Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thu, quản lý, sử dụng, quyết toán và cơ chế tài chính ngồn thu phí bảo đảm hàng hải của tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam
Ngày đăng: 22:43 23-06-2011 | 1457 lượt xem
Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo
Bộ Tài chính
Trạng thái
Đã xong
Đối tượng chịu tác động
Phạm vi điều chỉnh
Tóm lược dự thảo
BỘ TÀI CHÍNH Số: /2011/TT-BTC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2011 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, QUYẾT TOÁN VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH NGUỒN THU PHÍ BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM.
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
Căn cứ Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Quyết định số 65/2006/QĐ-BTC ngày 14/11/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành mức trích nộp phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác.
Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải tại công văn số ................Bộ Tài chính hướng dẫn về thu, quản lý, sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải cảng Cẩm Phả như sau:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi thực hiện Thông tư này bao gồm:
1. Đối tượng thực hiện của Thông tư này là Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin (sau đây gọi là Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả), được Nhà nước giao đầu tư quản lý và khai thác tuyến luồng hàng hải Cẩm Phả.
2. Phạm vi áp dụng của Thông tư này là phí bảo đảm hàng hải luồng cảng Cẩm Phả thuộc nguồn thu của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả. Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả thực hiện nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính đối với hoạt động công ích bảo đảm hàng hải tuyến luồng chuyên dùng.
Điều 2. Lập kế hoạch, giao kế hoạch phí bảo đảm hàng hải tuyến luồng hàng hải cảng Cẩm Phả.
1. Lập kế hoạch: Hàng năm, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của tuyến luồng hàng hải cảng Cẩm Phả, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá qua luồng cảng Cẩm Phả; các định mức chi theo chế độ quy định. Công ty kho vận và Cảng Cẩm Phả lập kế hoạch thu, chi phí bảo đảm an toàn hàng hải; kế hoạch đầu tư gửi Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Bộ Tài chính.
2. Giao kế hoạch: Căn cứ vào kế hoạch thu, chi phí bảo đảm hàng hải và kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mua sắm thiết bị tài sản cho hoạt động bảo đảm hàng hải do Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả lập. Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thẩm định tổng hợp và giao kế hoạch sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Nội dung giao kế hoạch gồm:
- Kế hoạch thu phí bảo đảm hàng hải.
- Kế hoạch chi phí bảo đảm hàng hải, trong đó:
+ Số đóng góp vào công tác bảo đảm hàng hải chung quốc gia.
+ Thuế GTGT phải nộp.
+ Các khoản chi thường xuyên phí bảo đảm hàng hải.
+ Thuế TNDN phải nộp.
- Chênh lệch thu - chi sau khi nộp thuế TNDN
Số liệu cụ thể trên được lập theo biểu ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Nguồn thu phí bảo đảm hàng hải.
1. Phí bảo đảm hàng hải luồng chuyên dùng là khoản thu phí quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí. Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả được giao thu, quản lý và sử dụng theo quy định.
2. Phí Bảo đảm an toàn hàng hải do Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả thu hoặc ủy quyền cho Cảng vụ Quảng Ninh thu hộ, Cảng vụ Quảng Ninh được hưởng khoản phí ủy quyền thu hộ theo tỷ lệ (%) trên số thu được phí bảo đảm hàng hải theo quy định của Bộ Tài chính. Sử dụng hóa đơn thu phí theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả chịu trách nhiệm việc tổ chức thu phí bảo đảm hàng hải theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ, kịp thời.
Điều 4. Chi phí bảo đảm an toàn hàng hải
Phí bảo đảm an toàn hàng hải thu được, được sử dụng như sau:
1. Nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế GTGT.
2. Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả có trách nhiệm trích nộp 30% tổng số thu phí bảo đảm hàng hải hàng năm tại luồng chuyên dùng Cẩm Phả để đóng góp vào công tác bảo đảm hàng hải chung quốc gia theo Quyết định số 65/2006/QĐ-BTC ngày 14/11/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành mức trích nộp phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hành hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác, số chi này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Chi phí cho hoạt động cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải là các chi phí để thực hiện công tác bảo đảm hàng hải thường xuyên và không thường xuyên theo các nội dung quy định của Nhà nước gồm:
- Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng.
- Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo quy định.
- Chi khấu hao tài sản cố định.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài.
- Các khoản chi phí khác có liên quan đến công tác bảo đảm hàng hải được thực hiện trên hệ thống luồng hàng hải và hệ thống đèn biển do Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả quản lý, khai thác bao gồm: Vận hành hệ thống đèn biển; Vận hành hệ thống luồng hàng hải; Khảo sát, ra thông báo hàng hải; Sửa chữa công trình, tài sản bảo đảm an toàn hàng hải; Nạo vét, duy tu luồng hàng hải để đảm bảo độ sâu của luồng theo chuẩn tắc thiết kế ban đầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm công tác nạo vét đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải); Nhiệm vụ đột xuất khác để đảm bảo hàng hải.
- Chi cho Cảng vụ Quảng Ninh đối với công tác thu hộ phí đảm bảo hàng hải (nếu có).
Các khoản chi phí bảo đảm hàng hải phục vụ cho công tác bảo đảm hàng hải phải nằm trong kế hoạch hàng năm được duyệt, các định mức kinh tế kỹ thuật thực hiện theo quy định. Trên cơ sở khối lượng dịch vụ bảo đảm hàng hải và theo đơn giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành, có hoá đơn chứng từ hợp lý hợp lệ theo quy định.
Trình tự thủ tục xây dựng, thẩm định và quyết định đơn giá cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ.
4. Cơ sở để nghiệm thu khối lượng cung ứng dịch vụ công ích gồm:
- Khối lượng thực hiện dịch vụ bảo đảm hàng hải hoàn thành trong năm kế hoạch được giao.
- Thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổng dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Hệ thống định mức, đơn giá và các quy định do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, các tài liệu khác có liên quan đến việc cung ứng và chi phí cho dịch vụ.
- Biên bản nghiệm thu, thể hiện các nội dung như trong kế hoạch cung ứng dịch vụ đã giao
- Cơ quan nghiệm thu: Tập đoàn Công nghiệp than- Khoáng sản Việt Nam tổ chức nghiệm thu.
Điều 5. Quyết toán phí bảo đảm an toàn hàng hải
1. Lập báo cáo quyết toán.
a. Hàng năm Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả lập báo cáo quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải, báo cáo tài chính của Công ty phải được tách riêng cụ thể chi tiết hoạt động dịch vụ bảo đảm hàng hải và phải được kiểm toán theo chế độ quy định. Nội dung báo cáo quyết toán gồm:
- Tổng số kinh phí thu được phí dịch vụ.
- Tổng số chi:
+ Nộp thuế GTGT
+ Số kinh phí phải trích nộp để đóng góp vào công tác bảo đảm hàng hải chung quốc gia.
+ Số chi cho hoạt động thường xuyên bảo đảm hàng hải trong năm kế hoạch.
+ Tổng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước trong năm.
- Chênh lệch thu-chi hoạt động dịch vụ công ích bảo đảm hàng hải.
b. Giám đốc Công ty kho vận và Cảng Cẩm Phả chịu trách nhiệm về số liệu, kết quả và các nội trong báo cáo tài chính và chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan tài chính, cơ quan thuế theo quy định của Pháp luật hiện hành.
d. Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả có trách nhiệm lưu trữ số sách, chứng từ, tài liệu có liên quan trức tiếp đến hoạt động thu chi phí bảo đảm hàng hải theo quy định hiện hành để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan.
2. Gửi báo cáo quyết toán:
a. Trong phạm vi 45 ngày sau khi kết thúc năm tài chính, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả phải gửi báo cáo quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải về Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Bộ Tài chính. Báo cáo quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải phải phản ánh đầy đủ, trung thực số liệu tại thời điểm lập báo cáo, tình hình thu, chi, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.
3. Kiểm tra, giám sát hoạt động thu, chi phí bảo đảm an toàn hàng hải.
a. Trong phạm vi 45 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải của Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả. Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải.
Các khoản chi không đúng chế độ, chi sai quy định, các khoản chi không có chứng từ hợp lý hợp lệ đều phải xuất toán, người nào ra lệnh chi sai phải bồi hoàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
b. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ra Thông báo phê duyệt quyết toán kinh phí bảo đảm hàng hải cho Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả và gửi cho Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Điều 6. Quản lý, sử dụng chênh lệch thu, chi phí đảm bảo an toàn hàng hải.
1. Tổng số phí bảo đảm hàng hải thu được hàng năm, sau khi trừ đi khoản nộp vào công tác bảo đảm hàng hải chung quốc gia theo quy định; trừ đi các khoản chi thường xuyên, chênh lệch còn lại Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, số còn lại sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được hạch toán toàn bộ vào quỹ Đầu tư phát triển để đầu tư lại cho tuyến luồng, mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo đảm hàng hải.
2. Việc quản lý, sử dụng, đầu tư, quyết toán Quỹ đầu tư phát triển để phục vụ công tác đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ cho luồng hàng hải cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản.
3. Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp tình hình trích lập, quản lý, sử dụng quỹ đầu tư phát triển từ nguồn chênh lệch thu-chi phí bảo đảm hàng hải hàng năm báo cáo Bộ Tài chính để giám sát.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Ngoài những quy định tại thông tư này, công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả còn phải thực hiện các quy định khác của Pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị Công ty kho vận và Cảng Cẩm Phả- Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Lĩnh vực liên quan
Thông tin tài liệu
Số lượng file
Cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính
Loại tài liệu Thông tư
Đăng nhập để theo dõi dự thảoÝ kiến của VCCI
- Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.
Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )
Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com
Bạn vui lòng đăng nhập để gửi ý kiến của mình
Đăng nhậpNếu chưa có tài khoản VIBonline vui lòng đăng ký tại đây.