Theo dõi (0)

Dự thảo thông tư hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn

Ngày đăng: 17:07 09-05-2007 | 1877 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ 
  Số:          /2007/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
 
Hà Nội, ngày        tháng       năm 2007


DỰ THẢO

 

THÔNG TƯ
Hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số    /2007/NĐ-CP ngày tháng năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài, hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở.         
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Bộ, ngành), tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam.
3. Giải thích từ ngữ
a) Tiêu chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn do các Bộ, ngành tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố theo thủ tục, trình tự quy định;
b) Lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia là một nhóm các đối tượng tiêu chuẩn quốc gia có liên quan với nhau, ví dụ như lĩnh vực giao thông, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực hoá chất, lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực may mặc, lĩnh vực luyện kim, lĩnh vực gỗ.v.v.... Lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia được xác định theo khung phân loại tiêu chuẩn quốc tế  của ISO;  
c) Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài thành tiêu chuẩn quốc gia là việc công bố một tiêu chuẩn quốc gia có nội dung hoàn toàn tương đương hoặc tương đương có sửa đổi với nội dung của tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương ứng;
d) Tiêu chuẩn quốc tế là tiêu chuẩn do một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố và phổ biến để áp dụng rộng rãi;
e) Tiêu chuẩn khu vực là tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn khu vực hoặc tổ chức khu vực có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố và phổ biến để áp dụng rộng rãi;
g) Tiêu chuẩn nước ngoài là tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố và phổ biến để áp dụng rộng rãi;
Tiêu chuẩn nước ngoài có thể là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn hiệp hội nghề nghiệp.
h) Tiêu chuẩn cơ sở là tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức đó;
i) Áp dụng tiêu chuẩn là sử dụng tiêu chuẩn trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và trong các hoạt động kinh tế-xã hội.
MỤC II. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ CÔNG BỐ
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
A. Lập và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia
1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc lập dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        2. Yêu cầu đối với quy hoạch
Quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phải mang tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với chiến lược phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia; quy hoạch phát triển  kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn trên cơ sở chiến lược, định hướng và kế hoạch dài hạn về phát triển các chuyên ngành kinh tế-kỹ thuật và các lĩnh vực hoạt động khác.
3. Nội dung của Quy hoạch bao gồm các lĩnh vực, đối tượng tiêu chuẩn quốc gia; lộ trình thực hiện; nguồn lực để đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho từng giai đoạn quy hoạch; các biện pháp thực hiện quy hoạch.
4. Việc lập và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo các bước sau:
a) Các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đề xuất nhu cầu phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia  theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thực hiện các công việc sau:
- Trên cơ sở nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của các Bộ, ngành,  lập dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này;
- Gửi dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đến các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan và thông báo rộng rãi dự thảo quy hoạch trên trang tin điện tử (website) của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để lấy ý kiến. Thời gian dành cho việc góp ý dự thảo không ít hơn 30 ngày kể từ ngày thông báo.
- Tổng hợp và xử lý ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt.
c) Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
5. Quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phải được thông báo rộng rãi, công khai trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày phê duyệt.
 6. Quy hoạch đã phê duyệt có thể được điều chỉnh, bổ sung  theo nhu cầu hoặc sự thay đổi của chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các chuyên ngành kinh tế kỹ thuật. Trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch được thực hiện tương tự các bước quy định tại khoản 4 Phần này.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
B. Lập và phê duyệt kế hoạch năm năm và hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc lập dự thảo kế hoạch năm năm và hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        2. Yêu cầu đối với kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia:
a) Kế hoạch năm năm và hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt;
b) Kế hoạch năm năm và hằng năm về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phải đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm và hằng năm của quốc gia, phù hợp với điều kiện phát triển khoa học và công nghệ, quản lý và tổ chức của Việt Nam.
3. Nội dung của kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.
Nội dung của kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm lĩnh vực, đối tượng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, nội dung các vấn đề cần tiêu chuẩn hoá, thời gian thực hiện, nguồn kinh phí và kinh phí dự kiến, cơ quan tổ chức thực hiện.
Nội dung của kế hoạch hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm lĩnh vực, đối tượng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tên tiêu chuẩn quốc gia cần xây dựng, tổ chức biên soạn dự thảo, tiến độ và phương pháp xây dựng, nguồn kinh phí và kinh phí dự kiến.
4.  Kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
Việc lập và phê duyệt kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo các bước sau:
a) Lập dự thảo kế hoạch
- Quý II năm cuối của kỳ kế hoạch năm năm, các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân gửi dự kiến kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho năm năm tới theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, tổng hợp.
- Căn cứ quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt, yêu cầu hài hoà tiêu chuẩn trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức xem xét tổng hợp các đề xuất dự kiến kế hoạch năm năm theo đề nghị của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
- Trên cơ sở tổng hợp các dự kiến kế hoạch năm năm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành lập dự thảo kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.
b) Lấy ý kiến và hoàn chỉnh kế hoạch
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện các công việc sau:
+ Gửi dự thảo kế hoạch năm năm về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đến các Bộ, ngành có liên quan;
+ Thông báo trên trang tin điện tử (website) của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để lấy ý kiến rộng rãi. Thời gian dành cho việc góp ý dự thảo không ít hơn 30 ngày kể từ ngày thông báo;
+ Tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch năm năm về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt.
c) Phê duyệt kế hoạch
- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xem xét, phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm năm.
- Bản kế hoạch đã phê duyệt phải được thông báo cho các Bộ, ngành và công khai trên trang tin điện tử (website) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt.
d) Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch
- Kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia có thể được điều chỉnh, bổ sung theo đề nghị của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân.
- Kế hoạch năm năm chỉ được điều chỉnh, bổ sung sau khi được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và có quyết định bằng văn bản.
5. Kế hoạch hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
Việc lập dự thảo kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo các bước sau:
a) Lập kế hoạch
- Quý I hằng năm, căn cứ vào nhu cầu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia, các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân gửi đề nghị kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho năm sau kèm theo dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, tổng hợp.
- Căn cứ quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt, yêu cầu hài hoà tiêu chuẩn trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành:
+ Tổng hợp nhu cầu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia của các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên . Trong trường hợp cần thiết, tiến hành thảo luận với các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có dự án đề nghị để làm rõ về đối tượng, mục đích và nội dung tiêu chuẩn, nguồn kinh phí dự kiến đưa vào kế hoạch;
+ Tổ chức việc xem xét phê duyệt các dự án tiêu chuẩn quốc gia do các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự án tiêu chuẩn quốc gia được phê duyệt là cơ sở để lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia;
+ Lập dự thảo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này trên cơ sở các dự án tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt.
b) Lấy ý kiến và hoàn chỉnh kế hoạch
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện các công việc sau:
+ Gửi dự thảo kế hoạch đến các Bộ, ngành có liên quan;
+ Thông báo trên trang tin điện tử (website) của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để lấy ý kiến. Thời gian dành cho việc góp ý dự thảo không ít hơn 30 ngày kể từ ngày thông báo;
 + Tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch và trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt trong quý III hằng năm.
 c) Phê duyệt và giao kế hoạch
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xem xét, phê duyệt kế hoạch hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong khuôn khổ kế hoạch khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành.
- Kế hoạch đã được phê duyệt phải được thông báo đến các Bộ, ngành và công khai trên trang tin điện tử (website) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày phê duyệt.
- Căn cứ vào kế hoạch được phê duyệt, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao cho đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện kế hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành.
d) Thực hiện kế hoạch
- Các Bộ, ngành tổ chức, theo dõi và đôn đốc việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế tiêu chuẩn quốc gia theo kế hoạch được giao.
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm theo dõi đôn đốc việc thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hằng năm, tổng hợp, báo cáo cho Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch  6 tháng và cuối năm.
e)  Điều chỉnh kế hoạch
- Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung theo đề nghị bằng văn bản có kèm theo giải trình của các Bộ, ngành, tổ chức và cá nhân. Nội dung điều chỉnh kế hoạch có thể bao gồm điều chỉnh về tiến độ, điều chỉnh về nội dung, điều chỉnh về kinh phí hoặc rút khỏi kế hoạch. 
- Việc điều chỉnh kế hoạch được thực hiện khi có sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trình tự điều chỉnh kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện như sau:
+ Các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân gửi đề nghị điều chỉnh kế hoạch hằng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia kèm theo thuyết minh theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, tổng hợp;
+ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức xem xét đề nghị điều chỉnh kế hoạch, tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định và thông báo việc điều chỉnh kế hoạch  Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan và công khai trên trang tin điện tử (website) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
g) Kế hoạch bổ sung xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
Việc bổ sung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các Bộ, ngành có liên quan để đáp ứng yêu cầu cấp bách của quản lý nhà nước.
Trình tự lập và phê duyệt kế hoạch bổ sung được thực hiện tương tự như quy định tại khoản 5 của phần này.
C. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia
1. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (không bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức xây dựng dự thảo.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành) chỉ định cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc hoặc thành lập ban kỹ thuật tiêu chuẩn chuyên ngành (sau đây gọi tắt tổ chức biên soạn) để biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (sau đây viết tắt là DT TCVN).
Trình tự, thủ tục thực hiện các bước xây dựng, thẩm định và công bố TCVN được thực hiện như sau:
a) Bước 1: Dự thảo làm việc (sau đây viết tắt là DTLV)
Tổ chức biên soạn thành lập nhóm công tác để tiến hành biên soạn dự thảo tiêu chuẩn làm cơ sở Ban kỹ thuật làm việc (được gọi tắt là dự thảo làm việc).
b) Bước 2: Dự thảo Tổ chức biên soạn ( sau đây viết tắt là DT TCBS)
- Tổ chức biên soạn xem xét nội dung và gửi DTLV đi lấy ý kiến nội bộ trong tổ chức biên soạn, tổ chức hội nghị chuyên đề nội bộ để góp ý, thảo luận và hoàn thiện thành DT TCBS; viết thuyết minh cho dự thảo tiêu chuẩn.
- Tổ chức biên soạn lập hồ sơ DT TCBS để  trình Bộ, ngành quản lý xem xét.
c) Bước 3: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh DT TCVN
Các Bộ, ngành tổ chức thực hiện các công việc sau:
- Xem xét hồ sơ DT TCBS theo các tiêu chí quy định tại Điều 18 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Khi DT TCBS đáp ứng yêu cầu tối thiểu của các quy định nêu trên, chuyển nội dung, hình thức dự thảo này thành DT TCVN;
- Gửi DT TCVN đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, thông báo trên trang tin điện tử (website) của các Bộ, ngành và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo là sáu mươi ngày kể từ ngày gửi và thông báo DT TCVN;
- Họp hội nghị chuyên đề để thảo luận, góp ý cho DT TCVN;
- Giao cho tổ chức biên soạn xử lý, hoàn chỉnh lại và lập hồ sơ DT TCVN và gửi cho cơ quan đầu mối của Bộ, ngành để tổ chức thẩm xét;
- Tổ chức thẩm xét, đánh giá việc xây dựng DT TCVN của tổ chức biên soạn;
- Gửi hồ sơ DT TCVN đến Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định và công bố.
d) Bước 4: Thẩm định DT TCVN
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức việc thẩm định DT TCVN theo nội dung quy định tại Điều 18 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng thẩm định nội dung kỹ thuật của DT TCVN.
- Trường hợp chưa có Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định nội dung kỹ thuật của DT TCVN. Thành phần của Hội đồng thẩm định tương tự như thành phần của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Hội đồng sẽ tự giải tán sau khi hoàn thành việc thẩm định.
e) Bước 5: Công bố tiêu chuẩn quốc gia
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định  như sau:
- Khi kết quả thẩm định về cơ bản nhất trí với DT TCVN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia;
- Khi kết quả thẩm định xác định DT TCVN  có nhiều điểm chưa đáp ứng các yêu cầu thẩm định, tổ chức biên soạn tiêu chuẩn quốc gia tiến hành xử lý, thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ để hoàn chỉnh DT TCVN và chuyển cho Bộ Khoa học và Công nghệ để ra quyết định công bố;
- Trường hợp chưa có sự nhất trí với kết quả thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp những ý kiến khác nhau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc công bố tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
g) Để việc xây dựng DT TCVN đáp ứng yêu cầu về tiến độ và nghiệp vụ xây dựng TCVN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hỗ trợ nghiệp vụ và tham gia vào quá trình xây dựng DT TCVN khi được các Bộ, ngành yêu cầu.
2. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên cơ sở dự thảo tiêu chuẩn do  tổ chức, cá nhân đề nghị .
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao Ban kỹ thuật tương ứng triển khai việc xây dựng DT TCVN trên cơ sở các dự thảo do các tổ chức, cá nhân đề nghị. Trường hợp chưa có điều kiện thành lập ban kỹ thuật tương ứng, để đảm bảo thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập nhóm đặc trách lâm thời để thực hiện việc xây dựng DT BKT.
Trình tự, thủ tục thực hiện các bước xây dựng, thẩm định và công bố TCVN được thực hiện như sau:
a) Bước 1: Dự thảo làm việc (DT LV)
Dự thảo đề nghị của tổ chức, cá nhân (dự thảo tiêu chuẩn do các tổ chức, cá nhân tự biên soạn hoặc tiêu chuẩn có sẵn) được coi là DTLV.
Trường hợp có nhiều dự thảo của các tổ chức, cá nhân cùng đề nghị cho một đối tượng, nội dung tiêu chuẩn hoá, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia thành lập nhóm công tác để biên soạn DTLV trên cơ sở các dự thảo đề nghị nêu trên.
b) Bước 2: Dự thảo Ban kỹ thuật ( sau đây viết tắt là DT BKT)
- Ban kỹ thuật xem xét nội dung và gửi DTLV đi lấy ý kiến nội bộ trong Ban kỹ thuật; tổ chức hội nghị chuyên đề nội bộ để góp ý, thảo luận và hoàn thiện thành DT BKT; viết thuyết minh cho dự thảo tiêu chuẩn.
- Ban kỹ thuật lập hồ sơ DT BKT để trình Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét.
c) Bước 3: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh DT TCVN
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thực hiện các công việc sau:
+ Xem xét hồ sơ DT BKT theo các tiêu chí quy định tại Điều 18 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Khi DT BKT đáp ứng yêu cầu tối thiểu của các quy định nêu trên, chuyển thành DT TCVN;
+ Gửi DT TCVN đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, thông báo trên trang tin điện tử (website) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo là sáu mươi ngày kể từ ngày gửi và thông báo DT TCVN;
+ Họp hội nghị chuyên đề để thảo luận, góp ý cho DT TCVN;
+ Giao cho Ban kỹ thuật xử lý, hoàn chỉnh lại và lập hồ sơ DT TCVN trình duyệt theo quy định;
+ Tổ chức thẩm xét, đánh giá việc xây dựng DT TCVN của Ban kỹ thuật.
- Hồ sơ DT TCVN trình duyệt được chuyển cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tổ chức thẩm định.
d) Bước 4: Thẩm định DT TCVN
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định DT TCVN theo nội dung quy định tại Điều 18 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Hội đồng thẩm định bao gồm các thành viên tương tự như thành viên của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Hội đồng sẽ tự giải tán sau khi hoàn thành việc thẩm định.
- Hội đồng thẩm định thẩm định hồ sơ DT TCVN theo trình tự, yêu cầu quy định tại điểm d, đ và e khoản 1 Điều 17 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và gửi kết quả thẩm định cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng làm thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
e) Bước 5: Công bố tiêu chuẩn quốc gia
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 17 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
3. Trình tự thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng dự thảo.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao Ban kỹ thuật tương ứng triển khai việc xây dựng DT TCVN theo kế hoạch. Trường hợp chưa có điều kiện thành lập ban kỹ thuật tương ứng, để đảm bảo thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập nhóm đặc trách lâm thời để thực hiện việc xây dựng DT BKT.
Trình tự, thủ tục thực hiện các bước xây dựng, thẩm định và công bố TCVN được thực hiện như sau:
a) Bước 1: Dự thảo làm việc (DTLV)
Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng chỉ định nhóm công tác biên soạn DTLV.
b) Các bước 2, 3, 4, 5 được thực hiện tương tự như các bước tương ứng quy định tại khoản 2 của phần này.
4. Việc trình bầy và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1-2 Xây dựng tiêu chuẩn - Phần 2: Quy định về trình bầy và thể hiện nội dung tiêu chuẩn Việt Nam.
Mẫu trình bầy các dự thảo tài liệu trong quá trình xây dựng DT TCVN được thực hiện theo hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
6. Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia được lưu giữ tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định hiện hành về lưu trữ tài liệu.
D. Rà soát định kỳ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia
1. Rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia
a) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lập danh mục các tiêu chuẩn quốc gia đến thời hạn 3 năm phải rà soát định kỳ để đưa vào kế hoạch hằng năm.
b) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức việc thực hiện rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia theo danh mục.
c) Trình tự, thủ tục rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia được quy định như  sau:
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao cho các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng thực hiện việc rà soát định kỳ;
- Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia thực hiện việc rà soát theo hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Kết quả rà soát định kỳ được lập thành các danh mục tiêu chuẩn quốc gia giữ nguyên hiệu lực, tiêu chuẩn quốc gia cần sửa đổi, bổ sung, thay thế và tiêu chuẩn quốc gia cần huỷ bỏ, kèm theo thuyết minh;
- Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gửi kết quả rà soát cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, gửi đi lấy ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan;
 - Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia xử lý ý kiến góp ý, lập hồ sơ rà soát tiêu chuẩn gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
d) Trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của các Bộ, ngành để phục vụ cho nhu cầu cấp bách của quản lý và sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định việc rà soát tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện sớm hơn định kỳ ba năm.
e) Hồ sơ rà soát tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:
- Kết quả rà soát và kiến nghị;
- Ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Tờ trình của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia
a) Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia phải được đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hằng năm theo quy định tại khoản 4 phần B Mục II của Thông tư này.
b) Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương tự như quy định tại khoản 1, 2, 3 Phần C Thông tư này.
c) Kết quả của việc sửa đổi, bổ sung là quyết định công bố bản sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn quốc gia.
3. Huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia
a) Việc huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở kết quả rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt được thực hiện theo quy định tại khoản 1 phần này.
b) Việc huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân được thực hiện như sau:
- Các Bộ, ngành lập và gửi hồ sơ đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét và tổ chức thẩm định;
- Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý và trình kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia lên Bộ Khoa học và Công nghệ để phê duyệt và công bố.
c) Hồ sơ huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia do các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đề nghị bao gồm:
- Bản tiêu chuẩn quốc gia đề nghị huỷ bỏ;
- Công văn đề nghị của Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân;
- Bản thuyết minh (lý do, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học);
- Ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Tờ trình của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Khoa học và Công nghệ công bố huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo trên trang tin điện tử (web site) về các tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố huỷ bỏ.
Thông tin về quyết định huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia được đăng trên tạp chí chính thức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
4. Ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia được quy định cụ thể như sau:
a) Ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia bao gồm số hiệu, năm công bố tiêu chuẩn đứng sau cụm từ TCVN và được phân cách bằng dấu hai chấm (:).
Ví dụ: ký hiệu TCVN 4980: 2006 là ký hiệu của tiêu chuẩn quốc gia có số hiệu là 4980, được công bố năm 2006.
b) Trường hợp tiêu chuẩn quốc gia hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, ký hiệu tiêu chuẩn gồm ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia và ký hiệu tiêu chuẩn quốc tế, cách nhau khoảng trống một ký tự.
Ví dụ: TCVN 111: 2006 ISO 15: 1998
Ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia được trình bầy trên trang bìa như sau:
- Phần 1 của ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia nằm ở trên bao gồm ký hiệu như quy định trong điểm a) mục 4 của phần này.
- Phần 2 của ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia nằm ở dưới bao gồm ký hiệu đầy đủ của tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận hoàn toàn thành tiêu chuẩn quốc gia.
Ví dụ: ký hiệu  TCVN 111: 2006
                           ISO 15: 1998        là ký hiệu của tiêu chuẩn quốc gia có số hiệu là 111 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế ISO 15:1998, và được công bố năm 2006.      
Trường hợp đặc biệt, khi tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế ISO về hệ thống quản lý (ISO 9000, ISO 14000, ISO 18000 và các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý khác), ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia bao gồm ký hiệu TCVN đứng trước, ký hiệu ISO đứng sau một ký tự, sau đó là số hiệu tiêu chuẩn ISO được chấp nhận và năm ban hành tiêu chuẩn quốc gia được phân cách bằng dấu hai chấm (:).
Ví dụ: ký hiệu TCVN ISO 14001: 2006 là ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường, và được công bố vào năm 2006.
c) Ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia thay thế bao gồm số hiệu của tiêu chuẩn quốc gia được thay thế và năm công bố được phân cách bằng dấu hai chấm (:) và được đặt sau  ký hiệu TCVN.
Ví dụ: ký hiệu TCVN 289: 2006 là ký hiệu của tiêu chuẩn quốc gia thay thế tiêu chuẩn TCVN 289: 2000 và được công bố năm 2006.
Trường hợp một tiêu chuẩn quốc gia thay thế nhiều tiêu chuẩn quốc gia hoặc một phần của một tiêu chuẩn quốc gia khác thì ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia thay thế mang số hiệu mới.
d) Ký hiệu bản sửa đổi của tiêu chuẩn quốc gia bao gồm chữ SĐ kèm theo số thứ tự lần sửa đổi và năm công bố được phân cách bằng dấu hai chấm (:) đứng trước ký hiệu tiêu chuẩn quốc gia được sửa đổi.
Ví dụ: SĐ 1: 2006 TCVN 789:2005 là ký hiệu bản sửa đổi lần thứ nhất của TCVN 789:2005 được thực hiện vào năm 2006.
5. Ký hiệu tiêu chuẩn và tên đầy đủ của tiêu chuẩn phải được thể hiện tại quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia
6. Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia được lưu giữ tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định hiện hành về lưu trữ tài liệu.
E. Thông báo, xuất bản và phát hành, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia
1. Thông báo
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo về việc công bố, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ  tiêu chuẩn quốc gia trên tạp chí chính thức, trang thông tin điện tử (website) của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các phương tiện thông tin thích hợp khác, sau khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định.
2. Xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia
a) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố.
b) Tiêu chuẩn quốc gia được xuất bản, phát hành dưới dạng bản giấy và có thể dưới dạng bản điện tử.
c) Nội dung sửa đổi, bổ sung của tiêu chuẩn quốc gia có thể được in rời cho đến khi tái bản tiêu chuẩn đó.
d) Tổ chức, cá nhân muốn xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia phải được sự đồng ý của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
3. Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia
a) Các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đã được công bố. b) Việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia cần được thực hiện đối với các đối tượng chính sử dụng tiêu chuẩn quốc gia thông qua các hình thức thích hợp như hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hình thức khác.
 
MỤC III. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA, TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ, TIÊU CHUẨN KHU VỰC VÀ TIÊU CHUẨN NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM
A. Phương thức và biện pháp áp dụng tiêu chuẩn quốc gia
1. Phương thức áp dụng tiêu chuẩn quốc gia
.........

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Toàn văn Dự thảo thông tư hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn

Ngày nhập

09/05/2007

Đã xem

1877 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Khoa học và Công nghệ

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com