Dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách nhà nước phí hoa tiêu hàng hải và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải
Ngày đăng: 17:55 30-10-2011 | 1384 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách nhà nước phí hoa tiêu hàng hải và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải
______________
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 14/6/2005;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải và Nghị định số 49/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải tại công văn số , Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách nhà nước phí hoa tiêu hàng hải và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải như sau:
Điều 1. Quy định chung:
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách nhà nước về phí hoa tiêu hàng hải (sau đây viết gọn là phí hoa tiêu) và hướng dẫn cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải (sau đây viết gọn là dịch vụ hoa tiêu) trong phạm vi cả nước.
Dịch vụ hoa tiêu hàng hải được quy định tại Điều 3 Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải.
2. Đối tượng áp dụng: Là các công ty hoa tiêu hàng hải (sau đây viết gọn là công ty hoa tiêu) đủ điều kiện thực hiện cung ứng dịch vụ hoa tiêu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
3. Bộ Giao thông vận tải (hoặc cơ quan chuyên ngành do Bộ Giao thông vận tải ủy quyền) tổ chức việc thu phí hoa tiêu và đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu trong phạm vi cả nước (sau đây gọi chung là cơ quan đặt hàng).
Điều 2. Cung ứng dịch vụ hoa tiêu và đơn giá đặt hàng dịch vụ hoa tiêu:
1. Cung ứng dịch vụ hoa tiêu bao gồm:
a) Cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuỷ đi trên luồng hàng hải để ra, vào cảng biển.
b) Cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuỷ di chuyển trong cảng.
c) Cung cấp dịch vụ hoa tiêu chờ tàu.
Định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ hoa tiêu thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
2. Công ty hoa tiêu được cơ quan đặt hàng ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu theo đơn giá đặt hàng do Nhà nước quy định.
Bộ Giao thông vận tải (hoặc cơ quan chuyên ngành được Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền) hướng dẫn các công ty hoa tiêu lập phương án giá, tổ chức thẩm định phương án giá và có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ Tài chính quyết định đơn giá đặt hàng theo quy định.
Điều 3. Thu, quản lý, sử dụng và nộp ngân sách nhà nước phí hoa tiêu:
1. Tổ chức thu phí:
a) Phí hoa tiêu là khoản thu của ngân sách nhà nước được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí; Các công ty hoa tiêu được Nhà nước ủy quyền thu phí hoa tiêu và được trích để lại một phần trong tổng số phí thu được để trang trải chi phí cho việc trực tiếp thu phí, phần còn lại là nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính quy định cụ thể tỷ lệ trích để lại phí hoa tiêu cho công ty hoa tiêu; Phần trích để lại này là doanh thu dịch vụ của công ty hoa tiêu.
b) Công ty hoa tiêu sử dụng biên lai thu phí, lệ phí hàng hải thống nhất theo quy định hiện hành và không phải nộp thuế giá trị gia tăng khi thu phí hoa tiêu. Công ty hoa tiêu có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và kịp thời phí hoa tiêu.
2. Quản lý, sử dụng nguồn thu phí hoa tiêu thuộc ngân sách nhà nước:
a) Nguồn thu phí hoa tiêu thu được trong năm sau khi trừ tỷ lệ trích để lại công tác thu cho công ty hoa tiêu được nộp 100% vào ngân sách trung ương. Các công ty hoa tiêu thực hiện nộp ngân sách nhà nước phí hoa tiêu hàng tháng chậm nhất vào trước ngày 15 tháng sau qua hệ thống Kho bạc nhà nước.
b) Nguồn thu phí hoa tiêu nộp ngân sách nhà nước được ngân sách trung ương cân đối 100% cho nhiệm vụ đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu.
3. Quy trình lập, phân bổ, giao dự toán thu phí hoa tiêu thuộc ngân sách nhà nước:
a) Hàng năm, căn cứ vào số kiểm tra dự toán thu phí hoa tiêu thuộc ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giao thông vận tải thông báo cho cơ quan đặt hàng.
Trên cơ sở số kiểm tra được thông báo, cơ quan đặt hàng lập dự toán thu phí hoa tiêu gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải để gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ dự toán thu phí hoa tiêu hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải phân bổ và giao dự toán thu phí hoa tiêu cho cơ quan đặt hàng; đồng thời gửi Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước.
c) Căn cứ dự toán thu phí hoa tiêu được phân bổ, cơ quan đặt hàng ủy quyền các công ty hoa tiêu thực hiện thu phí hoa tiêu.
4. Tổng hợp quyết toán nguồn thu phí hoa tiêu:
Kết thúc năm tài chính, công ty hoa tiêu có trách nhiệm báo cáo số tiền thu phí hoa tiêu đã nộp ngân sách trung ương đến ngày 31/12 (có xác nhận của Kho bạc nhà nước), cơ quan đặt hàng thực hiện quyết toán và tổng hợp nguồn thu phí hoa tiêu đã nộp ngân sách trong năm; báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp số thu ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải hàng năm theo quy định hiện hành.
Điều 4. Lập, phân bổ và giao dự toán chi kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
1. Nguồn kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
Nguồn kinh phí đặt hàng cung ứng dich vụ hoa tiêu do ngân sách trung ương cân đối 100% từ nguồn thu phí hoa tiêu nộp ngân sách nhà nước và được bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước.
2. Lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào số kiểm tra do Bộ Tài chính thông báo, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập dự toán chi kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu; gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ dự toán chi kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải phân bổ dự toán cho cơ quan đặt hàng; đồng thời tổng hợp cùng dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, gửi Bộ Tài chính thẩm định dự toán theo quy định.
Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính về phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu cho cơ quan đặt hàng để tổ chức đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu; đồng thời gửi Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước nơi cơ quan đặt hàng mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.
Điều 5. Tổ chức đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
1. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước giao, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính về phương án đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu, cơ quan đặt hàng tổ chức ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu với các công ty hoa tiêu.
2. Hợp đồng đặt hàng bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Khối lượng dịch vụ đặt hàng;
b) Đơn giá đặt hàng;
c) Giá trị đặt hàng;
d) Thời gian thực hiện;
đ) Chất lượng thực hiện;
e) Phương thức nghiệm thu, thanh toán;
g) Trách nhiệm và nghĩa vụ của công ty hoa tiêu khi thực hiện cung ứng dịch vụ hoa tiêu;
h) Trách nhiệm của cơ quan đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu;
i) Các nội dung khác có liên quan nhưng không trái với các quy định của pháp luật.
2. Điều chỉnh giá trị hợp đồng: Thực hiện theo Điều 14 Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Điều 6. Nghiệm thu, thanh toán khối lượng dịch vụ hoa tiêu hoàn thành.
1. Định kỳ hàng quý, năm, cơ quan đặt hàng tổ chức nghiệm thu khối lượng, chất lượng cung ứng dịch vụ hoa tiêu đã hoàn thành trong kỳ làm cơ sở thanh toán kinh phí đặt hàng theo mẫu biểu kèm theo Thông tư này.
2. Thanh toán khối lượng dịch vụ hoa tiêu hoàn thành:
Căn cứ Biên bản nghiệm thu giữa cơ quan đặt hàng và công ty hoa tiêu, cơ quan đặt hàng thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước để thanh toán khối lượng dịch vụ hoa tiêu hoàn thành;
Điều 7. Kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước:
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước về nguồn kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu, căn cứ hợp đồng đặt hàng đã ký với công ty hoa tiêu, cơ quan đặt hàng thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước để tạm ứng, thanh toán cho công ty hoa tiêu; Kho bạc nhà nước nơi cơ quan đặt hàng mở tài khoản giao dịch kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm soát chi trước khi tạm ứng, thanh toán theo hợp đồng đặt hàng đã ký.
1. Tạm ứng kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
a) Sau khi ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hoa tiêu, công ty hoa tiêu được tạm ứng tối đa là 40% giá trị hợp đồng đặt hàng của năm để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ hoa tiêu.
b) Hồ sơ tạm ứng:
- Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (tạm ứng) của cơ quan đặt hàng;
- Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích hoa tiêu đã ký giữa cơ quan đặt hàng và công ty hoa tiêu.
- Quyết định giao dự toán chi của Bộ Giao thông vận tải.
2. Thanh toán kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
a) Định kỳ hàng quý cơ quan đặt hàng thu hồi tiền tạm ứng và thực hiện thanh toán giá trị khối lượng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hoàn thành cho công ty hoa tiêu theo quy định.
Việc thu hồi tiền tạm ứng bắt đầu từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết số tiền tạm ứng khi thanh toán lần cuối cùng của năm kế hoạch sau khi hoàn thành hợp đồng đặt hàng giữa cơ quan đặt hàng và công ty hoa tiêu.
b) Hồ sơ thanh toán gồm:
- Quyết định giao dự toán của Bộ Giao thông vận tải cho cơ quan đặt hàng;
- Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu ký với công ty hoa tiêu;
- Biên bản nghiệm thu, xác nhận khối lượng, chất lượng hoàn thành giữa cơ quan đặt hàng và công ty hoa tiêu;
- Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (thực chi) của cơ quan đặt hàng.
c) Trường hợp đến ngày 31/12 hàng năm, khối lượng dịch vụ hoa tiêu đã hoàn thành và nghiệm thu theo hợp đồng nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán thì được thanh toán tiếp trong thời gian chỉnh lý quyết toán theo đúng quy định hiện hành và tổng hợp quyết toán vào niên độ ngân sách năm trước.
Điều 8. Xử lý kinh phí thanh toán khi công ty hoa tiêu cung cấp dịch vụ không đạt hoặc vượt khối lượng hợp đồng đã ký
1. Trường hợp khối lượng cung ứng dịch vụ hoa tiêu do công ty hoa tiêu cung ứng trong năm không đạt theo hợp đồng đã ký, công ty hoa tiêu được thanh toán kinh phí tương ứng với khối lượng dịch vụ hoàn thành được nghiệm thu.
2. Trường hợp khối lượng cung ứng dịch vụ hoa tiêu do công ty hoa tiêu cung ứng trong năm vượt khối lượng hợp đồng đã ký và đã được nghiệm thu thì cơ quan đặt hàng thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành ngay trong năm (nếu còn dự toán chi). Trường hợp không đủ nguồn, cơ quan đặt hàng lập dự toán bổ sung kinh phí năm sau; Khi thực hiện phân bổ dự toán kinh phí chi ngân sách hàng năm, cơ quan đặt hàng chủ động báo cáo Bộ Giao thông vận tải dành nguồn kinh phí để thanh toán khối lượng đã thực hiện năm trước, số kinh phí còn lại được phân bổ để thực hiện cho nhiệm vụ đặt hàng dịch vụ hoa tiêu năm kế hoạch.
Điều 9. Quyết toán nguồn kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu:
Cơ quan đặt hàng có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Bộ Giao thông vận tải thẩm định quyết toán nguồn kinh phí đặt hàng dịch vụ hoa tiêu, tổng hợp chung trong quyết toán của Bộ Giao thông vận tải, gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Điều 10. Trách nhiệm của công ty hoa tiêu.
1. Công ty hoa tiêu thực hiện thu phí hoa tiêu và cung ứng dịch vụ hoa tiêu theo đúng hợp đồng đã ký với cơ quan đặt hàng và theo quy định của pháp luật.
2. Tỷ lệ trích để lại phí hoa tiêu để trang trải chi phí cho việc trực tiếp thu phí và nguồn kinh phí Nhà nước thanh toán khối lượng đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng năm là doanh thu của công ty hoa tiêu; Công ty hoa tiêu thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Công ty hoa tiêu thực hiện hạch toán kế toán và quản lý tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Điều 11. Công tác kiểm tra
Công ty hoa tiêu chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất của các cơ quan tài chính, thuế và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc sử dụng nguồn kinh phí đặt hàng của nhà nước, việc thực hiện quy định hiện hành về quản lý giá và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 12. Hiệu lực thi hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Bãi bỏ Thông tư số 91/2007/TT-BTC ngày 31/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, giao kế hoạch và quản lý tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích hoa tiêu hàng hải và các quy định trước đây trái với quy định của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.