Dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương
Ngày đăng: 23:49 04-09-2012 | 2143 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương
Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23/11/2009;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch Đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/ 04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ về Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
CHƯƠNG 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, bao gồm: các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng, mạng ngoại vi (cột ăng ten; cột treo cáp viễn thông; cống, bể, ống cáp viễn thông).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, phê duyệt, ban hành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cột ăng ten: Là cột được thiết kế, lắp đặt trên mặt đất hoặc trên các công trình xây dựng để lắp đặt ăng ten thu, phát sóng vô tuyến điện dùng trong lĩnh vực viễn thông.
1.1. Cột ăng ten không cồng kềnh là cột ăng ten được lắp đặt trong và trên các công trình xây dựng nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình xây dựng và cảnh quan môi trường xung quanh, bao gồm:
a) Cột ăng ten tự đứng được lắp đặt trên các tòa nhà có chiều cao của cột (không bao gồm kim thoát sét) không quá 15% chiều cao của tòa nhà nhưng tối đa không quá 3 mét và có chiều rộng từ tâm của cột đến điểm ngoài cùng của cấu trúc cột anten (kể cả cánh tay đòn của cột) dài không quá 0,5 mét.
b) Cột và ăng ten thân thiện với môi trường: Là cột và ăng ten được thiết kế, lắp đặt ẩn trong kiến trúc của công trình xây dựng (cột và ăng ten thay thế lan can, mái hiên, mái vòm, bệ cửa, vỏ điều hòa, bồn nước, tháp đồng hồ, tác phẩm điêu khắc, lắp đặt kín trên cột điện và đèn chiếu sáng hoặc dưới các hình thức khác).
1.2. Cột ăng ten cồng kềnh: Là các loại cột ăng ten không thuộc điểm 1.1, khoản 1, Điều này.
2. Cột treo cáp viễn thông: Là cột bằng thép, bê tống cốt thép, gỗ hoặc vật liệu khác dùng để treo cáp viễn thông.
3. Cống cáp viễn thông: Là những đoạn ống được ghép nối với nhau chôn ngầm dưới đất hoặc để nổi để bảo vệ và dẫn cáp viễn thông.
4. Bể cáp viễn thông: Là khoang ngầm dưới mặt đất dùng để lắp đặt cáp, chứa các măng sông và cáp viễn thông dự trữ.
5. Ống cáp viễn thông: Là những đoạn ống làm bằng thép, nhựa hoặc vật liệu khác được ghép nối với nhau và chôn ngầm hoặc nổi trên mặt đất để bảo vệ và dẫn cáp viễn thông.
6. Hào kỹ thuật: là công trình ngầm theo tuyến có kích thước nhỏ để lắp đặt các đường dây, cáp và các đường ống kỹ thuật.
7. Tuynel kỹ thuật: là công trình ngầm theo tuyến có kích thước lớn đủ để đảm bảo cho con người có thể thực hiện các nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa và bảo trì các thiết bị, đường ống kỹ thuật.
Điều 4. Mục đích, yêu cầu chung
1. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời bảo đảm cảnh quan môi trường, nhất là ở tại các đô thị.
2. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác tại địa phương, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Kết hợp phát triển hạ tầng viễn thông thụ động với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.
3. Các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, có trách nhiệm xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của mình tại địa phương và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, thẩm định, phê duyệt.
4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất và quy mô phát triển; xác định danh mục các dự án, dự án ưu tiên; xác định cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch.
5.Trong giai đoạn quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, phương án quy hoạch cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, các quy hoạch chung và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan.
6. Khuyến khích áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin để quy hoạch và quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động: bản đồ, dữ liệu số hoá.
CHƯƠNG 2
QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ
Điều 5. Quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
1. Mục đích:
Xác định các khu vực trên địa bàn đáp ứng các yêu cầu xây dựng và thời gian đưa vào sử dụng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
2. Yêu cầu:
2.1 Đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ công trình như: đảm bảo hành lang bảo vệ đối với công trình theo quy định; bố trí hệ thống kỹ thuật bảo vệ, yêu cầu cắm chốt và vận động của lực lượng bảo vệ; các phương án, kế hoạch nhằm hạn chế sơ hở hoặc phát huy yếu tố kỹ thuật trong quy hoạch phục vụ yêu cầu bảo vệ.
2.2 Đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy: có trang bị các hệ thống phòng cháy, chữa cháy; có phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy; Có hệ thống đường nội bộ bảo đảm cho phương tiện, lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp cận được công trình.
2.3 Đảm bảo hành lang an toàn kỹ thuật theo quy định đối với các công trình có lắp đặt đài vô tuyến điện.
3. Nội dung (theo Mẫu 1 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Tên và loại công trình;
3.2 Đơn vị quản lý, khai thác;
3.3 Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng đối với khu vực xây dựng công trình viễn thông;
3.4 Tuyến hướng xây dựng và chiều dài đối với tuyến cáp viễn thông;
3.5 Thời gian đã hoặc dự kiến đưa vào sử dụng.
Điều 6. Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
1. Mục đích:
Xác định các khu vực; tuyến đường, phố trên địa bàn ưu tiên triển khai và thời gian đưa vào sử dụng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.
2. Yêu cầu:
2.1 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên xây dựng tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu đô thị, khu thương mại, khu công nghiệp, tòa nhà nhiều người sử dụng, trung tâm tỉnh/thành, huyện/quận, xã/phường và các địa điểm công cộng khác.
2.2 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phải được xây dựng ở vị trí dễ quan sát, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ, có thiết kế phù hợp với môi trường, cảnh quan xung quanh và đảm bảo mỹ quan đô thị.
3. Nội dung: (theo Mẫu 2 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Địa điểm của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng;
3.2 Loại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng (có người phục vụ, không có người phục vụ);
3.3 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông;
3.4 Quy mô: diện tích sử dụng, quy mô xây dựng;
3.5 Thời gian đã hoặc dự kiến đưa vào sử dụng.
Điều 7. Quy hoạch cột ăng ten
1. Mục đích:
Xác định các khu vực, tuyến đường, phố trên địa bàn chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường và thời gian thực hiện.
2. Yêu cầu:
2.1 Cột ăng ten phải đảm bảo chắc chắn, an toàn, mỹ quan và tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.
2.2 Độ cao cột ăng ten được xây dựng phải đáp ứng yêu cầu an toàn hàng không theo quy định của pháp luật.
2.3 Đối với các khu vực có yêu cầu về cảnh quan môi trường như quảng trường trung tâm, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch và các khu vực khác theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh.
2.4 Đối với các đường, phố chính trong khu vực đô thị cần bảo đảm yêu cầu về cảnh quan môi trường theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không được phép lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên công trình nhà mặt tiền.
2.5 Hạn chế xây dựng các cột ăng ten trên mặt đất có chiều cao từ 100m trở lên và 50m trở lên trong khu vực đô thị. Trong trường hợp xây dựng thì phải đáp ứng việc sử dụng chung cột ăng ten giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
3. Nội dung (theo Mẫu 3 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Tên các khu vực; tuyến đường, phố chỉ được lắp cột ăng ten không cồng kềnh theo yêu cầu quy định tại điểm 2.3, 2.4 Điều này;
3.2 Thời điểm chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm 2.3, 2.4 Điều này.
Điều 8. Quy hoạch hạ tầng cột treo, cống, bể, ống cáp viễn thông
1. Mục đích:
Xác định các khu vực; tuyến đường, phố trên địa bàn phải xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để ngầm hóa cáp viễn thông và thời gian thực hiện.
2. Yêu cầu:
2.1 Trên các tuyến có công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm còn khả năng để lắp đặt cáp viễn thông thì cáp viễn thông bắt buộc phải lắp đặt trong các công trình này.
2.2 Tại các khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hoặc không có khả năng xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt thì cáp viễn thông được phép lắp đặt trên cột điện. Việc treo cáp viễn thông phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan môi trường.
2.3 Đối với các khu đô thị mới; khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; tuyến đường, phố mới xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng phải xây dựng quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để đi cáp viễn thông.
2.4 Các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng, sử dụng chung hệ thống cống, bể, ống cáp để đi cáp viễn thông nếu tuyến, hướng của hệ thống cống, bể, ống cáp viễn thông giống nhau.
2.5 Yêu cầu đối với quy hoạch cột treo cáp viễn thông:
a) Cột treo cáp viễn thông chỉ được xây dựng ở khu vực không còn khả năng đi ngầm và treo cáp viễn thông trên cột điện lực.
b) Các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng, sử dụng chung hệ thống cột treo cáp viễn thông nếu tuyến, hướng cột treo cáp giống nhau.
3. Nội dung (theo Mẫu 4 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Tên các khu vực (khu đô thị mới; khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao); tuyến đường, phố phải quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để lắp đặt cáp viễn thông;
3.2 Thời điểm ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông.
Điều 9. Trình tự, thủ tục xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương, bao gồm:
1. Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn báo cáo hiện trạng và đề xuất kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của mình cho Sở Thông tin và Truyền thông;
2. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác có liên quan trên địa bàn;
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan phân tích và lập báo cáo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn;
4. Báo cáo quy hoạch cấp cơ sở (Sở Thông tin và Truyền thông); chỉnh sửa và bổ sung báo cáo;
5. Báo cáo quy hoạch trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố;
6. Hoàn thiện báo cáo quy hoạch cuối cùng;
7. Trình để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, bao gồm:
7.1 Nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn;
7.2 Bản đồ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn theo tỷ lệ 1/25.000.
CHƯƠNG 3
QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN CỦA DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG
Điều 10. Quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
1. Mục đích:
Xác định địa điểm, quy mô, loại hình, thời gian đưa vào sử dụng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trên địa bàn.
2. Yêu cầu:
2.1 Doanh nghiệp viễn thông xác định cụ thể các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trên địa bàn đáp ứng đầy đủ theo các tiêu chí theo quy định của pháp luật.
2.2 Đề xuất các địa điểm xây dựng thích hợp cho yêu cầu bảo vệ (nếu xây dựng mới), hành lang bảo vệ (nếu có), hệ thống kỹ thuật bảo vệ, yêu cầu cắm chốt và vận động của lực lượng bảo vệ; các phương án, kế hoạch nhằm hạn chế sơ hở hoặc phát huy yếu tố kỹ thuật trong quy hoạch phục vụ yêu cầu bảo vệ.
2.3 Đề xuất phương án, kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy cho công trình.
2.4 Đề xuất hành lang an toàn đối với các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia có lắp đặt đài vô tuyến điện cần đảm bảo an toàn việc thu, phát sóng tần số vô tuyến điện của công trình.
3. Nội dung (theo Mẫu 5 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Tên và loại công trình;
3.2 Đơn vị quản lý khai thác;
3.3 Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng đối với khu vực xây dựng công trình viễn thông;
3.4 Tuyến hướng xây dựng và chiều dài đối với tuyến cáp viễn thông;
3.5 Quy mô xây dựng: diện tích xây dựng, yêu cầu về hành lang bảo vệ (nếu có), yêu cầu về hành lang an toàn kỹ thuật (nếu có);
3.6 Thời gian đã hoặc dự kiến đưa vào sử dụng.
Điều 11. Quy hoạch xây dựng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
1. Mục đích:
Xác định các khu vực; tuyến đường, phố trên địa bàn đã hoặc dự kiến triển khai các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện.
2. Yêu cầu:
2.1. Đề xuất quy hoạch danh mục các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trên địa bàn; đặc biệt các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cho người sử dụng dịch vụ tại các trung tâm tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã; tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu đô thị, khu thương mại, khu công nghiệp, tòa nhà nhiều người sử dụng và các địa điểm công cộng khác.
2.2. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phải được xây dựng ở vị trí dễ quan sát, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và có thiết kế phù hợp với môi trường, cảnh quan xung quanh.
2.3. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ phải có thiết kế mẫu để áp dụng thống nhất trên địa bàn và đáp ứng các yêu cầu sau: có kích thước nhỏ, gọn; có logo hoặc nhãn hiệu để xác định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ phải có biển hiệu để xác định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
3. Nội dung (theo Mẫu 6 – Phụ lục kèm theo):
3.1. Địa điểm của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng;
3.2 Loại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng (có người phục vụ, không có người phục vụ);
3.3. Diện tích đất sử dụng; quy mô xây dựng;
3.4 Loại hình dịch vụ được cung cấp (thoại, fax, internet … );
3.5. Thời gian đã hoặc dự kiến đưa vào sử dụng.
Điều 12. Quy hoạch cột ăng ten
1. Mục đích:
Xác định các khu vực; tuyến đường, phố trên địa bàn chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh nhằm bảo đảm cảnh quan môi trường và thời gian thực hiện.
2. Yêu cầu:
2.1 Quy hoạch xây dựng cột ăng ten trên nguyên tắc phải đảm bảo chắc chắn, an toàn và mỹ quan đô thị; khả năng sử dụng chung cao nhất giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
2.2 Độ cao của cột ăng ten được xây dựng phải đáp ứng yêu cầu an toàn hàng không theo quy định của pháp luật.
2.3 Đối với các khu vực có yêu cầu về mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường như quảng trường trung tâm, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch và các khu vực khác theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh.
2.4 Đối với các đường, phố chính trong các khu vực đô thị cần bảo đảm yêu cầu về cảnh quan môi trường theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không được phép lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên dãy nhà mặt tiền.
2.5 Hạn chế xây dựng các cột ăng ten trên mặt đất có chiều cao từ 100m trở lên và 50m trở lên trong khu vực đô thị. Trong trường hợp xây dựng thì phải đáp ứng việc dùng chung cột ăng ten giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
3. Nội dung (theo Mẫu 7 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Địa điểm đã hoặc dự kiến lắp đặt (địa chỉ, tọa độ);
3.2 Loại cột ăng ten (cồng kềnh, không cồng kềnh);
3.3 Chiều cao cột ăng ten;
3.4 Khả năng sử dụng chung;
3.5 Thời gian đã hoặc dự kiến đưa vào sử dụng.
Điều 13. Quy hoạch hạ tầng cột treo, cống, bể, ống cáp viễn thông
1. Mục đích:
Xác định các khu vực; tuyến đường, phố trên địa bàn phải xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để ngầm hóa cáp viễn thông và thời gian thực hiện.
2. Yêu cầu:
2.1 Trên các tuyến có công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm còn khả năng để lắp đặt cáp viễn thông thì cáp viễn thông bắt buộc phải lắp đặt trong các công trình này.
2.2 Tại các khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hoặc không có khả năng xây dựng cột treo cáp viến thông riêng biệt thì cáp viễn thông được phép lắp đặt trên cột điện. Việc treo cáp viễn thông phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan môi trường.
2.3 Đối với các khu đô thị mới; khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; tuyến đường, phố mới xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng phải xây dựng quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để đi cáp viễn thông.
2.4 Các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng, sử dụng chung hệ thống cống, bể, ống cáp để đi cáp nếu tuyến, hướng của hệ thống cống, bể, ống cáp viễn thông giống nhau.
2.5 Yêu cầu đối với quy hoạch cột treo cáp viễn thông:
a) Cột treo cáp viễn thông chỉ được xây dựng ở khu vực không còn khả năng đi ngầm và treo cáp viễn thông trên cột điện lực.
b) Các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng, sử dụng chung hệ thống cột treo cáp viễn thông nếu tuyến, hướng cột treo cáp giống nhau.
3. Nội dung (theo các Mẫu 8 – Phụ lục kèm theo):
3.1 Khu vực; tuyến đường, phố;
3.2 Loại công trình hạ tầng kỹ thuật (cột treo cáp viễn thông, cột điện, loại công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm) được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông;
3.3 Thời gian dự kiến ngầm hóa.
Điều 14. Trình tự, thủ tục xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn
1.Việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp bao gồm các bước như sau:
1.1 Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu liên quan đến hiện trạng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp và của các đơn vị có liên quan trên địa bàn.
1.2 Phân tích và lập đồ án quy hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp mình trên địa bàn.
1.3 Báo cáo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động doanh nghiệp mình trước Sở Thông tin và Truyền thông.
1.4 Căn cứ theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thẩm định, phê duyệt và công bố để triển khai, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp.
2. Đồ án quy hoạch của các doanh nghiệp bao gồm:
2.1 Tờ trình đề nghị thẩm định và phê duyệt quy hoạch;
2.2 Các nội dung đề xuất quy hoạch của đơn vị;
2.3 Bản đồ quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỷ lệ 1/25.000;
2.4 Kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.
3. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn việc lập đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của các doanh nghiệp; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương sau khi được phê duyệt.
CHƯƠNG 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương hướng dẫn, thực hiện các nội dung của Thông tư này.
2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
1. Có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn theo hướng dẫn của Thông tư này.
2. Lập, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương năm (05) năm một lần, có điều chỉnh bổ sung hàng năm.
3. Xem xét, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn do các doanh nghiệp viễn thông trình.
4. Đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của địa phương ngay từ quy hoạch ban đầu.
5. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị, cá nhân có liên quan xây dựng quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten; hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông bảo đảm tối đa việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, an toàn và cảnh quan môi trường tại địa phương.
6. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện các nội dung của Thông tư này.
7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Có trách nghiệm cung cấp dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của đơn vị trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để lập, phê duyệt, công bố và quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
2. Lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của doanh nghiệp năm (05) năm một lần, có điều chỉnh, bổ sung hàng năm và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, thẩm định, phê duyệt.
3. Tuân thủ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong việc lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của mình.
4. Thực hiện quy hoạch của doanh nghiệp sau khi được phê duyệt.
5. Lập quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten; hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông tại địa phương.
Điều 18. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.