Theo dõi (0)

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Ngày đăng: 15:07 24-02-2011 | 1601 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Tư pháp

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

BỘ TƯ PHÁP

Số: /2011/TT-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày tháng năm 2011

THÔNG TƯ
Về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch (sau đây được gọi tắt là văn bản).

Điều 2. Thể thức của văn bản

Thể thức văn bản quy định tại Thông tư này là cách thức thể hiện của văn bản, bao gồm phần mở đầu, phần nội dung và phần kết thúc.

Điều 3. Kỹ thuật trình bày văn bản

Kỹ thuật trình bày văn bản quy định tại Thông tư này bao gồm kỹ thuật trình bày bố cục văn bản và kỹ thuật trình bày hình thức văn bản.

Kỹ thuật trình bày bố cục văn bản gồm kỹ thuật trình bày bố cục chung của văn bản; kỹ thuật trình bày bố cục phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; cách đặt câu, cách sử dụng ngôn ngữ trong văn bản.

Kỹ thuật trình bày hình thức văn bản được thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II. THỂ THỨC VĂN BẢN

Mục 1

TRÌNH BÀY PHẦN MỞ ĐẦU VĂN BẢN

Điều 4. Phần mở đầu văn bản

Phần mở đầu của văn bản bao gồm Quốc hiệu, tên cơ quan ban hành, số, ký hiệu văn bản, địa danh, ngày, tháng, năm ban hành, tên văn bản và căn cứ ban hành.

Đối với quy chế, quy định được ban hành kèm theo nghị định, quyết định, thông tư thì phần mở đầu của văn bản gồm Quốc hiệu, tên cơ quan ban hành, tên văn bản. Dưới tên văn bản có chú thích về việc ban hành văn bản kèm theo nghị định, quyết định, thông tư.

Điều 5. Trình bày Quốc hiệu

Quốc hiệu ghi trên văn bản bao gồm 2 dòng chữ: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Điều 6. Trình bày tên cơ quan ban hành văn bản

Tên cơ quan ban hành văn bản là tên của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản căn cứ theo quy định của pháp luật. Tên cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải là tên gọi chính thức và phải được ghi đầy đủ.

Điều 7. Trình bày số, ký hiệu văn bản

1. Số, ký hiệu của văn bản phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản và được trình bày ngay dưới tên cơ quan ban hành văn bản.

2. Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo thứ tự như sau: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản-tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản.

3. Số của văn bản được ghi bằng chữ số ả-rập, gồm số thứ tự đăng ký được đánh theo từng loại văn bản do cơ quan ban hành trong một năm và năm ban hành văn bản đó; bắt đầu từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm; năm ban hành phải ghi đầy đủ các số.

4. Ký hiệu của văn bản gồm chữ viết tắt tên loại văn bản và chữ viết tắt tên cơ quan hoặc chức danh nhà nước của người có thẩm quyền ban hành văn bản (ví dụ: Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ).

Chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu.

Điều 8. Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản

1. Địa danh ghi trên văn bản là tên gọi chính thức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi cơ quan ban hành văn bản đóng trụ sở.

2. Ngày, tháng, năm ban hành văn bản là ngày, tháng, năm văn bản được ký ban hành. Ngày, tháng, năm ban hành văn bản phải được viết đầy đủ; các số chỉ ngày, tháng, năm dùng chữ số ả-rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 ở trước.

Điều 9. Trình bày tên văn bản

1. Tên văn bản gồm tên loại và tên gọi của văn bản.

2. Tên loại văn bản là tên của từng loại văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Tên gọi của văn bản là một câu ngắn gọn hoặc một cụm từ, phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản.

4. Đối với quy chế/quy định được ban hành kèm theo nghị định, quyết định, thông tư thì dưới tên văn bản có chú thích về việc ban hành văn bản kèm theo nghị định, quyết định, thông tư.

Điều 10. Căn cứ ban hành văn bản

Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố/ký ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn có điều, khoản ủy quyền quy định chi tiết thì tại văn bản quy định chi tiết phải nêu cụ thể điều, khoản đó tại phần căn cứ ban hành văn bản đó.

Mục 2

TRÌNH BÀY PHẦN NỘI DUNG VĂN BẢN

Điều 11. Bố cục của văn bản

1. Tùy theo nội dung, văn bản có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm.

2. Phần, chương, mục, điều trong văn bản phải có tiêu đề. Tiêu đề là cụm từ chỉ nội dung chính của phần, chương, mục, điều.

Điều 12. Văn bản ban hành có kèm theo quy chế/ quy định

1. Trường hợp văn bản được ban hành kèm theo quy chế/ quy định thì văn bản được chia làm hai phần gồm phần nghị định, quyết định, thông tư và phần quy chế/quy định.

Phần nghị định, quyết định, thông tư chứa đựng các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, tổ chức thực hiện và hiệu lực của văn bản. Phần quy chế/quy định chứa đựng các nội dung cụ thể của văn bản.

2. Tùy theo nội dung, phần quy chế/quy định ban hành kèm theo nghị định, quyết định, thông tư có thể bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm.

Mục 3

TRÌNH BÀY PHẦN KẾT THÚC VĂN BẢN

Điều 13. Trình bày phần kết thúc của văn bản

Phần kết thúc của văn bản gồm chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản; dấu của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nơi nhận văn bản.

Điều 14. Trình bày chữ ký văn bản

1. Đối với nghị định của Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành và phải ghi chữ viết tắt “TM.” (thay mặt) vào trước từ "Chính phủ".

2. Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ký ban hành.

3. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền cho cấp phó ký ban hành văn bản thì phải ghi chữ viết tắt “KT.” (ký thay) vào trước chức vụ của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản.

4. Chức vụ, họ tên của người ký ban hành văn bản phải được thể hiện đầy đủ trong văn bản.

Đối với văn bản liên tịch thì phải ghi rõ chức vụ và tên cơ quan của người ký ban hành văn bản.

Điều 15. Dấu của cơ quan ban hành văn bản

Dấu của cơ quan ban hành văn bản chỉ được đóng vào văn bản sau khi người có thẩm quyền ký văn bản.

Điều 16. Nơi nhận

Nơi nhận văn bản phải được xác định cụ thể căn cứ vào quy định của pháp luật; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; căn cứ vào yêu cầu giải quyết công việc.

Chương III

KỸ THUẬT TRÌNH BÀY VĂN BẢN

Điều 17. Trình bày bố cục của văn bản

1. Việc sắp xếp các quy định về cùng một vấn đề trong phần, chương, mục phải bảo đảm nguyên tắc:

a) Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể;

b) Quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục;

c) Quy định về quyền và nghĩa vụ trước quy định về chế tài;

d) Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù;

đ) Quy định chung được trình bày trước quy định ngoại lệ.

2. Văn bản có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm. Việc trình bày bố cục của văn bản phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Phần là bố cục lớn nhất được trình bày trong văn bản, nội dung của các phần trong văn bản phải độc lập với nhau. Phần có thể được trình bày theo chương, mục;

b) Chương là bố cục lớn thứ hai được trình bày trong văn bản, các chương trong văn bản phải có nội dung tương đối độc lập và có tính hệ thống, lô gích với nhau. Chương có thể được trình bày theo mục, điều;

c) Mục là bố cục lớn thứ ba được trình bày trong văn bản, việc phân chia các mục theo nội dung tương đối độc lập, có tính hệ thống và lô gích với nhau. Mục có thể được sử dụng trong chương có nhiều nội dung, điều; nội dung của mục được trình bày theo điều;

d) Điều có thể được được trình bày theo khoản, điểm. Nội dung của từng điều phải thể hiện đầy đủ, trọn ý và trọn câu, đúng ngữ pháp;

đ) Khoản có thể được bố cục trong điều. Khoản được sử dụng trong trường hợp nội dung của điều có các ý tương đối độc lập với nhau, nội dung mỗi khoản phải được thể hiện đầy đủ một ý; mỗi khoản phải viết đầy đủ thành câu.

e) Điểm có thể được bố cục trong điều, khoản. Điểm được sử dụng trong trường hợp nội dung điều, khoản có nhiều ý khác nhau.

Điều 18. Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản

1. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; từ ngữ được sử dụng phải là từ ngữ phổ thông.

2. Không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục; không sử dụng từ ngữ nước ngoài.

Trong trường hợp cần phải sử dụng từ ngữ nước ngoài do không có tiếng Việt thay thế, thì phải phiên âm sang tiếng Việt; việc phiên âm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Sử dụng từ ngữ đúng chức năng

1. Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết; cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu.

2. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích.

3. Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó trong văn bản.

Điều 20. Sử dụng từ ngữ đúng nghĩa

1. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản.

2. Từ nghi vấn, các biện pháp tu từ không sử dụng trong văn bản.

3. Từ ngữ phải được sử dụng thống nhất trong văn bản.

Điều 21. Câu văn trong văn bản

1. Câu văn phải đầy đủ về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức và bảo đảm tính liên kết giữa các bộ phận của câu văn.

2. Các quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác.

3. Câu văn phải ngắn gọn, trong sáng; không dùng từ thừa trong câu.

4. Câu nghi vấn và câu cảm thán không sử dụng trong văn bản.

Điều 22. Dấu câu trong văn bản

Việc sử dụng dấu câu trong văn bản phải tuân thủ các nguyên tắc chính tả của tiếng Việt. Không được sử dụng dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu chấm lửng trong văn bản.

Điều 23. Trình bày số trong văn bản

1. Số trong văn bản phải được thể hiện bằng chữ, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Số ở phần mở đầu, phần kết thúc văn bản; số là số thứ tự của đơn vị bố cục mục, điều, khoản; số chỉ độ dài của thời hạn, số chỉ thời điểm, số chỉ số lượng của đơn vị đo lường được thể hiện bằng số ả-rập.

Đơn vị bố cục chương được thể hiện bằng số La Mã.

Điều 24. Trình bày đơn vị đo lường

Đơn vị đo lường trong văn bản được thể hiện bằng chữ.

Ký hiệu của đơn vị đo lường được ghi liền sau và đặt trong dấu ngoặc đơn.

Tên và ký hiệu của các đơn vị đo lường được thể hiện thống nhất theo quy định về đo lường.

Điều 25. Trình bày thời hạn, thời điểm

1. Trường hợp thời hạn được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, năm thì thời hạn được trình bày bằng số chỉ độ dài của thời hạn và đơn vị thời hạn.

2. Trường hợp thời điểm được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, năm thì thời điểm được trình bày bằng số chỉ thời điểm và đơn vị thời điểm.

3. Đơn vị thời hạn, đơn vị thời điểm được thể hiện bằng chữ và được trình bày liền sau số chỉ độ dài của thời hạn, số chỉ thời điểm.

Điều 26. Trình bày các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Chương quy định về Điều khoản thi hành/ Điều khoản thi hành

1. Trong trường hợp văn bản được ban hành có nội dung sửa đổi, bổ sung điều, khoản, điểm, cụm từ của các văn bản khác thì các nội dung này được trình bày tại Chương Điều khoản thi hành/ Điều khoản thi hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung có thể bố cục thành các điều, khoản, điểm tùy theo phạm vi và mức độ sửa đổi, bổ sung.

2. Tại nội dung sửa đổi, bổ sung phải xác định rõ điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Điều 27. Trình bày điều khoản chuyển tiếp

1. Quy định chuyển tiếp được sử dụng trong văn bản nhằm xử lý các mối quan hệ pháp lý đang tồn tại trước khi văn bản được ban hành. Quy định chuyển tiếp được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Bảo vệ quyền cơ bản của công dân;

b) Bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước;

c) Bảo vệ lợi ích kinh tế của nhà nước, xã hội và công dân;

d) Không cần thiết phải áp dụng ngay lập tức các quy định của văn bản mới đối với các quan hệ pháp lý đang tồn tại trước đó.

2. Quy định chuyển tiếp được quy định thành điều riêng tại phần cuối cùng của văn bản, được đặt tên là “quy định chuyển tiếp”.

Điều 28. Trình bày hiệu lực thi hành

Tên văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản bị thay thế, bãi bỏ phải được liệt kê cụ thể tại điều quy định về hiệu lực thi hành của văn bản. Trường hợp các văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản bị thay thế, bãi bỏ quá nhiều thì phải được lập thành danh mục ban hành kèm theo.

Điều 29. Kỹ thuật viện dẫn văn bản

1. Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại, số, ký hiệu văn bản; tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

2. Trong trường hợp viện dẫn phần, chương, mục của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định cụ thể phần, chương, mục của văn bản đó.

3. Trong trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ đơn vị bố cục phần, chương, mục có chứa điều, khoản, điểm đó.

4. Trong trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn từ khoản, điểm này đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, điều này đến mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản.

Chương IV

TRÌNH BÀY VĂN BẢN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Mục 1

TRÌNH BÀY VĂN BẢN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

Điều 30. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều

1. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều là văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế một hoặc một số quy định của văn bản hiện hành sau khi được ban hành.

2. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều phải xác định rõ chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Điều 31. Tên của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều

Tên của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều gồm tên loại văn bản có kèm theo cụm từ “sửa đổi, bổ sung một số điều của” và tên đầy đủ của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Điều 32. Bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều

1. Nội dung văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của một văn bản được bố cục thành 4 điều: điều 1 quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung; điều 2 quy định về việc hủy bỏ, bãi bỏ hoặc thay đổi từ ngữ liên quan đến nhiều điều, khoản trong văn bản hiện hành; điều 3 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện (nếu có) và điều 4 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản.

2. Các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản của văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Điều 33. Cách đánh số thứ tự của điều, khoản bổ sung

Việc đánh số thứ tự của điều, khoản bổ sung được thực hiện như sau:

1. Căn cứ vào nội dung bổ sung để xác định vị trí của điều, khoản bổ sung trong văn bản hiện hành;

2. Đánh số thứ tự của điều, khoản bổ sung bằng cách ghi kèm chữ cái theo bảng chữ cái tiếng Việt vào sau số chỉ điều, khoản đứng liền trước đó.

3. Số thứ tự của chương, mục, điều, khoản được bổ sung được thể hiện gồm phần số và phần chữ. Phần số được thể hiện theo số thứ tự của chương, mục, điều, khoản trong văn bản được sửa đổi, bổ sung. Phần chữ được sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Số thứ tự của điểm được bổ sung được thể hiện gồm phần chữ và phần số. Phần chữ được thể hiện theo thứ tự của điểm trong văn bản được sửa đổi, bổ sung. Phần số được sắp xếp theo thứ tự bắt đầu từ số 1.

Điều 34. Trật tự các điều, khoản của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều

Việc trình bày văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều không được làm thay đổi trật tự các điều, khoản không bị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế của văn bản hiện hành.

Mục 2

TRÌNH BÀY VĂN BẢN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NHIỀU VĂN BẢN

Điều 35. Văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

Văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản là văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế đồng thời các quy định của nhiều văn bản có liên quan.

Điều 36. Tên của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

Tuỳ theo nội dung được sửa đổi, bổ sung, tên của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản được thể hiện như sau:

Hình thức văn bản (ví dụ: nghị định/thông tư) kèm theo cụm từ “sửa đổi, bổ sung một số điều của" văn bản được sửa đổi, bổ sung (ví dụ: nghị định/thông tư) có cùng nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan được khái quát hoá (ví dụ: liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản) hoặc liệt kê cụ thể tên văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Điều 37. Bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

1. Tùy theo nội dung, văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có thể bố cục thành các điều khác nhau, mỗi điều chứa đựng nội dung được sửa đổi, bổ sung của một văn bản, trừ điều cuối cùng quy định về trách nhiệm/ tổ chức thực hiện/ thời điểm có hiệu lực của chính văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản đó.

2. Nội dung các điều, khoản của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản phải xác định rõ tên văn bản, điều, khoản, điểm của các văn bản liên quan được sửa đổi, bổ sung.

Tên điều của văn bản là mệnh lệnh chỉ dẫn việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế của từng văn bản cụ thể.

3. Điều của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có thể được bố cục thành khoản; khoản có thể được bố cục thành các điểm.

4. Khoản gồm mệnh lệnh chỉ dẫn việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế chương, mục, điều, khoản, điểm kèm theo nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế.

5. Nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản của văn bản được sửa đổi, bổ sung.



Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Thay thế các quy định hiện hành

Các quy định tại Thông tư này thay thế các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản đối với văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ ngày 6/5/2005 hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày.... tháng.... năm 2011./.

BỘ TRƯỞNG



Hà Hùng Cường



Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo các phục lục đi kèm Thông tưhướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Ngày nhập

24/02/2011

Đã xem

1601 lượt xem

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ngày 16/02/2011

Ngày nhập

24/02/2011

Đã xem

1601 lượt xem

Dự thảo Tờ trình Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Ngày nhập

24/02/2011

Đã xem

1601 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 3

Cơ quan soạn thảo Bộ Tư pháp

Loại tài liệu Thông tư

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

  • Hiện tại, VCCI chưa có ý kiến về văn bản này. Vui lòng đăng ký theo dõi dự thảo để nhận thông tin khi VCCI có ý kiến.

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com