Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
Ngày đăng: 21:58 23-06-2011 | 1683 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
N/A,
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ Số: /2011/TTLT-BTNMT-BTC-KHĐT DỰ THẢO SỐ 2 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg
ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”;
Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích;
Căn cứ Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước;
Căn cứ Quyết định số ........../QĐ-TTg ngày .... tháng .... năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg;
Để thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích, liên Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:
CHƯƠNG 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư quy định việc lập, xét duyệt hồ sơ dự án đề nghị hỗ trợ; việc quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đã được cấp để triển khai các dự án quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích (sau đây gọi là Dự án), Quyết định số ....../2011/QĐ-TTg ngày ..... tháng ...... năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2012.
Điều 2. Nguyên tắc và đối tượng được hỗ trợ kinh phí
1. Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách trung ương đối với các dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý.
2. Hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách địa phương đối với các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu kinh phí cho địa phương bằng 50% tổng kinh phí của dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để thực hiện, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm hỗ trợ 50%.
Danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương được xác định trên cơ sở số liệu của năm trước thời điểm tổ chức lập kế hoạch hàng năm.
3. Dự án được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước gồm: (1) dự án xử lý tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật đã quá hạn sử dụng hoặc bị cấm lưu hành, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; (2) dự án xử lý phục hồi môi trường đất do ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; (3) dự án xử lý khống chế ô nhiễm bãi rác, đóng cửa, phục hồi môi trường bãi rác; cải tạo, nâng cấp bãi rác; (4) dự án xây dựng mới công trình xử lý chất thải rắn phục vụ mục đích công ích; (5) dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; (6) dự án xử lý chất thải tập trung của làng nghề truyền thống; (7) dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải trong các bệnh viện, Cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân, Trường, Trung tâm giáo dưỡng, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân, Cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, các đơn vị huấn luyện quân sự, cơ sở xử lý vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, kho tàng quân sự, sân bay, cảng quân sự.
Điều 3. Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn
1. Kinh phí sự nghiệp môi trường được bố trí thực hiện các dự án sau: (1) dự án xử lý tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật đã quá hạn sử dụng hoặc bị cấm lưu hành, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; (2) dự án xử lý phục hồi môi trường đất do ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật; (3) dự án xử lý khống chế ô nhiễm bãi rác, đóng cửa, phục hồi môi trường bãi rác; cải tạo, nâng cấp bãi rác; (4) dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải trong các bệnh viện, Cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân, Trường, Trung tâm giáo dưỡng, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân, Cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, các đơn vị huấn luyện quân sự, cơ sở xử lý vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự.
2. Kinh phí đầu tư phát triển được bố trí thực hiện các dự án sau: (1) dự án xử lý phục hồi môi trường đất do ô nhiễm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh;(2) dự án xây dựng mới công trình xử lý chất thải rắn phục vụ mục đích công ích; (3) dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; (6) dự án xử lý chất thải tập trung của làng nghề; (4) dự án xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải trong các bệnh viện, Cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân, Trường, Trung tâm giáo dưỡng, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân, Cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, các đơn vị huấn luyện quân sự, cơ sở xử lý vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự.
3. Ngoài kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường và vốn đầu tư phát triển nêu trên, các dự án còn được huy động từ các nguồn vốn sau: (1) vốn vay ODA, vốn viện trợ; (2) vốn vay từ các tổ chức tín dụng; (3) vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường ngành và Quỹ Bảo vệ môi trường các địa phương; (4) vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí
1. Các dự án được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải là những dự án chưa có kinh phí thực hiện hoặc đã được bố trí nhưng chưa đủ để thực hiện dự án.
2. Kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án phải được các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ kịp thời, đúng mục tiêu theo hồ sơ dự án đã được phê duyệt.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng định mức, chế độ, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền và quyết toán kinh phí đã sử dụng, thực hiện chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.
4. Việc thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm triệt để phải theo đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật theo ngành, lĩnh vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
5. Công tác kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao kết quả thực hiện dự án được thực hiện theo quy chế kiểm tra, nghiệm thu của từng lĩnh vực chuyên ngành.
6. Kết quả thực hiện dự án là căn cứ để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường cho các Bộ, ngành và địa phương trong các năm tiếp theo.
CHƯƠNG 2.
LẬP VÀ XÉT DUYỆT HỒ SƠ DỰ ÁN
Điều 5. Lập hồ sơ dự án
1. Dự án được lập nhằm xử lý ô nhiễm triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích theo quy định tại khoản 3, Điều 2 của Thông tư này. Mục tiêu của dự án phải nhằm bảo đảm cơ sở đủ điều kiện chứng nhận đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Trình tự thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hồ sơ dự án đề nghị hỗ trợ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tổng hợp bao gồm:
a) Quyết định phê duyệt dự án của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh;
c) Văn bản đề nghị hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án do địa phương quản lý hoặc của Bộ, ngành đối với dự án do Bộ, ngành quản lý. Đối với các dự án do địa phương quản lý, văn bản đề nghị hỗ trợ phải có thêm nội dung cam kết của địa phương về việc bố trí vốn đối ứng để triển khai thực hiện dự án;
d) Báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thiết kế kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan;
e) Quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.
Điều 6. Xét duyệt hồ sơ dự án
Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước, nhu cầu đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án xử lý triệt để của các bộ, ngành, địa phương, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định, sắp xếp danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung cụ thể như sau:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án về sự cần thiết, tổng mức hỗ trợ kinh phí và thứ tự ưu tiên cho từng dự án xử lý triệt để. Thành phần Hội đồng bao gồm:
a) 01 đại diện lãnh đạo Văn phòng 64 làm Chủ tịch Hội đồng;
b) 01 đại diện ủy viên thường trực Văn phòng 64 là Phó Chủ tịch Hội đồng;
c) Các thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Bộ, ngành có liên quan là thành viên Văn phòng 64 và một số cán bộ thường trực Văn phòng 64.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt hồ sơ dự án và Tiêu chí xét duyệt hồ sơ dự án. Tiêu chí xét duyệt hồ sơ dự án phải phù hợp với các điều kiện hỗ trợ được quy định tại Điều 2 Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và phải căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
3. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt danh mục hồ sơ dự án được hỗ trợ, gửi Bộ Tài chính đối với các dự án đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án từ nguồn đầu tư phát triển để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
CHƯƠNG 3.
PHÂN BỔ KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI DỰ ÁN
Điều 7. Thông báo vốn
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thông báo vốn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 8. Thời gian phân bổ vốn
1. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo vốn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có dự án phải tiến hành phân bổ kinh phí cho chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Quyết định phân bổ kinh phí phải được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp theo dõi, giám sát.
2. Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ khi nhận được thông báo vốn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (trong trường hợp đang diễn ra kỳ họp) và trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp (trong trường hợp giữa các kỳ họp) phê duyệt và tiến hành phân bổ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để triển khai dự án. Quyết định phân bổ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương phải được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp theo dõi, giám sát.
Điều 9. Tổ chức triển khai dự án
1. Chủ đầu tư sau khi được phân bổ vốn phải khẩn trương tổ chức triển khai dự án, bảo đảm đúng tiến độ đã được phê duyệt. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện dự án.
Trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai dự án, đã được nhắc nhở nhưng vẫn không khắc phục sẽ bị xem xét thay thế bằng chủ đầu tư khác.
2. Việc tổ chức triển khai dự án phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng. Mọi sự thay đổi nội dung của dự án đều phải báo cáo và được sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 10. Tổ chức nghiệm thu và quyết toán dự án
1. Chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án phải báo cáo bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức hội đồng nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bàn giao cho đơn vị hưởng thụ dự án trong vòng 15 ngày kể từ khi dự án được nghiệm thu.
2. Sau khi dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư phải báo cáo bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc sử dung kinh phí để phê duyệt quyết toán theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14 tháng 02 năm quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Điều 11. Hiệu quả của dự án
1. Dự án hoàn thành, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để là căn cứ để đánh giá tính hiệu quả của dự án.
2. Kinh phí còn dư sau khi dự án được quyết toán phải được chuyển trả ngân sách nhà nước. Đối với các dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý được hỗ trợ 50% từ ngân sách Trung ương thì 50% kinh phí còn dư được chuyển trả ngân sách Trung ương, 50% kinh phí còn lại được chuyển trả ngân sách địa phương.
Điều 12. Công tác kiểm tra
1. Định kỳ 06 tháng, các Bộ, ngành và các địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện dự án, việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí của dự án, bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
CHƯƠNG 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Rà soát, tổng hợp kế hoạch và nhu cầu kinh phí thực hiện dự án, tính khả thi của các dự án xử lý ô nhiễm triệt để hàng năm trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định;
b) Thông báo vốn cho các bộ, ngành, địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, tổ chức triển khai dự án; đánh giá tình hình thực hiện dự án; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, theo phân công tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kế hoạch đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm cân đối, bố trí kịp thời, đủ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện dự án.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật về hiệu quả triển khai của dự án;
b) Đôn đốc, kiểm tra chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt; tổ chức nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, phê duyệt quyết toán dự án; định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phân bổ kịp thời đủ kinh phí đối ứng của địa phương để triển khai dự án.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG |
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ THỨ TRƯỞNG |
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THỨ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW phòng, chống tham nhũng;
- Các Đoàn thể, hội quần chúng ở TW;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Sở Tài chính, KBNN, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản -Bộ Tư Pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ; BTC, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch,
Pháp chế, Tổng cục Môi trường), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file 1
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.