại
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 của Luật TNBTCNN, Tòa án có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc giải quyết bồi thường.
Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
Điều 15. Thương lượng việc bồi thường
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại.
Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày.
Thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung biên bản thương lượng được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật TNBTCNN. Biên bản thương lượng thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Điều 16. Ban hành quyết định giải quyết bồi thường
Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện Tòa án phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Chánh án Tòa án có trách nhiệm bồi thường xem xét, ký ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định giải quyết bồi thường thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.|
Điều 17. Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường
Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 21 của Luật TNBTCNN.
Điều 18. Chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường
Người đại diện tổ chức việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
Điều 19. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường
Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật TNBTCNN.
2. Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà Tòa án giải quyết bồi thường không ra quyết định bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật TNBTCNN.
Ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 của Luật TNBTCNN được xác định là ngày thứ 11, kể từ ngày người đại diện cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại ký biên bản thương lượng.
Điều 20. Thủ tục giải quyết vụ án bồi thường
Thủ tục giải quyết vụ án bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Điều 21. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Điều 22. Chi trả tiền bồi thường
Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Chương VI của Luật TNBTCNN.
CHƯƠNG 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 24. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao để phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, giải quyết.
KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG |
KT. VIỆN TRƯỞNG |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Tòa án nhân dân tối cao
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.